PhotoNews

Khám phá bảo tàng công nghệ hơn 2.000 hiện vật độc nhất Việt Nam

Thực hiện: Minh Nhật - Tùng Lâm

(Dân trí) - Từ những chiếc máy tính đời đầu như: VT81, IBM PC, Apple Macintosh… đến điện thoại "cục gạch", tất cả đều được gìn giữ nguyên trạng. Thậm chí, có những món đồ trong bảo tàng vẫn sử dụng được.

Khám phá bảo tàng công nghệ hơn 2.000 hiện vật độc nhất Việt Nam (Video: Đoàn Thủy).

Ẩn mình trong con ngõ nhỏ giữa Thủ đô, có một không gian công nghệ thông tin đang lưu giữ hơn 2.000 hiện vật quý giá từ thời sơ khai của ngành công nghệ thông tin. Nơi ấy, TS. Nguyễn Chí Công - một người thầy, một nhà khoa học thầm lặng đã dồn cả đời mình để giữ lại từng ký ức số. 

Khám phá bảo tàng công nghệ hơn 2.000 hiện vật độc nhất Việt Nam - 1

Sinh năm 1949, tốt nghiệp xuất sắc ngành Điều khiển học tại Tiệp Khắc (cũ), TS Nguyễn Chí Công là một trong những người Việt đầu tiên tiếp cận với công nghệ chip bán dẫn. 

Khám phá bảo tàng công nghệ hơn 2.000 hiện vật độc nhất Việt Nam - 2

Khi Việt Nam còn trong thời kỳ khó khăn và chỉ có rất ít máy tính, ông đã miệt mài nghiên cứu, giảng dạy và mơ về một tương lai mà công nghệ thông tin sẽ gắn liền với sự phát triển của mọi quốc gia trên thế giới.

Trong mắt ông, chip bán dẫn không chỉ là công nghệ, mà là cuộc cách mạng thay đổi toàn bộ nền kinh tế toàn cầu.

"Chip bán dẫn! Hơn 50 năm trước, khi nhiều người còn mơ hồ về chip tôi đã ăn ngủ với nó rồi", TS Công trầm ngâm kể giữa căn phòng chật kín những hiện vật công nghệ.

Khám phá bảo tàng công nghệ hơn 2.000 hiện vật độc nhất Việt Nam - 3

Hiện nay, phòng trưng bày chứa đựng hơn 2.000 hiện vật, tài liệu, sách vở, cùng hệ thống bảng trưng bày linh hoạt giúp tái hiện sinh động tiểu sử những nhân vật tiêu biểu gắn với lịch sử công nghệ thông tin Việt Nam.

Không gian bảo tàng do ông sáng lập giống như một cỗ máy thời gian, đưa người xem quay về quá khứ với những hiện vật gắn liền với lịch sử phát triển ngành công nghệ.

Khám phá bảo tàng công nghệ hơn 2.000 hiện vật độc nhất Việt Nam - 4

Từ những chiếc máy tính đời đầu như: IBM PC, Apple Macintosh… đến những chiếc điện thoại "cục gạch", tất cả đều được ông gìn giữ nguyên trạng. Thậm chí, có những món đồ vẫn còn sử dụng được. 

Khám phá bảo tàng công nghệ hơn 2.000 hiện vật độc nhất Việt Nam - 5

Mỗi món đồ ở đây không chỉ là một vật phẩm công nghệ mà là một câu chuyện, một phần ký ức về thời kỳ mà ngành công nghệ chip vẫn còn ở những bước đầu chập chững.

"Không phải ai cũng hiểu đây không đơn thuần là sưu tầm. Mỗi món đồ là một phần ký ức, một câu chuyện đôi khi là cả bước ngoặt cuộc đời của tôi", TS Công chia sẻ với ánh mắt đầy tâm huyết.

Khám phá bảo tàng công nghệ hơn 2.000 hiện vật độc nhất Việt Nam - 6
Khám phá bảo tàng công nghệ hơn 2.000 hiện vật độc nhất Việt Nam - 7

Điều đáng tiếc là trong khi bảo tàng đã thu hút hàng nghìn du khách quốc tế từ các quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Anh, Pháp, Mỹ, Úc, Trung Quốc... với sự ngạc nhiên và kính nể, thì nhiều người Việt lại không biết đến sự tồn tại của nơi này. 

"Nhiều người Việt mình vẫn nghĩ công nghệ là cái gì đó ở Mỹ, ở Nhật, chứ không nghĩ chính chúng ta cũng có một lịch sử công nghệ đáng tự hào", TS Công chia sẻ.

Không nhiều người biết rằng một nhóm nhà khoa học Việt Nam tuổi đời dưới 30 đã chế tạo thành công chiếc máy vi tính đầu tiên của Việt Nam, cũng là máy vi tính thứ 3 trên toàn thế giới vào thập kỷ 70.

Năm 1976, chiếc máy vi tính mang tên VT80 của Việt Nam ra đời, chỉ 1 năm sau Altair 8800 Computer - chiếc máy vi tính đầu tiên của thế giới do Mỹ chế tạo… TS Công là một trong những người tham gia dự án làm chiếc máy tính đầu tiên của Việt Nam này.

Khám phá bảo tàng công nghệ hơn 2.000 hiện vật độc nhất Việt Nam - 8

Trong những cuốn sổ tay đã ố màu theo thời gian, ông từng viết về học trực tuyến, thương mại điện tử và trí tuệ nhân tạo. Vào thời điểm đó, Internet ở Việt Nam vẫn còn là điều gì đó vô cùng xa lạ.

Khám phá bảo tàng công nghệ hơn 2.000 hiện vật độc nhất Việt Nam - 9
Khám phá bảo tàng công nghệ hơn 2.000 hiện vật độc nhất Việt Nam - 10

Trong bảo tàng nổi bật lên là bộ ăng-ten và điện thoại vệ tinh "hàng hiếm" mang thương hiệu NERA, sản xuất năm 2001 có kích thước và trọng lượng tương đương với điện thoại để bàn.

Điểm khác biệt chính là chiếc ăng-ten lớn, có thể thu gọn lại, một thiết kế mang tính biểu tượng cho sự đột phá và sáng tạo.

Khám phá bảo tàng công nghệ hơn 2.000 hiện vật độc nhất Việt Nam - 11

Một hiện vật thu hút sự chú ý là ống đèn điện tử Liên Xô (cũ), một trong những phát minh quan trọng trong lĩnh vực điện tử của thế giới, được sử dụng trong máy hiện sóng oscilloscope.

"Ngày ấy, mỗi linh kiện điện tử đều quý giá. Có được một ống đèn như thế này là cả một gia tài lớn", ông chia sẻ những ký ức vẫn còn nguyên vẹn trong từng chi tiết.

Mùa hè năm 1978, TS Nguyễn Chí Công thiết kế và chế tạo thành công hệ phát triển FT8085 cho chip 8085. Trên cơ sở đó đã làm ra hàng loạt bo mạch xử lý và bo mạch bộ nhớ dùng cho các máy tính để bàn và thiết bị điều khiển, được gọi là VT81.

VT81 được xem là máy tính Việt Nam đời thứ hai. Những sản phẩm này hiện cũng đang được trưng bày tại bảo tàng.

Khám phá bảo tàng công nghệ hơn 2.000 hiện vật độc nhất Việt Nam - 12

Bảo tàng của ông giờ đây trở thành nơi thực hành, lý tưởng cho sinh viên ngành công nghệ.

Không chỉ để tận mắt nhìn thấy những thiết bị công nghệ cổ, mà còn để họ lắng nghe những câu chuyện về hành trình phát triển công nghệ và bài học từ những thất bại và thành công của một người đi trước.

Khám phá bảo tàng công nghệ hơn 2.000 hiện vật độc nhất Việt Nam - 13
Khám phá bảo tàng công nghệ hơn 2.000 hiện vật độc nhất Việt Nam - 14

"Tôi chỉ mong nơi này trở thành nguồn động lực cho giới trẻ, để họ biết rằng người Việt Nam từng tạo ra những điều phi thường. Đừng để lịch sử công nghệ của chúng ta bị lãng quên trong một thế giới đang chạy quá nhanh", TS Công chia sẻ. 

Khám phá bảo tàng công nghệ hơn 2.000 hiện vật độc nhất Việt Nam - 15

TS Nguyễn Chí Công mong rằng, qua bảo tàng giới trẻ sẽ hiểu rằng không cần phải đi xa đến tận Thung lũng Silicon, mà chính ở Việt Nam chúng ta cũng có thể phát triển những thung lũng công nghệ của riêng mình.

Phòng trưng bày của bảo tàng nằm gọn trong ngôi nhà riêng của TS Công tại số 89, ngõ 41 Đông Tác, Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội.

Ảnh: Hùng Anh

Video: Đoàn Thủy