(Dân trí) - Xã Tiên Phương (Chương Mỹ, TP. Hà Nội) chỉ cách Hà Nội 20 km, vẫn còn nhiều nếp nhà xưa ba gian, năm gian với cánh dại tre tạo thành bức chấn cổ dân dã mang đậm dấu ấn làng quê Bắc Bộ.
CÁNH DẠI TRE ĐỘC ĐÁO TRONG NẾP NHÀ XƯA Ở NÔNG THÔN MIỀN BẮC
Xã Tiên Phương (Chương Mỹ, TP. Hà Nội) chỉ cách Hà Nội 20 km, vẫn còn nhiều nếp nhà xưa ba gian, năm gian với cánh dại tre tạo thành bức chấn cổ dân dã mang đậm dấu ấn làng quê Bắc Bộ.
Xã Tiên Phương có địa hình một nửa là đồng bằng, một nửa là vùng đồi thấp chạy dọc theo đường tỉnh lộ 419. Đây là xã nằm trong vùng đất có rất nhiều di tích lịch sử tâm linh độc đáo như chùa Trăm Gian, chùa Vô Vi, chùa Trầm... cảnh sắc thanh bình rất điển hình của thôn quê miền Bắc.
Đi sâu vào trong làng vẫn còn khá nhiều nếp nhà xưa có tuổi ngót trăm năm tạo nên không gian mộc mạc và gợi nhắc nhiều kí ức. Trong ảnh là ngôi nhà của ông Nguyễn Danh Tuệ, thôn Quyết Tiến được truyền lại từ đời cụ, đến nay đã tồn tại được khoảng 100 năm.
Cổng ngôi nhà nguyên bản, ông Tuệ cho biết gia đình cũng không ai còn nhớ ý nghĩa của các chữ vẽ trên hai bên cột cổng.
Cánh dại tre là một chi tiết rất phổ biến ở các ngôi nhà vùng nông thôn xưa. Cánh dại tre này được dựng ở bên ngoài bộ cửa, có tác dụng che mưa nắng và cũng có ý nghĩa như tấm bình phong che cho kín đáo.
Phía sau dại tre là khoảng trống khoảng một mét mới đến bộ cửa bức bàn.
Ông Tuệ cho biết, bộ cánh cửa làm bằng gỗ sung. Khung nhà làm bằng gỗ lim được tận dụng lại từ nhà khác, như bộ khung này có tuổi còn hơn cả ngôi nhà. Theo ông Tuệ, cánh dại tre ở phía ngoài hứng mưa nắng nên nhanh hỏng, ông đã phải làm lại vài lần.
Trên các con đường nhỏ dốc trên sườn đồi dễ dàng bắt gặp những giếng nước trong vắt mà người dân nơi đây vẫn còn sử dụng. Trong ảnh là một giếng khơi ở thôn Đồng Nanh có đường kính miệng hơn hai mét, xây bằng đá, nước cực trong.
Khu vực giếng chiếm diện tích khoảng 50 mét vuông, có một cối đá chung dùng để đãi đỗ giã gạo. Nơi đây trước kia giống như điểm sinh hoạt cộng đồng của người dân thôn Đồng Nanh.
Trong ảnh là một ngôi nhà cổ điển hình với bậc tam cấp kéo dài suốt mặt trước, sân lát gạch đỏ và cũng có cánh dại tre chắn mưa nắng.
Kết cấu chung của dại tre là có hai lối cửa hai bên, có cánh hoặc không, ở giữa có một cửa sổ. Xưa khung của dại được làm từ cây tre nguyên, nhưng nay đã được làm lại thay bằng khung gỗ.
Ngoài nếp nhà xưa, thôn Quyết Tiến còn có tới 4 ngôi quán cổ đã được xếp hạng di tích. Trong ảnh là quán Thánh nằm ở giữa cánh đồng làng, tương truyền đây là nơi lưu dấu chân Thánh khi đi xin cơm cà cho thợ xây chùa Trăm Gian (cũng có ý kiến cho rằng xây chùa Bối Khê).
Cổng quán Thánh dạng tam quan, lối chính chỉ dùng khi có việc làng. Bình thường người dân đi lại qua hai cổng bên.
Một chiếc cổng cổ còn sót lại.