Rủi ro khi giá Pi Network tăng cao trên thị trường "chợ đen"
(Dân trí) - Giá Pi Network liên tục tăng cao trên thị trường "chợ đen" có thể gây ra tâm lý FOMO đối với nhiều người. Điều này có thể khiến nhiều người "đu đỉnh" và mất tiền.
Ngày 12/2, đội ngũ Pi Network đưa ra thông báo về quá trình Open Network (mở mạng) đối với đồng tiền ảo Pi. Thông tin này ngay lập tức khiến cho cộng đồng tiền điện tử nói chung và những người tham gia mạng lưới Pi Network nói riêng trở nên dậy sóng.

Giá Pi Network tăng cao trên thị trường "chợ đen" trước ngày niêm yết chính thức (Ảnh: Thế Anh).
Trên các hội nhóm về Pi Network, nhiều người liên tục đăng bài thu gom Pi số lượng lớn. Điều này đã nhanh chóng "thổi" mức giá giao dịch của đồng Pi Network từ khoảng 20.000 đồng lên mức 50.000-60.000 đồng cho mỗi Pi (token).
Tuy vậy, cần lưu ý rằng mức giá trên là mức giá giao dịch đồng thuận tại thị trường "chợ đen". Đây không phải là giá trị thật của đồng Pi sau khi niêm yết. Do đó, điều này có thể dẫn đến rất nhiều rủi ro đối với những người có tâm lý FOMO (Fear Of Missing Out - sợ bỏ lỡ cơ hội).
Trao đổi với phóng viên Dân trí, anh Hùng Phi, một người có kinh nghiệm hơn 7 năm tham gia thị trường tiền điện tử, nhận định rằng giá giao dịch đồng thuận 50.000-60.000 đồng cho mỗi token Pi trên các hội nhóm là mức cao không tưởng.
"Số lượng đồng Pi lưu thông trên thị trường là quá nhiều. Rất nhiều người có khả năng sẽ "đu đỉnh" nếu như gom đồng Pi ở mức giá này. Hiện tại, chưa có cơ sở gì để kỳ vọng về mức giá cũng như vốn hóa của đồng Pi Network", anh Hùng Phi chia sẻ.
Theo thông tin từ WhitePaper (sách trắng) của dự án Pi Network, đồng Pi có tổng nguồn cung lên đến 100 tỷ token. Trong khi đó, theo thông tin từ trang web của sàn giao dịch OKX, số lượng đồng Pi lưu thông ở giai đoạn đầu niêm yết là hơn 6 tỷ Pi.
Giả sử, vốn hóa thị trường của Pi Network đạt mức 1 tỷ USD vào giai đoạn niêm yết, mức giá của mỗi Pi sẽ tương đương 0,17 USD (khoảng 4.338 đồng). Nếu giá trị vốn hóa thị trường của Pi Network là 10 tỷ USD, mức giá của mỗi đồng Pi đạt 1,7 USD (khoảng 43.384 đồng).
Để so sánh, nhiều dự án lớn hàng đầu trong thị trường tiền điện tử hiện nay như Sui, Ton hay HyperLiquid cũng chỉ có giá trị vốn hóa thị trường đạt mức 8-9 tỷ USD. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng mức giá đồng thuận trên các hội nhóm Pi Network hiện tại quá cao.
"Ở giai đoạn thị trường khó khăn như hiện nay, việc một dự án niêm yết với vốn hóa 1 tỷ USD là rất khó, chưa nói đến mức 10 tỷ USD. Nếu điều đó xảy ra, đồng Pi sẽ ngay lập tức trở thành một trong những dự án có vốn hóa lọt top thị trường", chị Thanh Thảo, một nhà đầu tư tiền điện tử lâu năm, chia sẻ.

Đồng Pi sẽ được niêm yết trên các sàn giao dịch với chế độ cô lập (Ảnh: Thế Anh).
Đến nay, việc niêm yết đồng Pi Network vẫn gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng tiền điện tử. Theo kế hoạch, đồng Pi sẽ chính thức được niêm yết trên một số sàn giao dịch vào 15h ngày 20/2 (giờ Việt Nam). Tuy vậy, đồng Pi sẽ được niêm yết theo một cơ chế đặc biệt.
"Theo yêu cầu từ đội ngũ Pi Network, đồng Pi sẽ được áp dụng chế độ niêm yết cô lập (Isolated Listing Mode). Người dùng tại một số quốc gia và khu vực sẽ không thể nạp tiền và giao dịch đồng Pi", thông báo được đưa ra trên trang web chính thức của sàn giao dịch OKX.
Sàn giao dịch Bitget cũng đưa ra thông báo tương tự khi cho biết đội ngũ Pi Network yêu cầu hạn chế đối với người dùng từ một số quốc gia và khu vực nhất định sẽ không thể gửi hoặc giao dịch đồng Pi.
Chế độ niêm yết cô lập (Isolated Listing Mode) là hình thức niêm yết đặc biệt mà sàn giao dịch áp dụng đối với một số loại tiền điện tử (token) nhất định. Khi được niêm yết theo chế độ này, token thường có các hạn chế như về khả năng nạp rút hay không thể giao dịch với tất cả các cặp giao dịch,...
Chế độ này thường chỉ được áp dụng khi xuất hiện các rủi ro liên quan đến tính pháp lý, khả năng thanh khoản thấp hoặc dự án yêu cầu giới hạn giao dịch trong giai đoạn đầu niêm yết.