"Bẫy" chỉ tiêu khiến thủ khoa toàn quốc trượt ngành mong muốn
(Dân trí) - Từ chuyện 2 thủ khoa khối A00 trượt nguyện vọng 1 đến hiện tượng điểm chuẩn cao bất thường… trong mùa tuyển sinh đại học năm 2023 phần nào bộc lộ những hạn chế trong chính sách tự chủ tuyển sinh.
Thủ khoa… trượt và điểm chuẩn tăng bất ổn
Kỳ tuyển sinh đại học năm 2023 đã cơ bản hoàn tất với kết quả, tới 92,7% thí sinh đăng ký xét tuyển đã trúng tuyển. Dù vậy, gần 2 tuần sau khi điểm chuẩn được công bố, chuyện thủ khoa trượt nguyện vọng 1 vẫn chưa hết nóng. Đây là vấn đề gây bùng nổ tranh luận trong cả giai đoạn công bố điểm chuẩn tuyển sinh năm nay.
Cụ thể, dù đạt tới 29,35 trên 30 điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 nhưng 2 thủ khoa toàn quốc ở khối A00 (toán, vật lý, hóa học) Nguyễn Mạnh Thắng (Bắc Giang) và Nguyễn Mạnh Hùng (Hưng Yên) không trúng tuyển nguyện vọng 1 vào ngành khoa học máy tính (mã ngành IT1) của Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST).
Thông tin khiến nhiều người bất ngờ bởi không ai nghĩ thủ khoa mà trượt ngành học yêu thích. Thậm chí, đây có thể xem là cú sốc lớn với dư luận, với đa phần phụ huynh, học sinh… vốn xem kỳ thi tốt nghiệp THPT, lấy kết quả để xét tuyển đại học, cao đẳng là chuẩn.
Thủ khoa khối A00 Nguyễn Mạnh Hùng tâm sự: "Em tự tin là đỗ… nhưng mà hóa ra lại trượt".
Bật khóc trước những nỗ lực của con nhưng không nhận được kết quả như ý, bà Hồ Thị Minh Thảo, mẹ của Hùng, nói: "Các con là thủ khoa của toàn quốc nên không bao giờ tôi nghĩ các con lại trượt như vậy".
Còn thủ khoa Nguyễn Mạnh Thắng cũng đã xây dựng nhiều dự định cá nhân khi nhắm ngành khoa học máy tính bởi tự tin đăng ký xét tuyển vào ngành yêu thích vì điểm số rõ ràng đứng đầu cả nước.
"Khi biết tin có điểm chuẩn bạn báo đến, em ngỡ ngàng, buồn pha chút sốc và hụt hẫng", Thắng tâm sự.
Lý giải về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội - cho biết, hai thủ khoa khối A00 trượt nguyện vọng 1 bởi điểm số môn toán đạt 9,6 là… chưa cao.
Theo PGS Điền, ngành khoa học máy tính của Đại học Bách khoa áp dụng công thức tính điểm nhân đôi với môn toán bởi yêu cầu đặc thù của ngành kỹ thuật công nghệ, cần sinh viên tốt về toán.
Điểm chuẩn thi tốt nghiệp THPT cao bất thường cũng xảy ra tại Trường Đại học Giao thông vận tải TPHCM (UTH). Năm nay, điểm chuẩn vào UTH khoảng 17-25,65 điểm, tăng vượt trội ở tất cả ngành so với năm 2022. Mức tăng dao động 2-10 điểm. Trong đó, hơn 10 ngành tăng từ 9 điểm trở lên, hàng chục ngành tăng 4-7 điểm.
Bí mật mang tên tự chủ đại học
Trước những biểu hiện gây băn khoăn về kết quả tuyển sinh, khi thủ khoa cũng trượt vì điểm chuẩn quá cao, phóng viên Dân trí đã đi tìm nguyên nhân của vụ việc.
Theo đó, phóng viên đã thực hiện đối soát điểm thi của hơn 1 triệu thí sinh cả nước với giả thuyết tất cả đều xét tuyển vào ngành khoa học máy tính của Đại học Bách khoa Hà Nội bằng điểm thi THPT.
Áp vào công thức tính của Đại học Bách khoa Hà Nội, chúng tôi mặc định tất cả thí sinh đều được cộng tối đa điểm ưu tiên khu vực là 0,75 và điểm quy đổi tiếng Anh là 10.
Kết quả cho thấy, trong hơn 1 triệu thí sinh chỉ có tối đa 27 thí sinh có thể trúng tuyển theo mức điểm chuẩn 29,42 do HUST công bố. Mức này tương đương 9% so với tổng chỉ tiêu 300 sinh viên vào IT1.
Mức 9%, tương đương với 27 thí sinh - đấy là con số lý tưởng, còn trên thực tế, không phải thí sinh nào cũng được cộng điểm ưu tiên, điểm quy đổi chứng chỉ tiếng Anh ở mức cao nhất để đạt tổng điểm từ 29,42 điểm trở lên.
Đại học Bách khoa Hà Nội từ chối làm rõ thông tin
Sở dĩ phóng viên Dân trí phân tích số liệu như trên mà chưa có được con số cụ thể là do đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội từ chối trả lời các thông tin liên quan để làm rõ việc xác định và công bố chỉ tiêu tuyển sinh.
Và cũng rất khó có chuyện tất cả thí sinh điểm cao nhất của khối A00 và A01 trên cả nước đều đặt nguyện vọng vào ngành IT1 của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Từ đó, có thể nhận thấy, số chỉ tiêu mà Đại học Bách khoa Hà Nội dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT vào ngành khoa học máy tính cực kỳ hạn chế. Đây mới là nguyên nhân chính khiến cả hai thủ khoa đều trượt ngành này. Bởi, tính điểm theo phương thức nào thì hai thủ khoa luôn nằm trong top 10 thí sinh điểm cao nhất toàn quốc khối A00 (toán, lý, hóa).
Điều đáng nói, thí sinh không hề được biết trước rằng HUST chỉ dành không quá 10% cho xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Bởi nếu biết trước ít cơ hội, chắc chắn thí sinh sẽ có những tính toán để tập trung cho phương thức tuyển sinh khác.
Điều đáng nói, thí sinh không hề được biết trước rằng HUST chỉ dành không quá 10% cho xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Bởi nếu biết trước ít cơ hội, chắc chắn thí sinh sẽ có những tính toán để tập trung cho phương thức tuyển sinh khác.
Trưởng phòng Tuyển sinh Đại học Bách khoa Trần Trung Kiên nêu quan điểm, thủ khoa trượt là... bình thường bởi: "Khi đã tham gia, mỗi người nên chấp nhận quy tắc của cuộc chơi".
Vấn đề là trong cuộc chơi đó, luật chơi như thế nào lại không được công bố rõ ràng. Theo đề án tuyển sinh của trường (căn cứ có tính chất "pháp lý", là tôn chỉ trong tuyển sinh của trường đại học), năm nay, tổng chỉ tiêu của HUST là 7.985 sinh viên.
Số chỉ tiêu này được phân bổ tỷ lệ theo phương thức tuyển sinh như sau: Phương thức xét tuyển tài năng 15-20%; Phương thức xét tuyển theo điểm thi (THPT, đánh giá tư duy) 85-90%.
Các phương thức xét tuyển không tương đương về cách đánh giá cũng như thang điểm. Chỉ tiêu cụ thể của từng phương thức cũng không được công bố theo mẫu quy định của Bộ GD&ĐT tại Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non.
Việc công bố chỉ tiêu không rõ ràng này khiến thí sinh chỉ có thể đoán định dựa trên sự phân bổ chỉ tiêu chung cho tất cả các ngành đào tạo của trường. Trong số 85-90% đó, bao nhiêu phần trăm dành cho xét điểm thi đánh giá tư duy, bao nhiêu phần trăm dành xét điểm thi tốt nghiệp THPT là một bí mật mang tên "quyền tự chủ".
Kể từ năm 2019, theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi, các trường đại học được trao quyền tự chủ trong tuyển sinh. Cơ sở giáo dục sẽ chủ động xác định chỉ tiêu, đề ra phương thức, cách thức tuyển sinh riêng dựa trên những quy định của Bộ GD&ĐT.
Việc xác định chỉ tiêu, công bố chỉ tiêu cho từng phương thức tuyển sinh hiện là mấu chốt cho hiện tượng tăng điểm chuẩn bất thường.
Quay trở lại với việc điểm chuẩn thi tốt nghiệp THPT tăng cao, ở Trường Đại học Giao thông vận tải TPHCM, theo giải thích của nhà trường, mức tăng là do trường có học phí thấp và nhóm ngành giao thông vận tải đang được phát triển mạnh nên nhiều thí sinh quan tâm. Ngoài ra, điểm chuẩn tăng còn do mặt bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay cao hơn năm 2022.
Lý giải của trường là vậy nhưng điều này lại trái ngược với chính điểm chuẩn trúng tuyển học bạ đợt 1 năm 2023 được UTH công bố trước đó.
Thực tế, mức điểm chuẩn học bạ đợt 1 của UTH dao động 18-22 điểm, thấp hơn nhiều so với điểm thi tốt nghiệp THPT. So với năm liền kề trước đó, có 37 ngành/chuyên ngành giảm điểm, chỉ 1 chuyên ngành tăng 2 điểm. Mức điểm giảm cao nhất tới gần 7 điểm.
Trong đợt xét học bạ, mức điểm chuẩn đã hạ rất thấp và trường cơ bản đã tuyển nhiều chỉ tiêu.
Ngoài ra, trong quá trình theo dõi việc công bố đề án của trường hồi tháng 5/2023, phóng viên Dân trí cũng phản ánh hiện tượng tăng chỉ tiêu bất thường, có ngành tăng 91 lần sau 2 năm. Sau khi Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác tuyển sinh tại trường qua phản ánh trên, chỉ tiêu của trường hạ từ 10.000 xuống còn hơn 7.000 (giảm gần 3.000).
Không công khai chỉ tiêu thiệt cho nhóm thí sinh nào?
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM - nhấn mạnh: "Việc các trường không công bố chỉ tiêu chi tiết từng phương thức, từng tổ hợp xét tuyển hoặc công bố nhưng không thực hiện đúng là làm hại thí sinh".
Theo ông Dũng, nhiều thí sinh điểm cao lại trượt vì trường đã gọi sinh viên trúng tuyển sớm bằng các hình thức khác quá nhiều khiến điểm chuẩn bị đẩy lên rất cao.
Điều này cũng gây bất bình đẳng trong tuyển sinh khi không phải thí sinh nào (nhất là ở nông thôn, vùng xa, gia đình khó khăn) cũng có thể tiếp cận các hình thức thi đánh giá năng lực hay xét tuyển bằng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS không ít trường đang đề ra.
Vì hoàn cảnh, nhiều em chỉ biết chú tâm vào ôn thi tốt nghiệp THPT nhưng cuối cùng lại trượt vì những bạn có điều kiện tốt hơn, tiếp cận được nhiều cuộc thi hơn", ông Dũng phân tích.
Câu chuyện điểm chuẩn tăng bất thường do mất cân đối trong các phương thức xét tuyển hay do trường không công khai chỉ tiêu của từng phương thức dẫn đến không công bằng cho các nhóm thí sinh nếu không được giải quyết dứt điểm, năm sau có thể sẽ lại có thêm những thủ khoa, á khoa, những học sinh không thể phủ nhận là chất lượng cao trượt nguyện vọng yêu thích.
Với việc các trường đại học được tự chủ, đi kèm với đó là trách nhiệm công khai, minh bạch. Thí sinh có quyền được biết và nhà trường có trách nhiệm công khai các thông tin trong đề án tuyển sinh trước đợt tuyển sinh đầu tiên ít nhất 30 ngày. Điều này Quy chế tuyển sinh đại học nêu rõ.
Tại Phụ lục III quy định chi tiết đề án tuyển sinh theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non yêu cầu chỉ tiêu liệt kê theo ngành/nhóm ngành, theo từng phương thức xét tuyển và trình độ đào tạo.
Khoản 4, Điều 6, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT quy định việc phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức, tổ hợp xét tuyển phải có căn cứ hợp lý; không gây mất công bằng cho các thí sinh chọn phương thức, tổ hợp xét tuyển khác nhau.
Kỳ tiếp: "Minh bạch trong tuyển sinh đại học: Chặn kẽ hở cho tiêu cực và lợi ích nhóm!"