DNews

Những loài rắn độc có đặc điểm dễ nhận dạng tại Việt Nam

T.Thủy

(Dân trí) - Nhiều loài rắn độc tại Việt Nam có những đặc điểm dễ nhận dạng, giúp mọi người có thể nhận biết và chủ động tránh xa chúng để không gặp phải những tai nạn đáng tiếc.

Những loài rắn độc có đặc điểm dễ nhận dạng tại Việt Nam

Việt Nam là quốc gia có hệ sinh thái đa dạng, đặc biệt là các loài bò sát. Tại nước ta hiện có khoảng 200 loài rắn được ghi nhận, trong đó khoảng 30 loài được xác định là có độc.

Các loài rắn nói chung và rắn độc nói riêng được phân bố trên khắp Việt Nam, ở nhiều địa hình khác nhau, bao gồm đồng bằng, trung du, rừng nhiệt đới, núi cao và cả trong môi trường biển…

Trong số các loài rắn độc tại Việt Nam, không ít loài được tìm thấy cả ở khu vực dân cư đông đúc. Việc nhận biết các loài rắn độc sẽ giúp giảm nguy cơ bị rắn cắn, dẫn đến tai nạn đáng tiếc.

Dưới đây là một vài loài rắn độc có những đặc điểm dễ nhận dạng tại Việt Nam. Dựa vào những đặc điểm này, bạn đọc có thể nhận biết nếu bắt gặp rắn bò vào nhà hoặc khu vực nơi mình sinh sống để có biện pháp xử lý phù hợp.

Các loài rắn hổ mang

Nhắc đến các loài rắn độc tại Việt Nam, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến hổ mang, loài rắn độc có thể bắt gặp trên khắp cả nước.

Ban đầu, các nhà khoa học ước tính có từ 20 đến 22 loài rắn hổ mang, nhưng những nghiên cứu mới đây cho thấy chi rắn hổ mang có đến 38 loài, bao gồm những loài mới được tách ra từ những loài đã có.

Những loài rắn độc có đặc điểm dễ nhận dạng tại Việt Nam - 1

Các loài rắn hổ mang đều có khả năng ngóc cao đầu và phình mang để đe dọa kẻ thù (Ảnh: iNatural).

Tại Việt Nam có sự phân bố của 4 loài rắn hổ mang và tất cả đều sở hữu nọc độc nguy hiểm chết người, bao gồm rắn hổ mang Trung Quốc, hổ mang Phục Hy, hổ đất và hổ mang phun nọc Đông Dương (còn có tên hổ mèo).

Trong đó, rắn hổ mang Trung Quốc phân bố rộng khắp khu vực phía Bắc kéo dài đến Bắc Trung Bộ; rắn hổ mang Phục Hy chủ yếu phân bố tại khu vực Tây Bắc; hổ đất chủ yếu được tìm thấy tại khu vực miền Trung đến các tỉnh thành phía Nam và hổ mang phun nọc Đông Dương chỉ được tìm thấy ở khu vực phía Nam nước ta.

Hổ mang là loài rắn độc dễ nhận dạng, với đặc điểm chung là có thân dài, đầu to và khả năng phình mang ở cổ để đe dọa kẻ thù. Một số loài rắn hổ mang ngoài cách cắn và tiêm nọc, còn có thể phun nọc độc để tấn công kẻ thù từ xa.

Các loài rắn hổ mang có môi trường sống đa dạng, trong đó chúng có thể sống ở những bãi đất trống, cây cối mọc rậm rạp tại khu vực đông dân cư. Đã có không ít trường hợp rắn hổ mang được tìm thấy tại nơi đông người qua lại hoặc bò vào nhà dân.

Rắn hổ mang cỡ lớn bò vào nhà bếp tại Lâm Đồng (Video: Mạnh Tưởng).

Người dân không cần phải nắm cách phân biệt rõ giữa các loài rắn hổ mang được phân bố tại Việt Nam, mà chỉ cần nhận thấy rắn có khả năng ngóc cao đầu, phình mang và phát ra âm thanh "phì phì" để đe dọa thì lập tức tránh xa, nhờ người có kinh nghiệm xua đuổi hoặc tiêu diệt con vật nếu nó bò vào nhà.

Chủ nhà giật mình phát hiện rắn hổ mang trườn vào đống chén bát (Video: Hồng Loan).

Rắn hổ chúa

Tại Việt Nam, nhiều người thường nhầm lẫn rắn hổ chúa là một loài hổ mang, bắt nguồn từ tên gọi hổ mang chúa (theo tên tiếng Anh là "King Cobra"), cũng như khả năng ngóc cao đầu và bành mang để đe dọa của loài rắn này.

Cả hổ mang lẫn hổ chúa đều thuộc họ rắn hổ, nhưng rắn hổ chúa lại không phải là loài thuộc chi hổ mang (Naja) mà là loài thuộc chi Ophiophagus.

Những loài rắn độc có đặc điểm dễ nhận dạng tại Việt Nam - 2

Rắn hổ chúa cũng có khả năng bành mang và ngóc cao đầu, nhưng kích thước to lớn vượt trội so với rắn hổ mang (Ảnh: iStock).

Rắn hổ chúa cũng có nhiều sự khác biệt về hình thái và đặc điểm sinh học so với rắn hổ mang, như kích thước lớn hơn, dài hơn (rắn hổ chúa là loài rắn độc lớn nhất thế giới, có thể dài đến hơn 5m).

Rắn hổ chúa là loài ăn thịt rắn, kể cả các loài rắn độc lẫn không độc. Trong điều kiện thiếu thốn thức ăn, rắn hổ chúa ăn thịt cả chính đồng loại của mình.

Rắn hổ chúa có tác dụng kiểm soát số lượng rắn trong phạm vi chúng sinh sống và kiểm soát chính số lượng của loài rắn hổ chúa trong trường hợp số lượng rắn trong khu vực bị giảm sút.

Cũng như hổ mang, rắn hổ chúa có thể được nhận dạng nhờ khả năng ngóc cao đầu và bành mang. Ngoài ra, loài rắn này cũng rất nổi bật nhờ kích thước to lớn của nó và phần thân màu đen với những vạch vắt ngang cơ thể.

Khác với các loài rắn hổ mang, hổ chúa thường sống ở các khu rừng nhiệt đới ẩm, các khu vực đồi núi cao, do vậy loài rắn này hầu như không xuất hiện tại các khu dân cư ở đồng bằng. Dù vậy, chúng vẫn có thể được bắt gặp ở những ngôi làng và khu dân cư ở vùng cao Việt Nam.

Hoa cỏ cổ đỏ

Hoa cỏ cổ đỏ, còn được biết đến với tên gọi rắn học trò, rắn hổ lửa, rắn nước cổ đỏ hay nữ hoàng bóng đêm… là một trong số ít loài thuộc họ rắn nước nhưng lại sở hữu nọc độc nguy hiểm chết người.

Tại Việt Nam, loài rắn này phân bố rộng hầu như trên khắp các tỉnh thành. Đây là loài rắn bán thủy sinh, thường sống ở những khu vực gần nước như ruộng lúa, ao, hồ, sông, suối có dòng chảy chậm, các đập nước… Loài rắn này cũng xuất hiện tại khu dân cư nên thường xuyên đụng độ với con người.

Những loài rắn độc có đặc điểm dễ nhận dạng tại Việt Nam - 3

Hoa cỏ cổ đỏ là loài rắn độc phổ biến thường gặp tại Việt Nam, nổi bật nhờ chiếc cổ màu đỏ đặc trưng (Ảnh: SIFASV).

Rắn hoa cỏ cổ đỏ là loài có kích thước trung bình, với chiều dài cơ thể chỉ từ 0,8 đến 1m, con cái lớn hơn nhiều so với con đực.

Đặc điểm nổi bật nhất của loài rắn hoa cỏ cổ đỏ là phần cổ có một đoạn vảy màu đỏ rất nổi bật, giúp loài rắn này rất dễ được nhận dạng. Đặc điểm này cũng chính là nguyên do tạo nên tên gọi rắn hoa cỏ cổ đỏ hoặc rắn học trò vì khiến nhiều người liên tưởng đến khăn quàng đỏ của học sinh.

Hoa cỏ cổ đỏ là một loài rắn hiền lành, luôn tìm cách lẩn trốn khi đối mặt với con người. Trong trường hợp bị đe dọa và kích động, rắn hoa cỏ cổ đỏ có thể ngóc cao đầu, làm bẹt phần cổ và co người thành hình chữ "S" để sẵn sàng tung ra cú mổ vào kẻ thù.

Những loài rắn độc có đặc điểm dễ nhận dạng tại Việt Nam - 4

Nanh độc của rắn hoa cỏ cổ đỏ nằm sâu phía trong hàm nên rất ít khi sử dụng, khiến nhiều người lầm tưởng đây là loài rắn vô hại (Ảnh: Mahidol).

Hoa cỏ cổ đỏ là loài có nanh độc sau, nghĩa là răng nanh để tiêm nọc độc của loài rắn này nằm sâu ở phía trong hàm trên, gần cổ họng, thay vì nằm ngay phía ngoài hàm như phần lớn các loài rắn độc khác.

Do vị trí răng nanh nằm sâu phía trong, hoa cỏ cổ đỏ nói riêng và các loài rắn độc nanh sau nói chung thường phải cắn sâu vào con mồi hoặc kẻ thù để đưa nanh độc vào vị trí thích hợp mới có thể tiêm nọc. Điều này khiến cho việc tiêm nọc độc của các loài rắn độc nanh sau ít hiệu quả hơn so với các loài rắn độc nanh trước.

Những loài rắn độc có đặc điểm dễ nhận dạng tại Việt Nam - 5

Phần vảy đỏ ở cổ của loài rắn này có khả năng tiết ra chất độc, có thể gây nguy hiểm cho con người nếu nuốt phải hoặc tiếp xúc với mắt (Ảnh: HKSnakeID).

Chính vì kiểu nanh độc nằm sâu phía trong, rắn hoa cỏ cổ đỏ thường chỉ tung ra cú cắn khô mà không tiêm nọc độc, điều này khiến nhiều người lầm tưởng rằng hoa cỏ cổ đỏ là loài rắn vô hại và không có nọc độc.

Tuy nhiên, nếu bị rắn hoa cỏ cổ đỏ cắn vào những vị trí như kẽ ngón tay, kẽ ngón chân hoặc tay, chân trẻ em (những vị trí có kích thước nhỏ, dễ bị rắn cắn sâu), nạn nhân hoàn toàn có thể bị răng nanh của hoa cỏ cổ đỏ cắn trúng và nhiễm độc.

Điều đặc biệt của rắn hoa cỏ cổ đỏ là chúng không chỉ sở hữu tuyến nọc độc để tiêm vào kẻ thù thông qua răng nanh, mà loài rắn này còn sở hữu một tuyến độc nằm ở phần cổ đỏ trên cơ thể.

Cận cảnh một con rắn hoa cỏ cổ đỏ, loài rắn độc thường bắt gặp tại Việt Nam (Video: Naturalist).

Khi bị đe dọa hoặc gặp nguy hiểm, loài rắn này có thể tiết ra chất độc ở phần cổ đỏ bằng cách phá vỡ các tuyến độc ở dưới da. Chất độc này được hoa cỏ cổ đỏ tích tụ từ cóc, con mồi yêu thích của loài rắn này. Chất độc từ cổ của loài rắn này có thể gây nguy hiểm nếu vô tình nuốt phải hoặc tiếp xúc với mắt.

Do vậy, nếu bắt gặp rắn hoa cỏ cổ đỏ, mọi người chỉ nên xua đuổi chúng, thay vì tìm cách bắt giữ hoặc tiêu diệt loài rắn này để tránh nguy cơ bị nhiễm độc từ tuyến chất độc trên cổ của chúng.

Hiện nay chưa có huyết thanh đặc trị nào được phát triển dành cho nọc độc của rắn hoa cỏ cổ đỏ. Nguyên do chính vì hoa cỏ cổ đỏ là loài hiền lành, có răng nanh sau và ít khi tiêm nọc độc khi cắn, do vậy việc nghiên cứu huyết thanh là chưa thực sự cần thiết. Tuy nhiên, nếu bị trúng độc của rắn hoa cỏ cổ đỏ, nạn nhân có thể bị thiệt mạng.

Nếu bị rắn hoa cỏ cổ đỏ cắn trúng, cần lập tức đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Dù chưa có huyết thanh kháng nọc, các bác sĩ có thể chữa trị cho bệnh nhân dựa theo triệu chứng để giúp chống nhiễm độc.

Còn tiếp…