Sẽ có cơ chế đặc biệt về nhập tịch, sở hữu nhà đất cho chuyên gia công nghệ
(Dân trí) - Chính phủ định hướng ban hành cơ chế đặc biệt về nhập tịch, sở hữu nhà, đất, cấp visa, giấy phép lao động, thu nhập... nhằm thu hút, giữ chân các chuyên gia khoa học công nghệ.
Điều này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi báo cáo những nội dung chủ yếu của Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, cũng như kế hoạch hành động của Chính phủ nhằm thực hiện Nghị quyết này, tại Hội nghị toàn quốc sáng 13/1.
Động lực giúp Việt Nam bắt kịp, tiến cùng các nước phát triển
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là văn kiện có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của đất nước trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
"Nghị quyết số 57 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là kim chỉ nam cho sự phát triển trong kỷ nguyên mới phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng và là lời hiệu triệu mạnh mẽ đưa Việt Nam thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, có năng lực cạnh tranh toàn cầu", Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo người đứng đầu Chính phủ, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đóng vai trò then chốt, là động lực mạnh mẽ để Việt Nam phát triển tăng tốc, bứt phá, bền vững.
Động lực này sẽ giúp Việt Nam bắt kịp, tiến cùng các nước phát triển, tránh nguy cơ tụt hậu kinh tế, từng bước vượt lên, sánh vai cùng các cường quốc về công nghệ. Đây cũng là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
Theo Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới năm 2024, từ năm 1990 đến nay, chỉ có 34 nền kinh tế đã thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình để trở thành quốc gia có mức thu nhập cao, còn 108 quốc gia chưa vượt qua. Việt Nam hiện có GDP bình quân đầu người năm 2024 là 4.700 USD và nếu tăng trưởng trung bình 7%/năm thì đến năm 2040, Việt Nam mới gia nhập được nước có thu nhập cao (khoảng 13.800 USD/người).
"Khát vọng về một Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, hiện đại, sớm gia nhập nhóm nước phát triển có thu nhập cao đã và đang cháy bỏng hơn bao giờ hết", nhấn mạnh điều này, Thủ tướng cho rằng để hiện thực hóa khát vọng ấy, không có con đường nào khác ngoài việc dồn toàn lực cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Theo ông, đây không chỉ là xu thế tất yếu của thời đại mà còn là con đường duy nhất để bứt phá, vượt qua khó khăn, thách thức, nắm bắt thời cơ, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, vững mạnh, xã hội văn minh, hiện đại, đưa đất nước sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới.
Xóa bỏ rào cản đang cản trở sự phát triển
Đề cập đến nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong chương trình hành động của Chính phủ, Thủ tướng cho biết Chính phủ đề ra 41 nhóm chỉ tiêu và 7 nhóm nhiệm vụ với 140 nhiệm vụ cụ thể.
Trước hết, Thủ tướng quán triệt cần nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Chính phủ cũng yêu cầu khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Nhắc lại quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng nhấn mạnh thể chế phải bảo đảm thông thoáng, kiến tạo phát triển với tư duy đổi mới "vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển, tạo không gian phát triển mới", tạo khung khổ pháp lý để huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.
Cùng với việc xây dựng cơ chế thử nghiệm, đặc thù trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để trình Quốc hội thông qua, Chính phủ cho rằng cần cơ chế đặc thù về đầu tư, đầu tư công, mua sắm công cho sản phẩm, dịch vụ số theo trình tự thủ tục rút gọn; có cơ chế thí điểm thử nghiệm công nghệ mới có sự giám sát của Nhà nước (sandbox).
Đặc biệt, Chính phủ định hướng ban hành quy định Quỹ đầu tư mạo hiểm và các cơ chế hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo để tạo động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Thủ tướng nhấn mạnh đây là bước đi chiến lược để xây dựng năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ.
Ông cho biết thời gian qua, việc thu hút đầu tư mạo hiểm còn chưa tương xứng với tiềm năng, trong giai đoạn 2021-2024 mới thu hút được 2,5 tỷ USD nên cần phải thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian tới.
Chìa khóa vạn năng mở ra cánh cửa thành công
Một nhóm nhiệm vụ khác được Thủ tướng đề cập là tăng cường đầu tư hạ tầng cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển của các lĩnh vực này.
"Cùng với việc tăng cường đầu tư hạ tầng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, phát triển và trọng dụng nhân lực chất lượng cao chính là yếu tố then chốt, là chìa khóa vạn năng mở ra cánh cửa thành công", Thủ tướng nhấn mạnh.
Mục tiêu được ông nhắc đến là xây dựng một đội ngũ nhân lực hùng hậu, vừa đủ về số lượng, vừa đạt chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của kỷ nguyên số.
Để đạt mục tiêu này, một trong những giải pháp được Chính phủ đưa ra là có chính sách thu hút nhà khoa học và chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài về làm việc tại Việt Nam.
Chính phủ định hướng xây dựng, ban hành cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch, sở hữu nhà, đất, cấp visa, giấy phép lao động, thu nhập... nhằm thu hút, trọng dụng, giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia, các "tổng công trình sư" trong và ngoài nước có khả năng tổ chức, điều hành, chỉ huy, triển khai các chương trình, dự án, nhiệm vụ trọng điểm quốc gia.
Ngoài ra, theo Thủ tướng, Chính phủ đề ra kế hoạch đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước.
Chính phủ cũng thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Nhấn mạnh nhiệm vụ tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, Thủ tướng cho rằng việc hợp tác sẽ giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới, nhanh chóng nắm bắt và ứng dụng những tiến bộ công nghệ tiên tiến.
Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng các chiến lược họp tác quốc tế toàn diện, nâng cao vị thế của Việt Nam trong các tổ chức và diễn đàn quốc tế, theo lời Thủ tướng.
Để Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đi vào thực tiễn, phát huy hiệu quả, Thủ tướng đề nghị các cấp ngành, địa phương "tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào ra việc đấy, làm việc nào dứt việc đó", tinh thần "5 rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả".