(Dân trí) - Suốt thời gian dài, khu du lịch biển Thiên Cầm tồn tại hàng chục ki ốt nhếch nhác, nghĩa trang cạnh khách sạn. Đã có những nhà đầu tư đến lại đi. Vậy kế hoạch của chính quyền địa phương ra sao?
Khi nào dời nghĩa trang, dẹp ki ốt chắn biển Thiên Cầm?
Suốt thời gian dài, khu du lịch biển Thiên Cầm tồn tại hàng chục ki ốt nhếch nhác, nghĩa trang cạnh khách sạn. Chính quyền địa phương cho biết đang lên phương án khắc phục để đưa nơi đây phát triển hơn.
Như Dân trí đã phản ánh, cuối năm 2009, UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt quy hoạch khu du lịch quốc gia Thiên Cầm, nằm tại huyện Cẩm Xuyên.
Hơn một thập kỷ nhìn lại, khu du lịch biển Thiên Cầm vẫn không có nhiều sự thay đổi về hạ tầng, chất lượng dịch vụ, các loại hình du lịch để níu chân du khách.
Thay vào đó, Thiên Cầm còn tồn tại hình ảnh nhếch nhác với khoảng 40 ki ốt cho thuê kinh doanh dịch vụ ăn uống chắn lối ra biển. Tại đây cũng có một số khách sạn xây dựng trên dưới 10 năm nhưng phải chịu ảnh hưởng vì một mặt hướng về nghĩa trang.
Chính quyền địa phương sẽ làm gì để Thiên Cầm thay đổi bộ mặt và phát triển xứng tầm. Liên quan những vấn đề nêu trên, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.
Khu du lịch biển Thiên Cầm nhìn từ trên cao.
Trả lại mặt tiền cho Thiên Cầm sau gần một thập kỷ
Hàng chục ki ốt cho thuê nằm ngay trên vỉa hè tuyến đường sát bãi biển Thiên Cầm tồn tại từ bao giờ và kế hoạch xử lý các ki ốt này ra sao?
- Khu du lịch Thiên Cầm được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 1993. Hai năm sau, người dân tự phát dựng ô mái lá để bán đồ cho du khách. Khi đó, dải bờ biển là cả một bãi cỏ. Thời gian sau, người dân lại làm những nhà tạm bằng cột gỗ, mái lợp lá.
Năm 2013, bão gió khiến những căn nhà tạm đó hư hỏng, trở nên nhếch nhác, có thời điểm ngay giữa mùa du lịch. Chính quyền huyện sau đó đứng trước hai sự lựa chọn, một là xây kiên cố, làm đẹp cho người dân kinh doanh, hai là phá bỏ.
Hàng chục ki ốt chắn lối xuống biển khiến Thiên Cầm nhếch nhác, ngột ngạt.
Nhưng đứng trước bài toán để giải quyết kế sinh nhai cho người dân, huyện đã đưa ra phương án thiết kế nhà ki ốt định hình, hỗ trợ một phần kinh phí, còn người dân bỏ tiền. Khi xây dựng xong, huyện giao cho Ban Quản lý khu du lịch Thiên Cầm và UBND thị trấn Thiên Cầm quản lý các ki ốt. Đến nay có hơn 40 hộ kinh doanh ở đó.
Trong số này, 16 hộ sẽ hết hợp đồng vào năm 2023, số còn lại đến tháng 6/2025 cũng hết hạn. Huyện hiện nay có chủ trương không thể để bãi biển Thiên Cầm có những ki ốt chắn mất mặt tiền như vậy. Vì thế, những ki ốt khi hết hợp đồng sẽ lần lượt phải di dời, giải tỏa.
Thay vào đó, huyện đã khảo sát và sẽ quy hoạch một khu vực mới để làm địa điểm kinh doanh khác cho bà con. Tại đây, nhà hàng được xây dựng 2 tầng khang trang vừa có đường, hành lang để kết hợp mở phố đi bộ ban đêm, bán sản phẩm du lịch cho du khách.
Ngoài ki ốt nhếch nhác, một nghĩa trang rộng lớn tồn tại nhiều năm gần biển Thiên Cầm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển du lịch. Địa phương đã có kế hoạch đóng cửa, di dời nghĩa trang hay chưa và lộ trình được thực hiện thế nào?
- Hiện nay đã có một tập đoàn muốn tài trợ quy hoạch 3 tiểu khu của Thiên Cầm, trong đó có một tiểu khu là nghĩa trang gần 6ha. Lãnh đạo UBND huyện đang làm việc về quy hoạch khu nghĩa trang mới cho Thiên Cầm. Tới đây, huyện sẽ đóng cửa nghĩa trang này và di dời sang vị trí mới ngoài chân núi, cách biển Thiên Cầm khoảng 1,5km.
Lộ trình thời gian cụ thể phải chờ nhà đầu tư vào, còn ngân sách Nhà nước chưa bố trí được.
Từng đánh mất cơ hội
Khu vực bãi biển Thiên Cầm được quy hoạch khu du lịch quốc gia từ năm 2009. Vậy, hình hài khu du lịch biển Thiên Cầm hiện nay thế nào, có xứng tầm với những lợi thế mà thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây?
- Ở Hà Tĩnh, Thiên Cầm là bãi biển duy nhất thời Pháp thuộc được họ chọn để xây dựng những nhà nghỉ mát. Điều đó cho thấy tiềm năng của Thiên Cầm được phát hiện từ rất sớm.
Nhiều khách sạn ở Thiên Cầm bị ảnh hưởng vì một mặt hướng về nghĩa trang.
Năm 1993, Thiên Cầm được tỉnh Hà Tĩnh lựa chọn xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng biển đầu tiên của địa phương. Thời điểm đó, việc quy hoạch vùng du lịch gặp khó khăn khi địa phương thiếu cả kinh nghiệm và cơ sở vật chất để làm bài bản. Đồng thời, việc thu hút nhà đầu tư cũng gặp khó.
Đến tháng 12/2009, UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt đồ án phát triển tổng thể khu du lịch Thiên Cầm, định hướng phát triển khu du lịch quốc gia. Từ đó đến nay, tỉnh, huyện tập trung thu hút nhà đầu tư, nhưng rồi cũng chưa có nhà đầu tư nào lớn vào Thiên Cầm.
Cuối năm 2009, đầu năm 2010, một nhà đầu tư xin chủ trương triển khai khu du lịch Bắc Thiên Cầm rồi không thành. Năm 2015, tỉnh quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư và thu hồi đất. Sau đó, doanh nghiệp này không đồng tình và khiếu kiện UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Có thể nói rằng, trong thời gian xử lý dự án này đã làm mất đi một cơ hội phát triển rõ ràng cho Thiên Cầm.
Đó là Tập đoàn Vingroup đã nhìn ra tiềm năng của Thiên Cầm, đồng thời cử chuyên gia về khảo sát. Họ đã rất ưng thuận, song vị trí đó lại là khu đất đang kiện tụng nói trên nên Vingroup rời đi.
Giai đoạn tiếp theo, tỉnh cùng huyện tập trung quảng bá. Đến nay đã có tín hiệu mừng khi có một tập đoàn đang xây dựng khách sạn 5 sao với 160 phòng, dự kiến đến quý I/2023 đi vào hoạt động. Tập đoàn FLC cũng vào tài trợ quy hoạch, sau đó họ sẽ có ý tưởng đầu tư phát triển Bắc Thiên Cầm.
Phía Nam Thiên Cầm, một tập đoàn khác đang muốn tài trợ quy hoạch cho 3 tiểu khu với tổng diện tích 28ha, trong đó có việc di dời khu nghĩa trang gần 6ha. Việc này đang được tỉnh thẩm định.
Vậy nhìn nhận tổng thể thì khu du lịch Thiên Cầm có những hạn chế nào và địa phương sẽ giải quyết ra sao, thưa ông?
- Khu du lịch Thiên Cầm hiện nay có 4 hạn chế đó là về quy hoạch, kết cấu hạ tầng, đặc biệt hệ thống cấp nước sạch và thu gom, xử lý thoát nước thải.
Thiên Cầm tồn tại nhiều hạn chế và chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư xứng tầm.
Cụ thể, quy hoạch chật hẹp, khách sạn không có "view", chưa có khách sạn đạt chuẩn 3 sao. Hệ thống, sản phẩm du lịch của Thiên Cầm đến nay cũng cực kỳ đơn điệu. Ngoài bãi tắm thì Thiên Cầm có ít dịch vụ khác cho du khách. Cùng với đó, lao động tham gia làm du lịch được đào tạo bài bản không nhiều. Lao động thời vụ chiếm tỷ lệ lớn, nhưng tính chuyên nghiệp chưa cao.
Huyện thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế về du lịch và sẽ tìm giải pháp khắc phục. Trong Nghị quyết Đảng bộ huyện Cẩm Xuyên khóa 31, nhiệm kỳ 2020-2025, xác định trong các mũi đột phá, ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực phát triển mới.
Vừa rồi, Ban chấp hành huyện đã họp, thông qua nghị quyết về phát triển du lịch Cẩm Xuyên, giai đoạn đến năm 2030.
Nhiệm vụ là phải thu hút nhà đầu tư lớn vào, củng cố xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực. Huyện tiếp tục mở thêm quy hoạch du lịch cộng đồng, kết nối du lịch biển với du lịch sinh thái tại các địa điểm khác để du khách về lưu trú lâu dài và được hưởng thụ nhiều sản phẩm du lịch hơn.
Trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2021-2025, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có gói đầu tư 176 tỷ đồng để nâng cấp hạ tầng khu Thiên Cầm và giao cho huyện Cẩm Xuyên thành lập hội đồng giải phóng mặt bằng.
Năm 2022 này, tỉnh đã phân bổ 45 tỷ đồng, số kinh phí còn lại sẽ tập trung khắc phục khó khăn cho Nam Thiên Cầm. Cụ thể là mở rộng và nâng cấp hệ thống đường giao thông ở 3 tuyến; đầu tư hệ thống đèn chiếu sáng, trang trí và hệ thống xử lý nước thải.
Xin cảm ơn ông!
Nội dung: Xuân Sinh - Dương Nguyên