Tâm điểm
Lê Quang Thưởng

Hai điều đúc rút từ việc bắt các ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh

Ai tác động, hỗ trợ Việt Á? Câu hỏi của tôi và chắc là nhiều người khác cũng tự hỏi trong mấy tháng qua, về việc vì sao một công ty thành lập chưa lâu và năng lực chưa rõ ràng như Việt Á, lại được "dọn đường" đến hàng loạt tỉnh, thành để cung cấp kit test, sinh phẩm xét nghiệm, dẫn đến những vụ án đau lòng hôm nay?

Câu trả lời được hé lộ khi Trung ương khai trừ hai Ủy viên Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh và tiếp đó là việc khởi tố, bắt giam hai ông này. Ông Chu Ngọc Anh khi giữ cương vị người đứng đầu ngành khoa học và công nghệ nước nhà, đã "vi phạm quy định của pháp luật trong việc giao, quản lý, sử dụng Đề tài khoa học và công nghệ cấp Quốc gia nghiên cứu, chế tạo Kit xét nghiệm Covid-19". Còn ông Nguyễn Thanh Long thì "lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật trong việc cấp số đăng ký lưu hành, hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương Kit xét nghiệm". Hay nói cách khác, như vị đại diện Ban công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ra, ông Long đã "can thiệp, tác động, hỗ trợ Công ty Việt Á", dẫn đến việc ban hành các thông báo giá về sinh phẩm, trang thiết bị y tế chẩn đoán Covid-19 trái quy định.

Hai điều đúc rút từ việc bắt các ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh - 1

Ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long (Ảnh: VGP).

Bất cứ vụ án nào cũng là điều xã hội không mong muốn nó xảy ra, nhưng tôi gọi các vụ án liên quan đến Việt Á là "đau lòng", bởi vì những thiệt hại, mất mát của người dân qua hai năm đại dịch không thể kể xiết. Với những gia đình đã mất người thân chắc chắn là không có gì bù đắp nổi. Theo thống kê trên báo chí, từ khi xảy ra cho tới thời điểm khống chế được dịch, cả nước có hơn 10 triệu ca mắc, hơn 4,3 vạn người tử vong do Covid-19. Trong bối cảnh đó, vì nghĩa đồng bào và trách nhiệm với đất nước, lẽ ra những người ở tuyến đầu phòng, chống dịch như ông Nguyễn Thanh Long, ở tuyến đầu gánh vác nhiệm vụ quản lý nghiên cứu khoa học cấp quốc gia như ông Chu Ngọc Anh, phải toàn tâm toàn ý cho trọng trách của mình, tuyệt đối gương mẫu và chấp hành quy định pháp luật, song thực tế thì như các cơ quan có thẩm quyền đã kết luận.

Rất khó có từ ngữ nào phù hợp để nhận xét về sự "suy thoái" của họ trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng như đại dịch Covid-19. Đặt bên cạnh những nhân viên y tế, những người lính đã lăn xả ngày đêm để cứu dân, hay bên cạnh những bà mẹ nghèo, em thơ dành từng đồng tiết kiệm đóng góp chống dịch thì sự "suy thoái" đó càng đáng lên án. Những thất thoát, lãng phí và ảnh hưởng tiêu cực là rất lớn, không chỉ về vật chất mà nghiêm trọng hơn là sự xói mòn niềm tin, uy tín của các tổ chức nơi ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh làm việc. Nghĩ về điều này, tôi lại nhớ đến phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu; Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!". 

Dù sao, chuỗi vụ án liên quan đến Việt Á, liên quan đến hai cựu Ủy viên Trung ương Đảng đến thời điểm hiện nay, là sự thôi thúc và đòi hỏi các cấp có thẩm quyền phải làm tốt hơn nữa công tác cán bộ, nhất là việc quản lý, nhận xét, đánh giá cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài. Đặc biệt, bố trí cán bộ ở những vị trí quan trọng, nhạy cảm phải là những người "thực sự tâm huyết vì nước, vì dân và không bị cám dỗ bởi những lợi ích xấu xa, những việc làm vô liêm sỉ".

Tôi xin nêu hai điều đúc rút từ quan sát của mình. Thứ nhất, việc xử lý các cá nhân có sai phạm ở Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như loạt vụ án liên quan Việt Á, cho thấy công cuộc "đốt lò" đã và đang đi đúng hướng, không "chùng xuống" như ai đó từng lo ngại trước thềm Đại hội XIII. Các cơ quan chức năng đã từng bước làm rõ bản chất của vụ án, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật với tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sự can thiệp trái pháp luật của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào". Đó là điều đang được khẳng định. 

Quy trình xử lý kỷ luật về Đảng, về hành chính và khởi tố, bắt tạm giam các ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh diễn ra trong hai ngày, đúng quy định và nhanh gọn, cho thấy sự phối hợp thông suốt, đồng bộ của các cơ quan có thẩm quyền. Nhiều người muốn quy trình này được tiến hành sớm hơn, nhưng tôi nghĩ thời điểm nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố và quan trọng nhất vẫn là sự thượng tôn pháp luật chứ không phải nhanh hơn vài ngày hay một tháng.

Thứ hai, việc xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân sai phạm là lời cảnh báo và răn đe mạnh mẽ để cán bộ "không dám" nhúng tay vào chàm. Nhưng đi liền với đó, chúng ta cũng phải tiếp tục rà soát cơ chế để bịt những "kẽ hở", tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền quản trị quốc gia sao cho cán bộ "không muốn" và "không thể" tham nhũng, tiêu cực. Trước đây các cơ quan chức năng đã từng xử lý đến cả Ủy viên Bộ Chính trị có sai phạm, nhiều Ủy viên Trung ương, tướng lĩnh cũng đã vướng vòng lao lý, nhưng sai phạm vẫn nối tiếp sai phạm. Đây là vấn đề đã được nhìn thấy và rõ ràng cần tiếp tục có những giải pháp trị tận gốc các biểu hiện suy thoái, tiêu cực, không để "nhờn thuốc". 

"Xây" đi đôi với "chống" và "chống" cũng chính để "xây". Chúng ta tiếp tục cuộc đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực để làm trong sạch bộ máy; đồng thời, cần tiếp tục nỗ lực xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực tốt, biết trọng danh dự và liêm khiết. Từ bản thân mình, tôi nghĩ rằng người dân muốn cán bộ suy thoái phải bị xử lý nghiêm minh bao nhiêu, thì họ càng muốn trong bộ máy ngày càng nhiều hơn những tấm gương thực sự vì dân, vì nước bấy nhiêu. 

Tác giả: Ông Lê Quang Thưởng là cán bộ gắn bó lâu năm với ngành Tổ chức, Xây dựng Đảng; nguyên là Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương.

Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!