PhotoStory

Theo chân người dân đi làm bằng tàu điện: Nhanh hơn xe riêng, tránh ùn tắc

(Dân trí) - Sau 3 ngày bàn giao và khai thác thương mại tàu điện Cát Linh - Hà Đông, nhiều người dân Thủ đô đã sử dụng phương tiện công cộng mới để di chuyển tới nơi làm việc, tránh tắc đường vào ngày đầu tuần.

Theo chân người dân đi làm bằng tàu điện: Nhanh hơn xe riêng, tránh ùn tắc

Theo chân người dân đi làm bằng tàu điện: Nhanh hơn xe riêng, tránh ùn tắc - 1

Trước đó, ngày 6/11/2021, Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội đã chính thức ký kết bàn giao, tiếp nhận và vận hành khai thác thương mại tuyến đường sắt trên cao đầu tiên của Thủ đô cũng như cả nước.

Được biết, trong ngày đầu tiên khai thác, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) đã vận chuyển 25.680 hành khách đi tàu, con số này tăng lên 25% vào sáng 7/11 (Ảnh: Hữu Nghị).

Theo chân người dân đi làm bằng tàu điện: Nhanh hơn xe riêng, tránh ùn tắc - 2

Theo ghi nhận của nhóm phóng viên Dân trí, vào sáng 8/11, tại điểm xuất phát từ ga Yên Nghĩa (Hà Đông), nhiều người dân đã lên tàu, sử dụng phương tiện giao thông công cộng mới để di chuyển tới nơi làm việc trong ngày thứ Hai đầu tuần (Ảnh: Đỗ Quân).

Theo chân người dân đi làm bằng tàu điện: Nhanh hơn xe riêng, tránh ùn tắc - 3

Anh Nguyễn Văn Dũng (ở Yên Nghĩa, Hà Đông) chia sẻ: "Nhà tôi ở Yên Nghĩa và đi tàu tới công ty ở Hoàng Cầu. Tôi thấy tàu này đi khá êm, điều hòa thoáng mát và thời gian di chuyển khá chính xác, thuận tiện. Tôi đang đi thử để định lượng xem tốn bao nhiêu thời gian di chuyển tới công ty được đúng giờ" (Ảnh: Đỗ Quân).

Theo chân người dân đi làm bằng tàu điện: Nhanh hơn xe riêng, tránh ùn tắc - 4

"Thời gian đi tàu và thời gian đi xe máy cũng tương đương nhau thôi nhưng quan trọng là tránh được cảnh tắc đường và thời tiết mưa, nắng. Về giá vé thì theo quan điểm cá nhân của tôi thấy giá vé khá rẻ (giá vé tháng là 200.000 đồng, ngang bằng với giá đi xe buýt) sẽ phù hợp với tất cả mọi người", anh Dũng chia sẻ thêm (Ảnh: Hoàng Thanh Tùng).

Theo chân người dân đi làm bằng tàu điện: Nhanh hơn xe riêng, tránh ùn tắc - 5
Theo chân người dân đi làm bằng tàu điện: Nhanh hơn xe riêng, tránh ùn tắc - 6

Các toa tàu trong sáng nay khá thông thoáng, đủ chỗ ngồi cho nhiều khách lên tàu cùng lúc. Một số khách thảnh thơi đọc sách, tranh thủ chợp mắt trước khi đến nơi làm việc (Ảnh: Hoàng Thanh Tùng).

Theo chân người dân đi làm bằng tàu điện: Nhanh hơn xe riêng, tránh ùn tắc - 7

Chị Đặng Ngọc Anh ở làng Lụa (Vạn Phúc, Hà Đông) cho biết: "Mọi khi tôi đi từ nhà lên cơ quan bằng xe buýt thì mất khoảng 45 phút đến một tiếng đồng hồ. Hôm nay, tôi đi thử tàu điện trên cao để so sánh thì đi bộ từ nhà lên đến ga và đến công ty thì mất khoảng 25 phút. Tôi cảm thấy rất thuận tiện, tàu đi êm mà nhanh hơn đi đường bộ và đặc biệt là tàu chạy rất đúng giờ" (Ảnh: Hoàng Thanh Tùng).

Theo chân người dân đi làm bằng tàu điện: Nhanh hơn xe riêng, tránh ùn tắc - 8

Hình ảnh bên dưới đường Nguyễn Trãi thường xuyên xảy ra ùn tắc vào khung giờ cao điểm, rất đông các phương tiện di chuyển chật vật trong mưa rét sáng nay (Ảnh: Hoàng Thanh Tùng).

Theo chân người dân đi làm bằng tàu điện: Nhanh hơn xe riêng, tránh ùn tắc - 9

Hơn 7h30 phút sáng 8/11, tại ga Cát Linh (Đống Đa), khá thưa vắng khách chờ tàu, trái ngược hẳn với tình trạng đông nghịt người, chen chúc nhau trải nghiệm đi tàu như ngày hôm qua (7/11) (Ảnh: Đỗ Quân).

Theo chân người dân đi làm bằng tàu điện: Nhanh hơn xe riêng, tránh ùn tắc - 10

Theo công suất thiết kế, tàu đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông có tốc độ tối đa là 80 km/h, tốc độ khai thác là 35 km/h; thời gian chạy tàu từ Cát Linh đến Hà Đông (hoặc ngược lại) khoảng 23 phút.

Tàu hoạt động liên tục từ 5h-23h hàng ngày. Khung giờ cao điểm, các đoàn tàu chạy giãn cách với tần suất 6 phút có một đoàn tàu cập ga với sức chở tối đa 960 người/đoàn. Trong giờ bình thường tàu được khai thác 10 phút/chuyến; lưu lượng vận chuyển tối đa đạt 1,02 triệu người/ngày (Ảnh: Đỗ Quân).

Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông là một trong 8 tuyến đường sắt đô thị theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải (GTVT) Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là công trình đường sắt đô thị thí điểm đầu tiên được Bộ GTVT phê duyệt năm 2008 và phê duyệt điều chỉnh vào năm 2016.

Tổng mức đầu tư dự án hơn 18.000 tỷ đồng, vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước.  

Dự án được khởi công từ tháng 10/2011 và cơ bản hoàn thành công tác thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị vào tháng 11/2018.