DNews

Lật đá núi tìm đồng đội

Hoàng Lam

(Dân trí) - Gần 13.000 liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh trên đất bạn Lào đã được "hồi hương". Kết quả ấy được đổi bằng mồ hôi và cả máu của những người lính quy tập tỉnh Nghệ An.

Lật đá núi tìm đồng đội

Bộ đội con đi tìm bộ đội cha

Thượng tá Nguyễn Trọng Lộc, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (BCHQS) tỉnh Nghệ An, cho biết, tính đến thời điểm này, Đội Quy tập, BCHQS tỉnh tìm kiếm, quy tập 13.133 hài cốt liệt sỹ. Trong đó, có 12.661 hài cốt liệt sỹ được quy tập trên đất nước bạn Lào, 472 hài cốt liệt sỹ trong nước.

Thông qua công tác phối hợp giữa Đội quy tập và các đơn vị, có 1.676 liệt sỹ trên tổng số 12.661 liệt sỹ đưa từ Lào về đã xác định được thông tin, bàn giao cho các địa phương và gia đình tổ chức an táng 937 liệt sỹ...

Lật đá núi tìm đồng đội - 1

Gần 12.700 liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh tại Lào đã được Đội quy tập, BCHQS tỉnh Nghệ An tìm kiếm, đưa về nước (Ảnh: Hoàng Lam).

"Kết quả ấy trong suốt chiều dài 40 năm triển khai công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ là những nỗ lực cố gắng không ngừng nghỉ, của những bước chân không mệt mỏi, của hành trình nhiều gian khổ, lắm hiểm nguy và cả những hi sinh của bộ đội con đi tìm bộ đội cha", Thượng tá Nguyễn Trọng Lộc nói.

Mùa khô năm 1984, những cán bộ, chiến sỹ quy tập tỉnh Nghệ An lần đầu hành quân sang Lào với nhiệm vụ tìm kiếm hài cốt liệt sỹ Việt Nam. Trong những cánh rừng rậm, dốc cao, hang đá, vực sâu của các tỉnh Viêng Chăn, Xiêng Khoảng, Xay Sổm Bun, nơi hàng chục nghìn liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đang yên nghỉ. Hòa bình lập lại bên biên giới, các anh, các bác vẫn đang chờ ngày trở về quê hương.

Lật đá núi tìm đồng đội - 2

Thượng tá Nguyễn Trọng Lộc, Phó Chủ nhiệm chính trị BCHQS tỉnh Nghệ An (Ảnh: Trọng Kiên),

Đại tá Hồ Trọng Bình, nguyên Đội trưởng Đội quy tập BCHQS tỉnh Nghệ An, có 30 năm gắn bó với công tác quy tập, nhớ lại: "Năm 1984, nhiều anh em vừa trở về từ chiến trường biên giới tây nam, biên giới phía bắc được điều vào đội. Phần lớn cán bộ, nhân viên của đội chưa quen biết phong tục tập quán của dân bản Lào, chưa thông thạo tiếng nói. Anh em lên đường sang Lào nhận nhiệm vụ mới trong tâm thế vừa làm, vừa học, vừa đúc rút kinh nghiệm".

Theo Đại tá Bình, thời điểm đó, quy tập liệt sỹ mới là chủ trương của Bộ Quốc phòng, giữa hai Đảng, 2 nhà nước chưa có chủ trương này. Bởi vậy, công tác phối hợp giữa 2 bên, đặc biệt là tìm kiếm, thu thập thông tin về liệt sỹ và nghĩa trang liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam trên đất bạn còn nhiều hạn chế. Khu vực Đội được phân công tìm kiếm còn nhiều bom mìn chiến tranh sót lại...

Lật đá núi tìm đồng đội - 3

Đưa các anh trở về quê hương (Ảnh: Trọng Kiên).

"Mỗi người lính quy tập đều được trang bị như một người lính chiến đấu thực sự. Như thế để hiểu rằng, công tác tìm kiếm, quy tập liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam thời kỳ đầu nguy hiểm và gian khổ như thế nào nhưng ai cũng nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong nhiệm vụ đặc biệt và mới mẻ này", Đại tá Bình nhớ lại.

Bạt núi, lật đá tìm đồng đội

Trong suốt mùa khô năm đầu tiên, đội có nhiệm vụ tìm kiếm thông tin về liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam. Thời kỳ này, với sơ đồ chôn cất, thông tin về nghĩa trang từ các đơn vị cung cấp, công tác xác minh có những thuận lợi nhất định.

Ngoài những tài liệu này, cán bộ, nhân viên của Đội phải đi sâu vào dân để thu thập, nắm bắt thông tin. Theo đại tá Hồ Trọng Bình, đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, do chính quyền các địa phương cũng như nhân dân các bộ tộc Lào chưa nắm được đầy đủ chủ trương này của ta nên vẫn còn né tránh, ngại tiếp xúc.

Một mặt đẩy mạnh công tác dân vận, giúp đỡ nhân dân Lào trong đời sống, sinh hoạt, mặt khác, đơn vị phối hợp, giúp đỡ bạn tổ chức củng cố an ninh, chính trị trên địa bàn...

Lật đá núi tìm đồng đội - 4

Đại tá Hồ Trọng Bình, nguyên Đội trưởng Đội quy tập BCHQS tỉnh Nghệ An (Ảnh: Hoàng Lam).

"Ở đâu bạn khó khăn nhất, nguy hiểm nhất thì chúng tôi có mặt. Mình giúp bạn, bạn sẽ giúp mình", Đại tá Bình nói.

Với sự nỗ lực, vượt khó của mỗi cán bộ, nhân viên quy tập, các phần mộ liệt sỹ sau hàng chục năm nằm phơi mưa, phơi nắng được tôn tạo, sửa sang, các nghĩa trang được phát quang, xác định tọa độ cụ thể. Từ năm 1985, Bộ Quốc phòng mới có chủ trương cất bốc, đưa hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam về nước an táng.

Những nghĩa trang lẩn khuất trong rừng sâu núi thẳm, nơi bom mìn vẫn còn dày đặc, nơi những nhóm nhỏ thuộc lực lượng chống đối có sự hậu thuẫn từ bên ngoài vẫn đang ẩn nấp. Người lính quy tập vai mang súng, tay cầm xẻng, cầm cuốc, rong ruổi các bản làng xa xôi hay trên các đỉnh núi cao, hang sâu, cần mẫn với nhiệm vụ thầm lặng của mình.

Cuộc tìm kiếm càng trở nên khó khăn hơn khi thời gian, mưa bão khiến địa hình đã bị thay đổi nhiều, những nghĩa trang có khi vùi lấp dưới hàng mét đất đá sau một trận lũ lụt.

Lật đá núi tìm đồng đội - 5

Cán bộ quy tập bới từng xẻng đất, lật từng tảng đá tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào (Ảnh: Trọng Kiên),

"Có lần, từ thông tin người dân bản địa cung cấp, chúng tôi tổ chức tìm kiếm tại khu vực Mường Khăm, tỉnh Xiêng Khoảng. Đào qua lớp đất mặt sâu gần 1m mới đến lớp đất nguyên thổ. Anh em đào thành từng rãnh, tổ chức "xăm" đất. Nguyên một ngày đào, xúc, lại đào, mở rộng phạm vi vẫn không phát hiện được gì.

Anh em nghĩ đến chuyện rút về nhưng linh tính thôi thúc, tôi quyết định đào tiếp. Lưỡi xà beng thuốn vào đá. Một tảng đá ong to, nặng vài tạ. Anh em hợp sức, dịch chuyển tảng đá ra khỏi vị trí, phát hiện một bác nằm dưới đó...", Thiếu tá Thái Bá Ngọc (Ban Chỉ huy Quân sự huyện Diễn Châu, cựu nhân viên Đội quy tập) kể.

Mùa khô ở Lào khắc nghiệt, ngày nắng cháy da, nhưng khi đêm xuống, nhiệt độ hạ nhanh, cái rét như mũi kim, luồn qua từng lớp quần áo. Đêm rừng sâu, bộ đội dùng lá khô lót chỗ nằm, đốt lửa sưởi, vừa chống chọi với cái rét, vừa xua đuổi thú dữ.

Lật đá núi tìm đồng đội - 6

Nhân viên quy tập tìm kiếm hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam trong hang đá (Ảnh tư liệu của Đội quy tập).

"Khó khăn lớn nhất của bộ đội quy tập có lẽ là nước. Có những đợt tìm kiếm thông tin, quy tập kéo dài từ 10 ngày đến nửa tháng, hết nước, suối cạn trơ đáy, anh em phải vắt nước từ thân chuối ra uống hay nấu cơm lam.

Lương thực hết, nhiệm vụ đang dang dở, quay ra vị trí đóng quân có khi mất mấy ngày đường, anh em động viên nhau cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ. Bữa cơm giữa rừng thẳm có khi chỉ là nắm cơm chấm muối hay bắp chuối rừng luộc", Thượng úy Nguyễn Khắc Âu (Trung đội vận tải, BCHQS tỉnh Nghệ An, cựu nhân viên Đội quy tập) nhớ lại.

Vất vả, hiểm nguy là thế nhưng chưa một ai thoái lui, bởi nơi mịt mù sơn khê ấy, các anh, các bác đang chờ họ đón về...

(Còn tiếp)