Tâm điểm
Hoàng Lam

"Tự tin bỏ khẩu trang"

Sau 2 năm nhận nhiệm vụ tại Việt Nam, TS Kidong Park - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, đến chào từ biệt Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và chia sẻ rằng, lần đầu tiên sau quãng thời gian đại dịch bùng phát ông đã tự tin bỏ khẩu trang khi giao tiếp. Chia sẻ của ông Kidong Park cho thấy sự ghi nhận, đánh giá cao kết quả chống dịch của Việt Nam.

Và không chỉ ngài trưởng đại diện WHO, trong thực tế cuộc sống hàng ngày, tôi quan sát thấy dù mọi người vẫn tuân thủ đeo khẩu trang khi đi ngoài đường hay ở nơi công cộng, song khi gặp gỡ nhau trong không gian hẹp thì đa số đã không còn giữ chiếc khẩu trang trên khuôn mặt như trước.

Giờ đây mọi người ra đường, đi làm và tham gia các sinh hoạt xã hội như trước khi có dịch. Biện pháp khẩu trang, khử khuẩn… vẫn được thực hiện, nhưng vào ngày cuối tuần, các khu vui chơi giải trí đông đúc và thậm chí còn diễn ra cảnh chen chúc. Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 tới đây, dự báo nhiều nơi sẽ quá tải vì người dân đổ xô đi nghỉ lễ, khi đó chắc chắn rằng rất khó để thực hiện giữ "khoảng cách" hay "không tụ tập".

Tháng 8/2020, Bộ Y tế ban hành "thông điệp 5K" (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) trong công tác chống dịch. Việc triệt để tuân thủ nguyên tắc 5K, thực hiện truy vết, cách ly, điều trị người mắc Covid-19 và nỗ lực bao phủ vaccine… đã giúp Việt Nam từng bước khống chế đại dịch. Qua đó khẳng định rằng nguyên tắc 5k là cần thiết và đúng đắn. Trên cơ sở kết quả chống dịch, Việt Nam đã chuyển sang trạng thái thích ứng linh hoạt, an toàn, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

Từ ngày 27/4, Bộ Y tế đã tạm dừng khai báo y tế với người nhập cảnh vào Việt Nam; đồng thời cho biết sẽ tiến tới bỏ quy định khai báo y tế nội địa để từng bước đưa cuộc sống trở lại bình thường. Hiện Cục Y tế Dự phòng đang xây dựng các hướng dẫn về vấn đề này.

Như vậy, trong số thông điệp 5K, tới đây sẽ có quy định mới với "Khai báo y tế" theo hướng bãi bỏ. Còn với "Khẩu trang", theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, đây vẫn là biện pháp phòng dịch rất quan trọng nhưng chỉ nên thực hiện ở những nơi có nguy cơ. Quan điểm của bác sĩ Nhung là trùng hợp với phát biểu "tự tin bỏ khẩu trang khi giao tiếp" của ông Kidong Park nêu trên.

Ngoài ra, từ thực tế cuộc sống và góc nhìn chuyên môn, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho rằng quy định về "Khoảng cách" hiện rất khó duy trì. "Thời điểm này, người dân đã được tiêm vaccine, khi thấy có nguy cơ thì việc súc họng, rửa mũi là bước tiếp theo trong phòng, chống dịch Covid-19", ông Nhung nêu ý kiến.

Sau khi bao phủ vaccine phòng Covid-19 mũi 3 cho người 18 tuổi trở lên, tiêm đủ mũi cơ bản cho độ tuổi từ 12-17 tuổi, các cơ quan y tế đang đẩy mạnh tiêm vaccine cho trẻ từ 5 tuổi. Chỉ sau 2 tuần, đã có hơn một triệu liều vaccine được tiêm cho nhóm trẻ 5-12 tuổi tại 57 tỉnh/thành.

Các biện pháp cần thiết trong phòng, chống dịch đã và đang được triển khai. Chúng ta không lơ là, mất cảnh giác khi Covid-19 vẫn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến khó lường. Tuy nhiên, có những biện pháp trước đây là nguyên tắc, ví dụ như "Khai báo y tế" thì nay đang dần được điều chỉnh. Những sự điều chỉnh kịp thời chắc chắn giúp giảm thiểu phiền phức, chi phí của người dân, qua đó góp phần phục hồi kinh tế. Trong khi đó, với các quy định không còn phù hợp, nếu vẫn áp dụng máy móc sẽ gây cản trở đáng kể đối với người dân khi nhịp sống bình thường quay lại. Và không loại trừ quy định cứng nhắc sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển du lịch cũng như hoạt động của các cơ sở kinh doanh vốn đã rất khó khăn trong 2 năm qua.

Nên chăng, đây là lúc các cơ quan quản lý rà soát các nguyên tắc phòng dịch để có sự điều chỉnh tổng thể, thay vì tiếp cận theo hướng gỡ bỏ từng quy định riêng lẻ. Dòng chảy cuộc sống và yêu cầu phục hồi kinh tế lúc này không cho phép sự chậm trễ, chần chừ.