(Dân trí) - Trận động đất năm 2015 khiến thủ đô Kathmandu (Nepal) bị vùi lấp trong tang thương và tàn tro. Thế nhưng, 7 năm sau, khi chúng tôi đặt chân đến lần nữa, sự sống đã tiếp tục nảy mầm.
Người khuân vác giấc mơ ở Everest và hành trình khám phá "thành phố trên mây" của cô gái Việt
(Dân Trí) - Trận động đất năm 2015 khiến thủ đô Kathmandu (Nepal) bị vùi lấp trong tang thương và tàn tro. Thế nhưng, 7 năm sau, khi chúng tôi quay lại, sự sống đã nảy mầm.
Là một người đam mê "xê dịch", 27 tuổi, Ngọc Ngân (ngụ quận 8, TPHCM) đã tới 2/3 địa danh trong nước và gần 20 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Năm 2022, khép lại dịch Covid-19 ở nhiều khu vực, cô gái tiếp tục lên đường và dành nhiều thời gian để tìm hiểu 6 quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau, bao gồm: Nepal, Thái Lan, Indonesia, Đài Loan, Singapore, Ấn Độ.
Những trải nghiệm về văn hóa bản địa, nền ẩm thực phong phú lẫn các sự cố đáng nhớ trong mỗi chuyến đi đã được cô gái ghi lại và chia sẻ trên báo điện tử Dân trí.
Sống chậm ở Kathmandu
"Bốn ngày ở Kathmandu, bạn nghĩ sao?" - Santosh Adhikari (37 tuổi, hướng dẫn viên người Nepal) hỏi chúng tôi trong lúc sắp xếp lịch trình.
"Liệu có dài quá không?" - tôi thắc mắc. Thế nhưng, sự nghi ngờ đã nhanh chóng tan biến khi Santosh cười chắc nịch: "Bạn sẽ không thất vọng đâu".
Ngày đầu tiên, chúng tôi quá cảnh tại sân bay New Delhi (Ấn Độ). Suốt 12 tiếng ròng rã, tiết trời hanh nóng của mùa hè nước Ấn khiến tất cả ngộp thở, mồ hôi túa ra như tắm. Mãi đến khi đặt chân đến Kathmandu, chúng tôi mới được chào đón bằng cơn gió mát, khí lạnh nhè nhẹ mơn man khắp da thịt.
Sân bay Tribhuvan đã đông đúc khách du lịch quốc tế sau 2 năm "đóng băng" vì Covid-19. Điều này khiến chúng tôi lỡ hẹn với Santosh 2 tiếng. Tuy nhiên, anh vẫn cười tươi chào bằng tiếng địa phương: "Namaste (Xin chào-PV)".
"Chẳng ai sống vội tại Nepal cả", nam hướng dẫn viên giải thích thêm.
Thật vậy! Nhịp sống tại Kathmandu chậm rãi, bình yên đến kỳ lạ. Phố đi bộ Thamel, nơi được cho là sầm uất nhất thủ đô, cũng "thức dậy" khá muộn. Gần 10 giờ sáng nhưng tất cả quán ăn, cửa hàng đồ lưu niệm vẫn im lìm.
Santosh đưa chúng tôi len lỏi vào dòng người đi lễ tại Pashupatinath, một ngôi đền được xây dựng vào thế kỉ 19. Phía sau các pho tượng hàng trăm năm tuổi, những cột khói trắng nghi ngút bốc lên trên mái đền được chạm trổ tinh xảo, duyên dáng như đưa tất cả lạc vào cõi thần tiên.
Theo phong tục của người Hindu, người quá cố sẽ được hỏa táng và rải tro trên sông. Cạnh bên ngôi đền, vài phụ nữ trong trang phục sari rực rỡ đang bắt đầu rót nước xuống thảm cỏ xanh, ngửa mặt lên trời và cầu nguyện. Gương mặt họ toát lên vẻ tươi tắn, rạng ngời.
Thấy tôi tò mò ngắm nhìn, Santosh chia sẻ: "Người Nepal chúng tôi hạnh phúc nhất khi có đức tin, sống vừa đủ và biết chấp nhận".
Cứ vậy niềm tin tôn giáo từ lâu đã len lỏi vào đời sống người dân Nepal, trở thành điểm tựa, sức mạnh để họ vực dậy mọi thứ từ tro tàn. Thế nên, mặc dù trận động đất kinh hoàng năm 2015 đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng, nhưng sau 7 năm thì một nhịp sống bình yên và không vội vã vẫn bắt đầu ở Kathmandu.
Ở đây, hiếm khi bạn nghe tiếng bóp kèn khi lưu thông trên đường, trừ trường hợp cấp bách. Mỗi ngày những sadhus sẽ ngồi thiền liên tục trong các ngôi đền, bóng áo sari của phụ nữ Nepal liên tục thấp thoáng trong mái nhà nhỏ. Trên đường phố, người ta từ tốn bước đi giữa đền, khu chợ, hè phố… như một cuộc dạo chơi khiến ban đầu tôi chán ngấy rồi dần cảm mến và thương yêu.
Bốn ngày trôi qua ở Kathmandu, chúng tôi đã đi thật chậm, ngắm thật lâu, tận hưởng thật nhiều, đôi lúc nó khiến cho bản thân tôi lắng nghe được cả nhịp tim mình mỗi lần rung động.
Người khuân vác ước mơ trên dãy Himalaya
Ngày bé, tôi mê mẩn các câu chuyện thần kì trong Doraemon. Trong đó, có một tập mang tên "Thành phố trên mây". Nagarkot (Kathmandu) và Sarangkot (Pokhara) đều giống như những gì tôi tưởng tượng về thành phố ấy. Mây ôm lấy những quả đồi, sương mờ phủ khắp các triền núi khiến những mái nhà lẩn khuất phía xa. Cả hai nơi ấy đều có điểm chung là hướng thẳng ra dãy Himalaya hùng vĩ - niềm tự hào của người Nepal.
Quốc gia này sở hữu 8/10 ngọn núi cao nhất thế giới. Trong đó, Everest là nơi nuôi dưỡng khát vọng chinh phục của loài người. Hằng năm, có hàng nghìn nhà leo núi từ khắp thế giới hạ cánh xuống sân bay Tenzing-Hillary (thuộc vùng Lukla, Nepal) để bắt đầu hành trình. Đây được xem là nơi nguy hiểm nhất thế giới khi đường băng chỉ dài vỏn vẹn 500 mét, phía xung quanh được bao bọc bởi đồi núi dốc đứng.
Santosh dành nhiều thời gian để kể về Himalaya, dãy núi bắt đầu ước mơ trong đời anh. Người đàn ông này từng là porter (người khuân vác hành lý-PV). Thời điểm ấy, anh đã từng chứng kiến khách du lịch bị bỏng lạnh, thở dốc ở độ cao hàng nghìn mét so với mặt nước biển.
Thậm chí, có người nằm trong túi ngủ, sáng hôm sau đã tử vong vì cái lạnh khắc nghiệt. Người Sherpa ở giữa Himalaya, ngoài mang vác đồ, thức ăn, họ còn lặng lẽ làm các ngôi đền nho nhỏ để tưởng nhớ ai đã nằm lại trên đỉnh Everest.
Nhiều năm liền, Santosh vẫn bền bỉ khuân vác hành lý hàng chục kg, ngược dốc, vượt bão tuyết, sương mù. Mỗi chuyến đi ấy, du khách dạy anh nói tiếng Anh, giới thiệu về đất nước, con người,… khiến anh bắt đầu nhận thấy tiềm năng của ngành du lịch.
Vài năm sau, Santosh tích lũy tiền bạc, anh quyết định đến thành phố Kathmandu để lập nghiệp và đã có cuộc sống tốt hơn. "Nếu không tìm được chủ tử tế, người khuân vác như tôi sẽ sống cuộc sống như những chú lừa thồ hàng. Sự khắc nghiệt ở Himalaya đã trui rèn cho tôi một ý chí mạnh mẽ. Tôi mang theo ước mơ của mình đến Kathmandu như thế", Santosh nói.
Tôi đã từng xem bộ phim dựa trên câu chuyện có thật của anh chàng người Pháp gốc Phi dồn tất cả tài sản tiết kiệm, lấy hết dũng cảm để lần đầu đặt chân đến Everest. Trước khi đi, anh từng bị chế giễu, cười nhạo khi chưa từng có kinh nghiệm leo núi lại dám đến Nepal. Trong hành trình đó, có người đã bỏ mạng, bỏng lạnh, say độ cao, thiếu oxy và sốc nhiệt. Nhưng cuối cùng, anh đã thực hiện được trong niềm hân hoan, vỡ òa.
Everest hiện thực đầy khốc liệt và đầy hấp dẫn. Hành trang của những kẻ chiến thắng phải là sức khỏe, lòng dũng cảm và quyết tâm bền bỉ. Nhưng trên đỉnh núi ấy, hằng năm vẫn có hàng trăm người khuân vác như Santosh. Họ có thể dành cả đời đi hết những sườn đồi trên dãy Himalaya, viết hộ ước mơ chinh phục cho du khách.
Nhưng có mấy ai chiến thắng được "đỉnh núi" cuộc đời mình giống Santosh?
Nội dung: Khải An.