DNews

Cô gái 20 năm săn vé "Ngày xửa ngày xưa" và gen Z tiếp lửa sân khấu (Kỳ 4)

B.Phương

(Dân trí) - Một buổi tối 20 năm về trước, Huyền Trân (10 tuổi) đứng trong cánh gà Nhà hát Bến Thành chờ đến lượt ra hát thì một giọng nói quen thuộc cất lên. Cô bé không thể tin trước mặt mình là NSƯT Thành Lộc.

Cô gái 20 năm săn vé "Ngày xửa ngày xưa" và gen Z tiếp lửa sân khấu (Kỳ 4)

Khoảnh khắc đó, Huyền Trân không giấu được sự phấn khích. Cô bé cứ nhấp nhổm, chạy qua chạy lại để có thể đứng gần người nghệ sĩ mà mình vô cùng ngưỡng mộ. Khi ấy, Thành Lộc đang bận rộn chỉnh lại trang phục trước giờ biểu diễn ca khúc Thằng Cuội. Huyền Trân muốn được cất tiếng chào nhưng lại hồi hộp đến nổi không nói được lời nào.

20 năm trôi qua, kỷ niệm đó vẫn in sâu trong tâm trí của cô.

Dân trí thực hiện tuyến bài "Sân khấu kịch Sài Gòn: Còn lại gì sau thời vàng son?" với mong muốn dành tất cả sự trân trọng, tôn vinh những nghệ sĩ, bầu show, nhân viên hậu đài và cả khán giả - những người đã luôn dành tình yêu cháy bỏng cho sân khấu kịch bất kể những thăng trầm, đổi thay của thời cuộc...

Xem lại:

Kỳ 1: Bạch Long sau 56 năm "rút ruột" vì sân khấu, về già bữa đói bữa no
Kỳ 2: Sân khấu buông rèm: Nghệ sĩ bán hàng online, hậu đài đi giao bánh
Kỳ 3 - Bán nhà, gánh nợ vì làm "bầu" sân khấu: Tại sao vẫn liều?

Những đứa trẻ lớn lên cùng "Tấm Cám"

Huyền Trân bây giờ 30 tuổi, sống tại quận 6 (TPHCM). Đã là mẹ 2 con nhưng cô vẫn rất mê kịch thiếu nhi. Cô là vị khán giả đặc biệt mà chúng tôi tình cờ biết đến trong nhóm "fan ruột" của loạt kịch Idecaf Ngày xửa ngày xưa

Đều đặn hằng tuần, Trân và chồng lại dắt nhau đi xem kịch. Từ sân khấu Idecaf đến sân khấu Thế Giới Trẻ, sân khấu Hồng Vân, vợ chồng cô hiếm khi bỏ lỡ những vở kịch "hot". Trò chuyện cùng Huyền Trân, cô xúc động nhớ lại tuổi thơ đã gắn bó với kịch Ngày xửa ngày xưa cùng sự mến mộ dành cho NSƯT Thành Lộc.

Ngày Quốc tế thiếu nhi năm 2000, vở kịch Tấm Cám của sân khấu kịch Idecaf công diễn suất đầu tiên tại Nhà hát Bến Thành. Thời điểm ấy, các em nhỏ ở thành thị không có nhiều lựa chọn để giải trí dịp hè. Khái niệm "đi xem kịch thiếu nhi" khi ấy vẫn còn khá xa lạ. Thế nhưng, Tấm Cám bất ngờ cháy vé. 

Cô gái 20 năm săn vé Ngày xửa ngày xưa và gen Z tiếp lửa sân khấu (Kỳ 4) - 1
Cô gái 20 năm săn vé Ngày xửa ngày xưa và gen Z tiếp lửa sân khấu (Kỳ 4) - 2

Mùa hè năm đó, Huyền Trân lên 7 tuổi. Tối 1/6, mẹ đèo cô trên chiếc xe đạp đến Nhà hát Bến Thành xem kịch. Tâm trạng háo hức trên đường đi cùng cảm giác tò mò, hồi hộp khi bước vào trong khán phòng chuẩn bị xem vở kịch đầu tiên trong đời đã khắc sâu trong ký ức của Huyền Trân.

Cô nhớ như in bầu không khí nô nức của các bạn nhỏ, tấm rèm nhung đỏ thẫm ẩn chứa thứ biết bao diệu kỳ… Những cảm xúc đó đã mở ra khoảng trời tuổi thơ thật đẹp cho Huyền Trân.

Lần đầu tiên xem kịch, cô bé thích mê nghệ sĩ Thành Lộc, người diễn viên đóng vai Cám với lối diễn hài hước, sống động. Đây cũng là đầu tiên những đứa trẻ thành phố được "gặp" các nhân vật bằng xương bằng thịt bước ra từ truyện cổ tích. 

Cô gái 20 năm săn vé Ngày xửa ngày xưa và gen Z tiếp lửa sân khấu (Kỳ 4) - 3

Huyền Trân và chồng có chung sở thích xem kịch.

Sau hiện tượng Tấm Cám, Trân và nhiều bạn nhỏ trở thành "fan nhí" trung thành của series kịch thiếu nhi do Idecaf thực hiện (sau này được đặt tên là Ngày xửa ngày xưa). Những vở kịch bỗng trở thành món ăn tinh thần của những đứa trẻ thành thị lúc bấy giờ, là phần thưởng mà các bậc phụ huynh dành cho con sau mỗi lần đạt điểm tốt.

Chính vì mê kịch từ nhỏ nên kỷ niệm về lần tình cờ được gặp nghệ sĩ Thành Lộc vào năm 2003 khiến Trân nhớ mãi. Cô kể bằng chất giọng hào hứng xen lẫn xúc động: "Ngày bé, tôi có năng khiếu ca hát, được mẹ cho tham gia sinh hoạt trong Đội thiếu nhi thành phố. Với một đứa trẻ học cấp 1, được tình cờ gặp chú Thành Lộc ngoài đời là điều kỳ diệu lắm chứ!

Lúc đó, chú như một nhân vật bước ra từ cổ tích chứ không phải ngoài đời thực. Đó cũng là lần may mắn duy nhất tôi được đứng gần chú. Sau này, dù đi xem kịch chú đóng rất nhiều lần nhưng tôi cũng không dám đến xin chụp hình, sợ làm phiền chú vì biết chú diễn xong lúc nào cũng mệt".

Ngày bé, với Huyền Trân những vở kịch đơn giản chỉ là những chuyến phiêu lưu kỳ thú. Nhưng khi trưởng thành, cô hiểu thêm về cái hồn phía sau từng câu chuyện, từng lớp phục trang hay phía sau cánh gà. 

Cô gái 20 năm săn vé Ngày xửa ngày xưa và gen Z tiếp lửa sân khấu (Kỳ 4) - 4

Thành Lộc, Hữu Châu, Đình Toàn... bước ra chào khán giả sau vở kịch "12 bà mụ" hồi tháng 12/2022.

Tháng 12/2022, lần đầu săn được vé 12 bà mụ (những lần trước đó cô hầu như phải bỏ tiền mua vé "chợ đen"), Huyền Trân sung sướng như được trở về thời mới lên 7, lần đầu được mẹ đèo đi xem kịch năm xưa. "Tôi nghĩ rằng những "fan nhí" ngày ấy vẫn "theo" những nghệ sĩ thực thụ như chú Thành Lộc, chú Hữu Châu… đến tận bây giờ.

Bằng chứng là ngày xưa, hàng ghế khán giả của vở Tấm Cám toàn trẻ nhỏ, còn năm 2018 khi tôi đi xem lại vở này thì chỉ nghe tiếng cười của người lớn thôi", Huyền Trân tâm sự.

Người lớn "săn lùng" ký ức tuổi thơ 

Hai thập niên trước, không phải đứa trẻ miền Nam nào cũng có cơ hội được đi xem trực tiếp các vở kịch thiếu nhi như Huyền Trân. Với Nguyễn Tuấn Vủ (28 tuổi, ở quận 12), lần đầu anh được cầm trên tay tấm vé xem kịch Ngày xửa ngày xưa là vào năm 2017. 

Chúng tôi tình cờ biết về Vủ khi bắt gặp trang fanpage chuyên sưu tầm và đăng tải các video hiếm trích từ đĩa CD Ngày xưa ngày xưa Chuyện ngày xưa (chương trình thiếu nhi phát trên HTV, do nhóm kịch Líu Lo thực hiện). Câu chuyện về chàng trai quê Hậu Giang và trang fanpage đặc biệt này đã lôi cuốn chúng tôi tìm gặp anh trong một ngày mưa tầm tã của Sài Gòn. 

Cô gái 20 năm săn vé Ngày xửa ngày xưa và gen Z tiếp lửa sân khấu (Kỳ 4) - 5

Bộ sưu tập đĩa gốc series "Chuyện ngày xưa" mà Tuấn Vủ cất công sưu tầm.

Vủ có chất giọng cực kỳ truyền cảm của một diễn viên lồng tiếng. Khi được hỏi về bộ sưu tập những đĩa CD kịch, anh hào hứng khoe: "Đấy là cả gia tài của em đó!". Chàng trai kể, lần đầu biết đến nhóm kịch Líu Lo là khi xem chương trình Chuyện ngày xưa - phát lại trên kênh truyền hình Sóc Trăng vào năm 2005. Lúc ấy, Vủ tròn 10 tuổi.

"Em mê lắm nhưng xem không được đầy đủ vì không nắm được lịch phát sóng. Hồi xưa, đài truyền hình còn dùng tín hiệu analog, nhà nào dùng tivi cũng phải xài ăng-ten nên tín hiệu cứ chập chờn, hay bị nhiễu sóng", Vủ kể.

Cậu bé ngày đó chỉ có ước mơ là được viết thư gửi cho nhóm kịch Líu Lo nhưng không cách nào thực hiện được, cho đến khi nhóm kịch này ngưng chương trình vào năm 2005-2006. Vì mê mẩn lối diễn xuất dí dỏm của nhóm Líu Lo nên từ năm 2008, Vủ bắt đầu tìm mua các đĩa CD của chương trình Chuyện ngày xưa Ngày xửa ngày xưa

"Thời đó, giá đĩa gốc là 20.000 đồng. Em chỉ mua được các đĩa sao chép lại với giá 5.000 đồng. Đĩa CD Chuyện ngày xưa lại rất khó tìm. Năm 2008, em học cấp 2 nhưng đã dùng tiền tiết kiệm, một mình đi xe buýt từ Hậu Giang đến TP Cần Thơ hơn 30km để tìm mua đĩa.

Sau này đi làm có tiền rồi thì đĩa VCD, DVD bị "khai tử" nên không thể mua ở các cửa hàng băng đĩa nữa", Vủ kể lại hành trình sưu tập những đĩa CD hiếm.

Đến tháng 4/2022, trong một lần lặn lội vào nhóm Băng đĩa cũ trên Facebook, Vủ tìm được một khán giả nhượng lại đủ bộ đĩa gốc Chuyện ngày xưa. "Em thấy mình thực sự may mắn, lúc đó vui hơn cả bắt được vàng", chàng trai nói.

Cô gái 20 năm săn vé Ngày xửa ngày xưa và gen Z tiếp lửa sân khấu (Kỳ 4) - 6

Nguyễn Tuấn Vủ và chiếc đĩa CD số đầu tiên của "Chuyện ngày xưa". Trên đĩa là chữ ký của các nghệ sĩ Thanh Thủy, Đình Toàn, Bạch Long.

Lần đầu tiên được đi xem kịch cũng là một kỷ niệm khó quên với Vủ. Tháng 5/2017, khi Ngày xửa ngày xưa số 30 công diễn, Vủ vẫn còn làm việc ở Cần Thơ nhưng anh sẵn sàng bắt xe lên Sài Gòn, đi chặng đường hơn 160km chỉ để xem kịch. 

"Xem kịch xong, em lại ra bến bắt xe về Cần Thơ trong đêm để kịp sáng sớm đi làm. Được nhìn cô chú nghệ sĩ ở khoảng cách gần, em như vỡ òa. Cảm thấy được một lần đi xem kịch như vậy vô cùng đáng giá. Sau này lên Sài Gòn làm việc, em vẫn thường xuyên đến các sân khấu để theo dõi các thần tượng của mình.

Hồi tháng 4, nghe tin cô Thanh Thủy trở lại Idecaf sau nhiều năm chia tay sân khấu, em mang đĩa CD số đầu tiên của Chuyện ngày xưa, đứng chờ cô diễn xong, vào cánh gà để xin chữ ký. Cảm giác như cô chú không bao giờ già đi. Đó cũng là cách em tìm lại ký ức tuổi thơ. Cảm xúc ấy không bao giờ chai sạn mà luôn sống động như ngày thơ ấu", Vủ tâm sự.

Kẻ "tay ngang" truyền lửa đam mê kịch nói

Cũng dành tình yêu cho sân khấu kịch nhưng Nguyễn Đức Huy (28 tuổi) đang làm việc trong lĩnh vực thu âm, lồng tiếng tại TPHCM, lại có một câu chuyện khác…

2h sáng ngày 20/5, trở về nhà sau một ngày dài tất bật chuẩn bị cho vở kịch mới tại Sân khấu Kịch Báo chí và Nhân văn, Đức Huy vẫn chưa thể yên tâm đi ngủ. Anh bật dậy, lọ mọ sắp xếp lại đạo cụ, chỉnh sửa lại từng chi tiết của cảnh trí sân khấu.

Nghĩ đến vở kịch mới sắp ra mắt, nghĩ đến những bạn sinh viên vẫn đang nỗ lực cùng mình để tạo nên một mùa diễn thành công, những mệt mỏi trong Huy tan biến.

Cô gái 20 năm săn vé Ngày xửa ngày xưa và gen Z tiếp lửa sân khấu (Kỳ 4) - 7

Đức Huy (áo đen, đeo kính) cùng các bạn sinh viên Sân khấu Kịch Báo chí và Nhân văn tập thoại cho vở kịch mới.

"Ngày nhỏ, tôi chỉ được xem kịch qua các chương trình truyền hình. Khi lên đại học, lần đầu trực tiếp theo dõi một vở kịch ở nhà hát, tôi bất ngờ vì nó hấp dẫn hơn rất nhiều so với tưởng tượng của tôi. Thế giới đó có những câu chuyện, những nhân vật, những thông điệp vô cùng thú vị. Thế rồi tôi bắt đầu tìm hiểu, tự học viết kịch bản, học cách dàn dựng một vở kịch", Đức Huy chia sẻ.

Bắt đầu với con số 0 nhưng tình yêu dành cho kịch đã khiến chàng trai này khát khao có một nơi chốn dành riêng cho các bạn trẻ cùng đam mê. Năm 2017, nhóm kịch trực thuộc khoa Báo chí và Truyền thông của Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn TPHCM do Đức Huy dẫn dắt được thành lập. 

Ban đầu chỉ là một nhóm gần 20 bạn trẻ tụ hội cùng nhau, tên nhóm vẫn chưa hình thành và chỉ mang tâm thế "diễn thử cho vui".

Sau khi vở kịch đầu tiên nhận được nhiều tình cảm và sự ủng hộ của mọi người, Đức Huy và các thành viên đội kịch lại tiếp tục muốn được "thử" thêm nhiều lần nữa và lần nào cũng hết mình như "lần cuối cùng được diễn", dù rằng đằng sau đó là những buổi tập đến khuya lắc khuya lơ, những bữa ăn vội, những đêm không ngủ để học thuộc từng câu thoại… 

Cô gái 20 năm săn vé Ngày xửa ngày xưa và gen Z tiếp lửa sân khấu (Kỳ 4) - 8

Một phân cảnh trong vở "Lá hát như mưa".

Đến nay, sau 6 năm thành lập, đội kịch đã thực hiện 5 vở kịch dài, cùng rất nhiều tiểu phẩm nhỏ. Số vé bán ra cũng tăng dần theo thời gian. Tháng 12/2022, phóng viên Dân trí từng có dịp thưởng thức vở Lá hát như mưa do Đức Huy và các bạn trẻ của Sân khấu Kịch Báo chí và Nhân văn thực hiện. 

Không dành quá nhiều kỳ vọng, chúng tôi vô cùng bất ngờ khi mọi thứ rất chỉn chu, trau chuốt mọi mặt. Câu chuyện về Sài Gòn thập niên 2000, về tình cảm gia đình được tái hiện tự nhiên dưới góc nhìn của gen Z. Và đáp lại hàng tháng trời tập luyện là mỗi đêm diễn Lá hát như mưa đều "cháy vé", khán phòng hàng trăm ghế được lấp kín. Đến nay, đây vẫn là vở kịch ăn khách hàng đầu của nhóm.

"Chúng tôi trải qua không ít thăng trầm, có lúc tưởng như phải bỏ dở. Làm kịch khó lắm. Viết một kịch bản mất từ 4-6 tháng. Quá trình tập, dựng cũng tốn cả nửa năm trời. Các thành viên đội kịch đều là sinh viên, các em không lấy cát-xê mà còn bỏ thêm công sức, thời gian sau mỗi giờ học để tập luyện, chuẩn bị đủ khâu từ đạo cụ, phục trang cho đến âm thanh, ánh sáng, chụp hình poster, trang điểm và đủ việc không tên khác…

Nhưng tình cảm của khán giả, kỷ niệm của mọi người khi thực hiện cùng nhau, là 2 điều quan trọng nhất giúp chúng tôi quên đi mọi thiệt thòi và tiếp tục cùng đam mê", Đức Huy chia sẻ.

Chàng trai 28 tuổi cũng tự hào cho biết, đã có những bạn trẻ quyết tâm học nghề, theo nghề sau quá trình gắn bó cùng đội kịch. Dù các bạn chỉ đang chập chững bước đi, chưa đạt nhiều thành công nhưng vẫn giữ sự đam mê và không ngừng cố gắng.

Qua những vở diễn, khán giả trẻ cũng hiểu hơn, hứng thú hơn về loại hình nghệ thuật này, để họ quay trở lại thêm nhiều lần, từ đó lan tỏa niềm yêu thích kịch nói với sinh viên trường nói riêng và các bạn trẻ nói chung.

Thấy gì ở tương lai?

Thực hiện tuyến bài này, chúng tôi từng trăn trở rất nhiều về câu hỏi "Sân khấu kịch Sài Gòn còn lại gì sau thời vàng son?" khi chứng kiến những khó khăn, thách thức mà người làm kịch đang phải đối mặt. 

Sau hàng chục thập kỷ hình thành và phát triển, kịch nói TPHCM dần bước vào giai đoạn trầm lắng, thậm chí từng được NSND Hồng Vân ví như "con ngựa già nua, có thể gục ngã bất cứ lúc nào".

Bởi, trong xã hội hiện đại với những loại hình giải trí thời thượng, hình ảnh sân khấu kịch một thời khiến người người xếp hàng dài mua vé, diễn viên chạy show mệt nghỉ - đã trở thành dĩ vãng. 

Tuy nhiên, với những tín hiệu đầy hy vọng trong khoảng 1 năm trở lại đây, nhiều người vẫn tin vào một bức tranh tươi sáng cho tương lai của sân khấu kịch. Dù khó khăn nhưng vẫn còn đó những "bầu show" gồng gánh cùng sân khấu, những nghệ sĩ nỗ lực theo đuổi nghề.

Dù còn nhiều thử thách, vẫn luôn có những người trẻ khát khao lan tỏa sức hấp dẫn của kịch bằng những cách rất riêng. 

Trò chuyện với chúng tôi, NSƯT Mỹ Uyên hào hứng cho biết thời gian qua, sân khấu kịch 5B của cô luôn "sáng đèn" dịp cuối tuần. Nghệ sĩ Việt Hương - người vừa rót tiền cho Sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh - cũng cho rằng điều cô khao khát nhất khi đầu tư làm kịch là được lưu giữ những nét văn hóa vô giá đối với người làm nghệ thuật.

Cô gái 20 năm săn vé Ngày xửa ngày xưa và gen Z tiếp lửa sân khấu (Kỳ 4) - 9

Sân khấu kịch Idecaf luôn "sốt vé", đông kín khán giả.

Dạo một vòng quanh các sân khấu kịch tại TPHCM, thật vui mừng khi nhiều vở diễn mới ra đời, hướng đến đối tượng thiếu nhi - thế hệ khán giả tương lai của sân khấu. Đặc biệt là chương trình Ngày xửa ngày xưa dường như chưa bao giờ hạ nhiệt dù đã trải qua 2 thập kỷ.

Thời điểm vở kịch số 34 mở bán vé hồi tháng 5 vừa qua, nhiều khán giả chờ đợi, săn lùng bằng được chiếc vé xem kịch mà vẫn bất thành khi toàn bộ vé được "tẩu tán" chỉ trong tích tắc.

Và trên hết, sân khấu kịch vẫn luôn giữ vị trí quan trọng trong trái tim khán giả. Dù thời đại đổi thay, người yêu thích kịch vẫn sẽ tìm kiếm những giây phút thăng hoa cùng nhân vật khi tấm rèm nhung hé mở…

Nội dung: Bích Phương
Ảnh: Bích Phương, Nhân vật cung cấp, Kịch Idecaf