(Dân trí) - Khách ngồi kín trong nhà, tràn ra cả vỉa hè... là hình ảnh không lạ tại quán bánh canh ghẹ trên đường Quang Trung (Hà Nội).
Quán bánh canh "siêu đông" ở HN: Sợi bánh đi máy bay ngàn cây số mỗi ngày
Khách ngồi kín trong nhà, tràn ra cả vỉa hè... là hình ảnh không lạ tại quán bánh canh ghẹ trên đường Quang Trung (Hà Nội).
Đây là quán bánh canh ghẹ đầu tiên tại Hà Nội. Mức giá bánh canh ghẹ ở đây dao động từ 60 - 80 ngàn đồng/bát. So với những món ăn trưa truyền thống tại phố cổ Hà Nội như bún cá, phở bò, bún chả... mức giá bánh canh ghẹ cũng cao hơn 20 - 30 ngàn đồng.
Thế nhưng, quán bánh canh này vẫn “hết vèo” vài trăm bát/ngày, thậm chí lúc đỉnh điểm lên tới... 1000 bát.
6 năm đưa sợi bánh ra Hà Nội bằng máy bay mỗi ngày
Theo tiết lộ của chị Hoàng Bích Hường - chủ quán, thứ nguyên liệu “tốn công” nhất trong mỗi bát bánh canh ghẹ... lại chính là sợi bánh. Khác với bún, phở, mì hay bánh đa... vốn là đặc trưng của Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, sợi bánh canh ngon nhất phải là sợi bánh được làm từ gạo miền Tây.
Kể từ khi mở quán vào tháng 11/2014, đến nay, sợi bánh canh quán chị Hường vẫn đều đặn “đi máy bay” từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội mỗi ngày.
“Đây là đơn hàng tươi nên chi phí vận chuyển máy bay rất lớn, có khi ra đến Hà Nội, giá sợi bánh tính ra lên tới 30-40 ngàn đồng/kg, trong khi mỗi kg sợi bánh chỉ làm được 3-4 bát bánh canh thành phẩm”, chị Hường chia sẻ.
Khi đưa món bánh canh ra Hà Nội, chị Hường cũng lặn lội tới nhiều gia đình làm bún phở có tiếng tại làng bún Phú Đô để đặt sợi bánh canh, nhưng chưa lần nào thành công. “Sợi bánh canh có phần tương tự giống bánh bột lọc, màu trong, dai, giòn. Mình từng đặt hàng tại nhiều đơn vị sản xuất ngay Hà Nội mà đều thất bại. Bát bánh canh ghẹ từ sợi bánh đó không đủ ngon, chất lượng”, chị Hường cho biết.
Việc vận chuyển sợi bánh bằng máy bay khiến nhiều khi, quán không chủ động được nguồn hàng. Có những ngày máy bay trễ giờ, quán phải đóng cửa buổi sáng. "Sợi bánh phải tươi, không thể để dự trữ vài ngày được. Có ngày đến đầu giờ chiều sợi bánh mới đến nơi, ngày đó coi như... quán lỗ, vì giờ cao điểm nhất là bữa trưa thì lại không có hàng”, chị cho biết thêm.
Tiết trời sang thu, trăm bát "đi êm ru" mỗi ngày
Bánh canh là món ăn xuất phát từ các tỉnh phía Nam nhưng hiện nay xuất hiện ở khắp mọi tỉnh thành trên dải đất hình chữ S. Bánh canh làm từ bột năng hoặc bột gạo, sợi bánh to, ăn dai dai, giòn giòn, khác hẳn bún hay phở. Nước dùng của món bánh canh sệt sệt, sánh đặc, nóng hôi hổi. Người ta có bánh canh tôm, bánh canh sườn chả... nhưng có lẽ nổi tiếng hơn cả là bánh canh ghẹ.
Cũng vì mê món ăn nổi tiếng đất Sài thành này mà 6 năm trước, chị Hường lặn lội vào tận thành phố Hồ Chí Minh, đến theo học cách làm bánh canh của một gia đình làm bánh canh gia truyền đã mấy chục năm.
"Sau khi học được món bánh canh ghẹ của cụ bà, mình mang về Hà Nội và mất thêm vài tháng để thử nghiệm sao cho mùi vị hợp với khẩu vị người bắc hơn, chứ không đơn thuần áp dụng y nguyên công thức đó được. Mình phải giảm bớt vị ngọt, vị cay, tăng vị đậm đà, mặn hơn", chị Hường chia sẻ.
Thời điểm chị Hường mở quán bánh canh ghẹ - tại Hà Nội chưa có nơi nào phục vụ món ăn này.
Nồi nước dùng của món bánh canh ghẹ phải ninh từ 18 - 24 tiếng nên tại căn bếp luôn có nồi nước dùng "trực chiến" 24/24. Nước dùng cũng chính là điều tạo nên sự khác biệt của quán so với nhiều nơi khác. "Có thể nói, nước dùng chính là niềm tự hào của mình đối với món ăn này, đó cũng là tâm huyết của mình sau thời gian dài thử nghiệm", chị Hường chia sẻ.
Từ 4 - 5 giờ sáng, chị Hường và nhân viên bắt đầu chế biến sơ các nguyên liệu: trần ghẹ, luộc tôm, luộc thịt, bóc ghẹ, tôm, bóc trứng cút... Nguồn hải sản như tôm, ghẹ được chị Hường lựa chọn kì công từ Vũng Tàu và Quảng Ninh.
Việc nhúng sợi bánh canh cũng chẳng ít công phu. Sợi bánh canh phải nhúng trong nước sôi lâu hơn so với bún, phở. Nhưng lâu quá thì nát, nhanh quá thì cứng... nên đầu bếp phải đảm bảo thời gian nhúng và nhiệt độ nước chuẩn chỉnh.
Là món ăn nóng hổi nên thời điểm tiết trời se lạnh, chuyển mình sang thu chính là lúc quán bánh canh ghẹ của chị Hường đắt khách nhất trong năm.
"Mình ăn ở đây cũng hơn 3 năm rồi. Món ăn vừa miệng, chất lượng so với giá thành. Bạn không thể chỉ chi 30 - 40 ngàn mà đòi có bát bánh canh hải sản với nào tôm, nào ghẹ được...
Mình từng sinh sống nhiều năm ở Sài Gòn nên quen với món ăn này rồi. Về Hà Nội, từng thử vài nơi nhưng không đâu thấy ngon miệng bằng bánh canh ghẹ ở đây", anh Trịnh Vĩnh Thành một "khách ruột" của quán chia sẻ. "Nhưng thường mình hay đi giữa buổi vì vào đúng bữa trưa thì nhiều hôm xếp hàng hết hơi luôn", anh cho biết thêm.
Sau 6 năm mở cửa, quán bánh canh ghẹ của chị Hường không chỉ "ghi điểm" với thực khách trong nước mà còn là địa chỉ ưa thích của du khách nước ngoài. Quán từng nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các trang ẩm thực - du lịch quốc tế.