Suy nghĩ từ vụ học sinh lớp 9 tử vong sau giải chạy
Giải chạy diễn ra ngày 30/8 vừa qua tại Khu di tích lịch sử Chùa Trầm, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Hai vận động viên đã gặp vấn đề về sức khỏe khi tham gia thi đấu.
Trường hợp thứ nhất, ở cự ly 3.000m, sau khi xuất phát được 150m, một học sinh lớp 9 Trường THCS Nam Phương Tiến A có biểu hiện mệt mỏi và dừng nghỉ trên đường chạy. Sau đó em được sơ cứu tại chỗ, cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Chương Mỹ rồi chuyển tuyến lên Bệnh viện đa khoa Hà Đông, nhưng không qua khỏi.
Trường hợp thứ hai may mắn hơn, sau khi chạy được 1.500m, em học sinh có biểu hiện mệt mỏi, đuối sức, được sơ cứu tại chỗ và cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Chương Mỹ, nay đã hồi phục.
Những năm gần đây hoạt động giáo dục thể chất và thể thao trường học ngày càng được chú trọng. Đây là nhận thức đúng và hướng đi cần thiết. Đặc biệt trong bối cảnh các em ngày càng chịu áp lực học tập và dành nhiều thời gian sử dụng thiết bị điện tử. Việc tham gia các hoạt động thể dục, thể thao sẽ giúp trẻ cân bằng tinh thần, thể chất và phát triển toàn diện hơn. Ở tất cả các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, hoạt động thể chất luôn được đặt lên hàng đầu ở học đường.
Tuy nhiên các hoạt động này cần phải xem là một quá trình rèn luyện, được xây dựng bài bản, có lộ trình phù hợp với từng lứa tuổi. Với một số loại vận động cần cá thể hóa theo thể trạng, sức khỏe mỗi người. Đặc biệt những dạng vận động đẩy cơ thể tới giới hạn chịu đựng tối đa như chạy bộ, leo cầu thang... thì phải có sự hỗ trợ và kiểm soát của người có chuyên môn.
Theo phản ánh của báo chí, một trường học ở Hà Nội mới đây đã yêu cầu các học sinh khối THCS và THPT vượt qua bài tập rèn luyện thể chất và tinh thần là leo thang bộ 26 tầng trước khi vào lớp. Đây là một trong những hoạt động giáo dục thể chất diễn ra 2 lần/tuần tại ngôi trường này. Không rõ cuộc leo cầu thang này là lần thứ bao nhiêu, nhưng đại diện nhà trường cho hay đa số các em học sinh chưa bao giờ leo thang bộ tận 26 tầng.
Như đã nói ở trên, việc rèn luyện thể chất cho học sinh là cần thiết. Tuy nhiên, ở lứa tuổi học sinh, nhiều em khi vào những hoạt động có tính tranh đua thường bị cảm giác hào hứng phấn khích đẩy cơ thể tới giới hạn chịu đựng tối đa, thậm chí tới mức kiệt sức.
Trong khi đó, vì không phải là vận động viên chuyên nghiệp nên các em chưa đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết, nền tảng thể lực cũng chưa đủ tích lũy... Chạy bộ hay leo cầu thang ở cường độ cao đòi hỏi sự chuẩn bị và kiểm soát tốt, bởi vận động quá mức sẽ khiến nhịp tim, huyết áp tăng nhanh, xuất hiện các cơn thiếu máu lên não, dẫn tới biểu hiện hoa mắt, mệt mỏi, có những trường hợp ngất xỉu và nguy hiểm đến tính mạng.
Hàng năm trong các giải đấu marathon (chạy bộ đường trường) hay trail marathon (chạy bộ vượt địa hình), đã có những vận động viên gặp chấn thương nặng, thậm chí tử vong vì vận động quá sức. Sự cố đáng tiếc xảy đến ngay cả với những người chuyên nghiệp, đã tham gia nhiều giải chạy.
Năm học mới sắp bắt đầu, mang theo nhiều hy vọng, mong mỏi của các bậc phụ huynh, sự háo hức, vui mừng của con trẻ, nhưng vẫn còn đó không ít trăn trở, lo lắng. Với những cuộc đua thể lực của các em như chạy bộ, leo núi, leo cầu thang..., các nhà trường cần lưu ý không để xảy ra tự phát, thiếu kiểm soát. Những người tổ chức cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chủ động mọi tình huống, đặc biệt là sàng lọc, sơ loại về sức khỏe để ngăn chặn nguy cơ. Trách nhiệm tổ chức an toàn ở đây trước hết thuộc về nhà trường.
Trước bất cứ hoạt động thể dục thể thao nào, giáo viên thể chất cần dành thời gian yêu cầu học sinh nghiêm túc khởi động, để cơ thể các em có thời gian thích nghi với hoạt động gắng sức.
Các bậc phụ huynh cũng nên cho con mình khám sức khỏe xem có bệnh lý gì tiềm tàng và chủ động thông báo tới nhà trường.
Giáo dục thể chất và thể thao trường học cần tránh hai mặt cực đoan, một mặt coi đây là môn phụ nên không dành sự quan tâm đúng mức, mặt khác là tổ chức những hoạt động đòi hỏi học sinh vận động cường độ cao nhưng không có sự chuẩn bị và kiểm soát tốt. Việc đổi mới nội dung, chương trình, hình thức giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên cần đảm bảo được tính khoa học và phù hợp với lứa tuổi, thể trạng các em.
Tác giả: Nhà báo Bảo Trung là Trưởng ban Khoa học Công nghệ báo điện tử Dân trí. Anh là vận động viên chạy bộ nghiệp dư từ 2017, đã tham gia cự ly 42km trong các giải: Tiền Phong marathon, Vietnam Mountain Marathon, Vietnam Trail Marathon...
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!