DMagazine

Toàn cảnh hệ thống bảo hiểm đa tầng theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội

(Dân trí) - Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) đề xuất bổ sung thêm tầng hưu trí xã hội và tầng liên kết hưu trí xã hội với các loại hình BHXH khác, dần hoàn thiện hệ thống BHXH đa tầng.

(Dân trí) - Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) đề xuất bổ sung thêm tầng hưu trí xã hội và tầng liên kết hưu trí xã hội với các loại hình BHXH khác, dần hoàn thiện hệ thống BHXH đa tầng.

Hệ thống BHXH hiện có BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, Bảo hiểm hưu trí bổ sung được quy định tại Luật BHXH năm 2014. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người không tham gia BHXH, khi về già không được hưởng các chế độ hưu trí.

Dự thảo Luật BHXH lần này đề xuất bổ sung thêm hình thức trợ cấp hưu trí xã hội dành cho người cao tuổi mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng; trợ cấp hằng tháng dành cho người có tham gia BHXH nhưng không đủ năm đóng để hưởng lương hưu.

Với sự bổ sung trên, hệ thống BHXH sẽ có nhiều tầng, đảm bảo đa số người dân khi về già đều được hưởng chế độ hưu trí, trợ cấp hàng tháng.

Toàn cảnh hệ thống bảo hiểm đa tầng theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội - 1

Bộ LĐ-TB&XH kỳ vọng với hệ thống BHXH đa tầng sẽ phấn đấu đến năm 2030 khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội (Ảnh minh họa: Trường Thịnh).

Thống kê đến năm 2022, cả nước có khoảng 12 triệu người cao tuổi nhưng chỉ có trên 3 triệu người hưởng lương hưu hoặc trợ cấp BHXH, trên 1,7 triệu người được hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách.

Trong tờ trình dự án Luật BHXH sửa đổi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kỳ vọng hệ thống BHXH đa tầng sẽ giúp ngành an sinh phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

Bảo hiểm xã hội bắt buộc

BHXH bắt buộc là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động phải tham gia.

Trong thời gian đóng BHXH, NLĐ được hưởng các chế độ như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp. Khi đến tuổi nghỉ hưu, người tham gia được hưởng chế độ hưu trí với các quyền lợi như: lương hưu hằng tháng, thẻ bảo hiểm y tế miễn phí với mức chi trả 95%. Khi mất, người thân sẽ được hưởng chế độ tử tuất.

Toàn cảnh hệ thống bảo hiểm đa tầng theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội - 2

Để mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, dự thảo Luật đề xuất bổ sung thêm 3 nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là: (1) chủ hộ kinh doanh; (2) người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng lương; (3) NLĐ làm việc không trọn thời gian.

Dự thảo Luật cũng đề xuất điều chỉnh nhiều quy định nhằm hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, tăng cơ hội được hưởng lương hưu của NLĐ như: giảm số năm đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống còn 15 năm, người đã rút BHXH một lần không được hưởng ưu đãi này; chỉ được rút 50% tổng thời gian tham gia BHXH khi rút BHXH một lần…

Để tăng thêm quyền lợi của người tham gia, dự thảo Luật đề xuất phương án tính tiền lương làm căn cứ đóng BHXH mới. Theo đó, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH sẽ bao gồm thêm các khoản phụ cấp lương, bổ sung khác gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của NLĐ. Khi mức tiền lương đóng BHXH cao thì lương hưu của người tham gia sẽ cao hơn.

Ngoài ra, dự thảo còn đề xuất bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn (được hưởng chế độ đầy đủ như đối tượng cán bộ, công chức).

Để bảo vệ quyền lợi của người tham gia, dự thảo Luật cũng bổ sung các biện pháp xử lý hành vi trốn đóng BHXH, trong đó có quy định rõ hành vi này để làm căn cứ xử lý hình sự những chủ sử dụng lao động cố tình vi phạm, gây thiệt hại quyền lợi của NLĐ.

Bảo hiểm xã hội tự nguyện

BHXH tự nguyện là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà người lao động tự nguyện tham gia, lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình.

Đây là chính sách nhằm đảm bảo cho lực lượng lao động ở khu vực phi chính thức, không hưởng lương hàng tháng được tham gia BHXH và có lương hưu khi về già.

Toàn cảnh hệ thống bảo hiểm đa tầng theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội - 3

Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc nhóm người tham gia BHXH bắt buộc thì đều được tham gia BHXH tự nguyện.

Theo Luật BHXH 2014, người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng 2 quyền lợi chính là chế độ hưu trí và tử tuất.

Để tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đề xuất bổ sung thêm trợ cấp thai sản cho người tham gia BHXH tự nguyện. Theo đó, trợ cấp thai sản cho người tham gia BHXH tự nguyện do ngân sách Nhà nước đảm bảo. Lao động nữ sinh con, lao động nam đang tham gia BHXH tự nguyện có vợ sinh con đều được thụ hưởng chính sách này.

Điều kiện để được hưởng trợ cấp thai sản là NLĐ phải đóng BHXH đủ từ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Về mức hưởng trợ cấp thai sản, dự thảo quy định, lao động nữ sinh con, lao động nam đang tham gia BHXH có vợ sinh con được hưởng 2 triệu đồng cho một con mới sinh.

Ngoài ra, tại mục d khoản 3 Điều 4, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) còn bổ sung thêm quyền lợi được hưởng bảo hiểm tai nạn lao động cho người tham gia BHXH tự nguyện. Chế độ này sẽ được quy định cụ thể trong Luật An toàn, vệ sinh lao động đang được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

Trong dự án Luật BHXH (sửa đổi), Bộ Lao động Thương binh và Xã hội còn đề xuất giảm số năm đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm như hình thức BHXH bắt buộc.

Hưu trí bổ sung tự nguyện

Theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật BHXH 2014, bảo hiểm hưu trí bổ sung là chính sách BHXH mang tính chất tự nguyện nhằm mục tiêu bổ sung cho chế độ hưu trí trong BHXH bắt buộc, có cơ chế tạo lập quỹ từ sự đóng góp của NLĐ và người sử dụng lao động dưới hình thức tài khoản tiết kiệm cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật.

Toàn cảnh hệ thống bảo hiểm đa tầng theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội - 4

Chương trình hưu trí này có 2 phương thức tham gia đóng góp.

Thứ nhất là đóng góp thông qua người sử dụng lao động, bao gồm: Người sử dụng lao động đóng góp vào quỹ hưu trí cho NLĐ của doanh nghiệp mình trên cơ sở yêu cầu quản lý lao động và khả năng tài chính, không có sự đóng góp của NLĐ; người sử dụng lao động và NLĐ cùng đóng góp vào quỹ hưu trí theo văn bản thỏa thuận giữa NLĐ và người sử dụng lao động.

Thứ 2 là tham gia đóng góp trực tiếp chương trình hưu trí, bao gồm: NLĐ đóng góp hoàn toàn vào quỹ hưu trí, không có sự đóng góp của người sử dụng lao động; cá nhân đủ 15 tuổi trở lên, không làm việc theo hợp đồng lao động.

Loại hình bảo hiểm này khuyến khích mọi người tham gia để có chế độ hưu trí tốt hơn khi về già, chủ yếu nhắm vào NLĐ làm việc tại các doanh nghiệp có mức lương cao, mong muốn có mức hưu trí cao hơn mức trần mà BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện quy định.

Trợ cấp hưu trí xã hội

Trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung thêm hình thức trợ cấp hưu trí xã hội dành cho người cao tuổi.

Toàn cảnh hệ thống bảo hiểm đa tầng theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội - 5

Theo Khoản 2 Điều 3 dự thảo Luật, trợ cấp hưu trí xã hội là chính sách mà ngân sách Nhà nước cung cấp một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu, hoặc BHXH hằng tháng khác.

Độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là từ 80 tuổi trở lên. Độ tuổi này sẽ được Chính phủ quy định chi tiết theo hướng giảm dần phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ để ngày càng nhiều người không có lương hưu được hưởng chế độ trợ cấp hưu trí.

Các chế độ mà người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội được nhận là khoản tiền trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng bằng 500.000 đồng/người/tháng; cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế; người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội chết thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng là 10 triệu đồng.

Chính phủ quy định việc điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng và mức trợ cấp mai táng dành cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội dựa trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách Nhà nước.

Tầng liên kết lấp khoảng trống hưu trí

Vì nhiều lý do, xã hội luôn có một nhóm NLĐ đến tuổi về hưu mà số năm đóng BHXH không đủ điều kiện để hưởng lương hưu. Lúc này, họ xem xét cho hưởng BHXH một lần. Từ đó, xuất hiện một khoảng trống là từ tuổi nghỉ hưu cho đến độ tuổi được lĩnh trợ cấp hưu trí xã hội, nhóm cao tuổi này không được hưởng chế độ hưu trí.

Toàn cảnh hệ thống bảo hiểm đa tầng theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội - 6

Để lấp khoảng trống, trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung quy định cho nhóm lao động này được quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần hoặc hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng.

Mức trợ cấp hàng tháng trên được tính bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội (500.000 đồng/người/tháng). Trường hợp tính mức trợ cấp hằng tháng bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội trong khoảng thời gian từ khi đủ tuổi nghỉ hưu đến khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội mà vẫn chưa hết tổng số tiền tính thời gian đóng, căn cứ tháng đóng BHXH của NLĐ thì sẽ tính toán để NLĐ được hưởng trợ cấp hằng tháng với mức cao hơn.

Trường hợp NLĐ đang hưởng trợ cấp hằng tháng mà chết thì thân nhân của NLĐ được hưởng trợ cấp một lần cho những tháng chưa được nhận và được hưởng trợ cấp mai táng nếu đủ điều kiện.

Ngoài ra, trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng, NLĐ cũng được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo như người hưởng lương hưu.

Toàn cảnh hệ thống bảo hiểm đa tầng theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội - 7

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, trong đó có điều chỉnh, bổ sung nhiều quy định quan trọng liên quan đến hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng. Người lao động, người dân quan tâm đến chính sách này có thể đóng góp ý kiến TẠI ĐÂY.

Bài và ảnh: Tùng Nguyên