DNews

Bí mật ngành kinh doanh túi mù hơn 14 tỷ USD: Nhảm nhí nhưng hái ra tiền

Phương Liên

(Dân trí) - Túi mù đã trở thành một xu hướng nổi bật trong giới trẻ với các buổi livestream hàng nghìn lượt xem. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu đồng chỉ để thỏa mãn cảm giác hồi hộp khi mở túi.

Bí mật ngành kinh doanh túi mù hơn 14 tỷ USD: Nhảm nhí nhưng hái ra tiền

Sẵn sàng chi tiền triệu để mua túi mù

Blind box (hay còn gọi là túi mù) gần đây trở thành xu hướng nổi bật trong giới trẻ. Sức hút từ những món đồ chơi nhỏ bé nhưng đầy bất ngờ này không chỉ dừng lại ở những bộ sưu tập đẹp mắt, mà còn chạm đến tâm lý tò mò, thích khám phá của người mua.

Sau hiện tượng đồ chơi Labubu, giới trẻ đang mê mẩn thú bông Baby Three với màu sắc rực rỡ và biểu cảm ngộ nghĩnh. Baby Three là đồ chơi thú nhồi bông của Trung Quốc, ra mắt lần đầu tháng 5 dưới hình thức hộp bí mật. Mỗi món được thiết kế theo phong cách riêng, lấy cảm hứng từ các loài động vật như mèo, thỏ, gấu, cáo...

Cũng giống như Labulu, đặc trưng của dòng đồ chơi này là mỗi sản phẩm được đóng gói trong một chiếc hộp kín, người mua sẽ không biết mình sẽ nhận được nhân vật nào cho đến khi mở hộp.

Bí mật ngành kinh doanh túi mù hơn 14 tỷ USD: Nhảm nhí nhưng hái ra tiền - 1

Thú bông Baby Three có màu sắc rực rỡ và biểu cảm ngộ nghĩnh (Ảnh: Pinterest).

Khác với mẫu búp bê Labubu phải xếp hàng hay đặt trước, Baby Three sở hữu mức giá hợp lý, dễ tiếp cận hơn và được bày bán rộng rãi tại nhiều tuyến phố lớn ở Hà Nội và TPHCM. Còn trên các sàn thương mại điện tử, sản phẩm Baby Three có mức giá dao động từ 300.000 đồng đến hàng triệu đồng, tùy kích cỡ, phiên bản và độ hiếm.

Theo nền tảng phân tích dữ liệu YouNet, trào lưu săn Labubu, đập hộp Baby Three đã gây sốt vào nửa cuối năm 2024 khi thu hút hơn 3,12 triệu thảo luận và sự tham gia thảo luận của 1,5 triệu người trên tất cả nền tảng mạng xã hội. Lượng thảo luận về túi mù liên tục gia tăng trên Facebook và TikTok, đạt hơn 390.000 thảo luận trong 6 tháng cuối năm.

Không chỉ trở thành hiện tượng trên mạng xã hội, trào lưu này còn ghi nhận doanh số tiêu thụ ấn tượng.

Trong 6 tháng cuối năm 2024, đã có 293.000 sản phẩm liên quan đến Labubu, Baby Three từ 30 cửa hàng hàng đầu trên Shopee và TikTok Shop được tiêu thụ. Điều này đồng nghĩa gần 49.000 sản phẩm liên quan đến Labubu và Baby Three được bán ra trung bình mỗi tháng.

Túi mù có nguyên tắc ngẫu nhiên và người mua không biết bên trong hộp là gì cho đến khi mở ra. Chính yếu tố này đã tạo nên sự hồi hộp, thú vị, giống như một trò chơi may rủi. Việc mở hộp để tìm kiếm món đồ mình mong muốn hoặc các phiên bản hiếm đã kích thích nhiều bạn trẻ không ngại chi tiền để "mở hộp".

Trên mạng xã hội, các buổi livestream xé túi mù thu hút hàng trăm đến hơn nghìn lượt xem. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra hàng trăm đến hàng chục triệu đồng chỉ để thỏa mãn cảm giác hồi hộp khi mở túi. 

"Ông trùm" ngành đồ chơi lãi lớn

Theo công ty nghiên cứu thị trường Cognitive Market Research (Ấn Độ), đồ chơi túi mù được nhà sản xuất bán thành các bộ sưu tập để khuyến khích người chơi mua lặp lại nhiều lần nhằm hoàn thiện cả bộ, góp phần tăng doanh số.

Ngoài ra, việc phát hành các phiên bản giới hạn tạo cảm giác độc quyền, làm tăng quan tâm và nhu cầu. Yếu tố chính thúc đẩy thị trường đồ chơi này là mạng xã hội và tiếp thị từ các influencer thông qua trải nghiệm mở hộp.

Ngành kinh doanh đồ chơi túi mù nói chung được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Theo Cognitive Market Research, quy mô ngành đồ chơi này trên toàn cầu ước tính đạt khoảng 14,2 tỷ USD trong năm 2024.

Trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm khoảng 23% doanh thu. Riêng người tiêu dùng Đông Nam Á dự chi 226,17 triệu USD cho mặt hàng này trong năm 2024 và sẽ tăng trung bình 9% mỗi năm đến 2031.

Pop Mart, công ty đứng sau các thương hiệu đình đám như Labubu, Molly, Dimoo, đặc biệt thành công với dòng sản phẩm túi mù, loại đồ chơi sưu tầm đang làm mưa làm gió trên thị trường toàn cầu.

Điều này đã giúp Pop Mart có một năm bứt phá mạnh mẽ trên sàn chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc). Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của Pop Mart đã tăng 350%, đưa vốn hóa thị trường công ty chạm mốc 15,2 tỷ USD.

Đáng chú ý, Đông Nam Á được xem là bàn đạp quan trọng trong chiến lược toàn cầu hóa của Pop Mart khi khu vực này đóng góp 41% doanh thu quốc tế trong nửa đầu năm nay. Cửa hàng đầu tiên tại Jakarta (Indonesia), khai trương vào tháng 7 năm 2024 đã đánh dấu cột mốc 100 cửa hàng quốc tế của công ty kể từ năm 2020.

Từ một thị trường trong nước, Pop Mart đã mở rộng một cách ngoạn mục. Với 106 cửa hàng quốc tế, hãng đang mở rộng sang các quốc gia như Thái Lan, Philippines và xa hơn là Pháp, Italy...

Bí mật ngành kinh doanh túi mù hơn 14 tỷ USD: Nhảm nhí nhưng hái ra tiền - 2

Giá cổ phiếu Pop Mart International Group tăng vọt trong năm qua (Ảnh: Yahoo Finance).

Sự thành công của Pop Mart tại Đông Nam Á không chỉ đến từ sản phẩm độc đáo mà còn từ việc nắm bắt xu hướng địa phương. Với hệ thống cửa hàng tự vận hành, các máy bán hàng tự động và chiến lược thương mại điện tử mạnh mẽ, Pop Mart kiểm soát chặt chẽ chuỗi cung ứng và tương tác với khách hàng, đảm bảo mọi trải nghiệm đều đồng nhất và mang lại giá trị.

Năm ngoái, doanh thu của công ty đạt 4,5 tỷ nhân dân tệ, tăng 62% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu từ nước ngoài chiếm 30% tổng doanh thu. Lợi nhuận ròng của Pop Mart đã tăng gấp đôi so với năm trước nhờ vào biên lợi nhuận cao hơn từ hoạt động kinh doanh quốc tế. Tỷ lệ doanh thu nước ngoài của công ty đã tăng mạnh nhờ vào chiến lược mở rộng mạnh mẽ sau đại dịch.

Thị trường "màu mỡ"

Không chỉ Pop Mart, nhóm cổ phiếu của các công ty gắn liền với bản quyền sở hữu trí tuệ cũng thu hút sự quan tâm lớn từ giới đầu tư. Nhu cầu sưu tầm các vật phẩm như búp bê, thẻ bài hay tranh ảnh không chỉ bùng nổ tại Trung Quốc mà còn đang "gây sốt" trên toàn cầu.

Cổ phiếu Alpha Group, nhà cung cấp các sản phẩm sưu tầm, thẻ bài và đồ chơi liên quan đến các nhân vật hoạt hình, có thời điểm tăng gần 30% trong năm 2024. Tại sàn chứng khoán Thâm Quyến, cổ phiếu doanh nghiệp sản xuất trò chơi Wahlap Technology cũng ghi nhận mức tăng lên tới 60%.

Những sản phẩm sưu tầm liên quan đến bản quyền sở hữu trí tuệ từ truyện tranh, phim hoạt hình và trò chơi điện tử tại Trung Quốc được gọi là "guzi", phiên âm từ goods trong tiếng Anh.

Theo Caixin, việc kinh doanh các sản phẩm này đã phát triển thành một ngành công nghiệp đồ chơi nghệ thuật và sưu tầm, tập trung vào đối tượng khách hàng trưởng thành.

Bí mật ngành kinh doanh túi mù hơn 14 tỷ USD: Nhảm nhí nhưng hái ra tiền - 3

Các sản phẩm túi mù có mức giá rất đa dạng (Ảnh: Internet).

Tại Trung Quốc, giá của vật phẩm này rất đa dạng, từ các mô hình đơn giản có giá dưới 10 nhân dân tệ trên các nền tảng thương mại điện tử như Taobao, cho đến những phiên bản cao cấp được định giá trên 15.000 nhân dân tệ.

Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường 360 Research Reports, thị trường túi mù có quy mô 2,3 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến đạt 3,8 tỷ USD vào năm 2032, với tốc độ tăng trưởng trung bình 5,5% mỗi năm.

Bên cạnh đó, thị trường túi mù mang tính trang trí cũng cho thấy tiềm năng lớn. Quy mô toàn cầu của thị trường này đạt 6,8 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến tăng lên 9,8 tỷ USD vào cuối năm 2030. Riêng tại Trung Quốc, giá trị thị trường này năm ngoái đạt 22,8 tỷ nhân dân tệ.

Cùng với sự phát triển của dòng sản phẩm túi mù, văn hóa hoạt hình đang trở thành động lực quan trọng giúp các công ty đồ chơi tại Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ.

Trong thông báo gửi nhà đầu tư tuần này, Wahlap Technology nhấn mạnh mức tăng trưởng ổn định ở các phân khúc kinh doanh cốt lõi. Công ty cũng tiếp tục tập trung khai thác văn hóa "hai chiều", xu hướng đang lan rộng trong giới trẻ Trung Quốc.

Theo đó, văn hóa hai chiều được bắt nguồn từ Nhật Bản, xoay quanh các sản phẩm giải trí như anime, manga và trò chơi điện tử. Thế giới nghệ thuật ảo được thể hiện qua hình ảnh phẳng (2D) và đã phát triển thành một trào lưu văn hóa có sức ảnh hưởng lớn, đặc biệt phổ biến trong cộng đồng người trẻ.

Doanh nghiệp mạnh tay "rót tiền" đầu tư

Giờ đây, đồ chơi không chỉ là một thị trường tiêu dùng "màu mỡ" mà còn là hiện tượng văn hóa, tạo động lực lớn cho các doanh nghiệp và thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

COL Group, nhà cung cấp sách điện tử bản quyền với các thương hiệu nổi tiếng như Minions, Transformers, Luo Xiaohei và One Piece, mới đây đã công bố kế hoạch phát triển các sản phẩm sưu tầm như đồ chơi nhồi bông, huy hiệu anime, thẻ bài và áp phích.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng đẩy mạnh khai thác thị trường này. Nền tảng thương mại điện tử Xiaomang của Mango Excellent Media đang tập trung sản xuất các sản phẩm sưu tầm liên quan.

Trong khi đó, Huace Film & TV, công ty truyền thông tại Chiết Giang (Trung Quốc), đã tổ chức được 1 triển lãm minh họa truyện tranh và 4 sự kiện lớn trong năm 2024, đồng thời phát triển hơn 50 loại sản phẩm sưu tầm và hợp tác tạo ra 300 mặt hàng khác.

Bí mật ngành kinh doanh túi mù hơn 14 tỷ USD: Nhảm nhí nhưng hái ra tiền - 4

Nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác thị trường đồ chơi (Ảnh: Caixin).

Các công ty chứng khoán như Shenwan Hongyuan Securities và Citic Securities đều nhận định triển vọng lớn của ngành hàng hóa anime tại Trung Quốc. Citic Securities dự đoán thị trường các sản phẩm hoạt hình sẽ vượt mốc 500 tỷ nhân dân tệ, nhờ niềm tin ngày càng lớn vào văn hóa nội địa, sự mở rộng thị trường mục tiêu và mức chi tiêu tăng cao của người tiêu dùng.

Ngoài ra, tiềm năng của các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi bản quyền sở hữu trí tuệ thành các sản phẩm liên quan như phim ảnh, truyền hình và hoạt hình cũng được đánh giá cao.

Các chuyên gia nhận định rằng đồ chơi là lĩnh vực có biên lợi nhuận cao, dựa trên mô hình kinh doanh sáng tạo và được thúc đẩy bởi 3 xu hướng kinh tế nổi bật là kinh tế bất ngờ, kinh tế cô đơn và kinh tế xã hội.

Cụ thể, xu hướng kinh tế bất ngờ tận dụng tâm lý tò mò và phấn khích của người tiêu dùng thông qua các sản phẩm như xổ số, phiên bản độc quyền hay túi mù, trở thành xu hướng phổ biến trong ngành đồ chơi sưu tầm.

Trong khi đó, xu hướng kinh tế cô đơn, xuất hiện từ đại dịch Covid-19, phản ánh nhu cầu kết nối trong xã hội xa cách. Các sản phẩm như túi mù, robot trò chuyện hay dịch vụ trực tuyến giúp lấp đầy khoảng trống giao tiếp, đồng thời tạo sự gắn bó với nhân vật ảo và cộng đồng trực tuyến.

Cuối cùng, xu hướng kinh tế xã hội hỗ trợ thị trường túi mù và đồ chơi sưu tầm phát triển qua các cộng đồng trực tuyến như Labubu hay Molly. Tại đây, người dùng cùng sưu tầm, trao đổi, thúc đẩy doanh số và hình thành hệ sinh thái văn hóa gắn kết.