(Dân trí) - Trong phiên cuối cùng (27 tháng Chạp âm lịch) của năm Canh Tý, chợ Nủa chỉ dành cho đàn ông. Nhiều loại dịch vụ, cách thức mua bán vẫn theo phong cách truyền thống.
PHIÊN CHỢ ĐÀN ÔNG CUỐI CÙNG CỦA NĂM CANH TÝ
Trong phiên cuối cùng (27 tháng Chạp âm lịch) của năm Canh Tý, chợ Nủa chỉ dành cho đàn ông. Nhiều loại dịch vụ, cách thức mua bán vẫn theo phong cách truyền thống.
Chợ Nủa (xã Bình Phú, Thạch Thất, TP. Hà Nội) phiên cuối năm diễn ra vô cùng tấp nập và đông đúc, theo tích xưa phiên 27 tháng Chạp là để dành cho đàn ông.
Trước đó phiên 22 tháng Chạp chỉ dành dành cho nữ, vì vậy người dân vẫn còn truyền khẩu câu "gái 22, trai 27". Chợ Nủa xưa là nơi giao thương sầm uất của cả vùng, người đến chợ không chỉ mua bán hàng hóa mà còn để giao lưu và vui chơi. Dần dần lệ "gái 22, trai 27" đã bị xóa nhòa, nam nữ có thể đi vào tất cả các phiên trong năm.
Trong thời điểm dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, mọi người dân vào chợ mua bán đều phải thực hiện việc đeo khẩu trang đề phòng dịch bệnh lây lan.
Chợ Nủa họp vào các ngày 2, 7,12, 17, 22, 27 âm lịch, bán đủ loại sản vật trong vùng và hàng hóa từ mọi miền đất nước. Đặc biệt khu bán đồ ăn uống trong phiên chợ cuối năm thu hút đông giới trẻ.
Ngày thường, chợ chỉ họp đến 2h chiều là kết thúc. Riêng phiên cuối năm họp đến tối, đến lúc hết khách mới tan. Chợ vẫn giữ được nét đặc sắc của chợ phiên truyền thống vùng quê Bắc Bộ xưa. Trong ảnh là một gia đình chuyên rang các loại hạt bằng than đá, phương pháp rang đã có từ 40 năm nay. Người dân nơi đây thường rang các loại đỗ, hạt sen, gạo lứt... để làm bột ngũ cốc. Giá mỗi lượt rang khoảng 10.000 đồng.
Ngoài rang hạt, gia đình còn giữ truyền thống "bung" bỏng ngô. Ngô nếp hoặc tẻ, thậm chí cả gạo (có thể ngào thêm nước đường nếu thích ăn ngọt) được cho vào quả nổ, quay trên lò than nóng đủ độ trong khoảng 15 phút. Sau đó người thợ mở nắp quả nổ bên trong lồng dựng bằng vải dứa hoặc bảo tải. Hạt ngô nóng chín bị nén khí bung nở ra thành bỏng ngô thơm giòn. Người vợ chủ hàng sẽ lấy đi gom bỏng trong lồng cho khách, chỉ vài hất khéo léo tấm vách vải bao tải là đã đầy rổ. Tiếng nổ "bùm" vang chợ mỗi lượt nổ bỏng đã trở thành âm thanh quen thuộc gần nửa thế kỷ nay ở chợ Nủa.
Người dân tuân thủ nghiêm việc đeo khẩu trang khi vào chợ, để bảo vệ bản thân và cho cả cộng đồng.
Có khá nhiều người đi khắp chợ để bán hạt tiêu theo cách mua hạt rồi xay luôn mới giao cho khách.
Ngoài sản vật và các loại thực phẩm, chợ dành một diện tích lớn cho các gian hàng thời trang. Hoạt động mua sắm quần áo trong phiên cuối năm diễn ra sôi động.
Chợ bán đủ loại gia cầm, trong phiên gà sống bán rất nhiều. Người dân trong vùng đều mua gà vào ngày hôm nay để dành chuẩn bị mâm cỗ cho đêm giao thừa.
Chợ bán nhiều loại nông cụ sản xuất, các vật dụng làm bằng tre nứa được bán khá nhiều. Ban đầu, chợ chỉ có diện tích khoảng 4.000m2 nhưng do sức mua, bán lớn nên càng ngày càng được mở rộng. Hiện nay, chợ họp trên diện tích 12.000m2
Người đi mua, bán cũng nhiều và người đi chơi cũng lắm. Nhiều người ra chợ chỉ để thay cái chuôi dao, sửa cái khóa, cạp lại cái rổ... hay đơn thuần chỉ mua vài bó lạt gói bánh chưng... Thực ra, những vật dụng này được bán ở nhiều nơi nhưng người ta vẫn chờ đợi đến phiên chợ Nủa mới đi mua, bởi ra chợ cốt chỉ để cho vui, đỡ nhớ...
Các loại đồ trang sức, đồ mỹ ký cũng bán rất chạy vào phiên cuối năm, như dây chuyền, khuyên tai, vòng đeo tay...
Theo tích xưa thì đàn ông đi chợ phiên 27 tháng Chạp mua những đồ bằng sắt hoặc nông cụ lao động.
Còn người phụ nữ đi chợ thường mua sắm rau quả cùng những đồ trang trí trong nhà.