Người dân ở TPHCM làm bảng chỉ dẫn "chặt hẻm", né tắc đường giờ cao điểm
(Dân trí) - Người dân sống ở các con hẻm nhỏ tại TPHCM, nhiệt tình dùng giấy bìa cứng đề bảng, hướng dẫn người tham gia giao thông cách "chặt hẻm" để né kẹt xe vào giờ cao điểm.
Tấm bảng cứu nguy
18h30, trong dòng xe cộ tấp nập trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3), anh Việt Bình (25 tuổi) ngồi sau lưng tài xế xe công nghệ nơm nớp lo sợ bản thân sẽ trễ chuyến tàu đi Bình Thuận lúc 19h. Anh từ Tiền Giang đến TPHCM và cần có mặt tại Bình Thuận vào buổi tối.
Thấy đường kẹt "cứng ngắc", xe máy chỉ nhích được những khoảng nhỏ, đồng thời thấy được sự sốt ruột của anh Bình, tài xế xe công nghệ đề nghị "chặt hẻm" (đi tắt xuyên qua con hẻm để tránh tắc đường). Tài xế cho biết đường trong hẻm sẽ chật hẹp hơn, nhưng đảm bảo giúp anh Bình đến ga và lên tàu đúng giờ.
Không còn cách nào khác, anh Bình chỉ có thể trông cậy vào tài xế. Chiếc xe máy rẽ vào con hẻm 240 Cách Mạng Tháng Tám theo hướng dẫn của bảng chỉ đường. Chỉ hơn 2 phút, anh Bình đã thoát khỏi dòng xe ồn ào của đường Cách Mạng Tháng Tám, thấp thoáng thấy bóng ga Sài Gòn.
"Trước đó, cầm điện thoại theo dõi bản đồ, tôi lo lắng vô cùng bởi đoạn đường Cách Mạng Tháng Tám, Rạch Bùng Binh - lối quen thuộc đến Ga Sài Gòn - còn hơn 1km, nhưng xe cộ kẹt cứng thỉnh thoảng mới nhích được một chút. Nhờ con hẻm nhỏ nối đường Cách Mạng Tháng Tám và Nguyễn Phúc Nguyên đã cứu tôi một ván", anh Bình nhớ lại.
Sau đó, khi đã từ Bình Thuận về Ga Sài Gòn, anh Bình được một người bạn ở TPHCM chở bằng xe máy từ Ga Sài Gòn, luồn bên trong hẻm 292 Cách Mạng Tháng Tám. Bạn của anh Bình lại tiếp tục băng qua đường, đi hẻm 24 Hoàng Dư Khương (quận 10), rồi chạy một mạch đến đường Cao Thắng, Ba Tháng Hai để di chuyển ra Bến xe miền Tây (quận Bình Tân).
"Biết đi đường hẻm thật sự thuận tiện hơn rất nhiều. Tất nhiên, những con đường trong hẻm khá nhỏ, thậm chí có phần chật chội, chỉ 1 xe có thể đi qua", anh Bình nói về trải nghiệm của mình.
TPHCM là một trong những nơi thường xuyên kẹt xe vào các giờ cao điểm.
Người dân sống ở thành phố này thường tận dụng các con hẻm làm lối thoát trong những buổi sáng và những chiều tan tầm đường kẹt cứng. Song, có người sống ở TPHCM hơn 10 năm chưa chắc đã tự tin "chặt hẻm", bởi sợ lọt vào hẻm cụt, nhầm đường hay đi lạc vào nhà dân.
Ở phường 10 (quận 3, TPHCM), các bảng chỉ cách đi đường tắt trong hẻm chính là sáng kiến của Hội Cựu chiến binh, góp phần giúp người dân tránh ùn tắc giao thông vào các giờ cao điểm.
Ông Đồng Quảng Toan - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường 10 (quận 3, TPHCM) - cho biết mỗi năm, đơn vị đều nghiên cứu các mô hình, kế hoạch mới để phục vụ đời sống của người dân.
Khi khảo sát thực tế và nhận thấy những lợi ích, năm 2023, Hội Cựu chiến binh phường 10 (quận 3, TPHCM) đã thực hiện mô hình lắp các bảng tên trước hẻm, bảng chỉ dẫn đường đi để giảm ùn tắc giao thông.
"Hiện nay, các hẻm từ số 132 đến số 292 đường Cách Mạng Tháng Tám thuộc địa bàn phường 10 đã được lắp 64 bảng. Trong đó, có các bảng tên hẻm và 4 bảng chỉ dẫn các tuyến hẻm dẫn ra đường Trường Sa để đi về hướng Tân Bình một cách thuận tiện.
Ông Toan cho biết các bản chỉ dẫn trên giúp người dân ở các nơi khác biết lối vào Ga Sài Gòn một cách nhanh chóng, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông.
Theo ông Toan, mô hình bảng hướng dẫn "chặt hẻm" này được người tham gia giao thông, người trong địa bàn và UBND đánh giá cao. Đơn vị đang theo dõi, duy trì và phát huy thêm các bảng chỉ đường để giúp người dân có cuộc sống thuận tiện hơn.
Ông cho biết, khi có bảng chỉ dẫn, xe cộ lưu thông qua các con hẻm nhiều hơn. Không tránh khỏi ồn ào, nhưng người dân sống tại các con hẻm không vì vậy phàn nàn hay khó chịu. "Không có bảng chỉ đường, người dân sẽ là người chỉ đường để cho người tham gia giao thông di chuyển trong hệ thống hẻm chằng chịt", ông Toan nói.
"Đặc sản" né kẹt xe ở TPHCM
Ngày nay, các bảng hướng dẫn "chặt hẻm" được ra đời ngày càng nhiều ở TPHCM. Trên các tuyến đường, cơ quan chức năng đã bố trí các tấm bảng to, nhỏ khác nhau, chỉ dẫn lối đi tắt từ con đường này sang con đường khác một cách nhanh hơn.
Trên địa bàn quận Bình Thạnh - nơi thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe phức tạp - có nhiều bảng hướng dẫn lớn được bố trí, nhất là các khu vực "nóng" như đường Ung Văn Khiêm, Xô Viết - Nghệ Tĩnh...
Trong đó, hẻm 42 Ung Văn Khiêm nối đường D5 và Ung Văn Khiêm; hẻm 31 Ung Văn Khiêm dẫn ra đường Xô Viết Nghệ Tĩnh; các hẻm 549, 685, 758 và 860 Xô Viết - Nghệ Tĩnh dẫn ra đường Đinh Bộ Lĩnh, Ung Văn Khiêm, Quốc lộ 13... đã góp phần giảm cảnh ùn tắc giao thông trên các tuyến đường lớn, giúp người dân di chuyển nhanh hơn trong giờ cao điểm.
Tương tự, đường Trường Chinh (Tân Bình) cũng được bố trí bảng hướng dẫn giúp người tham gia giao thông biết cách luồn lách trong hẻm để đến đường Lý Thường Kiệt mà không phải di chuyển qua đoạn ngã tư Bảy Hiền (Tân Bình), giúp giảm lượng xe cộ tập trung đến đây vào giờ cao điểm.
Gần nút giao Lý Thường Kiệt (Tân Bình), tại ngã ba đường Bảy Hiền và Lạc Long Quân (Tân Bình) cũng có bảng chỉ dẫn hướng xe ra đường Phạm Phú Thứ. Đây là con đường có thể dẫn ra khu vực đường Bàu Cát, Âu Cơ, Lũy Bán Bích... ở Tân Phú tránh ùn tắc tại đường Trường Chinh - Âu Cơ.
Anh S. sinh sống trên đường Ngô Tất Tố (quận Bình Thạnh), cho biết mỗi sáng đi làm ở Thanh Đa (quận Bình Thạnh), anh nhiều lần kẹt cứng trong dòng xe cộ từ đoạn Ngô Tất Tố - Nguyễn Văn Lạc - Xô Viết - Nghệ Tĩnh cho đến Bình Quới.
"Trước đây, tôi cứ nhích gần cả tiếng đồng hồ mới tới nơi. Nhiều người cũng chịu cảnh kẹt xe giống tôi nếu không chọn đi sớm hoặc đi trễ hơn một chút. Về sau, tôi thử rẽ vào hẻm trên đường Xô Viết - Nghệ Tĩnh, rồi luồn lách qua các con hẻm của đường Ung Văn Khiêm để rồi đến cầu Kinh (quận Bình Thạnh), thời gian đi làm đã tiết kiệm đáng kể", anh S. nói.
Hẻm ồn ào giờ cao điểm, người dân nói gì?
Khoảng 17h, phóng viên Dân trí theo bảng chỉ dẫn trên đường Trường Chinh, rẽ vào đường Trần Mai Ninh (quận Tân Bình, TPHCM), "chặt hẻm" để tìm lối ra đường Lý Thường Kiệt. Khi hỏi đường, phóng viên nhận được cái xua tay của người phụ nữ sống trong con hẻm.
Bà nói: "Chưa quá kẹt xe thì hãy đi đường Trường Chinh cho tiện, hẻm hóc trong đoạn này phức tạp lắm, nếu không biết đường, có khi còn chậm hơn đi đường lớn".
Song, người phụ nữ vẫn nhiệt tình, nói nếu muốn, bà sẽ chỉ một đoạn, rồi dặn "đi đến đâu hỏi đường đến đó".
Hình ảnh người điều khiển xe máy luồn lách trong các con hẻm đã quá quen thuộc với người dân ở TPHCM. Hầu hết những người sinh sống trong hẻm đều không ngại lên tiếng chỉ dẫn khi được hỏi đường. Chính những người trong hẻm còn tận tình dắt người đi đường ra khỏi hẻm.
Thậm chí, không chỉ cơ quan chức năng, người dân còn tự tay đề những bảng chỉ đường giúp người tham gia giao thông thuận tiện khi di chuyển.
Trong hẻm 47 Trường Chinh (Tân Bình), tấm bảng viết tay chỉ hướng đi ra đường Võ Thành Trang khiến nhiều người đi đường mừng rỡ, cảm giác như nhận được sự đồng hành trong công cuộc luồn lách hẻm tìm đường về nhà trong giờ cao điểm kẹt xe.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, người dân sinh sống trong con hẻm này cho biết nhiều người luống cuống khi đang di chuyển trong hẻm 47 Trường Chinh thì gặp phải đường Nguyễn Bá Tòng.
"Thay vì họ đứng lại lấy bản đồ ra xem, chỉ cần nhìn bảng chỉ đường thì họ có thể tiếp tục chạy ra đường Võ Thành Trang mà không mất nhiều thời gian. Vừa đỡ cho họ mà vừa đỡ kẹt xe, đỡ mất công những người đi đường khác", chị C. - một người dân sống trong hẻm cho hay.
Chị C. cũng cho biết tấm bảng đó do người dân tự viết rồi treo trên cột điện để con hẻm này thông thoáng hơn trong giờ cao điểm.
Anh Gia Huy (28 tuổi, Tân Bình) cho biết khi đang di chuyển trên đường Xuân Diệu (Tân Bình) về hướng đường Hoàng Hoa Thám (Tân Bình), đối mặt với ngã ba Xuân Diệu - Nguyễn Thái Bình kẹt cứng, anh được người dân hướng dẫn rẽ vào hẻm 90/153 Trường Chinh để tránh đoạn kẹt ở ngã ba trên.
"Tôi chạy vào hẻm, mỗi đoạn ngoằn ngòeo tôi lại dừng lại hỏi người dân. Họ nhiệt tình chỉ dẫn, giúp tôi có trải nghiệm vượt hẻm "siêu nhỏ" để tránh kẹt xe", anh Huy nói.
Theo lời anh Huy, phóng viên Dân trí tìm đến con hẻm 90/153 Trường Chinh và cũng được người dân tại đây hướng dẫn đi đến một con hẻm nhỏ không tên để ra đường Nguyễn Thái Bình.
Ông Lê Hải Sơn (61 tuổi) - người dân sinh sống trong hẻm - cho biết mỗi khi ngã ba Xuân Diệu - Nguyễn Thái Bình ùn tắc, người tham gia giao thông lại di chuyển vào con hẻm này, rồi lách qua một đoạn hẻm nhỏ không tên để ra đường Nguyễn Thái Bình. Ông Sơn cho rằng "chặt hẻm" là điều quen thuộc khi sống ở TPHCM và việc chỉ đường cho người "chặt hẻm" cũng thế.
Vào giờ cao điểm, ông thừa nhận, các con hẻm đón người tham gia giao thông nhiều hơn lại có phần ồn ào. Song, người đàn ông này chia sẻ, đường là của chung và sau một ngày làm việc ai cũng muốn về nhà, nên có ồn một chút cũng chẳng sao.