Những kỷ niệm sâu sắc từ Nhật Bản và ngài Abe Shinzo
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo ra đi quá bất ngờ và đau đớn. Đây là cú sốc lớn đối với lương tâm thế giới. Những ngày này, truyền thông đã dành những lời chân thực và tốt đẹp nhất về ông. Hàng triệu người khắp thế giới đã bày tỏ tiếc thương ngài cựu Thủ tướng. Tôi cũng là một nhịp đập nhỏ nhoi trong dòng thương tiếc đó, xuất phát từ những kỷ niệm, tình cảm chân thành với đất nước Nhật Bản và ngài Abe Shinzo.
Trong những năm làm Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục thuế (Bộ Tài Chính), tôi phụ trách hợp tác quốc tế và là Giám đốc dự án JICA đầu tiên của Nhật Bản giúp Việt Nam cải cách chính sách quản lý thuế.
Chúng tôi gồm các cán bộ thuế ở Trung ương, địa phương nhiều dịp được sang Nhật Bản học tập, kinh nghiệm quản lý tại Bộ Tài Chính, Tổng cục thuế, các cục thuế vùng, chi cục thuế địa phương. Lần nào chúng tôi cũng được hướng dẫn tận tình, nghiêm túc và đặc biệt là rất chi tiết. Một phẩm chất nổi bật của người Nhật mà chúng tôi thấy rõ ràng là mọi công việc đều được lên kế hoạch, trình tự các bước rất rõ ràng, chính xác và khoa học. Dường như họ dành rất nhiều công sức cho việc lên kế hoạch, tính toán cụ thể từng khâu, từng việc và khi kế hoạch được cấp trên phê duyệt rồi thì bộ máy toàn tâm toàn ý thực hiện.
Quá trình học tập kinh nghiệm tại Nhật Bản, bên cạnh những kiến thức hữu ích về cải cách hành chính và cải cách chính sách thuế, chúng tôi còn cảm nhận được sự tận tụy, chăm chỉ, trách nhiệm cao và tinh thần phục vụ nhân dân của các cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước, bao gồm hệ thống cơ quan thuế Nhật Bản. Để được tuyển chọn vào làm việc tại các cơ quan nhà nước ở Nhật Bản phải là những nhân sự rất ưu tú. Họ trải qua kỳ thi tuyển quốc gia nghiêm túc và có tính cạnh tranh cao, sau khi trúng tuyển là quá trình tập sự, đào tạo trong nước, ngoài nước và giao nhiệm vụ thử thách rất công phu. Thi tuyển công khai, chế độ đãi ngộ xứng đáng và danh dự khi được phục vụ trong bộ máy là những điều chúng tôi đúc kết được về đội ngũ cán bộ, công chức Nhật Bản. Điều này có lẽ cũng phần nào giải thích chất lượng chính sách của Nhật Bản nhìn chung rất cao, đặc biệt trong giai đoạn phát triển thần kỳ (1955-1973).
Trước khi nghỉ hưu, tôi muốn tìm hiểu kinh nghiệm thế giới về việc hình thành nghề dịch vụ làm thủ tục thuế, đại lý thuế…, để vừa giúp người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước đơn giản, thuận lợi nhất, vừa giảm chi phí của xã hội và nâng cao hiệu quả của công tác thuế. Ngoài sự ủng hộ, đồng thuận của cơ quan quản lý trong nước, tôi còn may mắn được các đồng nghiệp là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tổng Cục thuế Nhật Bản tạo điều kiện hỗ trợ.
Bạn đã thành lập tiểu ban ở Nhật Bản để giúp đỡ Hội Tư vấn Thuế Việt Nam trong suốt quá trình từ khi ra đời cho đến phát triển như ngày hôm nay. Tôi và lãnh đạo chủ chốt của Hội nhiều dịp được sang Nhật nghiên cứu, khảo sát mô hình Hiệp hội kế toán thuế công ở Nhật Bản (ra đời từ năm 1942) để học tập, xây dựng tại Việt Nam. Trong quá trình này, vào năm 2009, tôi vinh dự được mời tham dự, đồng chủ tọa một hội thảo khoa học liên quan đến chính sách quản lý thuế có sự tham dự của ngài Abe Shinzo - đây là giai đoạn sau nhiệm kỳ thứ nhất, và trước nhiệm kỳ hai của cựu Thủ tướng Abe. Ở Nhật Bản, các vấn đề về chính sách thuế có vị trí rất quan trọng trong đời sống xã hội, vì vậy ngài Abe Shinzo và 7 bộ trưởng trong Chính phủ Nhật Bản lúc đó đã đến tham dự hội thảo này.
Tại hội thảo, khi trình bày chính sách thuế và vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tôi quan sát thấy ông Abe lắng nghe chăm chú. Ở ông toát lên sự anh minh, khí chất và thân thiện. Ông và những người bạn gọi tôi là "chị Cúc" thân thiết mà không gọi "bà Cúc" vì "chúng ta là bạn bè". Cách gọi đó tự nhiên xóa tan khoảng cách giữa các vị khách đến từ Việt Nam cũng như chủ nhà Nhật Bản; khoảng cách giữa một chính trị gia hàng đầu của Nhật Bản với chúng tôi cũng không còn. Viết đến đây, hình ảnh thân thiện của ngài Abe hiện lên trước mắt tôi như mới hôm qua, vậy mà giờ đây ngài đã đi vào cõi vĩnh hằng.
Xếp hàng trong dòng người ở Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, ai cũng đỏ hoe mắt, chúng tôi đến đặt những bông hoa thắm đượm tình yêu thương, trân quý và biết ơn; ghi vào sổ tang chia sẻ sự mất mát của gia đình ông và của nhân dân Nhật Bản.
Xin vĩnh biệt ngài Abe! Chắc nhiều người, trong đó có tôi - "chị Cúc", sẽ nhìn vào cuộc đời đáng kính trọng của ông để cố sống tốt hơn, tử tế hơn … Rồi tất cả sẽ về với cát bụi, chỉ có tình yêu thương là ở lại. Cầu mong ông ra đi thanh thản.
Tác giả: Bà Nguyễn Thị Cúc là giảng viên - chuyên gia cao cấp với hàng chục năm kinh nghiệm trong ngành thuế. Bà có 13 năm là Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuế. Hiện bà giữ chức Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!