Đấu giá biển số xe: Cần cơ chế minh bạch
Sau 30 năm kể từ khi Công an Hải Phòng được giao nghiên cứu, tổ chức thí điểm đăng ký, cấp biển số, thu lệ phí biển số xe tự chọn, việc đấu giá biển số ô tô sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay dưới hình thức một nghị quyết thí điểm.
Trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 22/9, đại diện Bộ Công an công bố 5 chính sách của dự thảo nghị quyết quy định việc cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.
Theo đó, người dân được quyền đấu giá biển số xe của 63 tỉnh, thành, nghĩa là người ở Hà Nội có thể được tham gia đấu giá biển số xe ở TPHCM hoặc bất cứ địa phương nào nếu muốn.
Người trúng đấu giá có quyền giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác (biển số đi theo chủ), nhưng không được phép chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế chiếc biển số này; đồng thời được quyền chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số (biển số đi theo xe).
Người được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số trúng đấu giá không được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác hoặc chuyển nhượng, cho tặng...
Như vậy về cơ bản chính sách nêu trên "mở cánh cửa" cho việc đấu giá biển số ô tô, tuy nhiên không cho mua bán biển số ô tô sau khi trúng đấu giá, hay nói cách khác: Biển số xe chưa được coi là hàng hóa.
Việc nhà nước cho phép đấu giá biển số xe là cần thiết và nên sớm triển khai bởi đây là nhu cầu có thật trong xã hội. Trong gia đình tôi, chỉ cách đây ít hôm, người cậu họ mua một chiếc xe mới trị giá gần 700 triệu đồng. Lúc mua xe, cậu tôi theo sở thích cá nhân và quan niệm dân gian mong muốn làm sao đăng ký biển số tránh được con số 49 và 53. Cuối cùng biển số xe của cậu tôi cũng tránh được 2 con số này, nhưng lại là biển số mà tổng các số cộng lại bằng một - con số cậu tôi cũng không thích nên dù có xe mới song không được vui. Nếu được đấu giá, cậu tôi nói rằng sẵn sàng bỏ ra một số tiền phù hợp để có chiếc biển số tuy không đẹp (vì biển đẹp sẽ nhiều người đấu giá nên giá cao) nhưng ít nhất là phù hợp sở thích.
Những ai quan tâm đến chuyện biển số xe hẳn còn nhớ hồi tháng 4/2022, báo chí đưa tin anh Trần Hữu Tuyến (51 tuổi, ở huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) đã may mắn bấm được biển số 37A-999.99 cho chiếc xe ô tô mới mua có giá là 700 triệu đồng. Sau đó, nhiều người đã liên hệ với anh Tuyến để hỏi mua lại chiếc xe này, có người đã trả giá lên tới 1,5 tỷ đồng.
Rõ ràng cho phép đấu giá biển số xe sẽ giúp người dân dễ tiếp cận hơn với biển số theo mong muốn cá nhân và tăng nguồn thu cho ngân sách, ngoài ra còn có thể góp phần ngăn chặn tình trạng trục lợi trong cấp quyền sử dụng biển số ôtô.
Thời gian qua, nhiều ý kiến quan tâm đến việc xác định giá khởi điểm của một biển số đưa ra đấu giá. Theo dự thảo nghị quyết, giá khởi điểm có công thức tính chung, áp dụng thống nhất trong tất cả trường hợp, là mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng tại địa phương nhân với hệ số. Cụ thể, ở TPHCM và Hà Nội là 40 triệu đồng/biển số; các địa phương còn lại khởi điểm từ 20 triệu đồng.
Một trong những yếu tố quyết định đến mức độ thành công của chính sách đấu giá biển số xe chính là ở mức giá khởi điểm này. Trong thực tế sự yêu thích là "định tính" nên sẽ rất khó "định lượng" giá của một biển số đẹp, và có những trường hợp chiếc biển số có giá trị tương đương chiếc xe hoặc hơn. Ở đây điều quan trọng là cơ quan quản lý đưa ra được các tiêu chí khoa học và phù hợp cho mức giá khởi điểm, cũng như xây dựng cơ chế đấu giá công khai, minh bạch. Thời gian qua trong một số lĩnh vực khác, chính sách đấu giá đã mang lại hiệu quả to lớn song còn tồn tại không ít vấn đề, thậm chí nảy sinh tiêu cực, do vậy việc đấu giá biển số xe cần có cơ chế chặt chẽ để loại trừ tiêu cực ngay từ đầu.
Dự thảo nghị quyết không cho phép chuyển nhượng biển số xe sau khi trúng đấu giá, nghĩa là chưa coi đây như một tài sản mà người dân có quyền mua bán. Điều này có thể giúp ngăn chặn tình trạng đầu cơ biển số, mua đi bán lại dẫn đến phức tạp, khó quản lý. Tuy nhiên việc hạn chế quyền chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế đồng nghĩa với hạn chế quyền định đoạt của người dân đối với chiếc biển số mà họ đã bỏ tiền để đấu giá.
Khi được trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới, dự thảo nghị quyết sẽ đón nhận góp ý của các đại biểu để tiếp tục hoàn thiện trước khi thông qua. Như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phát biểu, kho số là tài nguyên, tài sản công nên cần khai thác, sử dụng hiệu quả nhất.
Để khai thác hiệu quả nhất kho biển số thì phải những chính sách tốt nhất.
Tác giả: Nguyễn Dương là phóng viên của báo Dân trí. Anh vào nghề báo năm 2010, hiện là phóng viên lĩnh vực nội chính, an ninh và quốc phòng.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!