(Dân trí) - Lễ hội làng Thị Cấm (Nam Từ Liêm, Hà Nội) diễn ra ngày mùng 8 tháng Giêng hàng năm, phần hấp dẫn và lôi cuốn nhất chính là cuộc thi thổi cơm theo cách thức cổ xưa nhất vẫn được giữ nguyên từ bao đời nay.
HÌNH ẢNH ĐẶC BIỆT TRONG LỄ THỔI CƠM CỔ XƯA ÍT PHÚT TRƯỚC LỆNH "CẤM" VÌ VIRUS CORONA
Trưa 1/2, UBND TP Hà Nội có văn bản yêu cầu Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội chỉ đạo dừng tất cả các lễ hội mới, chưa khai mạc. Ít phút trước đó, lễ hội làng Thị Cấm (Nam Từ Liêm, Hà Nội) diễn ra với phần hấp dẫn, lôi cuốn nhất chính là cuộc thi thổi cơm theo cách thức cổ xưa nhất vẫn được giữ nguyên từ bao đời nay.

Hội làng Thị Cấm là để tưởng nhớ ngày quân dân đồng lòng cùng Phan Công Tây Nhạc Đại Vương đánh giặc, trong đó phần thi thổi cơm chính là tái hiện việc dân giúp quân đánh giặc thể hiện sự đồng lòng.

Cuộc thi có 4 đội đại diện cho 4 giáp trong làng: Giáp Đoài, Giáp Đoài Nhị, Giáp Trung, Giáp Đông. Trước khi bước vào phân thi đại diện các giáp làm lễ kính cẩn trước sân đình.

Các đội tự chuẩn bị bộ dụng cụ tạo lửa gồm: bùi nhùi, ống tre khô, giang, tre. Bộ kéo lửa này được bảo quản nghiêm ngặt và trước khi kéo lửa phải được các cụ kiểm tra kĩ.

Các em nhỏ đại diện cho 4 giáp chuẩn bị chạy đi lấy nước thật nhanh về cho đội mình nấu cơm.

Bắt đầu có hiệu lệnh, mọi người sẽ kéo lửa thật nhanh để lấy lửa, việc này chỉ diễn ra trong khoảng vài phút.

Có nước, có lửa, nồi cơm lập tức được bắc lên bếp để bắt đầu thổi cơm.

Việc giã gạo tốn nhiều công sức và nhiều người, nhóm giã, nhóm giữ cối, nhóm lắc lư đảo thóc, những công đoạn này chỉ diễn ra trong vài phút.

Cuộc thi là sự thể hiện tinh thần đồng đội rất cao, ngay cả việc vo gạo cũng cần đến 3-4 người.

Các đội của 4 giáp vãi rơm cháy ra khắp sân đình để ủ nồi cơm và vừa để ngụy trang tránh bị phát hiện chỗ nào có nồi đang nấu.

Chiêng trống rộn rã, nhiều người xông vào giữa đống lửa để cổ động cho các giáp thổi cơm.

Khi lửa đã tàn các cụ bắt đầu đi chọc tùng nồi cơm để kiểm tra.


4 nồi cơm được vớt ra từ những đống rơm ủ được lau sạch và chính tay các cụ mang vào đình chấm điểm.


Cơm chín dẻo, thơm ngon, không khê, nát là đạt. Việc chấm điểm cũng chỉ là tượng trưng để khích lệ các đội thổi cơm sao cho thật khéo léo.
Hữu Nghị