(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng, hiện nay, người dân tham gia các thủ tục đất đai không phải với tâm thế là thực hiện quyền về tài sản mà theo hướng xin được công nhận quyền về tài sản. Đây là điều cần thay đổi.
Làm sổ đỏ, sao nỡ để người dân hóa thiêu thân vì nhu cầu chính đáng?
(Dân trí) - "Người dân tham gia các thủ tục không phải với tâm thế là thực hiện quyền về tài sản mà theo hướng xin được công nhận quyền về tài sản. Cải cách thủ tục hành chính nếu có thực hiện cũng không lấy người dân làm trung tâm mà lấy sự thuận lợi, an toàn của cơ quan hành chính là mục tiêu", TS Nguyễn Thị Thiện Trí nêu vấn đề cần thay đổi hiện nay.
Xuyên suốt chiều dài lịch sử, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dưới nhiều tên gọi khác nhau đã tồn tại, mang ý nghĩa bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp của người dân đối với một loại tài sản có giá trị lớn. Trong nền kinh tế thị trường, bất động sản tạo ra những nguồn thu, lợi nhuận không tưởng, "sổ đỏ, sổ hồng" trở thành một loại giấy tờ khiến bất kỳ chủ nhân của mảnh đất nào cũng muốn sở hữu và gìn giữ.
Trong thời gian gần đây, dư luận bắt gặp những hình ảnh lạ kì khi người dân tại nhiều địa phương phải xếp hàng dài từ sáng sớm, chen chúc, xô đẩy, tranh giành nhau để lấy số, giữ chỗ làm thủ tục đăng ký cấp sổ đỏ.
Mới đây nhất, tối 21/4, đoạn clip ghi lại cảnh tượng biển người bỗng hóa "thiêu thân" khi lao vào sau cánh cổng Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Cách đó ít ngày, khung cảnh tương tự cũng được ghi nhận tại Văn phòng một cửa thị xã Đức Phổ.
Dưới góc nhìn của các chuyên gia, nhà quản lý, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là nhu cầu có thật và quyền lợi hợp pháp của công dân. Bên cạnh việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của chủ sở hữu, các loại giấy tờ này còn hỗ trợ công tác quản lý của Nhà nước về nhiều mặt. Tuy nhiên, chẳng biết từ khi nào, việc làm "vẹn cả đôi đường" ấy lại trở thành những "cuộc chạy đua" của người dân.
Quản lý kiểu vừa chặt vừa lỏng lẻo
Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu luật pháp, thủ tục hành chính, trao đổi với phóng viên Dân trí, Tiến sĩ (TS) Nguyễn Thị Thiện Trí (Đại học Luật TPHCM) nhận định, tình hình giao dịch đất đai ở một số địa phương có dấu hiệu tăng cao đột ngột thời gian gần đây. Hiện tượng này chủ yếu do tình trạng phân nền, tách thửa.
Luật Đất đai hiện tại đã giao cho địa phương quy định về diện tích tách thửa trên phạm vi quản lý. Quy định này là hợp lý nhằm đảm bảo sự chủ động của địa phương trong quản lý tài nguyên đất phù hợp với hoàn cảnh tự nhiên, dân cư, kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, nữ tiến sĩ cho rằng, khi giao quyền cho địa phương, Nhà nước cần hình thành cơ chế giám sát hiệu quả nhằm tránh việc ra quyết định tùy tiện. Cơ chế này càng trở nên cần thiết đối với các địa phương có nguy cơ chạy theo lợi ích cục bộ trước mắt, tạo nguy cơ náo loạn thị trường bất động sản hoặc gây manh mún quỹ đất địa phương.
"Các quy định về đất đai hiện tại vừa quá chặt trong các thủ tục, yêu cầu liên quan đến tách thửa, phân lô, giao dịch nhưng đồng thời lại quá lỏng lẻo trong cơ chế giám sát, sàng lọc, phát hiện điểm chưa hợp lý hoặc dấu hiệu lợi ích cục bộ địa phương", TS Nguyễn Thị Thiện Trí phân tích.
Tình trạng người dân chen lấn, xô đẩy nhau khi làm các thủ tục đất đai như vừa qua có phần lớn nguyên nhân đến từ thủ tục hành chính. Dù tạo chủ trương thống nhất, nhưng việc luật hóa toàn bộ thủ tục hành chính thành khung chung cho cả nước cũng gây nhiều bất cập.
"Hiện nay, những nơi sốt đất do thị trường bất động sản biến động, hay những nơi có giao dịch đất đai ít ỏi đều có trình tự làm thủ tục đất đai như nhau mà không phân hóa. Do vậy, cảnh ùn tắc, đông đúc ở một số địa điểm là không thể tránh khỏi", bà Nguyễn Thị Thiện Trí đánh giá.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, đưa ra góc nhìn tích cực hơn về hình ảnh người dân "nô nức" đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông Châu cho rằng, người đi làm "sổ đỏ" đều là chủ sở hữu của những mảnh đất nhưng chưa có giấy tờ hợp lệ, đây là điều Nhà nước đã khuyến khích.
Về phía còn lại, khi người dân có nhu cầu thì cơ quan quản lý Nhà nước, trực tiếp là chính quyền địa phương cần đáp ứng theo đúng chức trách và trách nhiệm. Để hình ảnh người dân không còn phải cực khổ xếp hàng, chen lấn làm giấy tờ đất đai, điều cần thiết là các địa phương cần chủ động, linh hoạt hơn.
"Mỗi tỉnh, thành chỉ có một hoặc vài nơi người dân có nhu cầu lớn về các thủ tục đất đai. Các địa phương hoàn toàn có thể chọn phương án phân bổ lực lượng cán bộ từ nơi có nhu cầu thấp tới hỗ trợ địa bàn là điểm nóng", ông Lê Hoàng Châu nêu ý kiến.
Cải cách hành chính chưa đúng chỗ
Việc cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý đất đai là phương án mà các chuyên gia đồng quan điểm để xóa bỏ hình ảnh người dân phải "chạy đua" làm thủ tục đất đai. Dù thời gian qua, giải pháp này đã được áp dụng phần nào trong quản lý bất động sản, tuy nhiên, việc thực hiện còn chưa trúng đích do nhiều lý do.
TS Nguyễn Thị Thiện Trí đánh giá, nhân lực, yếu tố con người trong tiếp dân, thực hiện thủ tục hành chính là lý do chung dẫn tới tốc độ xử lý giao dịch cho người dân còn chậm. Hiện tại, Trung ương đã quy định biên chế của văn phòng đăng ký đất đai các địa phương được tính trong tổng biên chế, số lượng người làm việc của tỉnh, thành phố cũng là rào cản dẫn đến thiếu hụt, bị động nhân lực, đặc biệt trong những giai đoạn cao điểm.
Mặc dù vậy, việc áp dụng khoa học công nghệ vào thực hiện thủ tục hành chính đất đai chưa hiệu quả. Các cải cách hành chính đối với lĩnh vực này chưa nhắm vào điểm trọng yếu mà chỉ cải cách ở vòng ngoài, khâu phụ của thủ tục.
"Việc cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ còn theo kiểu chắp vá, dân than chỗ nào, nghẽn chỗ nào thì cải cách chỗ đó. Việc cải cách còn thiếu cái nhìn tổng thể, toàn diện, mang tính hệ thống", chuyên gia đánh giá.
Ông Lê Hoàng Châu chỉ rõ, lịch sử đã ghi nhận những chuyển biến lớn trong lĩnh vực quản lý bất động sản từ khi ứng dụng công nghệ. Điều dễ thấy nhất, việc đo vẽ các thửa đất bằng tay trước đây đã tạo ra những sai sót, chênh lệch rất lớn giữa thông tin trên giấy tờ và diện tích thực tế. Các thiết bị đo chuyên dụng sau này đã khắc phục được bất cập này.
Thời điểm hiện tại, số hóa, quản lý đất đai bằng công nghệ là xu hướng tất yếu, thay thế cho quản lý bằng hồ sơ, giấy tờ kiểu cũ. Để làm được điều đó, hệ thống dữ liệu lớn (big data) về đất đai, xây dựng, mã số định danh cá nhân cần được hình thành và tích hợp lẫn nhau.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cũng chia sẻ, để làm được điều đó, Nhà nước cần một nguồn ngân sách lớn cùng thời gian tương đối dài để chuẩn bị. Việc số hóa, tích hợp dữ liệu cực lớn từ các tỉnh, thành đến bộ, ngành, công tác thực hiện cần một lộ trình và tìm kiếm sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế.
"Chỉ tính riêng Văn phòng đăng ký đất đai TPHCM, đơn vị này cần tới hàng nghìn tỷ đồng để số hóa nhưng ngân sách chưa đáp ứng được. Trên phạm vi cả nước, để thực hiện được, nguồn lực tài chính có thể lên tới hàng chục tỷ USD", ông Lê Hoàng Châu nêu trở ngại.
Cần thay đổi quan điểm người dân đi xin công nhận
Trong nội dung trao đổi xoay quanh những điểm bất cập trong việc làm thủ tục đất đai, 2 vị chuyên gia thẳng thắn nhìn nhận, nhu cầu của người dân cần được cơ quan nắm quyền quản lý đáp ứng. Cơ quan chức năng cần chủ động trước thực tiễn đang diễn ra.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho rằng, những bất cập trong quản lý, giải quyết thủ tục đất đai không phải câu chuyện của riêng địa phương nào. Ngay tại TPHCM, việc các văn phòng đăng ký đất đai chưa quyết liệt trong chuyện cấp sổ hồng cho căn hộ trong dự án, chung cư là minh chứng rõ nét nhất.
"Đứng về phía phương diện quản lý Nhà nước, Sở Tài nguyên và Môi trường từng nơi nên đi thực tế để nắm bắt vấn đề người dân đang gặp phải. Từ đó, cơ quan này cần đưa ra những chấn chỉnh phù hợp, không để tình trạng xấu xảy ra", ông Lê Hoàng Châu nêu quan điểm.
TS Nguyễn Thị Thiện Trí thẳng thắn nhìn nhận, thủ tục hành chính về đất đai là cơ chế kiểm soát hiệu quả của Nhà nước. Tuy nhiên, cho đến hiện nay, quan niệm chung từ các phía là thủ tục này chỉ để phục vụ người dân.
Quan niệm trên dẫn tới hệ lụy, điều kiện để tham gia thủ tục hành chính điện tử cũng khá khắt khe và được xem như ưu ái đối với người dân thực hiện, chứ không được xem là trách nhiệm phục vụ của cơ quan hành chính. Do đó, việc ứng dụng công nghệ chỉ mang tính chất của việc tạo thuận lợi cho kiểm tra, kiểm soát hồ sơ, giấy tờ, không giảm tải được những khâu trọng yếu.
"Người dân tham gia các thủ tục không phải với tâm thế là thực hiện quyền về tài sản mà theo hướng xin được công nhận quyền về tài sản. Từ quan niệm đó, cải cách thủ tục hành chính nếu có thực hiện cũng không lấy người dân làm trung tâm mà lấy sự thuận lợi, an toàn của cơ quan hành chính là mục tiêu", TS Nguyễn Thị Thiện Trí nêu vấn đề cần thay đổi.
Để khắc phục tình trạng người dân chen chúc, xếp hàng dài từ sáng sớm làm thủ tục đất đai như vừa qua, tiến sĩ của Đại học Luật TPHCM đưa ra giải pháp ngắn hạn, thường lệ là "thiếu người thì thêm người, yếu khâu nào sửa khâu đó". Tuy nhiên, đây không phải phương án tối ưu, triệt để, chỉ là chuyển khó khăn từ chỗ này sang chỗ khác.
Đối với công tác cải cách thủ tục hành chính về đất đai, vị chuyên gia đặt vấn đề, dù cân nhắc, sửa đổi không ngừng pháp luật đất đai, nhưng tình trạng được chỗ này, mất chỗ kia vẫn tồn tại. Do đó, ngọn nguồn của câu chuyện là chính sách, chiến lược sử dụng, quản lý đất đai còn chưa hoàn chỉnh.
"Nhà nước cần có quy hoạch, kế hoạch tổng thể về đất đai theo lộ trình, giai đoạn. Các quy hoạch cần hài hòa, phù hợp với quy hoạch về dân cư, quy hoạch đô thị và phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Đây là cơ sở cho các quy định pháp luật đất đai từng thời kỳ, tránh việc nhà quản lý bị thị trường dẫn dắt, rơi vào thế bị động của những cơn sốt ảo bất động sản", chuyên gia nêu lời giải.
Quang Huy