Tâm điểm
Bích Diệp

Sao vẫn cho phép nuôi "sát thủ máu lạnh" pitbull?

Liên tục những vụ việc chó pitbull tấn công người để lại hệ lụy hết sức đau lòng. Mới đây, một cháu bé 8 tuổi ở xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước bị chó Pitbull cắn chết khiến dư luận xót xa và phẫn nộ.

Trước đó, ngay trong tháng 7 này, công an quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng đã phải vào cuộc để điều tra vụ hàng xóm thả chó dữ (trong đó có một con chó pitbull nặng 40kg) tấn công người giải quyết mâu thuẫn. Vào tháng 5/2021, con chó pitbull nặng gần 60kg khi được chủ đưa tới quán cà phê ở ấp 4, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa (Long An) đã bất ngờ tấn công dữ dội khiến một người tử vong và tấn công chủ trọng thương trước khi bị lực lượng chức năng bắn hạ.

Từ khóa "chó pitbull" trở thành nỗi ám ảnh của rất nhiều người và không ngẫu nhiên mà nó lại xếp đầu bảng trong danh sách những giống chó nguy hiểm nhất với con người. Thống kê của National Geographic cho thấy, chỉ từ năm 2005 đến 2015, chó pitbull đã giết chết 232 người Mỹ (tức cứ 17 ngày thì lại có một người chết vì bị chó pitbull cắn). 

Sao vẫn cho phép nuôi sát thủ máu lạnh pitbull? - 1

Pitbull là giống chó dữ, được mệnh danh là "sát thủ máu lạnh" (Ảnh minh họa).

Ông Nguyễn Văn Long - Quyền Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trong lần trao đổi với báo Dân trí gần đây cũng cho biết, pitbull là giống chó dữ, hiếu chiến, bền bỉ, gan lì, được mệnh danh là "sát thủ máu lạnh" hay còn được gọi là "chó chiến binh", "võ sĩ giác đấu". Giống chó này được nuôi ở nhiều quốc gia để trông giữ nhà, hay sử dụng trong những cuộc chọi chó.

Vấn đề đặt ra là đã có rất nhiều vụ việc liên quan đến sức khỏe, tính mạng của người dân do chó pitbull gây ra trong thời gian vừa qua khiến dư luận vô cùng bức xúc, do đó, cần xem xét việc có nên tiếp tục cho phép nuôi chó pitbull trong nhà hay không? Nếu đã xác định chó pitbull như một "sát thủ máu lạnh", vậy việc nuôi một giống chó tiềm ẩn quá nhiều mối nguy hiểm cho cộng đồng và ngay cả với chủ nuôi, có đáng hay không?.

Xin đừng lấy tình yêu động vật để biện minh cho việc nuôi những giống chó sát thủ trong khi bản thân không thể kiểm soát được tình huống. Có biết bao nhiêu giống chó khác có thể cân nhắc nuôi, cớ gì phải là pitbull? Tình yêu động vật là đáng quý, vậy tính mạng và sức khỏe của những người xung quanh thì sao? Có phải vì mức xử phạt, mức đền bù với hậu quả gây ra quá nhẹ, không đủ sức răn đe? Hay phải chờ đến khi xảy ra những vụ việc đau lòng như trên thì mới bàng hoàng nhận ra là đã quá muộn?.

Theo Quyền Cục trưởng Cục Thú y, Tại Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022 - 2030" đã quy trách nhiệm chủ nuôi chó "Cam kết nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình; nếu để chó, mèo thả rông cắn người thì phải chi trả những chi phí liên quan theo quy định".

Về quy định xử phạt, chủ vật nuôi có chó cắn chết người do không đeo rọ mõm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính là  1-2 triệu đồng cho hành vi "Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó". Ngoài ra, do sự việc nghiêm trọng, chó cắn chết người, nên các cơ quan chức năng của địa phương có thể căn cứ quy định của Bộ luật Dân sự (ví dụ điều 603), Bộ luật Hình sự (ví dụ điều 295) để xem xét và có biện pháp xử lý phù hợp theo quy định.

Tại khoản 1, điều 295 quy định, nếu vi phạm làm chết 1 người sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm; Khoản 2 điều 295 quy định, làm chết 2 người thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm; Khoản 3 điều 295 quy định, làm chết từ 3 người trở lên thì bị phạt tù từ 6 năm đến 12 năm;…

Tôi không rõ các chủ nuôi chó pitbull nói riêng và những người nuôi chó dữ nói chung có cảm thấy được sức nặng trách nhiệm hay không, song qua quan sát thực tế thấy rằng, việc thả rông chó, không đeo rọ mõm cho chó khi ra đường là phổ biến. Biết bao nhiêu vụ chó nuôi cắn người vô tội vạ, bao nhiêu vụ vật nuôi gián tiếp và trực tiếp gây ra tai nạn giao thông?. 

Đành rằng có thể việc nuôi chó đơn thuần chỉ là một thú vui, nuôi chỉ vì thích, việc xảy ra "tai nạn" gây tổn thương, thậm chí gây chết người là "sự cố ngoài ý muốn", là "vô ý". Thế nhưng, một khi đã biết rõ thú nuôi của mình rất nguy hiểm mà vẫn nuôi, không có biện pháp bảo hộ (rọ mõm), coi thú nuôi như công cụ để tấn công người khác… vậy có còn là vô ý nữa hay không?

Theo Phụ lục 15 Thông tư 07/2016 của Bộ NN&PTNT, chủ chó phải đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư. Như vậy, địa phương cũng cần có trách nhiệm theo dõi, giám sát và xử phạt nặng những trường hợp vi phạm khi chủ chó không xích, nhốt, giữ chó trong khuôn viên gia đình, không đảm bảo vệ sinh môi trường, gây ảnh hưởng tới những người xung quanh, đặc biệt là không đeo rọ mõm, xích giữ chó khi ra nơi công cộng. 

Nuôi chó cần tình yêu động vật nhưng cũng yêu cầu cả trách nhiệm với cộng đồng. Với những loài vật nguy hiểm, khó khống chế thì cơ quan chức năng nên cấm nuôi. Được biết, hiện nay nhiều nơi trên thế giới đã cấm nuôi chó Pitbull và có một website riêng về việc cấm chó pitbull (banpibulls.org). Bởi vậy thiết nghĩ, ở nước ta cũng đã đến lúc cần xem xét cấm nuôi giống chó này.

Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.

Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!