DNews

Vũ khí Việt Nam tại Triển lãm Quốc phòng 2024: Hiện đại và mạnh mẽ

Nguyễn Bình Mạnh Quân

(Dân trí) - Trong những năm qua, QĐND Việt Nam đã có bước chuyển mình mạnh mẽ không chỉ về tổ chức biên chế mà còn được trang bị các loại vũ khí hiện đại, đủ sức ứng phó trước mọi mối đe dọa, thách thức.

Vũ khí Việt Nam tại Triển lãm Quốc phòng 2024: Hiện đại và mạnh mẽ

Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại, đang đóng vai trò là xương sống của Quân đội nhân dân Việt Nam, đã được trưng bày và thu hút được sự quan tâm của các đoàn khách quốc tế và đông đảo người dân.

Sức mạnh phòng thủ được nâng lên rõ rệt

Cả ba lực lượng chủ lực gồm Phòng không - Không quân, Hải quân và Lục quân đều được đầu tư mua sắm vũ khí trang bị mới, hiện đại để bắt kịp xu thế chung của thế giới.

Một trong những thay đổi lớn của lục quân đó là sự xuất hiện của T-90S, dòng xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại được không chỉ lực lượng vũ trang Nga mà còn quân đội nhiều nước tin dùng. 

Vũ khí Việt Nam tại Triển lãm Quốc phòng 2024: Hiện đại và mạnh mẽ - 1

Xe tăng T-90 (Ảnh: Mạnh Quân).

Xe tăng T-90S là phiên bản xuất khẩu của xe tăng T-90 do Nga sản xuất, được trang bị hệ thống điều khiển ngắm bắn bằng laser, hệ thống nạp đạn tự động với tốc độ bắn 7-8 viên/phút. Xe có thể vượt hào rộng 2,85m, chướng ngại vật cao 1m, đi ngầm dưới nước từ 1,2m đến 5m.

Xe tăng T-90S được trang bị giáp phức hợp, bao gồm giáp chính, giáp phản ứng nổ và hệ thống phòng vệ chủ động. T-90S được coi là một trong những dòng xe tăng có khả năng bảo vệ tốt nhất trên thế giới hiện nay. Xe tăng T-90 vẫn có thể đứng vững trước nhiều loại tên lửa chống tăng hiện nay.

Vũ khí Việt Nam tại Triển lãm Quốc phòng 2024: Hiện đại và mạnh mẽ - 2

Tháp pháo xe tăng T-90 (Ảnh: Mạnh Quân).

Các loại xe tăng cũ như T-54, T-55 và T-62 đang được dần được nâng cấp để đáp ứng yêu cầu chiến tranh hiện đại và kéo dài niên hạn sử dụng.

Vũ khí Việt Nam tại Triển lãm Quốc phòng 2024: Hiện đại và mạnh mẽ - 3

Xe tăng T-62 (Ảnh: Mạnh Quân).

Xe chiến đấu bộ binh BMP-1 sử dụng bánh xích nên có khả năng cơ động tốt hơn trên mọi địa hình. Xe có trọng lượng 12,6 tấn, chiều dài 6,4-6,7m, rộng 2,9m, cao 2m, có thể chở 3-8 người.

Vũ khí Việt Nam tại Triển lãm Quốc phòng 2024: Hiện đại và mạnh mẽ - 4

Xe chiến đấu bộ binh BMP-1 (Ảnh: Mạnh Quân).

Việt Nam cũng cải tiến xe thiết giáp chở quân BTR-60PB thành xe chỉ huy thông tin BTR-60PU với thiết bị radio đi kèm. Cửa kính Plexiglas lớn thay cho khẩu súng máy đồng trục trên tháp pháo và một máy phát điện di động lớn phía sau xe.

Vũ khí Việt Nam tại Triển lãm Quốc phòng 2024: Hiện đại và mạnh mẽ - 5

Xe chỉ huy thông tin BTR-60PU (Ảnh: Mạnh Quân).

Xe được vận hành bởi kíp 3 người và chở được 12 lính bộ binh. Trọng lượng 10 tấn, dài 7,22m, cao 2,06m, rộng 2,82m, sử dụng động cơ 180 mã lực, tầm hoạt động 500km với tốc độ 60-80km/h trên đường nhựa.

Pháo binh đóng vai trò là hỏa lực mặt đất chủ yếu của lục quân. Binh chủng pháo binh đang tập trung đẩy mạnh kiện toàn, xây dựng lực lượng pháo binh toàn quân "tinh, gọn, mạnh".

Vũ khí Việt Nam tại Triển lãm Quốc phòng 2024: Hiện đại và mạnh mẽ - 6

Pháo phản lực BM-21 Grad (Ảnh: Mạnh Quân).

Chủ trương lớn là xây dựng thế trận pháo binh vững chắc, linh hoạt; đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu; từng bước tự động hóa chuẩn bị và chỉ huy hỏa lực, chủ động, sẵn sàng chiến đấu cao.

Vũ khí Việt Nam tại Triển lãm Quốc phòng 2024: Hiện đại và mạnh mẽ - 7

Pháo tự hành 2S1 cỡ nòng 122mm (Ảnh: Mạnh Quân).

Pháo tự hành 2S1 Gvosdika có kíp pháo thủ gồm 4 người. Toàn bộ thân xe và tháp pháo bọc giáp thường giúp tổ lái chống đạn súng cỡ 7,62 hoặc 12,7mm, mảnh đạn pháo. Khung thân MT-LB lắp động cơ diesel YaMZ-238V 240 mã lực cho phép đạt tốc độ tối đa 60km/h. 2S1 có thể lội nước với tốc độ 4,5km/h nhưng nếu thực hiện điều này thì lượng đạn phải giảm xuống còn 30 viên.

Vũ khí chính của 2S1 là lựu pháo cỡ nòng 122mm, với chiều dài gấp 35 lần cỡ nòng, rất hiệu quả trong chống công sự cũng như các mục tiêu khác, kể cả xe tăng. 2S1 bắn được nhiều loại đạn, và thường mang theo cơ số đạn 40 viên gồm 35 viên đạn nổ, phá mảnh và 5 viên đạn nổ lõm chống tăng. Ngoài ra, 2S1 còn có một súng máy 7,62mm với 300 viên đạn.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình và Quốc tế Stockhom (SIPRI),năm 1981 Việt Nam nhận được một số bệ phóng di động cùng hàng chục quả đạn Scud-B. R-17E là tên gọi đạn tên lửa thuộc tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến dịch - chiến thuật xuất khẩu 9K72E Elbrus. Tuy nhiên, thông thường thì phương Tây vẫn gọi chung một cái tên cho cả hệ thống - tên lửa đạn đạo Scud. Tên lửa có tầm bắn tối đa 300km.

Vũ khí Việt Nam tại Triển lãm Quốc phòng 2024: Hiện đại và mạnh mẽ - 8

Hệ thống tên lửa Scud (Ảnh: Mạnh Quân).

Phòng không - Không quân là một trong những lực lượng được xác định tiến thẳng lên hiện đại nên đã được đầu tư lớn với nhiều vũ khí trang bị thế hệ mới.

Để Tổ quốc không bị bất ngờ từ trên không, nhiều loại radar mới do Công nghiệp quốc phòng Việt Nam chế tạo và sản xuất đã được đưa vào trang bị.

Vũ khí Việt Nam tại Triển lãm Quốc phòng 2024: Hiện đại và mạnh mẽ - 9

Radar RV-02 có khả năng phát hiện máy bay tàng hình (Ảnh: Mạnh Quân).

Vũ khí Việt Nam tại Triển lãm Quốc phòng 2024: Hiện đại và mạnh mẽ - 10

Radar cảnh giới 3 tọa độ do Việt Nam chế tạo (Ảnh: Mạnh Quân).

Các tổ hợp tên lửa đất đối hải như Saddock và Rubezh vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong thế trận phòng thủ bờ biển.

Vũ khí Việt Nam tại Triển lãm Quốc phòng 2024: Hiện đại và mạnh mẽ - 11

Tổ hợp tên lửa đất đối hải Saddock (Ảnh: Mạnh Quân).

Tổ hợp được thiết kế nhằm tiêu diệt tất cả các loại chiến hạm nổi. Tổ hợp tên lửa bờ biển nhận được mã hiệu P-35B. Khối quân sự NATO đặt mã hiệu là SS-N-3 "Shaddock". Theo thông số kỹ thuật do nhà sản xuất công bố, tùy loại đạn sử dụng mà tổ hợp có khả năng diệt mục tiêu ở cự ly 270km hoặc tới 460km.

Đa dạng hóa nguồn cung vũ khí

Vũ khí hệ 1 (Liên Xô và nay là Liên bang Nga) hiện vẫn và sẽ đóng vai trò quan trọng, luôn được đánh giá cao do đặc tính kỹ - chiến thuật khá tốt, vận hành bền bỉ hiệu quả. Bên cạnh đó, chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm sử dụng nên công tác đào tạo, huấn luyện và bảo dưỡng kỹ thuật sẽ thuận lợi hơn rất nhiều so với trang bị vũ khí ở các hệ khác.

Tuy nhiên, gần đây chúng ta đã chủ trương đa dạng hóa nguồn cung vũ khí để không lệ thuộc vào một quốc gia hoặc một khu vực nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Vũ khí Việt Nam tại Triển lãm Quốc phòng 2024: Hiện đại và mạnh mẽ - 12

Tổ hợp tên lửa phòng không Spyder (Ảnh: Mạnh Quân).

Quân đội Việt Nam đã mua sắm tiếp nhận một số sản phẩm có xuất xứ từ phương Tây. Có thể kể đến một loạt vũ khí mới gồm tên lửa phòng không Spyder, pháo phản lực EXTRA và ACCULAR của Israel, trực thăng Bell của Mỹ, trực thăng AW-189 do Ý chế tạo, máy bay vận tải C-295 và C-212, trực thăng Eurocopter của châu Âu.

Vũ khí Việt Nam tại Triển lãm Quốc phòng 2024: Hiện đại và mạnh mẽ - 13

Xe bệ phóng tên lửa phòng không Spyder-MR tầm trung (Ảnh: Mạnh Quân).

Spyder là hệ thống tên lửa phòng không cơ động, có khả năng phát hiện và tiêu diệt mục tiêu trên không như máy bay chiến đấu, trực thăng, tên lửa hành trình, thiết bị bay không người lái. Tổ hợp gồm 2 phiên bản tầm ngắn Spyder-SR và tầm trung Spyder-MR với tầm bắn tối đa lần lượt là 20km và 50km.

Vũ khí Việt Nam tại Triển lãm Quốc phòng 2024: Hiện đại và mạnh mẽ - 14

Xe bệ phóng tên lửa Spyder-SR tầm ngắn (Ảnh: Mạnh Quân).

Vũ khí Việt Nam tại Triển lãm Quốc phòng 2024: Hiện đại và mạnh mẽ - 15

Trực thăng AW-189 do Ý chế tạo (Ảnh: Mạnh Quân).