Để đồng lương không còn "hụt hơi" rượt theo giá cả
Chỉ sau 2 phiên đàm phán, mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2022 đã được Hội đồng tiền lương Quốc gia thống nhất với mức tăng 6% so với hiện tại.
Lương tối thiểu được hiểu là "mức sàn" trả cho người lao động nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu. Hiện vùng I có lương tối thiểu là 4,42 triệu đồng/tháng; vùng II là 3,92 triệu đồng/tháng; vùng III là 3,43 triệu đồng/tháng và vùng IV là 3,07 triệu đồng/tháng.
Kết quả đàm phán lương tối thiểu vùng đợt này đã tạo bất ngờ về thời điểm đề xuất tăng từ 1/7/2022 thay vì 1/1/2023. Thời gian áp dụng mức lương mới theo đó cũng sẽ dài hơn 6 tháng so với thông lệ.
Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh - cho biết, điều dễ nhận thấy trong đợt đàm phán này là sự đồng thuận cao giữa các bên về nhu cầu cần tăng lương tối thiểu vùng sau một thời gian "ngủ đông" dài 2 năm qua.
Điều này khác hẳn so với các phiên đàm phán lương tối thiểu trong những năm trước đây. Khi đó, chỉ riêng về việc có nên điều chỉnh lương tối thiểu hay không thì quan điểm của các bên cũng đã có khoảng cách tương đối lớn.
Trước đó, trong năm 2020, 2021, do ảnh hưởng của COVID-19 nên lương tối thiểu vùng 2021 đã không tăng và được thực hiện theo mức lương công bố tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP.
Thực tế, sau hơn 2 năm hoành hành, đại dịch Covid-19 làm lộ rõ hơn "hố sâu" khoảng cách giàu nghèo ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đó là điều mà ai cũng có thể nhận thấy. Các chính phủ đều đang phải loay hoay với bài toán giải quyết thất nghiệp, cải thiện mức sống của người lao động trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng.
Trong khi chi phí sống đang ngày một đè nặng lên đời sống người lao động hậu đại dịch thì việc tăng lương tối thiểu vùng càng sớm càng thiết thực, có ý nghĩa. Điều này thể hiện được tính nhân văn, bám sát thực tiễn cuộc sống của chính sách với đời sống người dân, nhất là bộ phận thu nhập thấp đến trung bình thấp.
Nếu được thông qua, lương tối thiểu mới sẽ tăng ở mức 180.000 - 260.000 đồng. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, so với kỳ vọng của Tổng liên đoàn thì mức tăng chưa đạt được như đề xuất. Ở góc độ này, người lao động đã thể hiện sự chia sẻ của họ với những khó khăn mà doanh nghiệp đang trải qua.
"Chúng tôi chia sẻ với khó khăn của nhiều doanh nghiệp, nhưng sức chịu đựng của người lao động cũng đã đến ngưỡng", theo ông Ngọ Duy Hiểu, và như vậy, điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng là tất yếu, không thể chậm trễ cũng không thể thấp hơn.
Lương tối thiểu vùng tăng 6% (trong khi lạm phát kiểm soát dưới 4%) có thể nói là mức tạm chấp nhận được, để đồng lương của người lao động không còn phải mải miết rượt đuổi theo giá cả.
Việc tăng lương tối thiểu vùng một cách đồng thuận còn phát đi thông điệp về việc thị trường lao động sẽ cần nâng cao về chất lượng và lao động giá rẻ sẽ dần không còn là một trong những ưu thế mà Việt Nam coi là điểm tựa để cạnh tranh, thu hút đầu tư.
Nói cách khác, người lao động sẽ phải nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề để tương xứng với mức lương nhận được. Đây là bước chuyển biến cần thiết để kinh tế tăng trưởng về chất song song với lượng.
Đương nhiên, bài toán muôn thuở khi phát tín hiệu tăng lương chính là kiểm soát đà tăng giá cả, tránh trường hợp "té nước theo mưa", lương chưa tăng mà giá đã tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến nỗ lực cải thiện đời sống cho người lao động.