DMagazine

Ngày khai giảng không giống ai ở “trường Tottochan” giữa lòng Hà Nội

(Dân trí) - Có một ngôi trường được nhiều người ví là “trường Tottochan” giữa lòng Hà Nội. Trường không áp lực điểm số và bài tập về nhà, không phát giấy khen, ngày khai giảng được gọi là “Lễ hội mùa thu”, các bác nấu bếp lên sân khấu biểu diễn văn nghệ chào mừng và phụ huynh có thể phải mang theo… chai nhựa.

Ngày khai trường đặc biệt

Moon năm nay 3 tuổi. Sáng nay, mẹ mặc cho Moon chiếc váy hồng chấm bi. 7h sáng, xe bus đón Moon và các bạn ở toà nhà 72 tầng để lên trường đồi (Trường Spring Hill, Quốc Oai), cách trung tâm Hà Nội đến 40km.

Ngày nào cũng vậy, học sinh từ 2 đến 13 tuổi, phải đi xe buýt ít nhất 80 km mỗi ngày để đến trường.

Ngày khai giảng không giống ai ở “trường Tottochan” giữa lòng Hà Nội - 1

Giấc ngủ vội trên xe buýt.

Hôm nay khác với mọi hôm, vì lớp Moon có tiết mục “Con gà gáy le te” sẽ biểu diễn vào ngày khai trường, nên các bạn cần “tổng duyệt”.

Khai giảng ở đây được gọi là “Lễ hội mùa thu”. Sau tiết mục của Moon, là tiết mục của các bác nhà bếp.

Ngày khai giảng không giống ai ở “trường Tottochan” giữa lòng Hà Nội - 2

Với học sinh ở đây, dốc không chỉ là con đường quen thuộc, mà là nơi các em phải đi để rèn luyện sức khỏe và ý chí.

7h45, xe bus đỗ xuống, Moon cùng lũ trẻ lít nhít, chân đi crocs (dép nhựa có quai) cuốc bộ vượt con dốc rồi toả ra các lớp giữa lưng chừng đồi. Với học sinh ở đây, dốc không chỉ là con đường quen thuộc, mà là nơi các em phải đi để rèn luyện sức khỏe và ý chí ít nhất 3 vòng lên xuống mỗi chiều. 

Ngày khai giảng không giống ai ở “trường Tottochan” giữa lòng Hà Nội - 3

Giờ học ngoại khoá của học sinh trường đồi

Thầy Nguyễn Đức Quang - người sáng lập trường, giữ thói quen đưa tiễn học sinh vào mỗi sáng, mỗi chiều. Thầy đón các bạn bé như Moon, đến các anh chị cao vống, ngay từ dưới chân dốc: “Các con đi bình tĩnh, không được vội vàng”, giọng thầy vang vang trong nắng sớm.

“Thực ra hồi trước con dốc không cao lắm nhưng tôi đổ đất thêm, coi như thử thách ban đầu dành cho học sinh khi vào trường.

Cũng giống việc thành lập trường gần 10 năm nay nhưng chưa bao giờ tôi gọi là lễ “khai giảng” mà gọi tên “Lễ hội mùa thu”, với ý nghĩa ngày đầu tiên của năm học bắt đầu từ mùa thu và ngày các con đến trường là ngày vui, hạnh phúc”, thầy Quang nói.

Ngày khai giảng không giống ai ở “trường Tottochan” giữa lòng Hà Nội - 4

Sân thể thao được xây dựng cách xa trường, để học sinh được tiếp xúc với người dân hàng ngày nhằm tỏ lòng biết ơn. 

Tặng hạt giống, mầm cây cho ngày đầu năm học mới

Hiện tại, trường có khoảng 300 học sinh từ lớp 1 đến lớp 8. Buổi sáng, trường dạy theo chương trình của Bộ GD&ĐT. Chiều, trẻ từ 4 tuổi học tiếng Anh và các môn phổ thông theo chương trình online của Mỹ.

Trong bức thư Trường đồi gửi đến gia đình Moon cũng như các phụ huynh khác của trường nhân dịp khai giảng năm nay có điều rất lạ: “Thầy cô nhắc các bố mẹ chuẩn bị 1-2 chai nhựa loại 1,5 lít mang đến trường và tham gia cùng các con, cổ vũ, động viên, giúp đỡ các con hoàn thiện sản phẩm…”.

Ngày khai giảng không giống ai ở “trường Tottochan” giữa lòng Hà Nội - 5

Chai nhựa được học sinh trường đồi dùng để thí nghiệm xử lý nước thải bằng Enzym

Thầy Quang lý giải, nhà trường thường kỉ niệm ngày đầu năm học mới thông qua hai phần hoạt động: Tặng quà cho nhau và cho thầy cô, như: tặng cây, hạt mầm, tặng các món quà mình tự làm…

Ngày đầu năm học, đánh dấu về những thay đổi về thời gian, không gian và việc tặng quà này nhằm dạy cho trẻ con về lòng biết ơn, sự kết nối giữa gia đình và nhà trường.

Người sáng lập trường cũng cho rằng, hiện chúng ta đang đối mặt với sự khủng hoảng về môi trường. Chúng ta mang trẻ con ra cánh đồng, về trang trại, vội vã đến vội vã đi, rất hình thức.

Trong khi nếu cho trẻ một hạt mầm hay cây mầm, về dạy cách gieo, trẻ sẽ có cả một quá trình để theo dõi. Từ đó, tình cảm của chúng lớn dần lên theo mầm cây, được nhân lên và nuôi dưỡng trong đó. Đó là món quà, là cơ hội để trẻ được học hỏi.

Ngày khai giảng không giống ai ở “trường Tottochan” giữa lòng Hà Nội - 6

Nếu cho trẻ một hạt mầm hay cây mầm, về dạy cách gieo, trẻ sẽ có cả một quá trình để theo dõi, tình cảm theo đó cũng lớn dần lên.

Thầy lý giải thêm, sở dĩ trong thư mời dự “khai giảng”, nhà trường yêu cầu phụ huynh mang chai nhựa, bởi phần thứ 2 của “Lễ hội mùa thu”, phụ huynh sẽ cùng đến dự lễ hội với các con. Bố mẹ sẽ nghe trẻ thuyết trình về các dự án mà các con đã “chốt” đề cương từ trước.

Các con có thể đề xuất thầy cô và bố mẹ giúp đỡ để các con hoàn thành dự án này. Và đến ngày lễ hội bế giảng, các con lại thuyết trình xem trong năm qua, các con đã làm được gì và những điều tồn tại cần giải quyết.

“Việc mời bố mẹ đến để nghe các con thuyết trình về dự án là kết nối 3 bên: nhà trường, học sinh, phụ huynh, để giúp bố mẹ hiểu được điều gì đang diễn ra ở trong ngôi trường mà con mình đang là một phần trong đó, bố mẹ có thể hợp tác, yêu con mình và ngôi trường mà con mình đang học”, thầy Quang lý giải.

Ngày khai giảng không giống ai ở “trường Tottochan” giữa lòng Hà Nội - 7

Để những người nấu bếp lên sân khấu cũng là cách để họ thể hiện tình yêu với người mình phục vụ

Để người nấu bếp bày tỏ tình yêu với người mình phục vụ

Trưa, khi các giáo viên và lũ trẻ trường đồi từ lớp 1 đến lớp 7 đến khu vực học thiền, còn các bạn lớp mẫu giáo bé như Moon đã lăn ra ngủ say, tại sân khấu nhỏ ở căn nhà sàn, các bác nấu bếp trở nên rạng rỡ trong các bộ váy sắc màu.

Các bác múa xoè của người Mường, múa chén, múa quạt, nhảy sạp… chuẩn bị cho “Lễ hội mùa thu” vào ngày 5/9.

Bác nhặt rau, bác đứng bếp, bác rửa bát, bác thổi cơm…, họ thay phiên nhau đập và nhảy sạp.

Năm nay bác Bùi Thị Dung đã ở tuổi 50, người dân tộc Mường ở thôn Đá Thâm, xã Đông Xuân, Quốc Oai.

Bác bảo, tổ bếp có 10 thành viên thì 6 người đã vào đội văn nghệ. “Năm nào cũng vậy, chúng tôi biểu diễn say sưa. Mới đầu còn hơi run nhưng sau quen, vui lắm”, bác Dung lấy tay che khuôn mặt đỏ bừng, cười giòn như nắng thu.

Ngày khai giảng không giống ai ở “trường Tottochan” giữa lòng Hà Nội - 8

Những bác nấu bếp tầm tuổi tứ, ngũ, lục tuần đang chuẩn bị cho tiết mục ngày khai trường.

Cũng là người dân tộc Mường, ở tổ bếp, chị Trịnh phụ trách việc đứng nấu.

“Mỗi năm hai mùa, Xuân và Thu, tôi đều biểu diễn văn nghệ. Xong việc bếp núc, buổi trưa hoặc buổi tối, chúng tôi cắm đèn đánh bóng chuyền, tập văn nghệ rôm rả lắm”, chị Trịnh kể.

Chị ví von, nấu bếp và văn nghệ có phần giống nhau. Nấu bếp phải dành tình yêu cho món ăn, cũng như khi biểu diễn phải dành tình cảm cho bài nhạc.

Còn theo thầy Quang, trong khi phần lớn các trường mời những giáo viên có giọng hát hay nhất, thể hình đẹp nhất lên sân khấu ngày khai trường, ở ngôi trường này, các bác nấu bếp là thành phần quan trọng bởi thầy cho rằng, một bữa ăn ngon, không phải được nấu bởi một người đầu bếp nổi tiếng hoặc ở khách sạn 5 hay 7 sao mà lại không có tình yêu với trẻ, người nấu đó phải có tình yêu với người mình phục vụ là những đứa trẻ.

Ngày khai giảng không giống ai ở “trường Tottochan” giữa lòng Hà Nội - 9

Nấu bếp phải dành tình yêu cho món ăn, cũng như khi biểu diễn phải dành tình cảm cho bài nhạc.

Tình yêu ấy vô hình và ảnh hưởng đến chất lượng món ăn. Vai trò của đội ngũ những người làm dinh dưỡng chiếm tới 40% thành công ở trường, không riêng gì việc giảng dạy.

Thầy quan niệm, các bác nhà bếp làm việc dưới áp lực rất lớn, đủ lượng, đủ chất, vệ sinh và đảm bảo tính thẩm mĩ của bữa ăn. Họ rất ít có cơ hội giao lưu với các con nên khao khát được giao lưu với các con nhưng hàng ngày phải tách biệt dưới khuôn viên cửa bếp.

Những người nấu bếp của Trường Spring Hill  tham gia ngày khai giảng đặc biệt ở "Trường Tottochan" giữa lòng Hà Nội

Do vậy các lễ hội xuân, hạ thu đông, là dịp để các bác có cơ hội thể hiện trước các con, để các con cảm nhận được những người phía sau cánh gà kia là những người rất yêu quý mình, rất nhiều tài năng và mình cần phải biết ơn họ, phải trân trọng những món ăn họ gửi đến.

“Nhân vô thập toàn, có hôm đồ ăn hơi mặn/nhạt một chút, có thể các con thông cảm cho các bác nhà bếp. Vậy nên việc các bác biểu diễn hoặc dạy nấu ăn cho học sinh là để tăng sự tương tác với học sinh, phải tạo điều kiện cho bộ phận nhà bếp từ cơ hội rât thấp của sự tương tác với học sinh và phụ huynh lên ngang bằng những bộ phận khác trong trường thì cộng đồng toàn trường mới có tình yêu với nhau, mới có sự vị tha để các thành viên trong cộng đồng thực sự hạnh phúc”, thầy Quang cho biết.

Ngày khai giảng không giống ai ở “trường Tottochan” giữa lòng Hà Nội - 10

Ngày lễ tết ở trường đồi không tặng hoa và qùa bởi thầy trò cho rằng, hoa ở trường đã rất đẹp. Phụ huynh/học sinh có thể tỏ lòng biết ơn bằng những bức thư. 

Được biết, không riêng gì khai giảng, ngày lễ tết ở ngôi trường này tuyệt đối không tặng hoa/quà.

Phụ huynh, học sinh có thể bày tỏ lòng biết ơn thầy cô bằng những bức thư, những món quà thủ công tự làm làm từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường.

“Hạn chế cắm hoa, cũng như việc tặng hoa ở trường vào dịp lễ hoàn toàn không có, bởi lẽ, hoa đẹp nhất khi ở trên cây. Phụ huynh, học sinh có thể bày tỏ lòng biết ơn bằng cách viết thư, tặng cây hoa cho nhà trường trồng. Ở trường khi các cây hoa ra hạt thì các thầy cô tổ chức cho các con thu hạt và gieo hạt sau đó tặng cây mầm cho các cha mẹ trồng ở nhà. Ấy là cách dạy học sinh tư duy sâu sắc: “Nhận được và cho đi để lan tỏa tình yêu thương và trí tuệ”, thầy Quang nói.

Tottochan bên cửa sổ (tự truyện của Kuroyanagi Tetsuko, Nhật Bản) là cuốn sách “gối đầu giường” của nhiều thế hệ nhà giáo trong 30 năm qua. Cuốn sách kể về Tottochan và ngôi trường không có thời khóa biểu, học sinh thích học môn gì nhất thì cứ tự học môn đó trước. Ở đó, có thầy hiệu trưởng luôn để lũ trẻ tự do phát huy cá tính, khả năng bẩm sinh.

Mỹ Hà - Quân Đỗ