Phòng khám đặc biệt của bà giáo 88 tuổi điều trị miễn phí cho chó mèo
(Dân trí) - Phòng khám miễn phí của PGS.TS Phạm Xuân Vân được tạo ra không chỉ để điều trị cho chó, mèo gặp vấn đề chức năng vận động mà còn là nơi tiếp lửa đam mê cho nhiều thế hệ sinh viên ngành Thú y.
Dù đã bước sang tuổi 88 nhưng với tình yêu công việc và mong muốn nghề châm cứu không bị mai một, PGS.TS Phạm Xuân Vân đã tạo nên phòng châm cứu miễn phí dành cho thú cưng bị mất chức năng vận động tại Hà Nội.
Phòng khám châm cứu của bà giáo Phạm Xuân Vân không chỉ là nơi giúp những chú chó, mèo bị thương tật có mái nhà để điều trị mà đây là còn là nơi tiếp lửa đam mê cho nhiều thế hệ sinh viên khoa Thú y của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
7h30 sáng mỗi ngày, nhiều sinh viên khoa Thú y của Học viện Nông nghiệp Việt Nam có mặt tại phòng châm cứu Thú y nằm trên phố Ngô Xuân Quảng (huyện Gia Lâm) với nhiệm vụ chăm sóc, hỗ trợ các bài tập cho thú cưng bị mất chức năng vận động, và đặc biệt được học châm cứu thực tế dưới sự chỉ dạy của bà giáo Phạm Xuân Vân.
Theo lời bà Vân chia sẻ, trước kia và đã bảo vệ thành công luận văn Tiến sĩ về châm cứu và muốn áp dụng châm cứu để phát triển ngành Thú y ở Việt Nam. Bà Vân cũng từng là giảng viên khoa Thú y của trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Sau khi nghỉ hưu bà vẫn tiếp tục lên lớp dạy về châm cứu nhưng hướng tới các loài động vật chó, mèo.
Dù đối tượng châm cứu là chó, mèo, ít nhận được sự quan tâm nhưng bà giáo Vân vẫn tiếp tục giảng dạy về châm cứu cho các thế hệ sinh viên với hi vọng môn châm cứu không bị mai một.
Các bạn sinh viên có cơ hội được học trên tiêu bản thực tế là những chú chó, mèo gặp vấn đề về chức năng vận động. Đây là một trong lý do để nhiều sinh viên có mặt tại lớp học bà giáo Vân vì những trải nghiệm quý giá ít nơi có được.
Do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp nên thời gian hiện tại phòng khám Thú y của bà Vân tạm thời ưu tiên những sinh viên đang làm đề tài tốt nghiệp, giúp sinh viên nâng cao trình độ. Được biết, đa phần những sinh viên đã từng thực tập tại đây trước kia đều đạt kết quả khá, giỏi.
Theo bà Vân, cái khó trong việc điều trị chó, mèo là việc dành tình cảm trong quá trình chăm sóc. Các bạn sinh viên cần làm quen, vỗ về tạo thói quen để động vật điều trị đảm bảo việc ăn uống, như vậy chủ của thú cưng sẽ không cảm thấy sốt ruột.
Chỉ một sơ sẩy nhỏ cũng dẫn tới việc bị thương trong quá trình tiếp cận và điều trị thú cưng khi mới chuyển tới phòng khám.
Để đạt hiệu quả trong quá trình điều trị thì chó, mèo gặp vấn đề về chức năng vận động thì việc thường xuyên xoa bóp là điều rất cần thiết.
Duy trì việc vuốt ve, vỗ về, tạo tình cảm giữa người chăm sóc với động vật cũng là việc làm tạo nên sự hiệu quả trong quá trình điều trị.
Bin, chú chó được chủ đem tới phòng khám gần 2 tháng trước trong tình trạng chân sau bị liệt, không nhấc nổi mông để di chuyển, cho tới nay đã có thể tung tăng chạy trên sân cùng xe lăn hỗ trợ.
Tương tự là trường hợp của Kid, khi mới chuyển tới phòng khám thậm chí phải lết thân mình trên đất, sau một tuần điều trị dù chưa thể đi nhưng giờ đã có thể tự đứng dậy.
Phòng khám châm cứu cũng tiếp nhận các trường hợp thú cưng bị bỏ rơi do bệnh tật, rất nhiều trường hợp đã có thể di chuyển một cách linh hoạt sau thời gian điều trị châm cứu.
Khẩu phần ăn đặc biệt trong quá trình điều trị của thú cưng theo bà giáo Vân chia sẻ là còn ăn ngon hơn mình với lườn gà, pate, thịt băm... được chia lịch ăn khoa học.
Bí quyết để việc châm cứu chó, mèo gặp vấn đề về vận động được phục hồi một cách nhanh chóng là tìm ra các huyệt phù hợp từ sách vở áp dụng vào quá trình điều trị, qua đó có những phương pháp thay đổi dựa trên tình hình thực tế gặp phải.
Sau gần 10 năm hoạt động, phòng châm cứu của bà giáo Phạm Xuân Vân đã nhận được sự tin tưởng vì đây không chỉ là phòng khám hiệu quả cho hàng nghìn thú cưng, đặc biệt miễn phí và còn là nơi giúp nhiều thế hệ sinh viên có cơ hội được học những điều quý giá từ những trải nghiệm thực tế.