Gặp lần đầu khi vợ mới 5 tuổi, người đàn ông không ngờ có hôn nhân cổ tích
(Dân trí) - Cuộc sống khốn khó, thu nhập từ việc nhặt ve chai chỉ có 15.000 đồng/ngày, nhưng vợ chồng ông Huỳnh Duy Tế (83 tuổi) và bà Nguyễn Thị Út (76 tuổi) vẫn vui vẻ, hạnh phúc, khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Hôn nhân ngọt ngào hơn nửa thế kỷ
Sáng sớm, trong căn nhà ọp ẹp lọt thỏm giữa nhiều hàng quán khang trang trên đường Trường Sa (quận 1, TPHCM), ông Huỳnh Duy Tế và vợ là bà Nguyễn Thị Út lật lại xấp ảnh cũ, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm ngày đầu mới cưới.
Xem vài ảnh, ông Tế lại đứng dậy, lê chiếc chân giả cũ kỹ, có nhiều vết nứt đi quanh nhà, mở các hộc tủ để kiếm thêm những bức ảnh ông bà cất giữ từ lâu.
Ông Tế chỉ có một chân, chân còn lại đã bị cưa từ khi còn rất trẻ sau một tai nạn. Trong khi đó, bà Út hiện mắc bệnh đau nhức, đôi chân cũng mất sức, khó di chuyển. Song, khi nói về hôn nhân của mình, ông bà lại nhìn nhau mỉm cười, ánh mắt rạng ngời niềm hạnh phúc như quên đi mọi khó khăn, mệt nhọc.
Ông Tế kể, chuyện tình của ông và vợ có phần đặc biệt bởi lần đầu họ gặp nhau là khi ông 12 tuổi còn vợ mới 5 tuổi. Khi đó, sự cảm mến ông Tế dành cho bà Út chỉ là tình cảm của một đứa trẻ mong ngóng có bạn chơi cùng. Bản thân ông cũng không ngờ có ngày ông sẽ cưới được bà làm vợ.
"Tôi chơi với một cô bạn trong xóm. Một hôm, cô bạn đó dắt vợ của tôi đến chơi, khi đó vợ tôi mới 5 tuổi. Cô bạn còn hẹn sau này rảnh rỗi sẽ đưa vợ tôi từ quê lên thành phố chơi như thế. Ấy thế mà sau lần gặp đầu tiên, tôi mòn mỏi đợi mãi cũng không có dịp gặp lại vợ", ông Tế kể.
Bà Út khi còn trẻ (Ảnh: Mộc Khải).
12 năm trôi qua, hồi ức về cô bé 5 tuổi ngày nào vẫn ám ảnh trong tâm trí ông Tế. Bỗng một ngày, ông gặp lại cô bé năm nào ngay trong xóm. Lúc bấy giờ, bà Út đã trở thành thiếu nữ, song lại không nhớ gì về ông Tế.
"Khi gặp lại cô gái tôi trông ngóng bao năm, cảm xúc trong tôi dâng trào. Rất nhanh chóng, tôi quyết định sang nhà cô ấy hỏi cưới", ông Tế kể.
Nhờ hiền lành, chịu thương chịu khó, ông Tế được lòng mẹ của bà Út. Mẹ bà Út khen ông chất phác, thật thà, khuyên con gái chọn ông làm bến đỗ của cuộc đời. Song, mẹ của bà Út vẫn tôn trọng quyết định của con gái chứ không ép gả.
Về phần bà Út, là cô gái mới lớn chưa từng trải qua mối tình nào, sau thời gian suy nghĩ gần một tuần, bà miễn cưỡng theo chồng dù không hề có tình yêu.
Ông Tế và bà Út lúc mới kết hôn (Ảnh: Mộc Khải).
"Nhắm mắt đưa chân" vào cuộc sống hôn nhân với ông Tế, bà Út được chồng yêu thương, cưng chiều vô điều kiện. Dần dà, bà bị chinh phục bởi sự chân thành, tôn trọng mà ông Tế dành cho mình. Từ đó, bà cũng nguyện sẽ kề cận chồng và sống bên ông suốt đời, suốt kiếp.
Thế nhưng, hạnh phúc chưa được bao lâu, ông Tế gặp tai nạn, phải cưa mất một chân. Lúc này, nhiều người khuyên bà Út nên bỏ chồng, tìm hạnh phúc mới bởi sợ ông Tế tàn tật sẽ trở thành gánh nặng của bà. Dù vậy, bà Út vẫn kiên định với tình yêu của mình, một thân một mình buôn bán, làm lụng để kiếm tiền chăm sóc cho chồng.
Gần 60 năm làm vợ ông Tế, bà Út được chồng cưng chiều hết mực (Ảnh: Mộc Khải).
Gần 60 năm bên nhau, ông bà chưa từng lớn tiếng với nhau. Ở tuổi "gần đất xa trời", đôi vợ chồng vẫn xưng bằng "anh - em", khiến nhiều người ngưỡng mộ. Ông Tế nói: "Nghe cách chúng tôi xưng hô, nhiều người cười chúng tôi lắm nhưng tôi quen rồi. Thêm nữa, cách xưng hô cũng là một trong những điều khiến chúng tôi hạnh phúc bao năm qua".
Bà Út cũng cho biết, kể cả khi giận dỗi, ông bà cũng xưng bằng "anh - em". Đây cũng là bí quyết hôn nhân bà học được từ cha mẹ, anh chị của mình.
Thu nhập 15.000 đồng/ngày, nhưng vui
Ông Tế và bà Út có 4 người con, một người không may qua đời sớm, những người còn lại cũng lập gia đình và bươn chải để lo kế sinh nhai nên không có nhiều thời gian đến thăm cha mẹ.
Ông Tế và bà Út cũng cho biết ông bà chỉ thích ở với nhau cho thoải mái, không muốn phụ thuộc vào ai. Hằng ngày, khi trời sụp tối, ông Tế lại dắt chiếc xe đạp cà tàng đi nhặt ve chai. Hơn 20 năm qua, đây là công việc chính của ông để có tiền trang trải cuộc sống của đôi vợ chồng già.
Trước đây, bà Út cũng cùng chồng nhặt ve chai, phế liệu để kiếm sống, nhưng rồi căn bệnh thấp khớp hành hạ, khiến đôi chân bà đau đớn, khó đi lại bình thường. Từ đó, ông Tế một mình gánh vác cuộc sống của hai vợ chồng.
Bà Út nói: "Chân tôi đau quá, thêm bệnh tiểu đường, nên nhiều năm qua tôi chỉ quanh quẩn ở nhà. Cố gắng thì tôi sẽ nấu cơm được nhưng không xách nặng hay đứng lâu được. Cũng vì vậy mà mọi chuyện trong nhà do một tay chồng tôi quán xuyến".
Mỗi ngày, ông Tế đi quanh chợ Thị Nghè nhặt ve chai, bán được khoảng 15.000 đồng. Ông thừa nhận, số tiền này hôm có hôm không, nên có lúc hai vợ chồng phải ăn mì gói, thậm chí nhịn đói qua ngày.
Ông Tế nhiều lần ngã nhào khi đi nhặt ve chai (Ảnh: Mộc Khải).
Lớn tuổi, chân đã yếu, cộng thêm chiếc chân giả đã cũ, ông Tế nhiều lần ngã nhào ngoài phố. Dù vậy, ông nói mình còn sức thì còn đi làm, được bao nhiêu hay bấy nhiêu.
Ông Tế cũng bộc bạch, nói là đi nhặt ve chai nhưng ông được mọi người cho là nhiều. Từ quạt máy, đến túi mì tôm, nồi cơm điện trong nhà đều là do nhà hảo tâm thương và hỗ trợ. Thậm chí mỗi năm, ông bà còn đổi hơn chục chiếc nồi cơm điện cũ.
"Mọi người cho tôi rất nhiều bánh, gạo, mì gói, nước tương, đồ ăn thức uống... Hầu hết đồ đạc trong nhà tôi đều là đồ được cho, chứ vợ chồng tôi tiền mua thuốc còn không đủ thì mua được cái gì.
Người ta cho nồi cơm điện cũ, tôi xài một thời gian thì hỏng. Người khác lại cho cái khác, cứ thế tôi đổi nồi cơm điện liên tục (cười). Còn chuyện ăn uống, tôi với vợ có gì ăn đó, có gạo thì ăn cơm, không có gạo thì ăn mì gói. Chúng tôi làm sẵn 3 hủ mắm, khi nào không có gì ăn thì cứ lấy ra dùng", ông Tế nói.
Ảnh cưới do mạnh thường quân chụp cho ông Tế và bà Út (Ảnh: Mộc Khải).
Ở tuổi "gần đất xa trời", ông Tế và bà Út lạc quan, vui vẻ, sống bên nhau bằng tình cảm chân thành với những lời lẽ ngọt ngào, thân mật. Đôi vợ chồng cho biết, cuộc sống khốn khó vốn là điều bình thường trong xã hội, nên không có gì phải than thở hay trách móc.
Bà Út cho rằng cuộc sống có thiếu thốn, nhưng bà cảm thấy vui, nhẹ nhàng khi ở bên chồng là được. Mỗi ngày, bà đều đợi ông đi nhặt ve chai về rồi mới cùng đi ngủ. Đối với bà, mỗi bữa cơm chỉ có chiếc trứng vịt chia đôi với chồng cũng là bữa cơm ngon lành, ấm cúng.
"Bây giờ chỉ còn một ước nguyện là chúng tôi ở bên nhau mãi đến hết đời, cùng ra đi để không ai phải buồn khổ, nhớ nhung", ông Tế nói.