Toàn cảnh cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ sắp thông xe
(Dân trí) - Dự án dài 40,2km sẽ thông xe vào ngày 24/12 tới, đánh dấu lần đầu tiên có đường cao tốc nối từ Hà Nội đến Tuyên Quang.
Sau gần 3 năm thi công, dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đang trong giai đoạn hoàn thiện để khánh thành vào ngày 24/12 tới.
Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ dài 40,2km (11,63km đi qua Tuyên Quang và 28,57km đi qua Phú Thọ). Điểm đầu của dự án tại TP Tuyên Quang và điểm cuối kết nối với nút giao IC9 của cao tốc Nội Bài - Lào Cai (thuộc tỉnh Phú Thọ).
Theo quy hoạch, dự án là mắt xích quan trọng của trục cao tốc từ Hà Nội qua Tuyên Quang và đến tỉnh biên giới Hà Giang.
Dự án được thiết kế 4 làn xe, tốc độ 80 km/h. Tổng mức đầu tư 3.753 tỷ đồng. Công trình khởi công năm 2021, do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Tuyên Quang làm chủ đầu tư.
Cầu Đoan Hùng dài 516m bắc qua sông Chảy là cây cầu vượt sông duy nhất trên tuyến cao tốc.
Trên tuyến cũng có 44 hầm chui dân sinh và các nút giao với quốc lộ 2D, quốc lộ 70, tỉnh lộ 314B, quốc lộ 2 và tỉnh lộ 315.
Sau gần 3 năm thi công, dự án đang bước vào giai đoạn nước rút. Các nhà thầu huy động số lượng lớn máy móc tới công trường để thảm những mét bê tông nhựa cuối cùng.
Công nhân đang hoàn thiện hộ lan, rãnh thoát nước, sơn vạch kẻ đường và hệ thống biển báo giao thông.
Một nhóm công nhân đang tranh thủ ăn trưa trên công trường. Họ được nghỉ ngơi khoảng một giờ, sau đó tiếp tục làm việc đến tối muộn.
Trong bối cảnh đa số dự án cao tốc được giao cho các PMU của Bộ GTVT quản lý, dự án Tuyên Quang - Phú Thọ nhận được sự chú ý khi được giao về cấp tỉnh. "Thành bại" của dự án cũng sẽ cho thấy hệ quả khi phân cấp cho địa phương thực hiện dự án giao thông trọng điểm.
Trong khi nhà thầu gấp rút hoàn thiện dự án, các đơn vị thẩm định, nghiệm thu chất lượng công trình cũng đã có mặt tại công trường. Trong ảnh là đơn vị chuyên môn của Đại học GTVT đang khoan lấy mẫu bê tông nhựa trên mặt đường để kiểm tra chất lượng.
Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đi qua những vùng đồi núi thưa thớt dân cư, giúp giảm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng nhưng lại đòi hỏi công sức xẻ núi, băng rừng. Có những quả đồi được đào sâu xuống 30m để bằng với cốt đường.