DMagazine

Giáo sư Trần Đức Thiệp - Nhà khoa học hàng đầu về vật lý hạt nhân

(Dân trí) - Xuất thân từ một gia đình nghèo ở xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, Tỉnh Hà Tĩnh, chàng trai Trần Đức Thiệp đã vượt lên mọi khó khăn để trở thành một Giáo sư, một nhà khoa học uy tín trong lĩnh vực ứng dụng năng lượng nguyên tử. Ông cũng vinh dự được nhận Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2011 với công trình “Nghiên cứu cấu trúc hạt nhân và các phản ứng hạt nhân”.

Xuất thân từ một gia đình nghèo ở xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, Tỉnh Hà Tĩnh, chàng trai Trần Đức Thiệp đã vượt lên mọi khó khăn để trở thành một Giáo sư, một nhà khoa học uy tín trong lĩnh vực ứng dụng năng lượng nguyên tử.

Ông cũng vinh dự được nhận Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2011 với công trình “Nghiên cứu cấu trúc hạt nhân và các phản ứng hạt nhân”.

Nhắc đến GS Thiệp nhiều người sẽ nghĩ ngay đến các công trình nghiên cứu hiệu ứng Messbauer; nghiên cứu cấu trúc hạt nhân và phản ứng hạt nhân với photon, neutron và ion nặng; nghiên cứu phản ứng quang phân hạch các hạt nhân nặng; nghiên cứu năng phổ hạt nhân; nghiên cứu các phương pháp và kỹ thuật hạt nhân phục vụ các ngành kinh tế - kỹ thuật. GS Thiệp cũng chủ trì và tham gia khoảng 20 đề tài cấp nhà nước và cấp bộ. Đã công bố trên 150 công trình nghiên cứu trên các tạp chí, hội nghị khoa học quốc tế và quốc gia.

Giáo sư Trần Đức Thiệp - Nhà khoa học hàng đầu về vật lý hạt nhân - 1

GS Thiệp sinh ra trong một gia đình có tới 8 người con. Khi mới học xong lớp 4, ông đã mất đi người cha yêu quý của mình, cũng là chỗ dựa vững chắc cho cả gia đình. Cha mất đi để lại một đàn con thơ dại. Mẹ ông khi ấy sức khỏe đã yếu, không còn sức lao động nên mọi việc trong gia đình chủ yếu là mấy anh chị em phải tự lo. Nhưng bà là trụ cột, người dạy dỗ, chỉ đường và là tấm gương đạo đức cho con cái noi theo để vững bước đi lên trong cuộc sống và phấn đấu cho sự nghiệp.

Bản thân ông từ lúc mới học xong lớp 4 cho đến khi tốt nghiệp cấp ba năm nào cũng tranh thủ nghỉ hè ra thành phố Vinh, Nghệ An làm việc kiếm tiền để trang trải cuộc sống. Các anh chị em ông không ai bảo ai đã quyết tâm học tập và lao động để vươn lên và đã đạt được nhiều thành tích đáng tự hào. Dù phải tranh thủ thời gian để vừa học vừa làm thêm kiếm tiền nhưng ông vẫn phát huy được tinh thần hiếu học, và bản tính thông minh vốn có của mình.

Giáo sư Trần Đức Thiệp - Nhà khoa học hàng đầu về vật lý hạt nhân - 2

Khi còn học phổ thông ông được nhà trường đánh giá là một trong những học sinh học giỏi Toán, Lý. Tuy nhiên năm 1966 ông được cử sang nước Cộng hòa Nhân dân Bulgaria để học tập thì lại được chọn học ngành Trắc Địa nhưng sau chuyển sang ngành Vật lý. Sau khi tốt nghiệp xuất sắc ngành Vật lý tại Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Sofia năm 1972 và được chuyển tiếp nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công luận án tiến sỹ năm 1977 ông được mời làm cộng tác viên khoa học tại Khoa Vật lý trường Đại học tổng hợp Sofia. Năm 1978 ông trở về nước công tác tại Phòng Vật lý hạt nhân, Viện Vật lý, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học.

Trò chuyện với chúng tôi về câu chuyện được chọn ngành Trắc Địa lại chuyển sang Vật lý hạt nhân, GS Thiệp bồi hồi nhớ lại: Khi tôi học tiếng nước bạn xong thì cũng là thời điểm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Sofia bắt đầu đào tạo nghiên cứu cơ bản. Lúc đó 5 người được chọn và tôi là 1 trong 3 người được chọn học ngành Vật lý. Hai năm đầu tôi học Vật lý nhưng đến năm thứ 3 thì dường như tôi có cơ duyên với ngành vật lý hạt nhân khi được gặp GS Tzvetan Bonchev - một vị GS nổi tiếng về lĩnh vực vật lý hạt nhân. 

Giáo sư Trần Đức Thiệp - Nhà khoa học hàng đầu về vật lý hạt nhân - 3

“Cái tôi lĩnh hội lớn nhất của thầy giáo ngoài đức tính khoa học, tài năng đó là có thể làm việc về những vấn đề rất phức tạp nhưng trên những thiết bị đơn giản. Đây là “kim chỉ nam” trong suốt chặng đường nghiên cứu của tôi sau này”, GS Thiệp chia sẻ.

Cũng theo GS Thiệp, việc quay trở lại Việt Nam làm việc sau khi tốt nghiệp cũng là một cái duyên lớn của ông đối với GS.VS Nguyễn Văn Hiệu.

“Trong một lần GS Hiệu đi họp ở Viện Liên hợp Nghiên cứu Hạt nhân Dubna thì có gặp thầy hướng dẫn của tôi, lúc đó thầy có nói là có một học trò rất giỏi và muốn giới thiệu cho GS Hiệu. Sau khi biết thông tin về tôi thì GS Hiệu có tìm đến để kiểm tra năng lực và sau đó quyết định tiếp nhận tôi vào Viện Vật lý. Vào thời điểm đó tôi lại có mong muốn được tiếp tục học lên cao và GS Hiệu đã đồng ý với lời dặn dò “cứ yên tâm học, học xong quay thì quay trở về”, GS Thiệp nói.

 
Giáo sư Trần Đức Thiệp - Nhà khoa học hàng đầu về vật lý hạt nhân - 4

Vào thời gian cuối năm 70, đầu những năm 80, đất nước chuyển sang cơ chế thị trường, ngành Vật lý hạt nhân bị quên lãng không được đầu tư, không có công trình, đề tài cấp nhà nước cho lĩnh vực hạt nhân. Cho nên có người giỏi nhưng không có kinh phí để nghiên cứu lĩnh vực này. Rất may, lúc đó Viện khoa học công nghệ Việt Nam hoạt động độc lập, ngân sách của Viện rất ít ỏi nhưng mấy chục năm liền tất cả các thế hệ lãnh đạo của Viện nhận thức được ngành Vật lý hạt nhân hết sức quan trọng, hết lòng, hết sức động viên các nhà khoa học trong Viện Vật lý. Nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo, GS Thiệp đã kiên trì, bền bỉ nghiên cứu ngành Vật lý hạt nhân.

Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy nhưng GS Thiệp cùng đồng nghiệp là GS Nguyễn Văn Đỗ (người cũng tốt nghiệp xuất sắc về ngành Vật lý hạt nhân) được may mắn nghiên cứu trên máy gia tốc của Nga tặng GS Nguyễn Văn Hiệu năm 1982 (trước đó nước bạn đã sử dụng máy này được 10 năm). Từ chiếc máy đó, các số liệu về phản ứng hạt nhân mà GS Thiệp và Đỗ nghiên cứu thu được đã được cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế công nhận và đưa vào kho tàng dữ liệu hạt nhân, cùng với các số liệu của các nhà khoa học nước ngoài để cho tất cả mọi người sử dụng thiết kế tính toán các lò phản ứng hạt nhân và các nhà máy lò hạt nhân.

GS Thiệp chia sẻ: Những năm đó nghiên cứu khoa học ở Việt Nam thật sự khó khăn. Nhưng điều đáng mừng là thời điểm đó GS Hiệu có một uy tín lớn ở Viện Liên hợp Nghiên cứu Hạt nhân Dubna khi mà vừa làm tiến sỹ, rồi tiếp tục làm giáo sư ở đây. Nhờ đó mà Giám đốc của phòng phản ứng Hạt nhân của Dubna đã tặng cho GS Hiệu hai chiếc máy gia tốc, một là máy phát notron nhanh (phát ra notron năng lượng cao) và máy gia tốc điện tử đồng thời cho cả photon năng lượng cao và neutron. Đây cũng là hai máy gia tốc đầu tiên ở Đông Nam Á.

Trong điều kiện khó khăn như vậy nhưng GS vẫn quyết tâm nghiên cứu và đã thành công. Vậy bí quyết ở đây là gì?

“Nếu chúng ta đi học nghiêm túc thì sẽ vượt qua được mọi khó khăn, còn nếu không học nghiêm túc thì sẽ không làm được gì cả. Nếu không có kiến thức thì dù có tiền bạc nhiều thì cũng chưa chắc đã làm được. Một yếu tố nữa là chúng ta làm khoa học thì cần phải có niềm đam mê. Đặc biệt, với ngành Vật lý hạt nhân mà lại xác định làm tay trái thì không bao giờ thành công, vì thế khi làm việc cần phải biết hy sinh và tận tụy”, GS Thiệp tiết lộ.

Giáo sư Trần Đức Thiệp - Nhà khoa học hàng đầu về vật lý hạt nhân - 5
Giáo sư Trần Đức Thiệp - Nhà khoa học hàng đầu về vật lý hạt nhân - 6

Cách đây gần 30 năm, Viện khoa học Vật lý cùng gia đình những tưởng đã phải chia tay với GS Trần Đức Thiệp khi ông đang thử nghiệm nghiên cứu bị chiếu xạ vì máy gia tốc trục trặc. GS Thiệp đã bị thương rất nặng, mất hẳn bàn tay phải và bàn tay trái cũng không còn nguyên vẹn. Rất may, Ủy ban Năng lượng nguyên tử quốc tế có cam kết là đảm bảo sức khỏe cho người nghiên cứu về lĩnh vực này nên Chính phủ Pháp nhận GS Thiệp sang chữa bệnh.

“Gặp một tai nạn trong nghiên cứu là một điều không may. Nhưng tôi cũng phải nói thật, vào thời điểm đó, hoàn cảnh của mình là do thiết bị không an toàn nhưng vẫn phải làm nên tai nạn đã xảy ra với tôi, nếu chẳng may xảy ra đối với người khác thì chắc là tôi còn ân hận hơn nhiều bởi lúc đó tôi là người phụ trách cơ quan. Đây cũng là tâm nguyện của tôi khi gặp tai nạn”, GS Thiệp nghẹn ngào chia sẻ.

Giáo sư Trần Đức Thiệp - Nhà khoa học hàng đầu về vật lý hạt nhân - 7

Nói về giai đoạn khó khăn khi gặp tai nạn, GS Thiệp bộc bạch: Thời điểm đó thật sự là đau đớn và khó khăn. Tôi phải sang Pháp điều trị hơn 1,5 năm. Khi sức khỏe tương đối phục hồi dù chưa được lành lặn thì tôi đã quay trở về Việt Nam nhưng lúc đó cũng suy nghĩ mình sẽ đến cơ quan làm việc như thế nào khi không thể đi xe đạp hay xe máy được nữa. Tôi đã rất băn khoăn nhưng sau đó xác định mình không thể từ bỏ được ước mơ làm việc. Thời gian đầu nhiều người cũng hỗ trợ đưa tôi đến nơi làm việc nhưng sau này thấy cần phải làm chủ được bản thân mình nên tôi đã nỗ lực tập luyện để đi được xe đạp và sau này là xe máy. Sau khi vượt qua được khó khăn tôi tiếp tục con đường nghiên cứu bằng việc đăng ký các đề tài nghiên cứu cơ bản về vật lý hạt nhân.

“Khi mình đã đam mê rồi thì dù có bị vấp váp thế nào thì mình vẫn cương quyết theo đuổi. Tôi chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ từ bỏ con đường này cả. Bây giờ có cho làm lại cuộc đời thì tôi vẫn lựa chọn con đường tôi đang đi”, GS Thiệp nói.

Giáo sư Trần Đức Thiệp - Nhà khoa học hàng đầu về vật lý hạt nhân - 8

Với những cống hiến không biết mệt mỏi cho ngành Vật lý hạt nhân, GS Thiệp được đón nhận nhiều phần thưởng cao quý như Huy chương Vì sự nghiệp KH&CN, bằng khen của Chủ tịch Hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Giải nhất giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2011 trong lĩnh vực khoa học tự nhiên với công trình “Nghiên cứu cấu trúc hạt nhân và các phản ứng hạt nhân”…

Giáo sư Trần Đức Thiệp - Nhà khoa học hàng đầu về vật lý hạt nhân - 9

Nói về việc được nhận Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2011 cùng với GS Nguyễn Văn Đỗ, GS Thiệp khẳng định: “Đây là một vinh dự rất lớn đối với tôi bởi hiện nay Giải thưởng càng ngày càng phát huy rất sâu rộng. Giải thưởng không mang tính chất của nhà nước nhiều mà mang tính công chúng. Mà trong khoa học thì được công chúng ghi nhận là điều có ý nghĩa rất lớn. Bên cạnh đó Giải thưởng cũng được các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước rất quan tâm”.

GS Thiệp cũng cho rằng, một Giải thưởng được kéo dài và được vinh danh suốt một thời gian dài mà bây giờ vẫn tiếp tục thì đó là điều vinh dự của những người được nhận Giải thưởng.

“Giải thưởng này là vinh dự nhưng qua đó cũng tăng thêm phần trách nhiệm rất cao của tôi đối với xã hội như việc đào tạo thế hệ trẻ như thế nào? Cần phát triển khoa học nước nhà ra sao?... Qua đây tôi cũng mong muốn các bạn trẻ hãy cần mẫn, chân thành khi làm việc. Giải thưởng có thể đến bất kì với ai cần mẫn và siêng năng”, GS Thiệp nhấn mạnh.

Giáo sư Trần Đức Thiệp - Nhà khoa học hàng đầu về vật lý hạt nhân - 10

Giải thưởng Nhân tài đất Việt 2019 được bảo trợ bởi: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Một trong những yếu tố quan trọng làm nên sự thành công của Giải thưởng chính là sự đồng hành và hỗ trợ nhiệt thành từ các nhà tài trợ, các đơn vị đồng hành trong suốt 15 năm qua.

Ban Tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt xin tri ân và gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới các đơn vị: VNPT, VingroupVietnam AirlinesVietcombankSun GroupSHBAgribank, VietinBankSamsung, Tân Hoàng Minh, Canon, Jetstar PacificDược phẩm EcoABBank, Grab... và các cơ quan, báo chí, đài truyền hình trong cả nước.

Sự quan tâm, đồng hành của các đơn vị, nhà tài trợ chính là động lực lớn cho Ban Tổ chức để hoàn thành tốt cuộc thi, hoàn thành sứ mệnh tìm kiếm và tôn vinh các tài năng trong nhiều lĩnh vực.

Website:  www.nhantaidatviet.dantri.com.vn

Bài viết: Nguyễn Hùng 

Ảnh: Hữu Nghị

Thiết kế: Khương Hiền