(Dân trí) - Hàng tỷ người dân trên khắp châu Á đang đối mặt một cuộc khủng hoảng lớn hơn nhiều, đe dọa cuộc sống của họ, đó là giá lương thực tăng vọt.
Bão giá và lạm phát lương thực đang càn quét khắp châu Á
Trong khi các doanh nghiệp và nhà đầu tư dồn sự chú ý đến chuỗi cung ứng đang bị gián đoạn và thị trường tài chính bất ổn định, hàng tỷ người dân trên khắp châu Á đang đối mặt một cuộc khủng hoảng lớn hơn nhiều, đe dọa cuộc sống của họ, đó là giá lương thực tăng vọt.
Giá lương thực được dự đoán có thể tiếp tục tăng, ngay cả sau khi đã đạt mức kỷ lục vào tháng 2. Điều này sẽ gây trở ngại cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu, đồng thời tạo gánh nặng lên các nhóm dân cư dễ bị tổn thương, đặc biệt người dân các nước đang phát triển ở châu Á.
Cho đến nay, sự tăng giá đã được kiểm soát ở hầu hết các nền kinh tế, chỉ tăng ở một số mặt hàng cụ thể như dầu ăn ở Indonesia hoặc thịt gà ở Malaysia. Tuy nhiên, có rất nhiều dấu hiệu cho thấy giá của tất cả các loại mặt hàng chủ lực có thể gây lạm phát, tạo ra tình trạng thiếu hụt và khiến hàng triệu người có nguy cơ thiếu lương thực.
Bão giá "tấn công" nhà hàng
Lợi nhuận của nhà hàng lẩu cay Ma Hong đã giảm 1/5 kể từ khi chuỗi nhà hàng này mở cửa ở Bắc Kinh (Trung Quốc) vào năm 2021, bởi giá thịt bò đã tăng gấp rưỡi và các nguyên liệu khác cũng đội giá.
"Chúng tôi không tăng giá món ăn. Ai cũng bị ảnh hưởng bởi tác động của đại dịch. Tại Bắc Kinh cũng vậy. Chúng tôi không phải nhà hàng duy nhất chịu thiệt hại", ông Ma Hong, chủ nhà hàng, nói với Reuters.
Các nhà hàng ở châu Á như của ông Ma, kể cả các quầy hàng rong, đang phải đối mặt với lựa chọn khó khăn, đó là hoặc chấp nhận thiệt hại khi vật giá tăng cao, hoặc tăng giá bán và có nguy cơ mất các khách hàng trung thành.
Giá nguyên nhiên liệu đột biến do sự cố chuỗi cung ứng gây ra bởi đại dịch Covid-19, được thúc đẩy bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng lao đao.
Và châu Á, nơi nổi tiếng với các món ăn đường phố ngon với giá cả phải chăng, đang cảm thấy rõ nhất áp lực từ điều này.
Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới, đang gặp nhiều khó khăn về lương thực. Vấn đề này có thể thấy tại quầy hàng rau củ của Dnyaneshwar Uttam Sante ở ngoại ô Mumbai. Anh vừa đóng gói một túi rau trộn cho khách hàng với giá 450 rupee, tương đương gần 6 USD, cao hơn khoảng 80% so với một vài tuần trước.
"Tôi cũng hết cách", Sante nói khi khách hàng phàn nàn về giá "không thể tin được", bởi một bình gas nấu ăn đã tăng gần 30% lên 960 rupee (hơn 12 USD).
Một số nhà hàng đối phó với áp lực chi phí bằng cách cắt giảm khẩu phần.
Tại một trong những góc ẩm thực đường phố của Jakarta, người bán hàng nasi goreng Syahrul Zainullah đã giảm khẩu phần món cơm rang đặc trưng của Indonesia thay vì tăng giá hoặc sử dụng các nguyên liệu thấp cấp hơn.
Còn bà Choi Sun-hwa (67 tuổi), một chủ cửa hàng kim chi ở Hàn Quốc, cho biết chỉ mua được 7 cây cải thảo với mức giá mà bà từng mua được 10 cây.
Kim chi truyền thống được phục vụ như món ăn phụ miễn phí trong các bữa ăn ở nhà hàng Hàn Quốc, nhưng bây giờ nó cũng trở thành món xa xỉ.
Seo Jae-eun, một khách hàng tại cửa hàng của bà Choi, nói vui rằng kim chi nên được gọi là "keum-chi", theo tiếng Hàn Quốc có nghĩa là "vàng". Tôi không thể xin nhà hàng cho thêm kim chi, giá rau cũng quá đắt để tự làm ở nhà nên phải đi mua", cô nói.
Bà Choi nói rằng sẽ không thể tiếp tục kinh doanh nếu không tăng giá bán.
Giá tiêu dùng của Hàn Quốc đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần 14 năm vào tháng 4 do giá thực phẩm và năng lượng tăng cao, trong một dấu hiệu mới nhất cho thấy lạm phát cao đang bùng phát ở châu Á.
Nền kinh tế lớn thứ tư của châu Á đã chứng kiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,8% vào tháng trước so với một năm trước đó, tăng từ mức tăng 4,1% vào tháng 3, theo dữ liệu của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc.
Sự gia tăng, vượt quá kỳ vọng của thị trường, đánh dấu mức tăng giá nhanh nhất kể từ tháng 10 năm 2008 trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Thói quen ăn uống của người dân thay đổi
Sức ép về giá đang làm thay đổi thói quen ăn uống của một số người tiêu dùng châu Á.
Steven Chang, một nhân viên ngành dịch vụ 24 tuổi, thường xuyên ăn ở Just Noodles, một cửa hàng mì ramen nổi tiếng ở Đài Bắc. Tuy nhiên, anh đang cân nhắc lại việc chi tiêu của mình.
"Tôi sống xa bố mẹ, vì vậy tôi thường ăn ở ngoài. Tuy nhiên với giá thực phẩm tăng cao như hiện nay, tôi sẽ cố gắng hạn chế đi ăn ngoài và nấu nướng ở nhà nhiều hơn", Chang nói.
Ông Raju Sahoo, 48 tuổi, chủ một nhà hàng ở bang Odisha, miền đông Ấn Độ, đã giảm một nửa lượng cọ dầu mua hàng ngày xuống còn 15 kg bằng cách bán ít đồ ăn vặt chiên hơn và chuyển sang nhiều thức ăn hấp hơn.
"Tôi đang làm từ 300 đến 400 chiếc bánh bao chiên mỗi ngày, trong khi trước đó là khoảng 1.000 chiếc. Tôi đã bắt đầu làm món idli và upma (những món ăn sáng phổ biến ở Ấn Độ) để mang đến nhiều lựa chọn hơn cho khách hàng", ông Sahoo cho biết.
Tình trạng thiếu dầu ăn ngày càng trầm trọng kể từ năm ngoái. Tại Malaysia - nhà sản xuất cọ dầu số hai thế giới - sản lượng giảm mạnh do tình trạng thiếu lao động triền miên. Người mua mong đợi vào dầu hướng dương từ Ukraine và Nga, chiếm khoảng 75% xuất khẩu của thế giới, nhưng cuộc xung đột đã dập tắt hy vọng đó.
Do khan hiếm nguồn cung, giá 4 loại dầu ăn chính là dầu cọ, dầu đậu nành, dầu hạt cải dầu và dầu hướng dương tăng cao, gây thiệt hại cho hệ thống thực phẩm.
"Trước xung đột Ukraine, giá dầu ăn mỗi thùng là 700 USD. Nó tăng lên 1.940 USD sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt", ông Mohammad Ali Bhutta, một nhà nhập khẩu dầu ăn của Bangladesh, nói với DW.
Áp lực lên mọi khía cạnh đời sống
Anh Mohammad Ilyas, một đầu bếp tại cửa hàng cơm trộn biryani ở Karachi (Pakistan), cho biết giá 1 kg gạo trộn đủ ăn cho 3-4 người đã tăng gấp đôi lên 400 rupee Pakistan (2,20 USD).
"Bây giờ, giá gạo và gia vị tăng quá cao đến nỗi người nghèo không đủ tiền để ăn cơm", anh nói.
Người dân Sri Lanka đang đối mặt tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men khi quốc gia này phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Gunarathna Vaani, sống ở ngoại ô thủ đô Colombo của Sri Lanka cho biết cô đang phải vật lộn để mua sữa bột cho con, đồng thời chia sẻ những khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt và dầu hỏa để nấu thức ăn.
Thêm nữa, giá thực phẩm tăng cao khiến nhiều người dân ở đất nước này lâm vào cảnh nghèo đói. Bà Baakiyam, 71 tuổi, sống một mình ở quận Nuwara Eliya, miền Trung Sri Lanka, nói: "Trước đây tôi làm công ăn lương nhưng giờ không có nhiều việc. Bữa no bữa đói".
Trong khi đó, ở Bangladesh, giá cả tăng vọt khiến hàng triệu công dân phải tìm kiếm sự giúp đỡ để tồn tại. Jhumur Akther, một người dân ở Dhaka, thủ đô của Bangladesh, đã mất việc cách đây 2 năm do đại dịch Covid-19 và kể từ đó, cô vẫn chưa tìm được công việc mới.
Akther nhận thấy giá hàng hóa và chi phí sinh hoạt tăng mạnh trong những tháng gần đây, đồng nghĩa với việc gia đình cô phải ăn ít hơn. Cô nói với DW: "Chúng tôi đã quyết định ăn ít hơn để tồn tại trong thời điểm khó khăn này. Từ tiền thuê nhà đến giá dầu ăn, mọi chi phí sinh hoạt đều tăng".
Tawsia Tajmim, một người dân khác ở Dhaka, cảm thấy sức ép của giá hàng hóa tăng cao trong mọi khía cạnh của cuộc sống. "Tôi đã ngừng sử dụng dịch vụ Uber và chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng khi giá cả tăng cao", cô nói với DW.
Giá thực phẩm và các nhiều mặt hàng phục vụ nhu cầu hàng ngày tăng cao đang trở thành một vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Không giống như các loại hàng hóa khác, những gián đoạn nhỏ trong chuỗi thực phẩm có thể nhanh chóng gây ra một cuộc khủng hoảng rộng lớn hơn. Năm 2008, sự gia tăng giá lúa và các loại lương thực khác khiến hơn một tỷ người rơi vào cảnh đói nghèo trên khắp châu Á.
Lần này, may mắn là giá gạo vẫn ổn định đáng kể cho đến nay. Tuy nhiên, sự gián đoạn nguồn cung lúa mì từ Đông Âu đang đặt ra thách thức lớn không kém đối với an ninh lương thực toàn cầu, bao gồm cả ở châu Á. Trong những năm gần đây, Indonesia là nước mua lúa mì lớn thứ hai của Ukraine, sau Ai Cập.
Gây nguy cơ bất ổn
Trong quá khứ, giá lương thực tăng vọt tương tự đã dẫn đến tình trạng bất ổn, chủ yếu ở các nước đang phát triển. Mức giá lương thực hiện tại thậm chí còn vượt qua mức cao nhất quan sát được vào năm 2011 và 2008, khi giá lương thực và các mặt hàng khác tăng đột ngột, gây ra tình trạng bất ổn ở Bangladesh, Indonesia và Yemen.
Theo giáo sư kinh tế Chris Barrett của Đại học Cornell, khả năng xảy ra bất ổn một lần nữa lại tăng cao. Vào đầu tháng 3, các cuộc biểu tình về giá lương thực đã diễn ra ở Iraq.
Còn Mohamed Faiz Nagutha - nhà kinh tế ASEAN tại Bank of America Securities - nói với CNBC rằng Đông Nam Á sẽ đối mặt với "rủi ro lớn" về bất ổn xã hội nếu giá lương thực "tăng mạnh".
Đó là bởi vì thực phẩm chiếm một tỷ lệ lớn trong chi tiêu của người dân ở các quốc gia như Philippines, Indonesia và Việt Nam, ông cho biết.
Theo Cơ quan Thống kê Philippines, vào năm 2021, các hộ gia đình Philippines đã chi gần 40% tổng chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống không cồn. Trong khi đó, các hộ gia đình Mỹ đã chi 8,6% thu nhập khả dụng của họ cho thực phẩm.
"Lạm phát lương thực ở Đông Nam Á nói riêng hiện bớt biến động và được kiềm chế tốt hơn với trước đây nhờ thương mại nội khối và sự trợ giúp của chính phủ," ông Nagutha nói với CNBC. Tuy vậy, ông cảnh báo giá cả chắc chắn sẽ tăng.
Lạm phát ở Đông Nam Á đang tăng nhưng vẫn ở mức thấp trong lịch sử, và ông Nagutha lưu ý rằng tình hình sẽ thay đổi trong những tháng và quý tới.
Theo FocusEconomics, đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ phân tích và dự báo kinh tế hàng đầu, lạm phát trong khu vực tăng từ 3% trong tháng 2 lên 3,5% vào tháng 3.
Với việc nền kinh tế mở cửa trở lại và người dân tiêu dùng nhiều dịch vụ hơn, nhu cầu sẽ góp phần làm tăng lạm phát, ông nói. Tuy nhiên, điều này sẽ làm tăng thêm áp lực chi phí mà các doanh nghiệp đang phải gánh chịu và họ sẽ tìm cách chuyển một phần chi phí này cho người tiêu dùng.
Điều đó, kết hợp với lạm phát năng lượng và lương thực trên toàn cầu, sẽ đẩy lạm phát chung ở Đông Nam Á lên cao hơn nữa. Tuy nhiên, triển vọng dài hạn về lạm phát vẫn chưa chắc chắn vì vẫn chưa biết giá dầu và các mặt hàng khác sẽ ổn định ở mức nào, Nagutha nói thêm.
Hành động của các chính phủ
Theo Nikkei, về nguyên tắc, châu Á đủ khả năng để ngăn chặn đà tăng vọt của giá lương thực toàn cầu vì hầu hết các nền kinh tế trong khu vực là những nhà xuất khẩu thực phẩm, như Indonesia và Ấn Độ.
Tuy nhiên, ngay cả những nền kinh tế sản xuất lương thực dư thừa cũng dễ bị tổn thương. Nông dân ở những nước này phải chịu cảnh chi phí phân bón và vận chuyển tăng cao. Indonesia là nước xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới, nhưng các hộ gia đình vẫn phải đối mặt với giá cả trong nước tăng cao. Ấn Độ là nước xuất khẩu lúa mì và gạo lớn nhưng chi phí lương thực ở nước này đang tăng và đợt nắng nóng hiện tại gây thêm nhiều thách thức.
Khi giá lương thực tăng đột biến, các chính phủ trong khu vực có thể ban hành các chính sách làm trầm trọng thêm vấn đề. Hạn chế xuất khẩu, giúp bảo vệ người tiêu dùng trong nước, nhưng lại gia tăng lo ngại về nguồn cung giữa các nhà nhập khẩu. Trợ cấp giúp duy trì giá thấp cho những người dễ bị tổn thương nhất, nhưng không làm giảm nhu cầu sử dụng các sản phẩm nông nghiệp. Trong khi đó, tích trữ lương thực có thể đẩy giá lên cao hơn nữa.
Khó để đưa ra một giải pháp toàn diện khi châu Á rơi vào một cuộc khủng hoảng lương thực. Tuy nhiên, các chính phủ có thể cùng hành động nhằm giảm thiểu tác động. Chẳng hạn, thay vì trợ cấp lương thực trực tiếp, các khoản thanh toán bằng tiền mặt cho những người dễ bị tổn thương nhất sẽ giúp giảm bớt nạn đói mà không làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt. Ngoài ra, các chính phủ cũng nên gỡ bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu.
Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Australia là những nước kinh doanh nông sản lớn có quan hệ chặt chẽ với các nền kinh tế nhỏ hơn của châu Á. Những nước này cần tăng cường viện trợ tài chính và lương thực, đồng thời cam kết thực hành thương mại công bằng. Đều đó góp phần giảm bớt áp lực lên các nền kinh tế nhỏ hơn trong khu vực và hàng tỷ người trên khắp châu Á đang lo lắng nhìn giá cả leo thang từng ngày.
Phải một thời gian nữa giá lương thực ở châu Á mới ổn định trở lại. Và hiện các bước đi chính sách khéo léo của chính phủ có thể giúp giảm bớt áp lực lên khu vực đang gặp nhiều khó khăn này.
Nội dung: Cẩm Hà