Chợ phiên Mèo Vạc: Độc lạ cảnh phụ nữ buộc dây dắt lợn, chó xuống chợ bán
(Dân trí) - Chợ phiên Mèo Vạc là một trong những phiên chợ lớn nhất và mang đậm nét văn hóa của vùng cao nguyên đá Đồng Văn mỗi dịp chủ nhật hàng tuần.
Ngày chủ nhật hằng tuần, chợ phiên Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) được tổ chức tại trung tâm huyện, diễn ra từ 4-5h đến 15-16h.
Chợ phiên Mèo Vạc không chỉ là nơi người dân đến mua, bán các sản vật, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống hằng ngày, đồng thời cũng là dịp để đồng bào các dân tộc Mông, Giáy, Dao, Lô Lô… gặp gỡ, giao lưu, thưởng thức những món ăn truyền thống.
Đây cũng là phiên chợ có quy mô lớn nhất trong hệ thống các phiên chợ vùng cao ở Hà Giang với đủ loại vật dụng trong gia đình đến những hàng hóa nông sản.
Khu ẩm thực luôn đông đúc người dân tới thưởng thức, không chỉ hấp dẫn về hình thức mà còn bởi hương vị thơm ngon.
Nhiều món ăn hấp dẫn ở chợ phiên Hà Giang như bánh cuốn, phở, bánh tam giác mạch, cháo ấu tẩu, thắng cố...
Món xôi ngũ sắc của dân tộc Tày được người phụ nữ gánh đi bán quanh chợ.
Đa dạng chủng loại các sản phẩm điện thoại di động, giá dao động chỉ vài trăm nghìn đồng tới vài triệu đồng được bày bán trong chợ.
Tại đây luôn đông đúc, tấp nập cảnh mua bán của đồng bào các dân tộc đến từ nhiều xã trong và ngoài huyện. Các chị em ướm thử tấm áo mới và ngắm mình ngay trong điện thoại smartphone.
Điểm khác biệt giữa chợ phiên Mèo Vạc và những khu chợ khác là lợn, dê, chó, gà... đem bán sẽ không bị bỏ vào rọ mà được buộc dây dắt đi.
Khi được giá, người mua trả tiền và nhận dây buộc lợn con hoặc chó con dắt đi.
Hàng trăm con bò được cánh đàn ông đưa đến khu chợ, chờ thương lái đến xem và chọn mua.
Một góc nhỏ trong chợ, nhiều phụ nữ vùng cao tập trung với gùi lớn đựng can rượu ngô do chính tay họ nấu. Khách đi chợ sẽ được nhấm nháp, uống thử một vài ngụm nhỏ trước khi quyết định mua.
Ngược lại, cánh đàn ông lại tìm các quán hàng quanh chợ để ngồi trò chuyện, uống rượu suông cùng nhau.
Một phụ nữ gùi chiếc thùng nhựa lớn mới mua được để về chứa nước sạch trong nhà.
Người dân buôn bán nơi đây không nói thách giá, cũng không ép mua, hàng hóa bán không hết, họ sẽ mang về và đợi đến phiên chợ sau.