DNews

Những loài rắn độc có đặc điểm dễ nhận dạng tại Việt Nam (Phần 4)

T.Thủy

(Dân trí) - Các loài rắn độc tại Việt Nam được phân bố trên khắp mọi địa hình, từ đồng bằng, trung du, rừng nhiệt đới, núi cao đến cả trong môi trường biển.

Những loài rắn độc có đặc điểm dễ nhận dạng tại Việt Nam (Phần 4)

Trong số các loài rắn độc tại Việt Nam, không ít loài được tìm thấy ở những thành phố lớn, khu vực dân cư đông đúc. Những bãi đất trống, bỏ hoang chưa được xây dựng cây cối mọc um tùm là môi trường sống lý tưởng cho các loài rắn nói riêng và rắn độc nói chung.

Dựa vào những đặc điểm của rắn độc, bạn đọc có thể nhận biết nếu bắt gặp rắn bò vào nhà hoặc khu vực nơi mình sinh sống để có biện pháp xử lý phù hợp. Việc nhận biết các loài rắn độc sẽ giúp giảm nguy cơ bị rắn cắn, dẫn đến tai nạn đáng tiếc.

Rắn lục đuôi đỏ - Nhóm rắn độc phân bố rộng trên khắp cả nước

Tại Việt Nam, rắn lục đuôi đỏ là tên gọi chung của một nhóm các loài rắn thuộc chi Trimeresurus, họ rắn lục (Viperidae). Nổi bật trong số này có thể kể đến các loài như rắn lục đuôi đỏ (tên khoa học Trimeresurus albolabris), rắn lục mắt hồng ngọc (Trimeresurus rubeus), rắn lục xanh (Trimeresurus stejnegeri) hay rắn lục mép xanh (Trimeresurus cyanolabris)…

Những loài rắn độc có đặc điểm dễ nhận dạng tại Việt Nam (Phần 4) - 1

Rắn lục đuôi đỏ nổi bật với chiếc đầu to, phân biệt rõ với cổ (Ảnh: ThaiNationalParks).

Đặc điểm chung của các loài rắn lục đuôi đỏ đó là có cơ thể màu xanh lục và phần đuôi màu đỏ nổi bật. Các loài rắn này có phần đầu hình tam giác, phân biệt rõ với cổ thường có kích thước nhỏ, với chiều dài khoảng từ 60cm đến 1m.

Các loài rắn lục đuôi đỏ hoạt động và săn mồi về đêm. Chúng có phạm vi phân bố rộng trên khắp Việt Nam, trải dài từ các tỉnh miền núi phía Bắc đến các tỉnh miền Nam, bao gồm khu vực núi cao lẫn đồng bằng. Các loài rắn lục đuôi đỏ cũng thường được tìm thấy ở những thành phố lớn và khu vực dân cư đông đúc.

Những loài rắn độc có đặc điểm dễ nhận dạng tại Việt Nam (Phần 4) - 2

Một cá thể rắn lục mắt hồng ngọc với cơ thể màu xanh và chiếc đuôi màu đỏ (Ảnh: Roy Bateman).

Các loài rắn lục nói chung và rắn lục đuôi đỏ sở hữu nọc độc máu, gây rối loạn đông máu, phá hủy mô, gây sưng đau dữ dội, xuất huyết nội tạng… cho người bị cắn. Nếu nạn nhân không được chữa trị kịp thời bằng huyết thanh kháng nọc có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt nếu nạn nhân là người già, trẻ em hoặc người có sức khỏe yếu.

Việc phân biệt và nhận diện loài rắn lục đuôi đỏ cụ thể là điều không thực sự cần thiết với những người bình thường. Nếu bạn bắt gặp những loài rắn với đặc điểm đầu to, phân biệt rõ với cổ, cơ thể màu xanh lục và phần đuôi màu đỏ, hãy tránh xa chúng để tránh bị cắn.

Cận cảnh cá thể rắn lục mắt hồng ngọc với đôi mắt đỏ đặc trưng (Video: Phú Thích Thú).

Rắn lục miền Nam - Loài rắn lục phân bố rộng tại miền Nam

Rắn lục miền Nam, còn có tên gọi rắn lục Vogel, có tên khoa học Trimeresurus vogeli, cũng là một loài thuộc họ rắn lục.

Những loài rắn độc có đặc điểm dễ nhận dạng tại Việt Nam (Phần 4) - 3

Rắn lục miền Nam cũng có cơ thể màu xanh đặc trưng, nhưng không có chiếc đuôi màu đỏ (Ảnh: Natthaphat Chockjutdikul).

Cũng như các loài rắn lục đuôi đỏ, rắn lục miền Nam nổi bật với phần thân màu xanh lục, có phần đầu to, phân biệt rõ với thân, kích thước khi trưởng thành dài từ 0,8 đến 1,1m, những con cái có kích thước lớn hơn con đực.

Điểm khác biệt giữa rắn lục miền Nam và rắn lục đuôi đỏ là phần đuôi của chúng không có màu đỏ. Rắn lục miền Nam cũng có thể nhận dạng nhờ 2 sọc màu trắng, đỏ nằm phía dưới bụng, kéo dài từ cổ đến đuôi.

Những loài rắn độc có đặc điểm dễ nhận dạng tại Việt Nam (Phần 4) - 4

Cận cảnh phần đầu với hốc cảm biến nhiệt của rắn lục miền Nam, giúp loài rắn này có thể săn mồi trong bóng đêm (Ảnh: Xavier Rufray).

Tại Việt Nam, rắn lục miền Nam thường được tìm thấy ở những vùng đồi núi có độ cao từ 800 đến 1.500m thuộc các tỉnh phía Nam như Gia Lai, Đồng Nai, Lâm Đồng… đây cũng là lý do cho tên gọi rắn lục miền Nam của loài rắn này.

Dù không thường xuyên bắt gặp tại khu vực dân cư, loài rắn này có thể bắt gặp trên những con đường mòn leo núi hoặc những khu vực cắm trại trên núi…

Khoảnh khắc rắn độc rơi ra từ ghế xếp, suýt cắn người leo núi tại Đà Lạt (Video: SIFASV).

Đây là loài rắn hoạt động và săn mồi vào ban đêm. Ban ngày, chúng thường ẩn nấp ở những vị trí khuất như lùm cây, bụi rậm, hốc đá…

Cũng như rắn lục đuôi đỏ, rắn lục miền Nam sở hữu nọc độc nguy hiểm, chứa các enzyme gây tổn thương tế bào và máu. Khi con người bị loài rắn này cắn trúng sẽ gây sưng, đau, gây rối loạn đông máu, xuất huyết… có thể dẫn đến hoại tử vết thương hoặc thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

San hô đầu bạc - Loài rắn độc nổi bật với "chiếc đầu trắng tang tóc"

Một loài rắn độc khác cũng có đặc điểm giúp mọi người có thể dễ dàng nhận dạng để đề phòng, đó là rắn san hô đầu bạc.

Rắn san hô đầu bạc là tên gọi chung của 3 loài rắn san hô được phân bố tại Việt Nam, bao gồm rắn san hô Macclellandi (tên khoa học Sinomicrurus macclellandi), rắn san hô Quảng Tây (Sinomicrurus peinani) và rắn san hô Gunther (tên khoa học (Sinomicrurus annularis). Đây là các loài thuộc chi rắn san hô, họ rắn hổ.

Những loài rắn độc có đặc điểm dễ nhận dạng tại Việt Nam (Phần 4) - 5

Rắn san hô đầu bạc nổi bật với phần thân màu đỏ đậm, các vạch ngang thân và phần đầu trắng (Ảnh: Parinya Herp Pawangkhanant).

San hô đầu bạc là loài rắn kích thước nhỏ, có chiều dài khoảng từ 40 đến 80cm, thân mỏng, phần đầu nhỏ không phân biệt với thân. Cá thể cái lớn hơn cá thể đực.

Đặc điểm nổi bật của rắn san hô đầu bạc là có chiếc đầu màu trắng, tạo nên tên gọi chung cho loài rắn này. Phía trên và dưới phần đầu trắng là 2 vạch màu đen đậm.

Mặt lưng của loài rắn này có màu nâu đỏ, với các vạch sọc ngang màu đen, phần bụng có màu trắng kem với các vạch ngang và đốm đậm màu. Đôi khi, các vạch sọc ngang trên thân loài rắn này được thay bằng các chấm màu đen đậm.

Những loài rắn độc có đặc điểm dễ nhận dạng tại Việt Nam (Phần 4) - 6

Một cá thể rắn san hô đầu bạc với các đốm đen trên cơ thể, thay vì các sọc màu đen. Ảnh chụp tại đỉnh Bà Nà, Đà Nẵng (Ảnh: SIFASV).

Mặc dù mang tên gọi san hô, loài rắn này lại không hề sống gần hoặc ở dưới biển, mà sống ở những vùng núi cao từ 1.000 đến 2.000m. Tại Việt Nam, loài rắn này được tìm thấy ở những vùng núi cao tại các tỉnh thành như Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Đắk Nông…

Rắn san hô đầu bạc chủ yếu sống về đêm, tại các sườn đồi và thảm rừng nhiệt đới. Loài rắn này thường ẩn nấp dưới lá khô để săn mồi và trốn tránh kẻ thù.

Nhiều người thường so sánh phần đầu trắng của san hô đầu bạc với chiếc khăn tang để nói lên mức độ độc của chúng.

Video cận cảnh một cá thể rắn san hô đầu bạc tại huyện Minh Hóa, Quảng Bình (Video: SIFASV).

Rắn san hô đầu bạc sở hữu nọc độc thần kinh nguy hiểm chết người. Khi bị loài rắn này cắn trúng, nạn nhân sẽ có hiện tượng sụp mí mắt, giảm tầm nhìn, liệt cơ, khó thở… nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Nếu bắt gặp rắn san hô đầu bạc, mọi người nên tìm cách tránh xa hoặc xua đuổi loài rắn này ra khỏi nơi mình sinh sống, tuyệt đối không tìm cách bắt giữ rắn để đề phòng bị cắn.