(Dân trí) - Sau 46 năm xảy ra cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, từ nơi chiến địa khốc liệt nhất, mỗi ngày hứng chịu hàng vạn quả đạn pháo, Vị Xuyên (Hà Giang) đang trở mình, thay da đổi thịt mỗi ngày.

Sau cuộc tấn công vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta (Lai Châu, Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh) vào rạng sáng 17/2/1979 thất bại, Trung Quốc vẫn duy trì 12 sư đoàn và hàng chục trung đoàn độc lập áp sát biên giới Việt Nam.
Đặc biệt, sau ngày 18/3/1979, mặt trận Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang (trước đây là tỉnh Hà Tuyên) nhanh chóng trở thành điểm nóng, không khi nào ngớt tiếng súng, đạn pháo, đạn cối từ phía địch bắn sang.
Từ tháng 4/1984 đến tháng 10/1989, địch mở nhiều cuộc tấn công lấn chiếm một phần đất ở khu vực biên giới huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Tuyên (nay là Hà Giang và Tuyên Quang).
Trong khoảng thời gian này, Vị Xuyên trở thành vùng chiến sự ác liệt nhất trong cuộc chiến chống xâm lấn biên giới. Có những ngày quân địch bắn từ 20.000 đến 30.000 quả đạn pháo vào Vị Xuyên.
Thương vong của ta trong cuộc chiến kéo dài 10 năm ở đây là rất lớn. Từ năm 1979 đến 1989 đã có hơn 4.000 bộ đội Việt Nam hy sinh, hàng nghìn người bị thương, nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt.

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, giữ từng tấc đất thiêng liêng. Những chiến công ấy đã ghi vào lịch sử của dân tộc.
46 năm sau cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc (17/2/1979-17/2/2025), chúng tôi có dịp đến thăm gia đình Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy (94 tuổi, nguyên Quyền Tư lệnh Quân khu 2, nguyên Tham mưu trưởng mặt trận Vị Xuyên, đang sinh sống tại quận Tây Hồ, Hà Nội).
Mặc dù ở cái tuổi "xưa nay hiếm" nhưng trong ông những ký ức sâu đậm về những trận đánh hào hùng, ác liệt tại Vị Xuyên vẫn còn nguyên vẹn.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy chậm rãi kể, năm 1985, khi đang giữ cương vị Phó tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô với quân hàm Đại tá, ông nhận lệnh tăng cường cho mặt trận Vị Xuyên, trực tiếp tham gia chỉ huy chiến đấu tại đây.
Theo Thiếu tướng Huy, trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, Hà Giang là địa bàn trọng điểm, bị địch phá hoại nhiều mặt so với toàn tuyến biên giới phía Bắc.
Đặc biệt từ năm 1984 đến năm 1989, chiến sự xảy ra ác liệt ở xã Thanh Thủy, Minh Tân, Thanh Đức,... thuộc huyện Vị Xuyên; xã Bạch Đích, Phú Lũng thuộc huyện Yên Minh.

Lý giải về việc địch chọn Vị Xuyên làm điểm tấn công dữ dội vào năm 1984, ông cho biết khu vực này là địa bàn hẻo lánh, xa Hà Nội hơn 300km; duy nhất chỉ có quốc lộ 2 chạy từ thị xã Hà Giang tới Hà Nội.
Bên cạnh đó, Vị Xuyên phần lớn là núi đá, cao từ biên giới và thấp dần vào nội địa Việt Nam. Địa hình phía địch là vùng cao nguyên rộng, thuận lợi cho việc triển khai đội hình lớn để tấn công Việt Nam.
Song địa hình phía Việt Nam rất khó cho việc triển khai đội hình lớn để phòng thủ và phản công; việc vận chuyển, chi viện từ phía sau lên mặt trận cũng rất khó khăn.
Mục đích của địch lúc đó là thu hút càng nhiều binh lực Việt Nam trên tuyến biên giới càng tốt để tác động tới công cuộc tái thiết kinh tế, làm cho chúng ta suy yếu.

Hà Giang (khi đó là Hà Tuyên) là tỉnh hẻo lánh ở biên giới phía Bắc của nước ta, chỉ với một đường độc đạo, ít giao lưu với quốc tế, địa hình hiểm trở nên tạo điều kiện thuận lợi để tấn công từ trên cao. Nếu chiếm thành công Hà Giang, quân địch có nhiều cơ hội để lấn sâu hơn vào nước ta.
Để bảo vệ Hà Giang, trong 5 năm (từ 1984 đến 1989), chúng ta đã lần lượt huy động tới hàng chục sư đoàn chủ lực, các trung đoàn bộ binh địa phương, đặc công; một số trung đoàn, lữ đoàn pháo binh, công binh, hóa học…
"Gần 10 năm ròng (1979-1989) chưa khi nào Vị Xuyên ngớt tiếng pháo, đạn từ bên kia biên giới rót sang. Từ một địa bàn được xác định là thứ yếu, Vị Xuyên nhanh chóng trở thành điểm nóng, một mặt trận trọng điểm vùng biên giới", Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy chia sẻ.

Ác liệt nhất, có đợt, chỉ trong 3 ngày, địch bắn hơn 100.000 quả đạn pháo vào khu vực Vị Xuyên về đến thị xã Hà Giang. Trong 5 năm, quân địch bắn vào mặt trận này hơn 1,8 triệu viên đại bác.
Sau khi kết thúc cuộc chiến này, chúng ta đo lại có ngọn núi bị đánh bạt đi hơn 3m. Ác liệt đến mức mà nhiều người gọi đó là "lò vôi thế kỷ".
"Có những ngày từ biên giới vào sâu trong đất liền nước ta chỉ khoảng 5km nhưng Trung Quốc bắn 3-5 vạn quả đạn pháo, ngang với hỏa lực mà Mỹ chi viện cho Ngụy đánh chiếm Quảng Trị.
Mặt trận Vị Xuyên chủ yếu là núi đá nên khi bị đạn pháo bắn trúng, đá vỡ ra trắng xóa hàng chục km nên nhiều anh em gọi là "lò vôi thế kỷ"", Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy lý giải.
Đến năm 1987, sau cuộc tấn công quy mô lớn kéo dài 3 ngày (5-7/1) bị thất bại, Trung Quốc giảm dần các cuộc tấn công lớn, chỉ còn tổ chức các trận tấn công nhỏ lẻ giữa các trận địa trực tiếp tiếp xúc với nhau; còn lại địch chủ yếu dùng pháo binh, súng cối bắn vào trận địa của ta để phá hoại trận địa và sát thương sinh lực ta.
Có thể nói đây là trận tấn công quy mô lớn cuối cùng của địch.
Năm 1988, địch không tổ chức đợt tấn công quy mô lớn nào vào các trận địa phòng ngự của ta, mà chủ yếu dùng pháo binh bắn phá các trận địa phòng ngự và sát thương sinh lực quân ta.

Năm 1989, địch ngừng bắn pháo vào mặt trận Vị Xuyên. Đến tháng 10 năm 1989 địch rút hết quân khỏi đất Việt Nam, kết thúc 5 năm lấn chiếm biên giới Vị Xuyên.

Mặc dù cuộc chiến đã lùi xa 46 năm, người còn, người mất nhưng trong thâm tâm Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy vẫn áy náy một điều ngay sau khi ngớt tiếng súng đã không thành lập đội quy tập hài cốt liệt sĩ.
"Sau khi thành lập Ban liên lạc cựu chiến binh toàn quốc mặt trận Vị Xuyên, đến năm 2018 chúng tôi mới thành lập được đội quy tập hài cốt liệt sĩ tại mặt trận này", Thiếu tướng Huy chia sẻ.

Song sau khi 2 nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1991, hàng hóa thông thương, cơ sở vật chất, hạ tầng được Đảng và Nhà nước quan tâm, đầu tư nên đời sống người dân đã thay đổi nhanh chóng.
"Hầu như năm nào tôi cũng có dịp lên thăm Hà Giang và thấy nơi đây thay da, đổi thịt từng ngày, đời sống người dân không ngừng phát triển.
Trước đây, các bản làng không có trường học nhưng nay đã khác, nơi nào cũng có trường nội trú đảm bảo việc học hành cho các học sinh", Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy nói.
Kể từ ngày kết thúc cuộc chiến tại mặt trận Vị Xuyên, đất nước ngày càng vươn mình mạnh mẽ trên trường quốc tế với những đổi thay.
Cho tới giờ, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy luôn mong muốn thế hệ đi sau tự hào về truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của dân tộc. Chúng ta gác lại quá khứ, hướng tới tương lai nhưng không quên quá khứ, không quên lịch sử.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng đánh giá, cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc là sự nghiệp hoàn toàn chính nghĩa của dân tộc Việt Nam để bảo vệ thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ đất nước.
"Chủ trương của Đảng, Nhà nước lúc đó làm sao để thiết lập được hòa bình ở vùng biên giới phía Bắc một cách bền vững, củng cố mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam - Trung Quốc tốt đẹp", ông Phúc nói.
Ông cho biết, năm 1989, cuộc chiến bảo vệ biên giới kết thúc, Việt Nam - Trung Quốc bắt đầu thời kỳ mới, mở ra mối quan hệ giữa 2 nước.
Đến năm 1990, 1991 liên tiếp có những cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo cao cấp Việt Nam và Trung Quốc. Năm 1991, hai nước bình thường hóa quan hệ.

Từ sau năm 1991 đến nay, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc phát triển tốt đẹp, hai bên xác định phát triển quan hệ theo phương châm "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần "Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".
Theo PGS.TS Phúc, mối quan hệ này được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế,... và được thể hiện qua các dấu mốc lịch sử.
Trong đó, năm 1999, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp ước biên giới trên đất liền. Ngày 27/12/2001, hai nước đã tiến hành cắm mốc quốc gia đầu tiên tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh, Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc).
Ngày 25/12/2000, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác Nghề cá. Đến năm 2008, hoàn thành việc cắm mốc biên giới trên bộ.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, đây là những bước tiến vô cùng quan trọng, thể hiện mối quan hệ ngày càng tốt đẹp giữa 2 nước. Nhờ đó, cũng thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Việt Nam - Trung Quốc. Từ năm 2004, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
"Việt Nam - Trung Quốc cùng có những nhận thức chung tốt đẹp, mối quan hệ hữu nghị giữa 2 nước ngày càng phát triển, vì lợi ích chung của cả 2 bên, nhân dân 2 nước và phù hợp với truyền thống hữu nghị, hợp tác, đoàn kết từ trước đến nay", ông Phúc nhấn mạnh.
Ông đánh giá, sau khi bình thường hóa quan hệ năm 1991, 6 tỉnh biên giới của Việt Nam với Trung Quốc đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là về kinh tế, thương mại.
Để có được điều này cũng một phần nhờ vào sự giao thương hàng hóa giữa 2 nước. Trong thời gian qua, Việt Nam - Trung Quốc cũng đã mở nhiều cửa khẩu lớn để thuận tiện cho việc thông thương hàng hóa.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhận định, trong tương lai, các tỉnh biên giới Việt Nam - Trung Quốc đều tăng cường hợp tác, hữu nghị để phát triển mạnh mẽ về kinh tế, thương mại và điều này có lợi cho nhân dân 2 nước.
"Đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta là hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Việt Nam sẵn sàng làm bạn, đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế với tinh thần hữu nghị, chân thành, cùng có lợi", ông Phúc khẳng định.

Vị Xuyên là huyện miền núi biên giới phía Bắc Việt Nam, nằm bao quanh thành phố Hà Giang, có quốc lộ 4C và quốc lộ 2 chạy qua. Vị Xuyên có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh Hà Giang, là vùng đất có truyền thống văn hóa lâu đời.
Trên địa bàn huyện có 19 dân tộc anh em sinh sống vốn có truyền thống đoàn kết, giàu lòng yêu nước, kiên cường dũng cảm trong đấu tranh, cần cù, thông minh trong lao động.
Địa hình huyện Vị Xuyên phần lớn là đồi núi thấp, sườn thoải xen kẽ những thung lũng tạo thành những cánh đồng rộng lớn cùng với hệ thống những sông suối, ao hồ, độ cao trung bình 300-400m so với mặt nước biển.
Vị Xuyên có đường biên giới dài hơn 31km tiếp giáp với Trung Quốc nên công tác bảo vệ an ninh biên giới ổn định luôn được quan tâm. Huyện luôn duy trì mối quan hệ hợp tác thường xuyên, hữu nghị với huyện Malypho (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) về các mặt như trao đổi, hợp tác trong phòng, chống tội phạm, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.
Theo Cục Thống kê tỉnh Hà Giang, tốc độ tăng trưởng (GRDP) năm 2024 của tỉnh Hà Giang ước đạt 6,05%, cao hơn mức tăng 2,85% năm 2023. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,91%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 6,71%; khu vực dịch vụ tăng 7,30%.
Tổng sản phẩm (GRDP) theo giá hiện hành năm 2024 ước đạt 35.822 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 39,3 triệu đồng/người/năm, tăng 3,7 triệu đồng so với năm 2023 (năm 2023 đạt 35,6 triệu đồng/người/năm).