DNews

Chàng trai Việt ở rể Thái Lan, cùng mẹ vợ bán bánh tráng nướng đắt khách

Huy Hoàng

(Dân trí) - Cuối tuần khách đông hơn thường lệ, người vòng trong vòng ngoài đứng chờ tới lượt. Chỉ trong 2 tiếng, Duy và vợ, cô gái người Thái Lan đã bán hết veo hàng chục suất và phải nghỉ sớm vì hết hàng.

Chàng trai Việt ở rể Thái Lan, cùng mẹ vợ bán bánh tráng nướng đắt khách

Gom sạch tiền hơn 60 triệu đồng sang Thái Lan tìm vợ

Từng học chuyên ngành bác sĩ y học cổ truyền nhưng muốn thay đổi môi trường và ngành nghề, năm 2018, chị Winnisa Sodwilai (thường gọi Nan, quê ở tỉnh Surat Thani, Thái Lan) tới Phú Quốc (Kiên Giang) làm nhân viên spa cho một khu nghỉ dưỡng.

Trong khi đó, Lê Đình Duy, chàng trai quê ở đảo ngọc đang là nhân viên pha chế. Hai con người vốn xa lạ đến từ những quốc gia khác nhau vô tình gặp mặt tại một phòng tập thể hình.

Chàng trai Việt ở rể Thái Lan, cùng mẹ vợ bán bánh tráng nướng đắt khách - 1
Duy cảm mến cô gái người Thái Lan từ cái nhìn đầu tiên (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Duy thổ lộ, anh thấy cảm mến cô gái người Thái Lan ngay từ cái nhìn đầu tiên từ nét mặt tới cử chỉ nên quyết tâm theo đuổi. Họ giao tiếp với nhau bằng tiếng Anh còn Duy vẫn cố gắng học thêm từ vựng mỗi ngày để nói chuyện được nhiều hơn với Nan.

Cuối năm 2018, sau nhiều lần tìm cách theo đuổi nhưng vẫn bị từ chối, Duy quyết không bỏ cuộc. "Mưa dầm thấm lâu", một thời gian sau họ thành đôi.

Dịp Tết năm 2019, Duy mời Nan ở lại Phú Quốc để trải nghiệm dịp lễ cổ truyền của dân tộc, cùng gia đình anh đón năm mới. Lần đầu đón Tết xa nhà, không khí gia đình ấm áp nhà bạn trai chinh phục cô gái ngoại quốc. Nan thích mê những món ăn truyền thống như bánh tét, chả giò, bánh xèo, canh chua...

"Ban đầu khi tới với Nan, tôi chỉ là một nhân viên bình thường với lương tháng tầm 7 triệu đồng. Cũng tự ti nhiều trước bạn gái và thấy tương lai mờ mịt, tôi loay hoay tìm cách kiếm tiền nuôi gia đình", Duy nhớ lại.

Ban đầu, chàng trai Phú Quốc mày mò xây kênh Youtube riêng rồi tự dựng video. Nội dung chủ yếu chia sẻ những khoảnh khắc đời thường trong chuyện tình yêu của mình - cặp đôi Việt Nam và Thái Lan.

Mọi chuyện cứ thế êm xuôi cho tới khi dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát. Chàng trai Việt Nam nhớ mãi khoảnh khắc ngày 20/3/2020 khi Nan về nước. Cô và mẹ của Duy ôm nhau khóc nức nở không muốn rời xa. Nan hẹn sau một tháng sẽ quay lại Phú Quốc, còn Duy có cảm giác lần này người yêu sẽ đi luôn không về.

Chàng trai Việt ở rể Thái Lan, cùng mẹ vợ bán bánh tráng nướng đắt khách - 2
Mẹ Duy dành nhiều tình cảm cho bạn gái người Thái Lan của con trai (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Không còn Nan bên cạnh, chàng trai sinh năm 1995 vẫn tiếp tục quay video làm kênh Youtube. Đó là thời điểm mọi người ở nhà nhiều, dành thời gian xem mạng xã hội lâu hơn nên kênh riêng của Duy bắt đầu có thêm nguồn thu nhập. Đúng lúc đó, công ty tới đợt cắt giảm nhân sự, Duy mạnh dạn xin nghỉ việc.

Đại dịch khiến đôi bạn trẻ chia cách hơn một năm. Dù vẫn duy trì liên lạc mỗi ngày gọi cho nhau 2-3 lần, nhưng linh cảm của Duy vẫn thấy bất ổn. Không biết bao giờ dịch bệnh mới chấm dứt, Nan không thể về Phú Quốc được nên anh quyết định liều sang Thái Lan một phen để tìm vợ.

"Lúc đó tôi chẳng có tiền. Nhưng tôi nghĩ nếu cứ chờ mãi như vậy cả hai không thể đến với nhau được nữa. Dù biết lúc này sang Thái Lan rất tốn kém, lại có nguy cơ mắc bệnh cao, nhưng vì tiếng gọi của trái tim, tôi bất chấp", Duy bộc bạch.

Thời điểm tháng 3/2021, Duy tìm mọi cách liên hệ để sang Thái Lan. Kinh tế là vấn đề đau đầu nhất. Gia đình chỉ dư khoảng 20 triệu đồng. Anh được mẹ đưa toàn bộ số tiền này để mua vé máy bay. Được anh trai mượn thêm 40 triệu đồng, Duy vay bạn bè từng chút. Thời điểm đó sang Thái Lan tốn gần 60 triệu đồng, trong đó bao gồm chi phí 14 ngày cách ly tại khách sạn, tiêm vaccine và xét nghiệm.

Khi biết ý định của anh, Nan nhất quyết không đồng ý. Dù rất nhớ người yêu nhưng cô lo anh chưa quen đường đất, có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Và thời điểm này mẹ cô chưa biết người yêu của con gái ra sao nên không chấp thuận cho hai người đến với nhau.

Chàng trai Việt ở rể tại Thái Lan

Thấy người yêu quyết tâm cao độ, Nan cũng xuôi lòng. Ngày thứ 13 khi Duy đang cách ly tại Bangkok, cô tìm sẵn chỗ trọ cho anh ở quê nhà mình thuộc tỉnh Surat Thani. Sau khi hoàn thành 14 ngày cách ly, họ gặp nhau mừng tủi rồi cùng đi tàu về quê.

Trên đường về nhà, do lo lắng không biết sẽ đối thoại với phụ huynh thế nào, Duy học thêm vài câu tiếng Thái cơ bản. Nhưng khi tàu vừa tới sân ga, họ đã thấy mẹ Nan đứng chờ sẵn. Vì quá bối rối và hồi hộp, thay vì nói lời chào phụ huynh, Duy nói nhầm thành "cảm ơn".

Chàng trai Việt ở rể Thái Lan, cùng mẹ vợ bán bánh tráng nướng đắt khách - 3
Duy dành được thiện cảm với mẹ bạn gái nhờ tính cách hòa đồng, không ngại khổ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Sau khi về nhà người yêu ra mắt phụ huynh, Duy định tới nhà trọ nghỉ ngơi nhưng mẹ Nan không đồng ý. Bà mời anh ở lại nhà để ăn uống, ngủ nghỉ cho đỡ tốn kém.

Chuyến đi thăm người yêu dự tính chỉ kéo dài đôi tuần, không ngờ vì dịch bệnh khiến anh kẹt lại Thái Lan 11 tháng. Khoảng 4 tháng đầu, Duy loay hoay tìm cách thích nghi với môi trường mới. Ngôn ngữ lạ, ẩm thực chưa quen khiến anh bối rối. Nhưng dần dần, Duy đưa mọi thứ về quỹ đạo.

Khi được hỏi về cách "chinh phục" phụ huynh, Duy cười hiền lành nói rằng bản thân chẳng có bí quyết gì đặc biệt. Anh nhận thấy tích cách bản thân hòa đồng, không lười biếng, chẳng nề hà việc nặng nhọc.

Mẹ Nan (SN 1976) một mình nuôi con từ nhỏ, có các sạp hàng buôn bán ngoài chợ. Khi thấy bạn trai của con hay quay video trải nghiệm cuộc sống Thái Lan, bà rất thích và luôn sẵn lòng hợp tác. Chính vì điều này đã kéo dần mối quan hệ của họ gắn kết hơn. Duy muốn đi đâu, mẹ Nan cũng vui vẻ đưa đi nên giữa họ có rất nhiều kỷ niệm chung.

Suốt quãng thời gian xa nhà, Duy thường xuyên gọi điện về cho cha mẹ ở Phú Quốc để hỏi han sức khỏe, chia sẻ cuộc sống tại nước ngoài. Tới tháng 11/2021, họ quyết định đi đăng ký kết hôn ở Thái Lan.

Chàng trai Việt ở rể Thái Lan, cùng mẹ vợ bán bánh tráng nướng đắt khách - 4
Đám cưới tổ chức theo truyền thống Thái Lan ở quê nhà Nan (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Vài tháng sau, tới tháng 1/2022, đám cưới được tổ chức tại quê nhà của Nan. Thời điểm này dịch bệnh vẫn căng thẳng nên lễ cưới chỉ có nhà gái còn đại diện nhà trai không thể tham dự.

"Lễ cưới được tổ chức theo truyền thống ở Thái Lan. Tôi cũng hơi chạnh lòng vì ngày vui của mình lại không có người thân ở bên. Tôi rất mừng vì gia đình bên vợ đều hiểu và thông cảm", Duy nói.

Tới tháng 5/2022, cả hai mới về được Thái Lan và tổ chức đám cưới lần 2 tại quê nhà chú rể.

Khởi nghiệp quán bánh tráng nướng tại Thái Lan

Sau khi kết hôn, hai vợ chồng trẻ lên kế hoạch gây dựng kinh tế tương lai. Tháng 8/2023, cả hai lên Bangkok lập nghiệp, kiếm một sạp hàng nhỏ bán ở vỉa hè bằng món chả giò (nem rán).

Duy nhận thấy ở Thái Lan có món bò bía, bên trong nhân gồm rau và hủ tiếu ăn kèm với nước mắm kẹo. Còn chả giò Việt Nam lại có nhân thịt, cà rốt, mộc nhĩ, chấm nước mắm ớt tỏi chua ngọt được người Thái thích mê.

Chàng trai Việt ở rể Thái Lan, cùng mẹ vợ bán bánh tráng nướng đắt khách - 5
Quầy hàng bánh tráng nướng của chàng rể Việt luôn đông nghịt khách (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Tuy nhiên sau thời gian mở quán, hàng bán chậm hơn dự kiến nên hai vợ chồng lại về quê. Họ bán hàng ở các chợ địa phương nhưng thấy sức mua không khả thi. Trong khi công sức để làm những mẻ chả giò khá công phu, lợi nhuận thu về không đáng kể, Duy bàn với vợ đổi sang món mới.

Dù chưa có kinh nghiệm từ trước nhưng Duy tự mày mò xem tài liệu và video trên mạng để tìm công thức làm bánh tráng nướng. Đây vốn là món ăn vặt rất được giới trẻ Việt Nam ưa chuộng và nổi tiếng ở Thái Lan với tên gọi khác là "bánh pizza kiểu Việt Nam".

Bắt đầu từ con số 0, Duy nhập bánh tráng từ Đà Lạt gửi hàng sang Thái Lan. Đó là loại bánh màu vàng còn công thức do anh học hỏi lượm nhặt từ nhiều nguồn. Nguyên liệu chính gồm thịt bằm, xúc xích, thanh cua, phô mai và nêm nếm cho hợp khẩu vị người Thái. Quán hàng bày bán đầu tiên ở các khu trường học, được học sinh ủng hộ nhiệt tình.

Khách Thái Lan xếp hàng chờ mua bánh tráng nướng của Việt Nam (Nguồn video: Lê Đình Duy).

Sau đó, quán bánh tráng nướng của chàng trai Việt được biết tới nhiều hơn. Có mẹ vợ hỗ trợ, anh chuyển sang bán ở chợ. Mỗi suất có giá 30-40 baht (21.000 đồng - 28.000 đồng), quán chỉ bán 2 tiếng là hết hàng, mang về mức thu nhập trung bình khoảng 2 triệu đồng/ngày. Duy tiết lộ đây là con số khá tốt so với mức sống trung bình của người dân địa phương.

Thương hai con tất bật sớm hôm, chỉ cần có lúc rảnh rỗi, mẹ vợ sẽ đi theo phụ giúp. Duy còn mang theo nón lá Việt Nam, vẽ thêm các hình ảnh thân thuộc như áo dài, hoa sen để quảng bá văn hóa người Việt.

Chàng trai Việt ở rể Thái Lan, cùng mẹ vợ bán bánh tráng nướng đắt khách - 6
Nan mặc trang phục quần áo bà ba, bán món ăn quê hương chồng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Vào những ngày cuối tuần, khách xếp hàng chờ vòng trong vòng ngoài. Tôi nhận thấy người Thái rất mê món ăn Việt, đặc biệt là món này. Đôi lúc Nan còn mặc áo bà ba Việt Nam để giới thiệu hình ảnh quê hương chồng với người địa phương", Duy hãnh diện nói.

Dù chặng đường khởi nghiệp còn nhiều gian nan nhưng Duy vẫn vững tin vào tương lai. Mới đây, anh hạnh phúc nghẹn ngào khi biết gia đình sắp đón thêm thành viên nhí. Họ dự kiến sẽ đón "một em bé rồng" trong năm 2024. Đó là động lực để chàng trai Việt Nam càng nỗ lực hơn nữa ở xứ người.

Chàng trai Việt ở rể Thái Lan, cùng mẹ vợ bán bánh tráng nướng đắt khách - 7
Nan cũng được bố mẹ chồng hết mực thương yêu, coi như con cái trong nhà (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Tôi sẽ cố gắng hơn nữa để mở một quán bán đồ ăn Việt Nam tại Thái Lan. Đó là những món chắc chắn người Thái sẽ thích như bánh xèo, chả giò, trà tắc, cà phê Việt... Tháng 2 này, cả nhà tôi đều về Việt Nam ăn Tết. Đây là Tết đoàn viên sum vầy đầu tiên của gia đình nên chúng tôi đều rất háo hức", Duy vui vẻ chia sẻ.