DNews

Cơn sốt vé "Ngày xửa ngày xưa" và lối ra nào cho sân khấu kịch? (Kỳ cuối)

B.Phương

(Dân trí) - Trong bối cảnh phải cạnh tranh với nhiều hình thức giải trí mới mẻ, giới kịch nói TPHCM sẽ phải có nhiều thay đổi, sáng tạo để thích ứng với xu thế phát triển hiện đại.

Cơn sốt vé "Ngày xửa ngày xưa" và lối ra nào cho sân khấu kịch? (Kỳ cuối)

Dân trí thực hiện tuyến bài "Sân khấu kịch Sài Gòn: Còn lại gì sau thời vàng son?" với mong muốn dành tất cả sự trân trọng, tôn vinh những nghệ sĩ, bầu show, nhân viên hậu đài và cả khán giả - những người đã luôn dành tình yêu cháy bỏng cho sân khấu kịch bất kể những thăng trầm, đổi thay của thời cuộc...

Thay đổi để tồn tại

Những năm gần đây, sân khấu kịch TPHCM đã trải qua nhiều thăng trầm, biến động. Dịch bệnh, đời sống kinh tế khó khăn, những thay đổi về xu hướng thưởng thức nghệ thuật của khán giả cùng nhiều lý do khiến một số sân khấu kịch phải hoạt động cầm chừng. Có lúc, giới kịch nói Sài Gòn hoang mang, đặt dấu hỏi về tương lai của chính mình.

Cơn sốt vé Ngày xửa ngày xưa và lối ra nào cho sân khấu kịch? (Kỳ cuối) - 1

Cảnh trong một vở diễn của Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh (Ảnh: Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh).

Đứng trước những khó khăn này, các sân khấu buộc phải "tự thân vận động", chuyển đổi để tồn tại. Điển hình như Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh.

Với lịch sử 13 năm hoạt động, nơi đây đã định hình nên dấu ấn riêng với những vở kịch trăn trở về thân phận con người. Tuy nhiên, trước khó khăn chung của ngành sân khấu, việc duy trì các vở kinh điển định kỳ hằng tuần của Hoàng Thái Thanh không còn phù hợp bởi một số khán giả lại có tâm lý "vở kịch được diễn lâu dài, lặp đi lặp lại nên xem lúc nào cũng được".

Để tồn tại, Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh nay chỉ tổ chức diễn 2 mùa trong năm, gồm mùa Tết kéo dài từ 3 đến 5 tháng (diễn 1-2 vở) và mùa giữa năm từ 2 đến 3 tháng (diễn 1 vở). 

Hồi tháng 7/2022, tại buổi diễn đặc biệt để chia tay với những suất diễn định kỳ hằng tuần trước khi chuyển sang diễn theo mùa, nghệ sĩ Thành Hội - một trong 2 nghệ sĩ sáng lập sân khấu - trút nỗi lòng: "Khán giả không coi tuần này thì coi tuần sau hoặc mấy tháng nữa nhưng chúng tôi thì không thể chờ được. Chuyển sang diễn theo mùa cũng là cách chúng tôi đi tìm cửa sinh, đi tìm sự tồn tại".

Cơn sốt vé Ngày xửa ngày xưa và lối ra nào cho sân khấu kịch? (Kỳ cuối) - 2

Các thành viên lớp chuyên sâu của Sân khấu kịch Hồng Vân - thành phần nòng cốt tham gia vào Sân khấu kịch Học đường (Ảnh: Facebook nhân vật).

Năm 2022, Sân khấu kịch Phú Nhuận của nghệ sĩ Hồng Vân cũng vướng nhiều khó khăn, suýt phải đóng cửa vì gánh nặng tiền thuê mặt bằng. Sau thời gian biến động, nữ nghệ sĩ đã tìm ra hướng đi mới, kết hợp cùng trường Đại học Kinh tế cho ra đời Sân khấu kịch Học đường UEH Theatre.

Qua hình thức mới này, NSND Hồng Vân mong muốn kết hợp với các trường THPT, đại học để tạo nên một cộng đồng người trẻ văn minh, tri thức, biết thưởng thức và trân trọng các giá trị nghệ thuật. "Chúng tôi hy vọng có thêm điểm diễn để từ đó, một thế hệ khán giả mới được hình thành", Hồng Vân từng chia sẻ.

Những tín hiệu lạc quan

Vẫn còn đó những khó khăn nhưng không thể phủ nhận rằng từ đầu năm 2023 đến nay, sân khấu kịch TPHCM đã có những tín hiệu tích cực. Mỗi sân khấu với những đặc thù riêng đều đã tự tìm hướng đi mới cho mình.

Điểm chung là các bầu show tập trung dàn dựng vở mới, nghệ sĩ chú trọng chất lượng nội dung và các sân khấu có nhiều hình thức truyền thông, bán vé để thu hút khán giả trẻ tuổi.

Cơn sốt vé Ngày xửa ngày xưa và lối ra nào cho sân khấu kịch? (Kỳ cuối) - 3

Một phân cảnh trong vở "Ngày xửa ngày xưa" số 34 - "Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai" của Sân khấu kịch Idecaf (Ảnh: Facebook Don Nguyễn).

Đặc biệt, những sân khấu có lượng khán giả trung thành như Idecaf vẫn giữ được sức hấp dẫn của mình. Gần đây, vở kịch Ngày xửa ngày xưa số 34 của Idecaf gây "sốt vé", hàng ngàn tấm vé vừa mở bán lập tức được "tẩu tán".

Đây có thể xem là dấu hiệu lạc quan cho thấy kịch nói vẫn giữ vị trí quan trọng với những người yêu kịch và say mê loại hình văn hóa này. 

Trong một tọa đàm năm 2022, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn - Giám đốc Sân khấu Idecaf - nhấn mạnh vai trò quan trọng của lực lượng sáng tác. Ông đưa ra quan điểm: "Sân khấu đang bị cạnh tranh gay gắt, lao đao vô cùng nhưng chúng ta phải tìm mô hình mới, phong cách mới để phù hợp với thời đại mới. Chúng ta cứ lười sáng tạo, cứ loay hoay với cái cũ thì khó mà tồn tại".

Các sân khấu khác cũng tích cực cho ra mắt nhiều vở diễn mới để thu hút khán giả. Điển hình như Sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh, dù "sinh sau đẻ muộn" vẫn được đánh giá tốt về sự chỉn chu, trau chuốt qua từng kịch bản.

Nghệ sĩ Minh Nhí - người điều hành, quản lý Sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh - cho biết anh nhận sự hỗ trợ lớn từ Trung tâm Văn hóa Hòa Bình và các cơ quan chức năng quận 10 (TPHCM).

"Để sân khấu của tôi có thể sáng đèn như hôm nay, sự góp sức, ủng hộ của các cơ quan chức năng là vô cùng lớn. Trung tâm Văn hóa Hòa Bình đã hết lòng hỗ trợ, cho chúng tôi những phản hồi tích cực. Có những lúc, họ còn âm thầm mua vé đến ủng hộ các vở diễn của chúng tôi", Minh Nhí chia sẻ với phóng viên Dân trí.

Ở thời điểm kịch nói bị cho là đang "dần mai một", sự ra đời của một sân khấu lớn, được đầu tư chỉn chu, đã góp phần làm đa dạng đời sống văn hóa của người dân TPHCM.

Cơn sốt vé Ngày xửa ngày xưa và lối ra nào cho sân khấu kịch? (Kỳ cuối) - 4

Vở "Mẹ hát rong" của Sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh "cháy vé" dịp đầu tháng 4 (Ảnh: Ban Tổ chức).

Bà An Thi - Giám đốc Sân khấu kịch Thế Giới Trẻ - cho rằng dù thời đại thay đổi, nhóm khán giả trung thành của sân khấu kịch vẫn tồn tại. Một trong những giải pháp đổi mới của Thế Giới Trẻ là đầu tư cơ sở vật chất cho sân khấu.

"Lúc nào cũng phải khiến sân khấu thơm tho, sạch sẽ, là không gian thưởng thức nghệ thuật thoải mái cho khán giả", bà Thi cho hay.

Sân khấu kịch Thế Giới Trẻ cũng đang tập trung phát triển khâu kịch bản. Đặc trưng của các vở kịch nơi đây là các vở kịch hài, kịch kinh dị. Sắp tới, sân khấu sẽ mở rộng đa dạng đề tài hơn.

Bà An Thi nói: "Chúng tôi đang ấp ủ kế hoạch tổ chức cuộc thi tìm kiếm gương mặt tác giả trẻ. Sân chơi này vừa giúp các bạn trẻ thỏa đam mê sáng tác, lại giúp sân khấu có thêm những phong cách khác nhau, mới mẻ hơn những tác giả cũ. Từ đó tạo nên sự đa dạng đề tài, có thêm nhiều sự lựa chọn cho khán giả".

Với Sân khấu kịch Quốc Thảo, ngoài việc chăm chút cho nội dung vở diễn, nơi đây còn chú trọng khâu truyền thông, tìm cách để tiếp cận khán giả trên mạng xã hội, thay vì chỉ bán vé bằng hình thức truyền thống.

Sân khấu kịch Quốc Thảo dựng thêm nhiều tiểu phẩm, kịch ngắn với sự tham gia của lứa diễn viên trẻ là những KOL, TikToker... nhằm thu hút sự chú ý của giới trẻ.

Ngoài ra, không thể không nhắc tới Sân khấu 5B với sự dẫn dắt của NSƯT Mỹ Uyên. Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Mỹ Uyên vui mừng cho biết thời gian qua, các suất diễn luôn kín ghế, nhiều vở kịch nhận phản hồi tốt của khán giả.

Ngoài khâu tìm tòi kịch bản hay cho khán giả trưởng thành, Sân khấu 5B cũng đầu tư thêm các vở kịch thiếu nhi, diễn xuyên suốt dịp cuối tuần.

"Giá vé một số vở kịch thiếu nhi rẻ hơn nhưng cũng góp phần giúp tôi chi trả các chi phí đầu tư. Quan trọng hơn, đây sẽ là hoạt động hình thành thói quen xem kịch của trẻ em và khán giả trẻ - thế hệ người xem trong tương lai của sân khấu TPHCM", nghệ sĩ Mỹ Uyên nói.

Nghệ sĩ và khán giả: Những người quyết định tương lai

Những năm gần đây, giới kịch nói TPHCM đã tổ chức nhiều buổi tọa đàm để bàn về giải pháp hoạt động cho sân khấu. Có rất nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau, nhưng hầu hết đều nhất trí cho rằng dù đổi mới bằng hình thức nào thì sức sống sân khấu kịch vẫn phụ thuộc vào 2 điểm chính: Diễn viên và khán giả. 

Khi thực hiện tuyến bài này, phóng viên Dân trí được nhiều nghệ sĩ bộc bạch rằng sân khấu là nơi giúp họ thỏa đam mê. Các nghệ sĩ đều biết về những khó khăn, thách thức của sân khấu nhưng họ vẫn quyết định đồng hành, bởi như nghệ sĩ Huỳnh Lập chia sẻ: "Đó là nơi nghệ sĩ được nuôi dưỡng, phát triển, trau dồi diễn xuất và không gì tuyệt vời bằng việc sống với nhân vật mỗi đêm khi sân khấu sáng đèn".

Mặc dù cát-xê không ổn định, sân khấu kịch vẫn là nơi đem lại cho diễn viên nhiều lợi ích về mặt chuyên môn. Như trường hợp của diễn viên Minh Dự, người có gần 10 năm gắn bó với Sân khấu kịch Thế Giới Trẻ. Anh cho biết vì cuộc sống mưu sinh, anh tham gia nhiều dự án bên ngoài nhưng dịp cuối tuần vẫn dành thời gian cho sân khấu.

"Đứng trên sân khấu, có khán giả dõi theo bên dưới là động lực lớn để tôi diễn. Sân khấu kịch khiến chuyên môn của tôi tốt lên theo thời gian, tôi có thể diễn cả bi và hài. Mọi cơ hội bên ngoài đến với tôi cũng nhờ tôi được trau dồi kỹ năng tại sân khấu kịch", Minh Dự nói.

Cơn sốt vé Ngày xửa ngày xưa và lối ra nào cho sân khấu kịch? (Kỳ cuối) - 5

Minh Dự vẫn gắn bó với sân khấu kịch (Ảnh: Khoa Nguyễn).

Cơn sốt vé Ngày xửa ngày xưa và lối ra nào cho sân khấu kịch? (Kỳ cuối) - 6

Sân khấu Thế Giới Trẻ có suất diễn đều đặn dịp cuối tuần, thu hút nhiều khán giả ra rạp (Ảnh: Khoa Nguyễn).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, NSND Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội sân khấu TPHCM - khẳng định ngành sân khấu vẫn có nguồn nhân lực dồi dào, lực lượng biểu diễn trẻ trung và đa năng. Mặc dù đời sống nghệ sĩ có những khó khăn nhất định nhưng ông Giàu tin rằng những ai đam mê với nghề chắc chắn sẽ tiếp tục cống hiến.

Ngày nay, các khóa đào tạo diễn viên kịch vẫn thu hút lượng học viên đông đảo, hứa hẹn về một thế hệ viết tiếp những chương mới cho sân khấu kịch.

"Bản chất của sân khấu là sống nhờ vào khán giả. Khi vẫn còn khán giả yêu mến, dõi theo thì người nghệ sĩ sẽ được tiếp thêm động lực, từ đó sân khấu sẽ viết tiếp được những chương mới trong tương lai. Hình thức, sự thay đổi của sân khấu kịch ra sao thì chúng ta chưa nói trước được.

Nhưng tôi tin vào thế hệ tương lai, tin vào các bạn trẻ vì họ sẽ hiểu khán giả trẻ, hiểu đời sống ngày hôm nay và bắt kịp được công nghệ hiện đại để giữ được sức sống cho sân khấu kịch", ông Giàu nhận định.

NSND Trần Ngọc Giàu cho biết, năm 2023, các sân khấu kịch trong thành phố đã hoạt động đều đặn hơn, khán giả ra rạp thường xuyên hơn.

Về "vướng mắc muôn thuở" là địa điểm diễn, ông Giàu nói: "Đa số sân khấu có hợp đồng với địa diểm diễn từ 1-2 năm. Thời gian hợp đồng ngắn nên bầu show gặp nhiều hạn chế về việc đầu tư trang thiết bị để có một sân khấu đúng nghĩa".

NSND Trần Ngọc Giàu cho biết Hội sân khấu TPHCM dự định tổ chức những chuyên đề và có những kiến nghị cụ thể gửi đến các cơ quan chức năng với mong muốn Nhà nước hỗ trợ thêm về cơ sở vật chất, địa điểm biểu diễn.

Ở khâu đổi mới kịch bản cho các vở diễn, ông Giàu cũng cho biết trước nay, sân khấu có hai đối tượng khán giả chính là những người yêu thích nghệ thuật kịch nói từ xưa và người trẻ muốn xem giải trí. Để dung hòa được hai màu sắc này, các vở kịch phải được dàn dựng sáng tạo hơn.

"Tôi nghĩ giới đạo diễn kịch cần phải chăm chút kịch bản. Trong các trại sáng tác của giới kịch nói, khuynh hướng sáng tác cũng đang thay đổi dần để đáp ứng nhu cầu khán giả. Ngày nay, người xem quan tâm hơn đến những vấn đề xã hội, thời sự, không còn bó hẹp trong chủ đề hài, kinh dị hay lịch sử", Chủ tịch Hội sân khấu TPHCM nói.

Cơn sốt vé Ngày xửa ngày xưa và lối ra nào cho sân khấu kịch? (Kỳ cuối) - 7

Nhóm Kịch Đời biểu diễn thứ 4 hằng tuần tại một quán cà phê ở quận 1, TPHCM (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

NSND Trần Ngọc Giàu cũng đánh giá cao sự linh hoạt, biết cách thích nghi để tồn tại của một số nhóm kịch nhỏ. Hiện nay, ngoài các sân khấu lớn, nhiều nhóm kịch tổ chức các buổi diễn ở quán cà phê, duy trì được lượng khán giả nhất định.

"Đây là tín hiệu đáng mừng, phát triển đúng quy luật của sân khấu. Các bạn trẻ, các nhóm nhỏ sẽ hoạt động cơ động, đi sâu vào tìm kiếm kịch bản hay. Họ không cần đầu tư lớn về tài chính cho vở diễn.

Các sân khấu kịch cà phê cũng có điểm mạnh về sự gần gũi, tương tác nhiều hơn giữa diễn viên và khán giả, thông điệp cũng được truyền tải tốt hơn. Để diễn trong không gian nhỏ của quán cà phê, đòi hỏi các nhóm kịch cũng phải nâng cao chất lượng, hình thức, cấu trúc và phong cách biểu diễn".

Về vai trò, sự hỗ trợ của Hội sân khấu TPHCM trong bối cảnh hiện tại, ông Giàu khẳng định: "Chúng tôi có nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ tinh thần cho các sân khấu, tư vấn khâu quản lý của Nhà nước, từ đó phần nào tác động, tạo điều kiện cho các sân khấu hoạt động. Tuy nhiên, chính các sân khấu và nghệ sĩ phải nỗ lực hơn nữa để mang khán giả tới rạp".

Nội dung: Bích Phương - Mộc Khải

Xem lại tuyến bài "Sân khấu kịch Sài Gòn: Còn lại gì sau thời vàng son?"

Kỳ 1: Bạch Long sau 56 năm "rút ruột" vì sân khấu, về già bữa đói bữa no
Kỳ 2: Sân khấu buông rèm: Nghệ sĩ bán hàng online, hậu đài đi giao bánh
Kỳ 3 - Bán nhà, gánh nợ vì làm "bầu" sân khấu: Tại sao vẫn liều?
Kỳ 4 - Người trẻ "tiếp lửa" sân khấu: Săn đĩa hiếm, lùng mua vé xem kịch