DNews

Xanh lại những dòng kênh đen ở TPHCM

An Huy

(Dân trí) - "Tôi rất bất ngờ khi thành phố đầu tư, cải tạo được tuyến kênh đẹp như vậy. Kênh không chỉ giúp thoát nước mà còn giữ môi trường sống cho nhiều loài cá", ông Thành nói về kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Xanh lại những dòng kênh đen ở TPHCM

Bên cạnh những dòng kênh ô nhiễm làm ảnh hưởng cuộc sống người dân, một số tuyến kênh khác trên địa bàn TPHCM vừa qua đã được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để cải tạo, đưa vào sử dụng.

Có thể kể đến một số tuyến như: Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm và nhiều nhánh kênh nhỏ khác thuộc hệ thống sông Vàm Thuật… Từ khi hoàn thành đến nay, đời sống người dân những khu vực này cải thiện rõ rệt, đặc biệt giảm được ngập nước mỗi khi mưa, triều cường.

Thay đổi ngoạn mục

16h chiều, ông Nguyễn Văn Thành (72 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) rời khỏi nhà lúc nắng đang nhạt dần để ra bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chạy bộ, tận hưởng không khí mát mẻ những ngày thời tiết lên đến 37 độ C.

Xế chiều, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè lồng lộng gió từ sông Sài Gòn thổi vào. Bên cạnh những mảng cây xanh hơn 10 năm tuổi mát rượi, bờ kênh còn được thiết kế các tiểu cảnh trồng hoa kiểng dọc theo lối đi bộ.

Xanh lại những dòng kênh đen ở TPHCM - 1

Ông Nguyễn Văn Thành phấn khởi nói về sự thay đổi của dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (Ảnh: An Huy).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Thành cho biết bản thân không ngờ từ một dòng kênh ô nhiễm nhất nhì thành phố lại được cải tạo sạch đẹp một cách ngoạn mục như vậy. Không chỉ môi trường sạch đẹp, người dân dọc hai bên bờ kênh cũng được hưởng lợi trông thấy.

Nhờ vị trí đẹp, không gian thoáng mát, quán nhậu và cà phê trên đường Hoàng Sa, Trường Sa "mọc lên như nấm". Người dân làm ăn khấm khá, xây dựng nhà cao tầng khang trang.

Trong ký ức ông Thành, những năm 1980, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè qua khu vực quận Phú Nhuận là những ruộng rau muống, bờ cỏ tranh cao quá đầu người. Sát mé kênh, lau sậy mọc um tùm. Nước dưới kênh đen ngòm, bốc mùi hôi thối.

Càng về phía quận Tân Bình là hàng nghìn căn nhà sàn bằng gỗ lụp xụp dựng sát mé kênh. Người dân làm nhà vệ sinh công cộng theo kiểu "cầu tõm", xả thẳng xuống kênh cùng với đủ loại rác thải.

Tuyến kênh ô nhiễm nghiêm trọng, hôi thối nồng nặc vào những ngày nắng nóng. Bên cạnh đó, nhiều khu dân cư tại quận Phú Nhuận, Tân Bình cũng hay ngập do triều cường và mưa lớn.

Xanh lại những dòng kênh đen ở TPHCM - 2

Người dân đi tập thể dục dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè phía đường Trường Sa (Ảnh: An Huy).

Theo ông Thành, trước việc ô nhiễm nghiêm trọng, thành phố đã chi hàng nghìn tỷ đồng để giải tỏa mặt bằng, cải tạo kênh gần 10 năm (2003-2012). Tuyến kênh hoàn thành trong niềm vui, phấn khởi của người dân đôi bờ. Hộ dân nằm trong diện giải tỏa cũng được tái định cư chỗ mới sạch sẽ hơn.

Nước kênh chảy dọc qua 5 quận: 1, 3, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình bắt đầu xanh trở lại, không còn hôi thối, cá sinh sôi phát triển. Từ đó, người dân trở lại thói quen chạy bộ, tập thể dục vào buổi sáng, chiều, dọc đôi bờ kênh trên đường Hoàng Sa, Trường Sa.

"Tôi phải nói là rất bất ngờ khi thành phố đầu tư, xây được tuyến kênh tuyệt đẹp như vậy. Ngày nay, kênh không chỉ giúp thoát nước chống ngập mà còn giữ môi trường sống cho nhiều loài cá. Đồng thời, nơi đây cũng được chọn làm điểm tổ chức các lễ hội, du lịch trên bến dưới thuyền", ông Thành phấn khởi nói.

Người đàn ông kỳ vọng nhiều con kênh khác đang bị ô nhiễm trên địa bàn thành phố như: Tham Lương - Bến Cát, Nước Đen, Hàng Bàng, Vàm Thuật, rạch Xuyên Tâm… cũng được cải tạo giống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè để cuộc sống người dân thay đổi tốt hơn.

Bên cạnh đó, trong ký ức của ông Trần Hữu Lý (80 tuổi, ngụ quận Tân Bình), dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè những năm 1970 là những dãy nhà sàn lợp mái lá san sát nhau. Tại khu vực góc cầu Lê Văn Sỹ (quận 3) là lò giết mổ gia súc, gia cầm.

Xanh lại những dòng kênh đen ở TPHCM - 3
Xanh lại những dòng kênh đen ở TPHCM - 4

Ông Trần Hữu Lý không khỏi vui mừng khi kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thay đổi diện mạo, nâng cao chất lượng cuộc sống (Ảnh: An Huy).

Mỗi ngày có hàng chục con trâu, bò bị giết mổ, nước thải xả thẳng xuống kênh. Người qua lại khu vực như muốn ngộp thở vì hôi thối. Các khu dân cư kết nối với nhau bằng con đường đất nhỏ rộng hơn 1m. Sau này, khi thành phố cải tạo kênh, lò mổ gia súc và những khu nhà ổ chuột cũng bị di dời.

"Tôi sống ở địa phương từ nhỏ, chứng kiến con kênh đổi thay không khỏi vui mừng. Cảnh quan kênh đã đẹp rồi, nếu nước sạch thêm chút nữa thì không còn chỗ chê. Thỉnh thoảng vẫn còn người ném rác xuống kênh, tôi mong cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm để bảo vệ môi trường", ông Lý chia sẻ.

Hồi sinh dòng kênh chết

Khoảng 10 năm trước, mỗi khi nhắc đến kênh Tân Hóa - Lò Gốm, người dân ở các quận 6, 11, Tân Phú… không khỏi rùng mình vì độ ô nhiễm hiếm nơi nào bằng. Được thành phố đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng cải tạo trong 4 năm (2011-2015), kênh Tân Hóa - Lò Gốm "lột xác" hoàn toàn, khoác lên mình diện mạo khang trang, sạch đẹp.

Xanh lại những dòng kênh đen ở TPHCM - 5

Diện mạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm sau khi được cải tạo (Ảnh: An Huy).

Ông Nguyễn Tuấn Hùng (51 tuổi, ngụ phường 12, quận 6) chưa hết ám ảnh khi nhắc về con kênh trước nơi ở của mình nhiều năm về trước.

Những năm 2010, mọi người hay gọi dòng Tân Hóa - Lò Gốm với tên "kênh chết" vì không loài cá nào sống nổi. Lòng kênh rác thải chất đống, nước đen ngòm, chuột, ruồi, muỗi nhiều vô số.

Rác sinh hoạt, nước thải… của hàng nghìn hộ dân xả thẳng xuống dòng kênh, hôi thối nồng nặc. Mỗi kỳ triều cường kết hợp mưa lớn, nhà ông Hùng và mọi người nơi đây ngập không lối thoát.

Theo ông Hùng, trước việc ô nhiễm, thành phố đã lập dự án nạo vét kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Hộ dân nào có hộ khẩu sẽ được hỗ trợ mua căn hộ tái định cư giá rẻ, số còn lại được đền bù một khoản tiền tìm nơi ở mới. Người dân trong diện giải tỏa chủ yếu là lao động có thu nhập thấp.

Ông nhận thấy từ khi tuyến kênh hoàn thành, cuộc sống người dân nơi đây thay đổi hẳn. Môi trường sống thoáng mát, sạch sẽ. Đặc biệt, nơi này không còn tình trạng ngập nước dù mưa lớn.

Xanh lại những dòng kênh đen ở TPHCM - 6
Xanh lại những dòng kênh đen ở TPHCM - 7

Ông Nguyễn Tuấn Hùng và một đoạn kênh Tân Hóa - Lò Gốm qua khu vực quận 6 (Ảnh: An Huy).

"Trên bờ sạch đẹp nhưng nước dưới kênh nhiều lúc vẫn còn ô nhiễm. Tôi hy vọng cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân, xử lý các hành vi phá hoại, để giữ môi trường nước luôn sạch", ông Hùng nói.

Dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm ngày nay đang được trồng nhiều cây xanh. Một số đoạn, chính quyền địa phương lắp nhiều dụng cụ tập thể dục phục vụ người dân. Dọc tuyến kênh từ đại lộ Võ Văn Kiệt đến cầu Ông Buông, hàng loạt nhà cao tầng mọc lên. Tuyến kênh ô nhiễm ngày nào giờ đã thành dĩ vãng.

Bên cạnh đó, nhiều nhánh kênh nhỏ thuộc hệ thống sông Vàm Thuật qua địa bàn các phường Thạnh Xuân, Thạnh Lộc, An Phú Đông (quận 12) những năm qua cũng được thành phố đầu tư cải tạo, xây dựng bờ bao, đường giao thông sạch đẹp.

Nhờ đó, tình trạng ô nhiễm và ngập nước trên địa bàn cũng giảm rõ, người dân địa phương phấn khởi. "Nơi ở của chúng tôi mấy năm nay đã hết ngập. Khi kênh được cải tạo, người dân địa phương ý thức được bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi nữa", ông Võ Tú (45 tuổi, ngụ đường TX21, phường Thạnh Xuân, quận 12) chia sẻ.

Xanh lại những dòng kênh đen ở TPHCM - 8

Một đoạn kênh được cải tạo tại khu vực phường Thạnh Xuân, quận 12 (Ảnh: An Huy).

Kênh Nước Đen, quận Bình Tân (TPHCM) được cải tạo với tổng kinh phí 629 tỷ đồng và đưa vào sử dụng 2 năm nay. Tuy nhiên, mới đây, dòng kênh trở nên ô nhiễm vì rác phủ kín một đoạn hơn 500m, qua địa bàn phường Bình Hưng Hòa A.

Chính quyền địa phương đã huy động phương tiện vớt hàng chục tấn rác dưới kênh lên bờ. Đến nay, dòng kênh không còn rác nhưng nước vẫn còn đen. Nguyên nhân rác ứ đọng được xác định do công nhân đóng cọc nhồi thắt dòng chảy làm dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên khiến rác dồn về một chỗ.

Theo người dân, dù kênh được cải tạo khang trang, nhưng nhiều người vẫn còn thói quen vứt rác xuống kênh vào đêm tối gây ô nhiễm.

"Khi tuyến kênh được cải tạo, người dân đôi bờ rất vui mừng. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng người dân vô ý thức từ nơi khác đem rác đến bỏ xuống kênh gây ô nhiễm. Tôi mong cơ quan chức năng lắp camera xử lý những trường hợp này", chị Thu Hồng (30 tuổi, ngụ địa phương) nói.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa, Giảng viên cao cấp Khoa Đô thị học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, cho biết thành phố cần đầu tư nạo vét thật kỹ tất cả hệ thống kênh rạch sẽ giảm ngập được hơn 40%, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Trước đây, các khu vực quận Tân Bình, Phú Nhuận… thường xuyên bị ngập. Khi thành phố nâng cấp kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, các khu vực này hết ngập.

"Nạo vét kênh rất có lợi vì thoát nước, tạo môi trường trong sạch, hình thành khu dân cư, đường giao thông hai bên bờ kênh và tăng mỹ quan đô thị", ông Hòa nói.

Mới đây, ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TPHCM đã có văn bản gửi đến các sở ngành, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức về việc tăng cường công tác xử lý nghiêm hành vi xả rác ra kênh rạch, nơi công cộng.

Theo đó, Phó chủ tịch UBND TPHCM đề nghị các đơn vị trên rà soát, xử lý dứt điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải trên đường và kênh rạch ở địa phương, duy trì chất lượng vệ sinh tại các khu vực cải tạo, không để phát sinh điểm ô nhiễm mới.

Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận huyện chịu trách nhiệm trước UBND TPHCM nếu để phát sinh tình trạng ô nhiễm trên địa bàn quản lý; tăng cường kiểm tra lấn chiếm các cửa xả, hầm ga thoát nước, lấp miệng cống và công trình lấn chiếm kênh rạch.

Dòng sự kiện: TPHCM vào mùa mưa