DMagazine

Đối diện với nỗi sợ lớn nhất, doanh nghiệp xoay xở tìm lối đi

(Dân trí) - Duy trì "3 tại chỗ" rất tốn kém. Nhưng với doanh nghiệp, vấn đề hiện tại không nằm ở lỗ lãi nữa mà điều doanh nghiệp sợ nhất là vi phạm hợp đồng, mất khách hàng, mất uy tín, lao động thất nghiệp...

Đứng trước khó khăn, nhiều doanh nghiệp cho biết cố gắng suy nghĩ tích cực hơn, nỗ lực không ngừng, bằng mọi cách xoay xở để duy trì sản xuất. Doanh nghiệp không còn cách nào khác là phải giữ vững tinh thần trong đại dịch vì liên quan đến sống còn của một doanh nghiệp, của một tập thể...

ĐỐI DIỆN VỚI NỖI SỢ LỚN, DOANH NGHIỆP TÌM CÁCH VƯỢT KHÓ

"Duy trì " 3 tại chỗ" rất tốn kém. Nhưng vấn đề với doanh nghiệp hiện tại không nằm ở lỗ lãi nữa. Điều mà chúng tôi lo nhất, sợ nhất là vi phạm hợp đồng, mất khách hàng, mất uy tín trên thị trường quốc tế, người lao động thất nghiệp, bơ vơ...", ông Trần Văn Lĩnh, chủ một doanh nghiệp thủy sản lớn ở Đà Nẵng chia sẻ với Dân trí khi được hỏi về hướng đi trong đại dịch này.

Ông Lĩnh nói, với nhà máy ở Đà Nẵng hiện nay, doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án, kế hoạch để kịp thời ứng biến. "Khi chính quyền yêu cầu là chúng tôi sẵn sàng, chủ động thực hiện để duy trì sản xuất với mô hình "3 tại chỗ". Chúng tôi cũng lên phương án thuê khách sạn cho người lao động để thực hiện "hai điểm đến một cung đường" khi cơ sở vật chất trong nhà máy không đủ được hết", ông Lĩnh cho hay.

Đối diện với nỗi sợ lớn nhất, doanh nghiệp xoay xở tìm lối đi - 1
Đối diện với nỗi sợ lớn nhất, doanh nghiệp xoay xở tìm lối đi - 2

Bà Phương - Giám đốc vận hành một công ty sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy ở Hưng Yên cũng cho biết, rất nhiều chi phí đội lên, nhưng để duy trì sản xuất, lưu thông, doanh nghiệp vẫn cố gắng xoay xở.

"Vấn đề xét nghiệm PCR Covid-19 dù tốn kém nhưng doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận. Trong thời gian chờ cơ quan chức năng cấp luồng xanh cho xe vận tải, doanh nghiệp chấp nhận thuê vận tải bên ngoài dù giá cao gấp 2-3 lần", bà Phương nói và cho rằng mọi cố gắng của doanh nghiệp cũng để tồn tại trước thách thức.

Bà Phương chia sẻ, cũng giống nhiều doanh nghiệp khác, doanh nghiệp gặp khó khăn trong vấn đề vận chuyển và cung ứng. Các yêu cầu của các đối tác nước ngoài là rất cao. Doanh nghiệp Việt để đáp ứng được yêu cầu của các đối tác này ở thời chưa có dịch đã khó, khi có dịch thì lại càng khó.

"Khi thực hiện giao hàng cho các đối tác lớn như Panasonic, LG, Yamaha..., đội ngũ nhân viên tiếp xúc với khách hàng phải có xét nghiệm PCR âm tính. Trước kia thì chỉ cần test nhanh là có thể chấp nhận được nhưng hiện tại tốc độ lây lan của dịch nhanh, phức tạp nên yêu cầu đặt ra là phải có PCR", bà Phương nói. Tuy nhiên, để có thể kịp thời giao hàng, doanh nghiệp vẫn phải cố gắng bằng mọi giá.

Đối diện với nỗi sợ lớn nhất, doanh nghiệp xoay xở tìm lối đi - 3

Bà Phương cũng cho biết, công ty cũng đang cố gắng tìm mọi cách tăng cường duy trì quan hệ với các đối tác, song song nghiên cứu thị trường, tìm kiếm đơn hàng mới, khách hàng mới.

"Trong thời gian này việc kinh doanh - sản xuất có nhiều biến động, doanh nghiệp phải bình tĩnh để tập trung phát triển dự án, đầu tư xây dựng để chuẩn bị đón đầu và tạo đà tăng trưởng khi dịch Covid-19 được kiểm soát", bà Phương chia sẻ.

"Nếu doanh nghiệp thấy tích cực thì chắc chắn sẽ nhìn mọi vấn đề trở nên "dễ thở" hơn và bằng mọi cách vượt qua khó khăn, còn nếu thấy bi quan thì mọi thứ trở nên khó khăn nhiều phần. Doanh nghiệp không còn cách nào khác là bắt buộc giữ vững tinh thần trong đại dịch vì liên quan đến sống còn của doanh nghiệp, của một tập thể", bà Phương nói.

"Trong thời gian khó khăn, doanh nghiệp chúng tôi tập trung phát triển nội tại của doanh nghiệp như nghiên cứu công nghệ, nâng cao chuẩn hóa vận hành, cải thiện năng suất lao động, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, cải thiện môi trường làm việc và các nguồn lực vô hình và hữu hình khác" - bà Phương chia sẻ cách doanh nghiệp ứng biến trước đại dịch toàn cầu - Covid-19 là thách thức cũng là dịp cho doanh nghiệp chậm lại một nhịp để rà soát và chuẩn hóa mọi thứ.

 KHÔNG THỂ ĐỂ ĐỨT CHUỖI CUNG ỨNG, HỆ LỤY SẼ RẤT LỚN

Lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, do tính chất gắn kết chặt chẽ, hữu cơ, liên tục của chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị các ngành công nghiệp trên thế giới, nếu Việt Nam không thể tận dụng cơ hội từ sự phục hồi kinh tế của các thị trường lớn và đánh mất các đơn hàng cung ứng cho các quốc gia này trong thời gian tới, từ đó gây ra sự đứt gãy của chuỗi sản xuất.

Trong trường hợp gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu, lãnh đạo Cục Công nghiệp cảnh báo việc các nhà mua hàng và sản xuất lớn sẽ tìm kiếm sự bù đắp thiếu hụt chuỗi cung ứng từ quốc gia khác. Việc quay trở lại chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ cực kỳ khó khăn và cần phải có quá trình.

Hiện các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm hơn 85% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, có tác động lan tỏa đến các ngành dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, logistics... và đặc biệt là tạo việc làm cho hàng chục triệu lao động trực tiếp cũng như gián tiếp trong các ngành nghề liên quan.

Đối diện với nỗi sợ lớn nhất, doanh nghiệp xoay xở tìm lối đi - 4

Việc đứt gãy các chuỗi giá trị và cung ứng trong các ngành sản xuất trong nước do đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an sinh xã hội cũng như kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn và dài hạn. Vì vậy theo lãnh đạo Cục Công nghiệp, việc duy trì liên tục các chuỗi giá trị và cung ứng của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là cực kỳ quan trọng trong ngắn hạn cũng như đảm bảo phát triển kinh tế đất nước trong dài hạn.

Từ phía doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, bà Phương - Giám đốc vận hành một công ty sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy ở Hưng Yên - chia sẻ: Chúng tôi đã chuẩn bị khá sẵn sàng về cơ sở vật chất cho "3 tại chỗ" và cũng đã có kinh nghiệm thực hiện trong giai đoạn một hồi tháng 5 năm nay.

"Đó là cách chúng tôi tự bảo vệ và duy trì doanh nghiệp trước nguy cơ lây nhiễm cộng đồng. Tuy nhiên, khó khăn mỗi đợt dịch lại khác nhau. Thực hiện 3 tại chỗ ở giai đoạn này đòi hỏi nhiều chuẩn mực hơn, quản lý chặt hơn để thực hiện các quy định về phòng chống dịch Covid-19 của Nhà nước. Chúng tôi vẫn luôn trong tư thế chuẩn bị, sẵn sàng", bà bày tỏ.

Với kinh nghiệm thực tế tại doanh nghiệp, COO này tự đúc rút hai nguyên nhân chính dễ dẫn đến rủi ro bùng dịch trong khu nội trú. Đầu tiên phải kể đến công tác sàng lọc ban đầu, nếu như chỉ test nhanh, chi phí thấp thì kết quả không chính xác tối đa nên dễ bỏ lọt người nhiễm. Còn nếu xét nghiệm PCR cho kết quả chính xác cao thì doanh nghiệp phải chấp nhận chi phí lớn.

Thứ hai, theo bà Phương, nhiều nhân sự phải giao dịch với khách hàng, thế nên vẫn xuất hiện kẽ hở để Covid-19 "chui" vào dù doanh nghiệp đã xét nghiệm PCR 100% trước đó.

Đối diện với nỗi sợ lớn nhất, doanh nghiệp xoay xở tìm lối đi - 5

HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP, GỠ KHÓ NỀN SẢN XUẤT 

Bên cạnh nhiều giải pháp để xoay xở mùa dịch, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình nhấn mạnh với Dân trí: Giữ chân người lao động là yếu tố rất quan trọng để đảm bảo quá trình sản xuất không bị ảnh hưởng, gián đoạn. Có nhiều doanh nghiệp vấp phải khó khăn đã vội vã sa thải người lao động, chỉ ít thời gian sau khi dịch được kiểm soát thì lại lập tức khó khăn vì thiếu hụt nhân sự.

"Doanh nghiệp cũng nên tính toán hài hòa làm sao để giữ chân người lao động, hỗ trợ chia sẻ với họ qua lúc khó khăn nhất thay vì có những phản ứng quá tiêu cực", ông Bình khuyến nghị.

Đối diện với nỗi sợ lớn nhất, doanh nghiệp xoay xở tìm lối đi - 6

Cũng theo ông Bình, thời điểm khó khăn này cũng là lúc "lột trần" tất cả điểm yếu của doanh nghiệp. "Một đến 2 tháng tới khi hình ổn định, những doanh nghiệp thích ứng nhanh sẽ tái cấu trúc lại, có các phương án phòng ngừa rủi ro. Còn nếu như doanh nghiệp "vội quên" thì sau đó cũng dễ bị động…", ông Bình chia sẻ.

Theo chuyên gia này, sức chống chịu thích ứng của doanh nghiệp Việt khá lớn. Đơn cử như ở Bắc Giang, Bắc Ninh… khi dịch được kiểm soát, nhịp độ sản xuất nhanh chóng phục hồi. Khó khăn vẫn còn nhưng khi dịch được kiểm soát, cơ hội với doanh nghiệp sẽ rất lớn nếu họ chuẩn bị tốt, thích ứng tốt. Tuy nhiên trong quá trình này, vai trò của Nhà nước là cực kỳ quan trọng. Hiện nay, các doanh nghiệp rất khó khăn trong khâu lưu thông, cần sớm xử lý được những vấn đề này với chính sách đồng nhất.

Bên cạnh những hỗ trợ về tài khóa, ông Bình cho rằng nên ưu tiên tiêm vắc xin cho hệ thống vận chuyển, logistics, người lao động khu công nghiệp… để đảm bảo cho vấn đề lưu thông, sản xuất tốt nhất. 

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cũng cho biết, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phản ánh khó khăn trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa.

Việc tắc nghẽn lưu thông, theo ông, cũng như tắc mạch máu trong cơ thể, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất cũng như lưu thông, xuất khẩu hàng hóa… "Hôm 29/7, Chính phủ đã có văn bản để tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông. Hy vọng điều này sẽ giúp giải tỏa tắc nghẽn trong lưu thông hàng hóa và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp", ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cho rằng doanh nghiệp sản xuất đang lúng túng trong duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. "Họ không chỉ phải duy trì sản xuất, cái quan trọng nhất với họ là khách hàng. Một doanh nghiệp ở Bình Dương có khách hàng ở thế giới, tắc nghẽn xuất khẩu thì sẽ dẫn đến mất bạn hàng, khách hàng có thể tìm nơi cung cấp ở các quốc gia khác chứ không chờ đợi doanh nghiệp", ông Tuấn nhấn mạnh.

Đối diện với nỗi sợ lớn nhất, doanh nghiệp xoay xở tìm lối đi - 7
Đối diện với nỗi sợ lớn nhất, doanh nghiệp xoay xở tìm lối đi - 8

Từ phía doanh nghiệp, bà Phương cho hay việc triển khai tiêm vắc xin là chìa khóa duy nhất để "cứu" nền sản xuất lúc này. Song việc thực hiện vẫn chưa nhanh được. Các khu công nghiệp rất dễ lây chéo và bùng dịch thuộc nhóm 7 trong danh sách ưu tiên tiêm vắc xin nhưng vẫn phải chờ khá lâu, đặc biệt đối với các doanh nghiệp thuộc thành phố/tỉnh không thuộc diện ưu tiên.

"Chúng tôi rất cố gắng tìm mọi cách để sống sót qua đại dịch, chèo lái doanh nghiệp qua giai đoạn khó khăn. Nhưng chúng tôi cũng hy vọng doanh nghiệp có nỗ lực, có cố gắng thì phía cơ quan chức năng, địa phương cũng sẽ lắng nghe và phối hợp hơn nữa với doanh nghiệp", bà Phương nói.

Theo bà, nếu doanh nghiệp đã tích cực hết sức nhưng điều kiện và công cụ thực hiện mang tính khách quan không hỗ trợ thì sự tích cực đó khó có kết quả. Mặc dù trong những ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng ngay sau đó những động thái của Nhà nước đã thể hiện sự cải thiện rất nhiều trong việc lắng nghe của doanh nghiệp.