DMagazine

Chất lượng giáo dục đại học: "Ông chủ hay người làm thuê cũng từ đó mà ra"

(Dân trí) - Cạnh tranh trong nước, cạnh tranh quốc tế về kinh tế, về giáo dục đại học, về bản chất là cạnh tranh về nghiên cứu khoa học và sáng tạo công nghệ. Ông chủ hay người làm thuê cũng từ đó mà ra.

Chất lượng giáo dục đại học: Ông chủ hay người làm thuê cũng từ đó mà ra - 1
Chất lượng giáo dục đại học: Ông chủ hay người làm thuê cũng từ đó mà ra - 2

GS.TS Trần Đức Viên cho rằng, Giáo dục đào tạo (GD-ĐT) và Khoa học - Công nghệ (KH&CN) là những lực đẩy, là "nội năng" của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, của quá trình chủ động hội nhập của đất nước. Nhờ chính sách mở cửa và hội nhập, ngày nay về mặt khoa học và giáo dục chúng ta đã gặt hái được nhiều thành công.

Hiện nay, trong một thế giới ngày một phẳng và mở hơn, cạnh tranh về giáo dục đại học (GDĐH) thực chất là cạnh tranh về nghiên cứu khoa học (NCKH) và phát triển công nghệ (KH&CN), nếu chúng ta không muốn bị gạt ra ngoài lề trong tiến trình phát triển của nền văn minh nhân loại, không muốn bị gạt ra ngoài "cuộc chơi" về chuyển đổi số, không muốn bị gạt ra lề của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thì chỉ có một lối thoát gần như duy nhất là đẩy mạnh NCKH nói chung và NCKH trong các trường đại học (ĐH) nói riêng.

Vì, suy cho cùng, danh tiếng của các trường ĐH ngày nay đều được xây dựng và khẳng định dựa trên chất lượng NCKH, theo đó chất lượng đào tạo cũng được khẳng định.

Chất lượng giáo dục đại học: Ông chủ hay người làm thuê cũng từ đó mà ra - 3
GS.TS Trần Đức Viên.

Cạnh tranh trong nước, cạnh tranh quốc tế về kinh tế, về GDĐH, về bản chất là cạnh tranh về NCKH và sáng tạo công nghệ.

Ông chủ hay người làm thuê cũng từ đó mà ra: Trong thời đại ngày nay, ai làm chủ công nghệ, ai có know-how (phương pháp, bí quyết) người đó thắng, người đó sẽ là dẫn đường cho thiên hạ.

Có lẽ vì đã nhận thức sâu sắc và đầy đủ về vai trò của KH&CN trong phát triển đất nước, nhất là vai trò mang tính quyết định trong cuộc đấu tranh "ai thắng ai" trên con đường tiến bộ xã hội, nên trong báo cáo Chính trị của Đại hội đảng lần thứ IV (12/1976 ), ngay sau khi thống nhất đất nước, Đảng ta đã chỉ rõ: "Nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hóa, trong đó cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt".

Cải cách giáo dục theo Nghị quyết 14 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương khóa IV được bắt đầu từ tháng 1/1979. Từ sau Đại hội VI, cuộc cải cách giáo dục này được điều chỉnh một bước theo đường lối đổi mới của Đảng. 

Đến Đại hội VII, và từ đó, nhiều kỳ Đại hội Đảng cũng như nhiều Hội nghị Trung ương, quan điểm: "Cùng với khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu", và "Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển", luôn là quan điểm xuyên suốt, không thay đổi, với kỳ vọng đổi mới giáo dục sẽ tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước, của dân tộc Việt Nam.

Vì suy cho cùng, động lực của tăng trưởng kinh tế là sáng tạo và phát triển công nghệ - kỹ thuật, chứ không phải chỉ là nhờ vào tăng cường các nguồn lực cơ bản là vốn và lao động.

Phóng viên Dân trí có cuộc gặp gỡ trò chuyện cùng GS.TS Trần Đức Viên.

Chất lượng giáo dục đại học: Ông chủ hay người làm thuê cũng từ đó mà ra - 4

PV: Được biết, nỗi day dứt lớn nhất của các nhà giáo, nhà khoa học nước ta hơn 30 năm qua, từ sau "đổi mới", trong khi nền kinh tế của Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng, có một số lĩnh vực còn phát triển tốt hơn cả dự kiến, thì giáo dục đại học (GDĐH) dù đã có những thay đổi đấy, nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Theo GS, nguyên nhân đó là gì?

GS.TS Trần Đức Viên: Một trong các nguyên nhân có lẽ là do chúng ta chưa xác định được đích đến, lộ trình, bước đi và outcomes (kết quả), outputs (đầu ra) phù hợp cho từng chặng đường cụ thể của công cuộc đổi mới toàn diện và triệt để, để đến một ngày nền giáo dục nước nhà có thể "sánh vai được với các cường quốc 5 châu".

Chúng ta chưa khởi tạo được một cuộc cách mạng thực sự trong GDĐH, mà mới chỉ là những cải tiến nặng tính tình thế, đối phó vì thế thành ra chắp vá, chưa thò đã thụt; giống như một anh lái xe tồi đi trên đường đèo nhiều khúc cua tay áo, hết lạng sang phải vì lo va vào núi lại lo né sang trái vì e rơi xuống vực.

Cỗ xe có tiến về phía trước đấy, nhưng là do sức hút của thời đại và sức đẩy của lòng dân, chứ chưa phải từ "nội lực" của ngành, nên ậm ạch và bất an.

Bằng chứng là, nếu không vướng Covid -19, hàng trăm ngàn sinh viên, những con người ưu tú nhất của đất nước, hàng năm vẫn mang theo cả tỷ đô la để tìm đến với các nền giáo dục khác.

Chất lượng giáo dục đại học: Ông chủ hay người làm thuê cũng từ đó mà ra - 5
"Chúng ta chưa khởi tạo được một cuộc cách mạng thực sự trong GDĐH" - GS Trần Đức Viên.
Chất lượng giáo dục đại học: Ông chủ hay người làm thuê cũng từ đó mà ra - 6

Giáo dục đại học Việt Nam muốn vượt qua sự ậm ạch và bất an như hiện nay thì chúng ta phải xác định lại xem trường đại học là gì phải không thưa giáo sư?

Đúng!, trả lời câu hỏi trường đại học là gì? - Đó là nơi truyền thụ các tri thức cốt lõi nhất trong kho tàng tri thức của nhân loại, của các thế hệ trước và thế hệ đương thời, cho thế hệ hiện tại và tương lai; nơi sáng tạo ra tri thức mới thông qua NCKH và phát triển công nghệ;

Nơi thắp lên ngọn lửa đam mê sáng tạo, ý thức nghề nghiệp, và trách nhiệm công dân trong lòng người học (ngọn lửa đam mê sáng tạo là cực kỳ quan trọng trong lao động trí tuệ, vì lòng đam mê có khả năng lấp đầy những khó khăn để đưa con người đến đích).

Để có thể sáng tạo ra tri thức mới, để có thể khám phá thế giới khách quan để tìm ra sự thật, tìm ra chân lý, điều quan trọng là ở đó phải có môi trường học thuật chuyên nghiệp, với điểm mấu chốt là ở đó nhất thiết phải có văn hóa tranh biện thẳng thắn và thảo luận khách quan để tìm ra chân lý, tìm ra lẽ phải, tìm ra sự thật.

Truyền thụ, trang bị kiến thức tối thiểu, cơ bản nhất cho sinh viên để làm nền là rất cần thiết, đó cũng là cách luyện cho con người cách học, luyện ý chí, xây dựng lòng ham muốn tự mình đi tìm sự thật, để chiếm lấy tri thức mới.

Nhưng, chúng ta không chỉ biết đuổi theo kiến thức, chỉ biết có học kiến thức, mà lại triệt tiêu hào hứng và năng lực sáng tạo của người học.

Giáo sư Tạ Quang Bửu đã dạy "trình độ đại học là trình độ biết tự học"; vì thế, người ta đến trường đại học không phải chỉ để học, nhất là không phải để học thuộc lòng những cái có sẵn, mà quan trọng là để tranh biện đến cùng với thày với bạn với đồng nghiệp để chấp nhận hoặc phủ nhận một chân lý, đó mới chính là động lực của NCKH, của phát triển khoa học ở đó người học phải tự học hỏi tìm tòi khám phá nghiên cứu để tìm ra chân lý.

Và một trong những công việc quan trọng của trường đại học là khuyến khích, giúp cho người ta trong sự tranh cãi để chấp nhận hay phủ nhận chân lý. Chừng nào chưa có được điều đó thì trường đại học chưa hẳn đã là trường đại học.

Chất lượng giáo dục đại học: Ông chủ hay người làm thuê cũng từ đó mà ra - 7
Đại học cần khuyến khích người ta tranh cãi đến cùng để tìm ra chân lý…

Như vậy là, chức năng quan trọng, thậm chí cũng có thể gọi là thiêng liêng, cao quý nhất của đại học, cái làm cho nó là đại học, là tạo ra những con người dám và biết suy nghĩ một cách độc lập, không bị trói buộc tư duy, không bị cầm tù trong những "chân lý" có sẵn, có trước, dám đi tới tận cùng của sự việc để tìm ra chân lý.

Nếu ở đó mọi thứ đã được an bài, những gì các vị giáo sư nói ra đều là khuôn vàng thước ngọc, là chân lý vĩnh hằng, là miễn bàn, là không thể bàn cãi thì không còn là trường đại học nữa.

Để có văn hóa tranh biện, rất cần môi trường học thuật chuyên nghiệp, đó là nơi có mối quan hệ bình đẳng giữa các nhà khoa học, không phân biệt cấp trên cấp dưới, thủ trưởng nhân viên, ở đó chỉ có sự thật và sự thật.

Dù trong đó có quan hệ thầy trò, nhưng các ý kiến của mỗi người đều được tôn trọng. Nói cách khác, ở đó không có mối quan hệ chủ và tớ. Đó là nơi không có sự nhân nhượng trong tranh luận học thuật, mọi thứ đều phải đi đến tận cùng. Phải tranh luận đến cùng thì mới có chân lý.

Nhờ thế, ở đó sẽ rèn giũa nên phẩm chất quan trọng nhất của nhà khoa học là sự trung thực, không dối trá, tạo nên những con người chính trực (liêm chính và cương trực), đảm bảo cho liêm chính học thuật và đạo đức nghề nghiệp trở thành một điều tất nhiên, loại bỏ các nhà khoa học "rởm".

Chất lượng giáo dục đại học: Ông chủ hay người làm thuê cũng từ đó mà ra - 8

Để giáo dục đại học thực sự là giáo dục đại học, không còn là "phổ thông cấp 4" như một số ý kiến đã nói thì các trường đại học thì nên bắt đầu từ đâu, thưa giáo sư?

Phải bắt đầu từ thay đổi nhận thức về sự quan trọng và vai trò quyết định của Khoa học công nghệ (KHCN) trong đào tạo ĐH, trong phát triển KT-XH và trong hội nhập quốc tế của đất nước.

GDĐH sẽ chỉ có thể đổi mới căn bản và toàn diện khi biết dựa trên "tam giác chức năng" với 3 trụ đỡ có quan hệ biện chứng với nhau để làm thành một chỉnh thể đó là:

"Hạt nhân cơ bản" là đào tạo theo nhu cầu xã hội, nhu cầu của doanh nghiệp, nhu cầu của hội nhập quốc tế; "Điểm nhấn" quan trọng là đẩy mạnh NCKH và phát triển công nghệ; "Công cụ hỗ trợ' là cải cách hành chính nhằm tối giản các thủ tục và cách hành xử "hành chính".

Đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội thì không cần bàn, chúng ta đã thừa nhận và tham gia vào nền kinh tế thị trường, không thể cứ mãi dạy những cái nhà trường có mà buộc phải chuyển sang dạy những cái xã hội có nhu cầu, xã hội cần; nhưng cũng cần cảnh giác với xu hướng chạy theo thị trường, thương mại hóa tuyệt đối giáo dục, nguồn cơn của một "thị trường" giáo dục lộn xộn và bát nháo.

Đồng thời, với việc đáp ứng các nhu cầu đa dạng của xã hội về tri thức và kĩ năng, còn có một nhiệm vụ rất thiêng liêng và cao quí của GDĐH, đó là "dẫn đường" cho xã hội phát triển, nghĩa là GDĐH phải "đi trước", chứ không phải chỉ biết đi sau, minh họa cho những cái đang xảy ra hàng ngày trong cuộc sống.

Như vậy, muốn dẫn đường thì tất yếu GDĐH phải có NCKH, cả nghiên cứu cơ bản để đóng góp vào nền văn minh nhân loại, và nghiên cứu ứng dụng để thúc đẩy phát triển KT-XH của đất nước?

Ngày nay, các phát minh, sáng chế làm thay đổi thế giới phần nhiều là từ các sản phẩm NCKH của trường đại học.  

Trong một thế giới ngày càng phẳng và mở hơn của GDĐH, thì "vùng lõm" sâu nhất của GDĐH Việt Nam là NCKH; nó cần được "lấp đầy" trước hết, để cùng với lực kéo của nhu cầu xã hội, của nhu cầu hội nhập, của khát khao học hỏi của người dân, thì lực đẩy của NCKH trong các trường ĐH sẽ tạo ra những bước đột phá để chấn hưng GDĐH, để nâng cao chất lượng dạy và học ĐH, để hội nhập với bè bạn quốc tế về GDĐH.

Trong nhận thức của rất nhiều người, khoa học và nghiên cứu khoa học là cái vốn rất ít ỏi trong văn hóa truyền thống của người Việt?

Việt Nam là một nước nông nghiệp với truyền thống văn hóa Nho giáo, thương mại vốn bị coi thường, nghề nông cột chặt người nông dân với làng xã.

Tuy vậy, là một dân tộc trọng chữ nghĩa nên ở đó kẻ sỹ vẫn được xã hội trọng vọng.

Ngày nay, cái khuôn mẫu trật tự của Nho giáo vẫn còn ngự trị đâu đó trong làng khoa học, tuy đã được phủ lên bởi những ngôn từ mới mẻ, nhưng tinh thần học để làm quan chứ không phải học để mà NCKH vẫn tồn tại.

Nghĩa là làm khoa học ở Việt Nam rất khó khăn, vì chúng ta vừa không có truyền thống như người phương Tây, lại vừa bị các lực cản vô hình và hữu hình từ truyền thống và những chuẩn mực xã hội của Nho giáo và các thước đo của xã hội đương thời cản trở, ở đó người ta đo sự thành bại của đời người bằng tiền bạc của cải và chức tước, không đo bằng những công trình NCKH, không đo bằng những phát minh góp phần làm thay đổi thế giới..

Công bằng mà nói, Việt Nam là một trong các quốc gia đứng dưới đáy xét về mặt đóng góp về KH&CN cho tiến bộ xã hội, cho nền văn minh nhân loại; cho đến nay chưa có một đóng góp về phát minh, sáng chế hay công nghệ làm thay đổi thế giới nào từ Việt Nam.

Nên nhớ là, kinh tế tăng trưởng bắt nguồn từ sự xuất hiện không ngừng các sản phẩm mới, công nghệ mới, ngành nghề mới; nếu chúng ta không sở hữu sản phẩm mới, công nghệ mới, ngành nghề mới nào, chúng ta chỉ có thể là người làm thuê, làm gia công cho thiên hạ trên đất nước mình thôi.

Muốn vậy, chỉ có một con đường duy nhất là đẩy mạnh NCKH và phát triển công nghệ phải không giáo sư?

Để GDĐH thực sự là GDĐH, không còn là "phổ thông cấp 4" thì NCKH phải thực sự trở thành nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất, ngang bằng với giảng dạy (nếu không muốn nói là hơn), như các trường ĐH ở các nước phát triển đã làm, và sau đó một số nước đang phát triển khác đã khôn ngoan học theo.

Ấy thế mà, ở nhiều trường ĐH của ta, NCKH không được coi trọng, dù là trên giấy tờ, ai cũng nói NCKH là sức sống của trường ĐH.

Trên thực tế, ở không ít trường, NCKH chỉ được coi như là một "việc làm thêm", là một thứ "bình hoa trong phòng khách".

Chính vì vậy là cần phải công bố quốc tế?

Trong một thế giới đang toàn cầu hóa và ở trong thế giới ấy, sự hội nhập của các quốc gia và dân tộc là một tất yếu. Công bố quốc tế là một cách, và là cách quan trọng, để GDĐH Việt Nam hội nhập với GDĐH thế giới.

Điều muốn nhấn mạnh nữa là không có lĩnh vực nào như lĩnh vực GD&ĐT và KH&CN lại đòi hỏi Việt Nam muốn hội nhập quốc tế, thì phải chấp nhận và áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. 

Thêm nữa, công bố quốc tế còn thể hiện "bộ mặt" của nền giáo dục đại học Việt Nam. Hội nhập về GDĐH và KH&CN chỉ làm chúng ta mạnh lên, để hội nhập về GDĐH, về KH&CN.

Lảng tránh chuẩn mực quốc tế, khoa học Việt Nam sẽ không thể phát triển để tạo cơ sở cho một nền kinh tế hội nhập có sức cạnh tranh trong tương lai. Chúng ta thường báo cáo thành tích và tiềm lực khoa học qua số GS, TS, số đề tài khoa học các loại được thực hiện.

Chất lượng giáo dục đại học: Ông chủ hay người làm thuê cũng từ đó mà ra - 9
Lảng tránh chuẩn mực quốc tế, khoa học Việt Nam sẽ không thể phát triển.

Công bố quốc tế là thước đo của các nhà khoa học khi các công trình của họ được kiểm định nghiêm ngặt bởi các chuyên gia ẩn danh hàng đầu am hiểu lĩnh vực chuyên môn sâu.

Chất lượng giáo dục đại học: Ông chủ hay người làm thuê cũng từ đó mà ra - 10
Nhờ công bố quốc tế, chúng ta có thêm bạn bè và đồng nghiệp nước ngoài cùng nghiên cứu.

Vừa qua, tranh luận gay gắt giữa các nhà khoa học là vấn đề công bố quốc tế trong Quy chế đào tạo tiến sĩ (Thông tư 18/2021) mà Bộ GD-ĐT mới ban hành vì công bố quốc tế không còn là yếu tố bắt buộc trong chuẩn tiến sĩ. Quan điểm của giáo sư về vấn đề này như thế nào?

Tranh luận và thảo luận là việc bình thường ở các xã hội văn minh để cùng tìm ra sự thật, tìm ra chân lý, tìm ra lẽ phải.

Nhưng có lẽ việc đầu tiên là phải thống nhất cách hiểu, cách tiệm cận về một số khái niệm rồi mới dựa vào cái "chuẩn" chung này để mà phân biệt đúng sai phải trái, trước hết là khái niệm Tiến sĩ là gì, học Tiến sĩ để làm gì (for what?) và ai cần đến cái tước hiệu ấy?

Theo tôi, tiến sĩ dùng để chỉ học vị đào tạo ở bậc cao nhất của đào tạo sau đại học dành cho những người làm việc trong các lĩnh vực học thuật, và người đó đã có đủ phẩm chất và năng lực để bắt đầu cuộc đời nghiên cứu học thuật chuyên nghiệp một cách độc lập.

Như vậy làm NCS để có tấm bằng tiến sĩ không phải để làm đẹp làm sang tấm card-visit hay để được lọt vào một danh sách qui hoạch hay một "chuẩn" nào đó trong qui định tuyển dụng hay đề bạt của một cơ quan quản lý nhà nước (kiểu cũ) nào đó.

Chất lượng giáo dục đại học: Ông chủ hay người làm thuê cũng từ đó mà ra - 11
Vấn đề cốt lõi của đào tạo nghiên cứu sinh là đảm bảo nghiên cứu sinh làm nghiên cứu thật, kết quả nghiên cứu là kết quả thật.

Vấn đề cốt lõi của đào tạo nghiên cứu sinh là đảm bảo nghiên cứu sinh làm nghiên cứu thật, kết quả nghiên cứu là kết quả thật, không nắn chỉnh, không thêm bớt, không bịa số liệu. Vì thế, điều quan trọng không phải là bài báo công bố trên các tạp chí khoa học có chất lượng (ISI hay Scopus) được cộng đồng khoa học quốc tế thừa nhận hay bài báo công bố trong nước được Hội đồng giáo sư Nhà nước được đưa vào danh mục, mà là chất lượng của bài báo, chất lượng của công trình nghiên cứu.

Có một thực tế, tiến sĩ "rởm" hay không phụ thuộc và các hội đồng đánh giá luận án và giáo viên hướng dẫn; những người này biết rõ nhất công trình rởm hay không rởm và liêm chính học thuật ở mức nào; và không phải trường đại học nào thuộc OECD cũng đòi hỏi NCS phải có bài báo khoa học mới được bảo vệ luận án.

Có lẽ vì bài báo đăng trên tạp chí khoa học của trường họ cũng có thể coi là tạp chí quốc tế, tranh biện khoa học đã là một nét văn hóa và diễn ra hàng ngày trong các môi trường học thuật, nên liêm chính học thuật của họ đã phát triển đến mức độ cao; trong khi chúng ta chưa có văn hóa tranh biện thẳng thắn trong khoa học, chúng ta có hàng trăm tạp chí khoa học đấy, nhưng mới có khoảng 10 tạp chí được lọt vào danh mục ISI hoặc Scopus.

Ít có đất nước nào bệnh sính bằng cấp lại nặng như ở Việt Nam, và cộng đồng khoa học của các chuyên ngành lại "nhỏ bé" như ở Việt Nam, và có lẽ cũng ít nơi nào trên trái đất này, câu tục ngữ "trăm cái lý không bằng một tý cái tình" lại phát huy sức mạnh đến như thế ở Việt Nam.

Chất lượng giáo dục đại học: Ông chủ hay người làm thuê cũng từ đó mà ra - 12

Vậy theo giáo sư, giải pháp cho các vấn đề trên là gì?

Nhà nước cần ban hành các chính sách có liên quan đến nâng cao chất lượng đào tạo. Trong đó, chấp nhận các chuẩn mực và thông lệ quốc tế trong GDĐH. Nhà nước cần có chính sách quốc tế hóa càng sớm càng tốt về GD&ĐT, KH&CN và làm cho điều đó trở nên phổ biến và thông dụng trên thực tế.

Với Thông tư 18 cần giữ nguyên yêu cầu bài báo quốc tế với cả thày, trò và các thành viên hội đồng, nhưng yêu cầu cụ thể hơn: NCS phải là tác giả chính (tác giả thứ nhất hoặc tác giả liên hệ) của bài báo khoa học đó; giữ nguyên chuẩn tiếng Anh như cũ (tối thiểu 72 điểm TOEFL iBT);

Yêu cầu cao hơn về công bố quốc tế với giảng viên hướng dẫn và thành viên Hội đồng; Công khai toàn văn luận án, ý kiến của các phản biện và thành viên hội đồng trên mạng của cơ sở đào tạo và của Bộ GD&ĐT; Các tiêu chuẩn về công bố quốc tế và trình độ tiếng Anh như thế cũng nên được áp dụng cho các thành viên hội đồng Giáo sư nhà nước.

Quản lý KH&CN trong các trường đại học chủ yếu và quan trọng nhất là xây dựng đội ngũ, chăm lo đội ngũ, khuyến khích thúc đẩy NCKH chứ không phải chỉ lo mấy sự vụ hành chính về giao đề tài, về chia tiền, về thành lập hội đồng các loại...

Đồng thời, tạo động lực cho các nghiên cứu sinh là động lực là tinh thần, vật chất và môi trường làm việc.

Cấp học bổng cho NCS, không được bằng thì ít nhất cũng phải bằng 1/2 học bổng mà Chính phủ đã cấp cho NCS đi học tập ở nước ngoài theo đề án 322 và 911, để NCS yên tâm học tập và nghiên cứu trong toàn thời gian 4 năm.

Trường đại học, Viện nghiên cứu là các tổ chức học thuật, hàn lâm, nhà nước cần có phương cách quản lý riêng, không thể áp dụng một mô hình quản lý chung như với các cơ quan nhà nước.

Chất lượng giáo dục đại học: Ông chủ hay người làm thuê cũng từ đó mà ra - 13
Không nhất thiết tất cả các trường đại học của Việt Nam đều phải làm nghiên cứu.

Bên cạnh đó, cần thành lập các quỹ nghiên cứu đủ mạnh, nghĩa là đủ lớn về tiền bạc và đủ minh bạch trong quản lý tài chính. Chúng ta có thể đào tạo NCS chất lượng cao với chi phí thấp, nhưng không thể đào tạo ra NCS chất lượng cao với chi phí rẻ mạt được.

Để thay đổi cần có thời gian, nhưng trước mắt, để tránh cho những người trẻ được đào tạo bài bản ở nước ngoài về rơi vào cái vòng xoáy hiện tại, thì cần thành lập một số cơ sở nghiên cứu mới có đủ điều kiện ngay trong các trường đại học để họ làm việc, cho họ vận dụng những gì đã học hành được ở nước ngoài vào điều kiện cụ thể của nước ta.

Nên cân nhắc ban hành quy chế "hậu kiểm" trong đào tạo Tiến sĩ. Làm như thế cũng là để xã hội thấy rằng, nghiên cứu khoa học là một nghề lao động vô cùng vất vả, cực nhọc, đòi hỏi một sự cố gắng rất lớn, thường xuyên và liên tục.

Ngoài ra, phân loại và phân hạng các trường đại học là một trong những phương cách để chấn hưng và phát triển khoa học là chấn chỉnh lại đội ngũ các nhà khoa học trong các trường đại học.

Cũng như ở nhiều nước, không nhất thiết tất cả các trường đại học của Việt Nam đều phải làm nghiên cứu. Cần có những trường chuyên về nghiên cứu và cũng cần có những trường chỉ chuyên đào tạo, và có những trường vừa nghiên cứu vừa đào tạo với những yêu cầu khác nhau, đáp ứng các nhu cầu đa dạng và luôn thay đổi của xã hội, của đất nước...

Đồng thời với học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài thì cũng rất cần tổng kết, học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình về cách tổ chức NCKH đã thành công ở trong nước, làm cơ sở cho những đề xuất về chính sách khuyến khích và thúc đẩy NCKH trong các trường đại học. 

Xin trân trọng cám ơn GS!