Toàn cảnh Pi Network và những tranh cãi xung quanh dự án "bấm tia sét"
(Dân trí) - Pi Network được biết đến là một trong những dự án gây tranh cãi nhiều nhất trong ngành công nghiệp tiền điện tử. Dự án này vướng phải không ít lùm xùm liên quan đến cơ chế vận hành và rủi ro bảo mật.

Hiện tại, Pi Network được xem là dự án nhận được nhiều sự quan tâm nhất trong lĩnh vực tiền điện tử. Sự chú ý này không chỉ đến từ cộng đồng đông đảo người tham gia dự án Pi Network, mà còn do những lùm xùm và tranh cãi xung quanh dự án này.
Tranh cãi về cách "đào" Pi và cơ chế đồng thuận
Pi Network được giới thiệu vào ngày 14/3/2019 bởi Nicolas Kokkalis và Chengdiao Fan. Trong giai đoạn đầu, dự án tập trung vào việc xây dựng cộng đồng và thu hút các Pioneers (người tiên phong).
Một năm sau, Pi Network bắt đầu giai đoạn testnet. Cuối năm 2020, dự án đưa ra tính năng Pi Node để vận hành các nút mạng trên máy tính cá nhân. Đến tháng 12/2021, Pi Network triển khai "mainnet kín", cho phép người tham gia dự án có thể giao dịch đồng Pi nội bộ với nhau.

Ứng dụng Pi Network trên di động được quảng cáo là cho phép người dùng có thể "khai thác" đồng Pi trực tiếp từ smartphone (Ảnh: Thế Anh).
Trong nhiều năm, dự án Pi Network đã nhận về không ít ý kiến trái chiều và sự nghi ngờ từ cộng đồng. Khi khai thác Bitcoin hay nhiều đồng tiền điện tử khác, người tham gia sẽ phải sử dụng một hệ thống máy tính để giải các thuật toán xác minh, sau đó nhận lại phần thưởng từ hệ thống.
Dự án Pi Network không yêu cầu điều này. Pi Network áp dụng cơ chế đồng thuận Federated Byzantine Agreement của Stellar, bằng cách hoán đổi sức mạnh tính toán cho các nhóm dựa trên sự tin cậy. Khi đủ số lượng nút đáng tin cậy đồng ý, giao dịch sẽ được xác nhận. "Lòng tin" này do tổ chức Stellar Development Foundation kiểm soát.
Ứng dụng Pi Network trên di động được quảng cáo là cho phép người dùng có thể "khai thác" đồng Pi trực tiếp từ smartphone. Cụ thể, sau khi cài đặt phần mềm Pi Network, tài khoản của mỗi người dùng đã có sẵn 1 đồng Pi và điện thoại sẽ bắt đầu "đào" Pi với tốc độ 0,12 Pi/h.
Để có thể tăng tốc độ "đào" Pi, người sử dụng sẽ cần phải thực hiện một số bước như xác thực danh tính cá nhân (bao gồm các thông tin về số điện thoại, email,...) và mời thêm các thành viên khác cùng tham gia. Sau đó, người tham gia cũng chỉ cần vào ứng dụng để "bấm tia sét" sau mỗi 24h.
Nhiều chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực blockchain đưa ra cảnh báo rằng hành động "bấm tia sét" trong ứng dụng Pi Network không mang ý nghĩa xác thực giao dịch và bảo mật mạng. Việc lôi kéo "điểm danh" hàng ngày chỉ nhằm mục đích chỉ như một mánh khóe để duy trì sự quan tâm của người dùng.
"Ứng dụng Pi Network chỉ là nền tảng cho người dùng bấm xem quảng cáo. Không có việc gì để làm trên ứng dụng này cả. Ứng dụng này đang thu thập thông tin cá nhân của người dùng và thông qua họ để xây dựng cộng đồng", Cem Dilmegani, chuyên gia từ AIMultiple, chia sẻ trong một bài phân tích về Pi Network.

Dự án Pi Network khiến nhiều người nghi ngờ về cách vận hành (Ảnh: Thế Anh).
Chưa dừng lại ở đó, không ít ý kiến cũng cáo buộc rằng mạng lưới của Pi Network chưa hoàn toàn phi tập trung như nhiều dự án tiền điện tử khác. Theo CoinTelegraph, các nút mainnet đang hoạt động đều do nhóm Pi Network kiểm soát.
Bất chấp những tranh cãi trên, vào tháng 6/2024, đội ngũ Pi Network đưa ra thông báo có hơn 60 triệu người đã tham gia mạng lưới. Trong thông báo mới nhất, đã có 10,14 triệu lượt di chuyển mainnet, vượt qua mục tiêu ban đầu là 10 triệu. Dự án cũng có hơn 19 triệu người đã xác minh danh tính (KYC).
Nghi vấn liên quan lừa đảo đa cấp, lộ lọt dữ liệu nhạy cảm
Theo thống kê của Similarweb, trang minepi (trang web chính của cộng đồng Pi Network) đã có khoảng 7,5 triệu lượt truy cập trong tháng 1 vừa qua. Xét theo nguồn lưu lượng, Việt Nam hiện đứng vị trí thứ 3 (chiếm 9,5%) thế giới về lượng truy cập vào trang web của Pi Network.
Tuy nhiên, dự án này gặp không ít lùm xùm và cáo buộc liên quan đến tính pháp lý và rủi ro bảo mật. Vào tháng 5/2021, thành viên có tên Ox1337xO đã đăng tải một bài viết trên diễn đàn R*forums để rao bán cơ sở dữ liệu với dung lượng lên đến 17GB.

Tin tặc cho biết đã khai thác dữ liệu từ ứng dụng Pi Network (Ảnh chụp màn hình).
Tin tặc cho biết dữ liệu này chứa thông tin cá nhân của hàng nghìn người tại Việt Nam như họ tên, số điện thoại, địa chỉ, địa chỉ email… Đáng nói, người này cũng tiết lộ tất cả thông tin trên được thu thập thông qua nền tảng Pi Network.
Đến tháng 6/2023, mạng xã hội bất ngờ lan truyền hình ảnh hơn 1.000 người tham dự buổi offline "Việt Nam GCV 314.159$ Event" tổ chức tại một nhà hàng ở tỉnh Bắc Ninh. Phần lớn những người tham dự sự kiện đều mặc đồng phục và nội dung của chương trình xoay quanh đồng tiền ảo Pi Network.
Theo đại diện Bộ, các hoạt động liên quan đến Pi tại Việt Nam có dấu hiệu của việc lôi kéo, lấy tiền của người trước trả cho người sau trong mô hình kinh doanh dạng nhị phân, đa cấp. Do đó, người dân cần thận trọng trước hành vi lôi kéo tham gia mô hình tiền ảo có lợi nhuận cao bất thường.
Dự kiến, đồng Pi sẽ được niêm yết chính thức trên các sàn giao dịch vào 15h ngày 20/2 (giờ Việt Nam). Tổng cung của Pi Network lên đến 100 tỷ đơn vị. Hiện tại, đồng Pi vẫn chưa có mức giá giao dịch chính thức.
Theo nhận định từ nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tiền điện tử, việc một số sàn giao dịch lớn quyết định niêm yết đồng Pi có thể nhằm mục đích quảng cáo, đồng thời lôi kéo hàng chục triệu người trong cộng đồng Pi Network tham gia thị trường.
Trái ngược với động thái trên, một số sàn giao dịch khác lại từ chối niêm yết Pi Network với lý do "đạo đức".

Đồng Pi sẽ được niêm yết chính thức trên các sàn giao dịch vào 15h ngày 20/2 (Ảnh: Thế Anh).
"Hôm nay, một nhóm người hỏi tôi rằng tôi có muốn tham gia (niêm yết) Pi không. Và tôi nói rằng đừng đùa nữa. Tôi từng giao dịch ngoại hối và thường xuyên bị các cô chú trung niên gây áp lực đòi lại tiền của họ.
Khi làm việc trong lĩnh vực tiền điện tử, tôi thực sự không muốn dính líu đến chuyện này nữa. Hãy tránh xa nó ra", Ben Zhou, CEO của sàn giao dịch tiền điện tử ByBit, cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội X.
Bên cạnh đó, CEO của ByBit còn chia sẻ về một bài viết của Hoatian, chuyên gia từ Crypto Insight, bày tỏ quan điểm phản đối việc hỗ trợ cho dự án Pi Network. Hoatian cho rằng yếu tố đạo đức đang bị bỏ qua khi đồng Pi Network chuẩn bị được niêm yết.
"Thanh khoản của thị trường đang cạn dần. Các dự án đầu tư cho công nghệ và phát triển hệ sinh thái không còn được chú ý. Dòng tiền chảy vào những memecoin yếu kém về tính ứng dụng thực tế, không đóng góp gì vào việc phổ cập blockchain", chuyên gia từ Crypto Insight nhận định.
Theo Hoatian, những khẩu hiệu như "1 Pi bằng 1 Bitcoin" đang khiến cho nhiều người nhầm lẫn về giá trị thực tế của đồng Pi. Việc các sàn giao dịch lớn niêm yết Pi có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Nó có thể khiến cho những người đào Pi, vốn chưa có nhiều kinh nghiệm giao dịch tiền điện tử, bị thua lỗ.