PhotoStory

Vụ tấn công trụ sở xã ở Đắk Lắk: Vợ ôm mặt khóc, đưa chồng đi đầu thú

Thực hiện: Đặng Dương - Thúy Diễm

(Dân trí) - Ngất xỉu khi hay tin chồng mình tham gia vào vụ tấn công trụ sở xã ở huyện Cư Kuin, người vợ lòng đau như cắt nhưng một mực khuyên chồng đến công an đầu thú để hưởng khoan hồng.

Nghi phạm: "Bị đe dọa không đi theo sẽ sát hại cả nhà"

Những ngày giữa tháng 6, tỉnh Đắk Lắk rúng động bởi vụ tấn công vào trụ sở UBND xã Ea Tiêu và UBND xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin) khiến 9 người tử vong và 2 người bị thương.

Cũng như nhiều người dân khác, người dân buôn Ea Klock (xã Cư Pơng, huyện Krông Búk) hết sức căm phẫn trước hành vi dã man của nhóm đối tượng có vũ trang.

Vụ tấn công trụ sở xã ở Đắk Lắk: Vợ ôm mặt khóc, đưa chồng đi đầu thú - 1

Người dân Ea Klock buồn bã khi hay tin một số người con của buôn đi theo kẻ xấu tấn công trụ sở UBND xã tại huyện Cư Kuin (Ảnh: Đặng Dương).

Căm phẫn là thế, nhưng buôn làng của người Êđê này lại một lần nữa hoang mang khi hay tin trong nhóm đối tượng tham gia vụ việc có nhiều công dân của buôn. Trong đó, có cả Y Thô Ayun (tức Ama Kzruh, 35 tuổi) - một trong những đối tượng cầm đầu trong vụ tấn công kinh hoàng.

Từ một ngôi làng bình yên, rộn rã tiếng cười, những ngày này, không khí khắp mọi nhà đều nặng nề vì chưa từng nghĩ chuyện này sẽ xảy ra với buôn làng của mình.

Căn nhà gỗ đơn sơ của em Y.H.N. (21 tuổi) mấy ngày hôm nay đóng cửa im lìm, không khí buồn bã đến não nề khi ông Dhoan Ayun (49 tuổi, bố của N.) được xác định là đối tượng tham gia vụ tấn công trụ sở xã.

Vụ tấn công trụ sở xã ở Đắk Lắk: Vợ ôm mặt khóc, đưa chồng đi đầu thú - 2

Gia đình của Y Dhoan Ayun đóng cửa im lìm từ khi biết người đàn ông trụ cột trong nhà bị dụ dỗ đi theo các đối tượng xấu (Ảnh: Đặng Dương).

Với sự vận động từ vị trưởng buôn Ea Klok, N. mới mở cửa mời chúng tôi vào nhà nói chuyện. Cậu thanh niên mặc chiếc áo đen và đội mũ trùm kín đầu như muốn che đi sự tủi hổ trước những hành vi vi phạm pháp luật của bố mình.

N. kể, sáng 11/6, người dân trong buôn biết tin trụ sở UBND xã Ea Tiêu và UBND xã Ea Ktur bị tấn công. Chiều cùng ngày, những hình ảnh của nhóm đối tượng tấn công được chia sẻ trên mạng xã hội. Trong số đó, N. nhận ra bố của mình.

Vụ tấn công trụ sở xã ở Đắk Lắk: Vợ ôm mặt khóc, đưa chồng đi đầu thú - 3

Con trai của nghi phạm Y Dhoan Niê (áo đen) buồn bã khi bố mình nhẹ dạ đi theo các đối tượng xấu (Ảnh: Đặng Dương).

"Em và mẹ biết bố vi phạm pháp luật nên đã gọi điện để bố về, tuy nhiên gọi mãi mà không được vì bố bị người trong nhóm này thu hết điện thoại. Gần 2 ngày sau khi vụ việc xảy ra, bố mượn điện thoại của một người dân, gọi cho mẹ em đến đón. Nhưng sợ bị phát hiện nên sau đó bố em tự bắt xe về nhà", N. nhớ lại.

Trong giây phút ngắn ngủi được trò chuyện cùng nhau trước khi được gia đình đưa đi đầu thú, Y Dhoan cho biết ban đầu ông  không biết nhóm này sẽ đi giết người. Chỉ khi đến địa bàn huyện Cư Kuin, ông mới được phát cho một khẩu súng và chỉ đạo thực hiện các hành vi phạm tội.

Tuy nhiên vì sức khỏe yếu, lại già hơn những người khác nên ông Y Dhoan trả lại súng và chỉ tham gia lái xe máy trong vụ tấn công.

Vụ tấn công trụ sở xã ở Đắk Lắk: Vợ ôm mặt khóc, đưa chồng đi đầu thú - 4

Từ hôm xảy ra sự việc, mẹ của N. quỵ ngã, còn N. thì buồn vô cùng (Ảnh: Đặng Dương).

Cũng theo Y.H.N., ở buôn Ea klock, ai cũng biết bố của mình là người rất hiền lành, đến ná cao su cũng không biết cầm nên khi biết tin ông này tham gia tấn công trụ sở xã, cả buôn làng bàng hoàng.

"Bố kể, bố có ý định bỏ về nhưng bị đối tượng cầm đầu hăm dọa, nếu về thì sẽ có người đến giết cả nhà. Bố nhận biết mình sai rồi và được cả nhà động viên nên bố đến cơ quan công an xã đầu thú ngay. Bố em khóc nhiều lắm, xin lỗi cả gia đình vì nhẹ dạ, nghe theo lời kẻ xấu", N. ngậm ngùi nói.

Vụ tấn công trụ sở xã ở Đắk Lắk: Vợ ôm mặt khóc, đưa chồng đi đầu thú - 5

Người dân trong buôn vận động các gia đình có người thân tham gia vụ tấn công sớm đi đầu thú (Ảnh: Đặng Dương).

Biến cố xảy ra, cuộc sống gia đình Y.H.N bị đảo lộn hoàn toàn. Không còn ai đủ tâm trạng để ăn uống, riêng mẹ của N. thì quỵ ngã, đổ bệnh, hai ngày nay phải đến viện điều trị.

Vợ báo công an khi thấy chồng trong ảnh

Cũng giống như nhà Y.H.N, mỗi ngày trôi qua lại là một ngày đau khổ đối với chị H.N.A. (30 tuổi, buôn Ea klock). Vài ngày trước, chính chị A. đưa chồng - Y Pheo Niê ( 31 tuổi) - đến cơ quan công an đầu thú khi biết người đàn ông này tham gia vào nhóm tấn công trụ sở xã.

Vụ tấn công trụ sở xã ở Đắk Lắk: Vợ ôm mặt khóc, đưa chồng đi đầu thú - 6

Chị H.N.A. ôm mặt ngồi khóc vì chồng trót dại theo các đối tượng hung hãn (Ảnh: Thúy Diễm).

Chị H.N.A. nói mình không còn nước mắt để khóc. Những ngày qua, nhiều người đến hỏi thăm gia đình, nhưng cũng nhiều người dòm ngó, đưa ánh mắt nghi ngại khiến chị không dám bước ra khỏi nhà.

Vợ chồng chị kết hôn năm 2009, đến nay có với nhau 2 người con. Kinh tế gia đình khó khăn, bản thân chị lại mắc bệnh thiếu máu và tuyến giáp nên vài năm trước, gia đình này được chính quyền địa phương hỗ trợ xây cho căn nhà cấp 4.

"Hai tuần rồi tôi mệt nên ở nhà chăm con, chỉ có anh ấy đi làm. Trước khi xảy ra sự việc, anh ấy không có dấu hiệu bất thường nên tôi cứ nghĩ anh ấy vẫn đi làm", chị H.N.A. nhớ lại.

Sáng 11/6, chị H.N.A biết tin 2 trụ sở xã ở huyện Cư Kuin bị tấn công, nhiều người chết và bị thương. Cùng thời điểm này, rất nhiều clip, hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội, chị nhận ngay ra chồng mình trong nhóm người cầm súng và hung khí.

"Tôi sợ quá liền chạy đi báo với cán bộ xã. Tôi cố gắng gọi cho anh ấy nhưng không được", chị A. kể.

Đến tối 12/6, Y Pheo trở về nhà. Người đàn ông hoang mang, lo sợ, ngồi một mình trong góc tối. Được sự động viên của mọi người, Y Pheo kể lại sự việc trước khi tự tay xếp quần áo và đến cơ quan công an đầu thú vào ngày 13/6.

Vụ tấn công trụ sở xã ở Đắk Lắk: Vợ ôm mặt khóc, đưa chồng đi đầu thú - 7

Người phụ nữ 30 tuổi mong chồng mình được hưởng khoan hồng của pháp luật (Ảnh: Thúy Diễm).

"Y Pheo kể, khi đến huyện Cư Kuin, anh ấy được phát vũ khí để chuẩn bị tấn công vào trụ sở xã. Thấy vậy, chồng tôi xin về, nhưng đối tượng cầm đầu không cho. Hắn dọa nếu chồng tôi bỏ về thì sẽ bắn chết hết vợ, con", chị A. nhắc lại lời chồng.

Sau khi gây án, Y Pheo và nhóm đối tượng chia thành nhiều hướng, rời khỏi hiện trường. Các đối tượng luồn lách qua những vườn rẫy của người dân, đói quá thì bới củ nghệ ăn, buồn ngủ thì chui vào thùng rác ngủ.

Y Pheo sợ liên lụy vợ, con nên chưa dám về nhà, chỉ khi công an tấn công, các đối tượng chạy tán loạn, Y Pheo mới dám trở về buôn làng.

Vụ tấn công trụ sở xã ở Đắk Lắk: Vợ ôm mặt khóc, đưa chồng đi đầu thú - 8

Nhiều đối tượng tham gia vụ tấn công được người thân vận động ra đầu thú (Ảnh: Uy Nguyễn).

"Tối hôm đó, tôi có nấu cơm cho anh ấy ăn. Cả đêm hai vợ chồng không ngủ được mà cứ ôm nhau khóc. Đến sáng, tôi liên hệ công an xã, đưa anh ấy ra đầu thú, chỉ mong nhận được sự khoan hồng của Nhà nước", chị H.N.A. nói rồi khóc nức.

Trưởng buôn đến từng nhà vận động đầu thú

Theo anh Y Nhấp Ayun - Trưởng buôn Ea Klock (xã Cư Pơng), khi nghe tin về vụ tấn công, anh Y Nhấp họp dân, thu thập thông tin những người vắng mặt ở địa phương. Qua đó, phát hiện có 8 người đàn ông không có mặt tại buôn.

Vụ tấn công trụ sở xã ở Đắk Lắk: Vợ ôm mặt khóc, đưa chồng đi đầu thú - 9

Anh Y Nhấp Ayun - Trưởng buôn Ea Klock đến từng nhà vận động người thân các nghi phạm trình báo cơ quan công an để được hưởng khoan hồng của pháp luật (Ảnh: Đặng Dương).

Đến chiều cùng ngày, người dân nghi ngờ có một số người đàn ông trong buôn tham gia vào nhóm tấn công nên Y Nhấp đến từng hộ gia đình, vận động người nhà khuyên các đối tượng đi đầu thú.

Gia đình vận động các người thân liên quan vụ tấn công trụ sở xã ra đầu thú

"Nhà Y Pheo và Y Dhoan nằm gần nhà đối tượng Y Thô - được xác định là đối tượng cầm đầu. Có thể trong thời gian sinh sống với nhau, Y Thô đã tiếp cận, lôi kéo những người đàn ông trong buôn đi theo mình và thực hiện hành vi phạm tội. Chúng tôi rất buồn vì sự việc này, bà con trong buôn mong muốn những người ra đầu thú sẽ nhận được sự khoan hồng của pháp luật".

Thượng tá Nguyễn Trần Tuấn - Trưởng Công an huyện Krông Búk (Đắk Lắk) xác nhận, kể từ khi công an huyện có thư kêu gọi đầu thú để hưởng khoan hồng, nhiều gia đình trực tiếp đưa người thân có liên quan vụ tấn công ở huyện Cư Kuin đến công an để trình báo, đầu thú.

Hiện trên địa bàn huyện có 8 đối tượng đến công an đầu thú.