Phụ nữ Mông ổn định kinh tế, đưa sản phẩm dệt lanh Lùng Tám ra thế giới
(Dân trí) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Hợp tác xã dệt lanh Lùng Tám (Hà Giang) đã mang lại công việc ổn định cho 130 xã viên là phụ nữ dân tộc Mông.
Hợp tác xã dệt lanh Lùng Tám cách trung tâm thành phố Hà Giang khoảng 50km, ra đời từ năm 2001. Xã Lùng Tám nằm dưới chân những dãy núi, bên dòng sông Miện (xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, Hà Giang).
Nơi đây, người Mông vẫn giữ gìn, phát triển nghề dệt vải lanh truyền thống với nguyên liệu tự nhiên và quy trình thủ công.
Hợp tác xã là nơi bảo tồn nét văn hóa độc đáo của người Mông, còn giúp cải thiện thu nhập cho người dân bản địa và trở thành địa điểm yêu thích của du khách nước ngoài khi đến Hà Giang.
Đến không gian này, du khách được chiêm ngưỡng các sản phẩm dệt lanh thủ công do những người phụ nữ Mông tạo ra như: Áo, váy, khăn trải bàn, túi xách, ví,... Vải lanh bền, hút ẩm tốt, khi mặc cho cảm giác thoáng mát.
Vải lanh đóng vai trò quan trọng trong văn hóa và tâm linh của người Mông. Phụ nữ biết dệt vải xem như một tiêu chí đánh giá tài năng, sự khéo léo, chăm chỉ. Khi về nhà chồng, người con gái phải mặc trang phục vải lanh để được tổ tiên nhà chồng phù hộ.
Bà Vàng Thị Mai - Chủ tịch Hợp tác xã dệt lanh Lùng Tám - cho biết: "Hợp tác xã hiện có hơn 130 thành viên và 9 nhóm làm việc tại các địa điểm trong xã. Mỗi ngày, chúng tôi đón hàng trăm lượt khách tham quan, họ rất ấn tượng với những sản phẩm làm từ lanh và quy trình công phu để tạo ra tấm vải đẹp mắt".
"Việc se sợi được làm mọi lúc mọi nơi trong thời gian nhàn rỗi nên phụ nữ người Mông luôn mang theo sợi lanh bên mình", bà Mai nói thêm.
Năm 2017, Bà Vàng Thị Mai vinh dự được tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn vào danh sách 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam bởi những cống hiến của bà đối với người phụ nữ vùng cao.
Mỗi khi có khách du lịch ghé thăm HTX, bà Mai lại mang cuốn tạp chí ra giới thiệu một cách đầy tự hào.
Nguyên liệu chính để làm vải lanh là cây lanh. Quy trình dệt vải lanh thủ công trải qua 41 bước, bao gồm: Gieo hạt, thu hoạch cây lanh, bóc tách sợi, se lanh, nối sợi, quay guồng, dệt vải, giặt, phơi... đòi hỏi thời gian, nhiều công sức.
Toàn bộ sản phẩm lanh đều được nhuộm bằng màu tự nhiên, màu xanh từ lá cây chàm, màu cam của cây thuốc sốt nóng, màu nâu của cây lông gà... giúp vải bền màu theo thời gian.
Sợi lanh phải được bóc tách đều nhau ngay từ những bước đầu thì tấm vải dệt ra bền và đẹp. Sau đó được giã cho mềm, rồi nối lại với nhau để có sợi dài. Để se sợi chắc hơn, người Mông dùng dụng cụ phối hợp nhịp chân và tay, cùng lúc se được 4 luồng sợi lanh riêng biệt.
Sợi được đưa vào một khung quay rồi tháo ra, cuộn thành từng bó rồi mang đi luộc với tro bếp, ngâm và giặt. Quy trình lặp lại 3 lần đến khi nào sợi lanh trắng mới mang đi phơi khô rồi cho vào khung để dệt.
Vải lanh được dệt thủ công bằng khung cửi. Công đoạn được những xã viên có kinh nghiệm lâu năm đảm nhận để có được thành phẩm trơn tru, không thừa chỉ...
Chị Sùng Thị Dua (36 tuổi, xã viên) làm việc tại hợp tác xã gần 18 năm, thu nhập của chị khoảng hơn 4 triệu đồng một tháng, có những tháng cao điểm lên tới hơn 7 triệu đồng. Hiện tại, nguồn thu nhập chính của chị từ công việc dệt lanh, ngoài ra gia đình chị Dua vẫn làm những công việc sản xuất nông sản.
Vải dệt xong, đặt giữa một phiến đá và một trụ gỗ. Xã viên đứng lên trên phiến đá lăn qua lăn lại cho đến khi toàn bộ bề mặt vải được cán phẳng, mềm và mịn mới mang đi ngâm với tro bếp củi một tuần cho trắng rồi phơi khô.
Nghệ nhân Sủng Thị Cỏ dùng sáp ong đun nóng vẽ những họa tiết, hoa văn đặc trưng lên vải lanh. Bà Cỏ vẽ sáp ong từ năm 13 tuổi, là một trong những xã viên có thâm niên và tay nghề cao của HTX Lùng Tám.
Đoàn du khách nước ngoài quan sát, ghi hình lại từng bước trong quy trình dệt vải tại Lùng Tám, đồng thời trực tiếp trải nghiệm quy trình sản thủ công.
Bà Fabienne (64 tuổi, du khách đến từ Bỉ) chia sẻ: "Quy trình dệt vải tại đây gồm rất nhiều bước phức tạp và hoàn toàn được làm bằng tay, mang nét văn hóa đặc trưng mà tôi chưa từng thấy. Tôi rất ngưỡng mộ phụ nữ nơi đây, họ đã tạo ra những sản phẩm thủ công rất đẹp".
Tại hợp tác xã, bà Vàng Thị Mai tạo điều kiện cho nhiều em nhỏ trong xã được tiếp xúc và học về dệt lanh. Các em nhỏ sẽ bắt đầu với công việc thêu họa tiết hoa tam giác mạch.