Có nên bán vàng để đầu tư kênh khác lúc giá cao?
(Dân trí) - Sự lấp lánh của vàng thời gian gần đây được phản chiếu qua các thành tích sau: Tăng cả triệu đồng trong vài giờ, liên tiếp lập đỉnh, thậm chí so từ đầu năm còn sinh lãi cao hơn gửi tiết kiệm.
Từ cuối tuần trước, khi kim loại quý thế giới ghi nhận tuần tăng giá thứ 2 liên tiếp, phần đông chuyên gia và nhà đầu tư trong cuộc bình chọn trên Kitco News đều cho rằng vàng sẽ có tuần tăng giá thứ 3 và neo trên mốc 2.000 USD/ounce.
Vàng sau đó thực sự đã duy trì trên mức 2.000 USD/ounce cho đến hôm nay, kéo theo đà tăng của vàng trong nước. Thậm chí, vàng trong nước tăng nhanh và mạnh hơn khi đã phá đỉnh lịch sử. Vàng miếng SJC xác lập mức đỉnh 74,6 triệu đồng/lượng ở chiều bán, trong khi đó vàng nhẫn cũng lên cao nhất mọi thời đại với 62,4 triệu đồng/lượng.
So với đầu năm, vàng miếng SJC tăng hơn 10%, còn vàng nhẫn tăng tới 14%, mức sinh lời cao hơn gửi tiết kiệm ngân hàng.
Vàng là công cụ trú ẩn được ưa chuộng trong thời kỳ biến động chính trị - xã hội. Vì vậy, giới phân tích cho rằng khi nền kinh tế đối mặt với việc USD suy yếu, xung đột Israel - Hamas còn leo thang và tình hình vĩ mô thiếu chắc chắn, việc giá liên tục tăng không phải điều ngạc nhiên.
Băn khoăn rút tiết kiệm mua vàng dự trữ dài hạn
Thanh khoản tốt, tài sản chống lạm phát hữu hiệu, giữ giá ở mọi nền kinh tế… được xem là những ưu điểm nổi trội của vàng so với các kênh đầu tư.
Nhưng kim loại quý này cũng có một số khuyết điểm như không đem lại thu nhập thụ động, yêu cầu về việc bảo quản tốt… Vàng cũng không có thị trường cạnh tranh do người bán không kiểm soát và chi phối giá cả hàng hóa. Chênh lệch giá mua và bán có thể lên đến cả triệu đồng một lượng, tức khoảng 1,5% giá trị. Hay giao dịch mỗi phiên vàng cũng không có biên độ dao động giá như cổ phiếu để nhà đầu tư có thể kiểm soát mức lãi - lỗ.
Dẫu vậy, trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm giảm liên tục từ tháng 4, chứng khoán cũng đang trồi sụt, nhiều nhà đầu tư bắt đầu nghĩ tới vàng hơn. Những điều này, là nguyên nhân khiến giá phần nào tăng mạnh gần đây.
Bà Nhung (60 tuổi, Bắc Ninh) nói không nhìn thấy tiềm năng của các kênh đầu tư khác thời gian gần đây nên muốn chuyển sang đầu tư vàng. Bà tính cuối năm khi tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng đến hạn tất toán, sẽ lấy ít nhất một nửa để mua vàng. Phần còn lại cũng chỉ gửi tiếp kỳ hạn ngắn, chờ diễn biến mới.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam - khuyên không nên rút tiền tiết kiệm để mua vàng trong bối cảnh vàng đang ở đỉnh cao. "Mua vàng để tích trữ trong thời điểm này nếu đảo chiều sẽ lỗ lớn", ông nói. Ông Hùng cho rằng phần được không nhiều bằng phần mất, nên nhà đầu tư đừng để bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông.
Nên bán vàng đầu tư kênh khác lúc giá cao?
Chiều ngược lại, trước câu hỏi đặt ra về việc bán vàng lúc được giá để chuyển tiền sang kênh đầu tư khác, ông Hùng nói nếu cần tiền thì nên bán. "Nhưng bán thì đừng tiếc", ông nhấn mạnh. Theo vị này, diễn biến vàng quốc tế có thể còn tăng tiếp.
Từ đầu năm, mỗi ounce vàng quốc tế tăng từ mức 1.820 USD lên 2.044 USD, tức 12%. Với kịch bản bi quan là giá đảo chiều khi sức khỏe nền kinh tế Mỹ trở lại như trước, xung đột địa chính trị giảm nhiệt… thì một cú lao dốc thẳng đứng của vàng vẫn khó có thể xảy ra.
Chưa kể, tình hình quốc tế lại đang có xu hướng thuận lợi cho vàng khi thị trường đều dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất từ giữa năm sau. Môi trường lãi suất cao vốn không mang lại lợi thế cho tài sản không sinh lãi như vàng nên khi lãi suất hạ nhiệt, vàng sẽ lại có thêm cú hích để tăng trưởng.
Ông Ngô Thành Huấn - Giám đốc điều hành FIDT - đơn vị chuyên tư vấn đầu tư và quản lý tài sản - nhấn mạnh các nhịp tăng - giảm của vàng gần đây là thời điểm để chốt lời chứ không phải để mua vào. "Nếu vàng đột nhiên tăng 15% thì nên bán, còn vàng giảm từ 10% trở lên thì nên mua", ông khuyên.
Đầu tư tài chính vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nên các chuyên gia thường đưa ra lời khuyên không được "bỏ trứng vào một rổ". Vàng chỉ giống như một trụ đỡ về tâm lý hơn là một kênh để tăng đầu tư. "Không có biên độ để vàng tăng 20-30% trong bối cảnh hiện tại", ông Huấn nói.
Chứng khoán, bất động sản, gửi tiết kiệm thất thế?
Báo Dân trí đã thực hiện khảo sát với gần 7.000 độc giả về kênh đầu tư ưu tiên dịp cuối năm. Kênh đầu tư được lựa chọn nhiều nhất là vàng với 48%.
Trước đây, bất động sản, chứng khoán hay gửi tiết kiệm mới là các kênh chiếm vị thế dẫn đầu trong nhóm kênh trú ẩn tài sản. Nhưng kết quả khảo sát dường như cho thấy các kênh này lại đang thất thế.
Thực tế, lãi suất đã giảm nhanh và mạnh từ tháng 4, sau 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành liên tiếp của Ngân hàng Nhà nước. Chứng khoán cũng đang bị lép vế do thiên về kỹ thuật và VN-Index rời xa mức đỉnh hơn 1.500 điểm thời Covid-19. Thị trường bất động sản vẫn khó khăn, còn nhiều vướng mắc liên quan đến pháp lý, giao đất, định giá, thị trường vốn; các thủ tục hành chính, việc tiếp cận tín dụng chưa thuận lợi.
Các kênh này càng khó duy trì sức hút dòng vốn đầu tư trong khi giá vàng liên tục tăng mạnh và neo ở vùng giá cao. Nếu diễn biến của thị trường tài chính không có nhiều thay đổi, một câu hỏi được đặt ra là nhà đầu tư có thể sẽ cân nhắc ưu tiên cấp vốn cho vàng trước, sau đó mới đến các kênh tài chính khác.
Tuy nhiên, những chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trên thị trường tài chính đều nhận định rằng vàng không phải một kênh đầu tư phù hợp cho dài hạn.
Theo tính toán từ trước đó của nhóm phân tích Công ty quản lý quỹ Dragon Capital, xét trong khung thời gian 10 năm và 20 năm, tỷ suất sinh lời của vàng chỉ cao hơn USD, còn lại thấp hơn so với các kênh đầu tư phổ biến khác là bất động sản, trái phiếu, cổ phiếu và gửi ngân hàng.
Cụ thể, trong 21 năm (từ năm 2000-2021), cổ phiếu có tỷ suất lợi nhuận là 15,9%/năm, bất động sản là 11,9%/năm, trái phiếu là 9,4%/năm, vàng là 9%/năm, tiền gửi ngân hàng là 8%/năm và USD là 2,2%/năm.
Nếu tính trong giai đoạn 10 năm (từ năm 2011-2021), tỷ suất lợi nhuận của cổ phiếu là 15,8%, trái phiếu là 9,9%/năm, bất động sản là 8,9%, tiền gửi là 7,3%/năm, vàng chỉ còn 1,7%/năm và USD là 0,9%
Còn trong giai đoạn 5 năm (từ 2016-2021), tỷ suất lợi nhuận của cổ phiếu là 19,2%/năm, bất động sản là 12,1%/năm, trái phiếu là 9,8%/năm, tiền gửi là 6,2%/năm. Tỷ suất lợi nhuận của vàng đứng ở mức áp chót với 6,1%/năm và của USD là 0,2%/năm.
*Hiệu suất sinh lời khi đầu tư (Số liệu: Dragon Capital Việt Nam)
Cổ phiếu | Bất động sản | Trái phiếu | Tiền gửi | Vàng | USD | |
5 năm (2016-2021) | 19,2 | 12,1 | 9,8 | 6,2 | 6,1 | 0,2 |
10 năm (2011-2021) | 15,8 | 8,9 | 9,9 | 7,3 | 1,66 | 2,9 |
15 năm (2006-2021) | 10,8 | 11,5 | 9,2 | 8,3 | 7,2 | 2,4 |
21 năm (2000-2021) | 15,9 | 11,9 | N/A | 8 | 9 | 2,2 |
Ông Nguyễn Thế Hùng nói lý do nhà đầu tư có xu hướng chọn vàng thời điểm cuối năm do yếu tố mùa vụ, nhu cầu dịp cưới hỏi, lễ hội, đón năm mới, vía Thần tài… tăng lên. Trên thế giới, nhu cầu vàng vật chất cũng tăng mạnh dịp cuối năm, đặc biệt ở Ấn Độ khi mùa lễ hội cao điểm. Thông thường, giá trong nước sẽ phụ thuộc lớn vào giá thế giới. Tuy nhiên, vàng sau đó đều có các nhịp điều chỉnh thất thường.
Ở thời điểm hiện tại, ông Hùng nói nếu giá vàng quốc tế vượt được vùng cản 2.060 USD/ounce, khả năng cao có thể chạm ngưỡng 2.100 USD/ounce.
Ông Huấn thì thừa nhận vàng là kênh đầu tư có chu kỳ. Cứ mỗi chu kỳ 10 năm, thị trường thường sẽ có một vài năm biến động. Nhưng nếu nhà đầu tư xem đây là kênh dài hạn, thì đã bỏ qua cơ hội trong những năm còn lại. Chuyên gia Ngô Thành Huấn không khuyến nghị gia tăng tỷ trọng đầu tư vàng trong năm 2024.
Giống như bất kỳ khoản đầu tư nào, hiệu suất của vàng có thể dao động theo thời gian. Các chuyên gia cùng đưa ra lời khuyên nhà đầu tư thường xuyên xem xét việc nắm giữ vàng và tái cân bằng danh mục.
"Tăng bán, giảm mua" là lời khuyên ông Huấn đưa ra khi đầu tư vàng. Còn với ông Nguyễn Thế Hùng, ông kỳ vọng kinh tế ngày càng phục hồi, các kênh đầu tư khác sẽ sôi động hơn, tạo nhiều cơ hội đầu tư cho người dân.