DNews

Ô nhiễm rác ở miền Tây: Dân chặn xe, treo băng rôn, than trời vì "núi rác"

Bảo Kỳ Hải Long Huy Hậu

(Dân trí) - Hàng trăm nghìn tấn rác chất cao hơn núi, chưa có biện pháp xử lý triệt để, đã và đang trở thành những điểm gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân Đồng bằng sông Cửu Long.

Ô nhiễm rác ở miền Tây: Dân chặn xe, treo băng rôn, than trời vì "núi rác"

Sang năm 2021, ông Năm Bụng (69 tuổi, ngụ xã Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) đành bấm bụng phá vuông cá đầu nguồn kênh. Sáng sáng, ông vẫn giữ thói quen đứng trên bờ, nhìn xuống mặt nước phẳng lặng không còn bóng cá đớp khí. 

Chiếc vuông rộng hơn một công đất ấy (hơn 1.000m2) từng là vốn khởi nghiệp giúp ông đeo đuổi nghề ươm cá bột. Thế nhưng, sau 30 năm, nó đành kết thúc!

Ông nói mọi chuyện bắt đầu hơn 20 năm trước, khoảng đất sau lưng nhà ông Năm Bụng được tỉnh Vĩnh Long quy hoạch, xây dựng thành bãi tập kết, xử lý rác thải. Độ tháng 6, trời như đổ nước. Vài tiếng sau mặt đường đã lênh láng, mưa ào ào chảy xuống kênh, ra ruộng, sông và vào những vuông cá. 

Trong thứ nước mưa ấy, ông Năm Bụng chứng kiến có cả mớ chất lỏng đỏ au, nồng nặc mùi. Hôm sau thì đàn cá bột đã nổi trắng xóa.

"Ban đầu tui bấm bụng thả thêm, mà lỡ bơm nước sông dính bẩn, cá lại chết, tiếp tục làm chỉ có lỗ. Tiếc lắm chứ! Vuông cá mỗi tháng thu hoạch hơn chục triệu, giờ không thể sử dụng…" , ông Năm Bụng kể rồi chỉ tay về hướng mặt nước phủ rêu xanh - nơi giờ đây ông chỉ dám giữ vài con trê, rô phi, những giống cá mà ông bảo "có thể tồn tại được".

Ô nhiễm rác ở miền Tây: Dân chặn xe, treo băng rôn, than trời vì núi rác - 1

Ông Năm Bụng chỉ tay về hướng dòng nước bẩn gây ảnh hưởng trực tiếp tới các vuông cá của gia đình (Ảnh: Hải Long).

Khi dòng phù sa hóa đen

Cá trong vuông chết không phải là trường hợp riêng lẻ ở hộ ông Năm Bụng. Từ nhiều năm nay, khi bãi rác xã Hòa Phú (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) lâm cảnh quá tải, người dân gần nơi đây thường xuyên rơi vào tình cảnh tương tự. 

Ông Lê Văn Liêm (Chủ tịch UBND xã Hòa Phú) và ông Nguyễn Khắc Yên Đan (Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật Công ty Cổ phần Công trình Công cộng Vĩnh Long) nhận định với phóng viên Dân trí, bãi rác tại xã Hòa Phú đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, kinh tế của các hộ dân trồng lúa, nuôi thủy sản.

Thực chất viễn cảnh này đã được ông Năm Bụng đoán định từ lúc phong phanh tin Vĩnh Long lựa chọn địa điểm trong xã là bãi tập kết rác thải. Thuở ấy, mỗi ngày ông đều thấy hàng chục chuyến xe tải rẽ vào con đường nhựa, mùi hôi ám lên mái nhà, quần áo, cây trồng, đất đai và cả nguồn nước.

"Khách quen chứ lạ là hổng dám ghé nhà. Năm 2017, đám cưới con gái, tôi sợ ruồi nên đành nhờ chính quyền xịt thuốc khử khuẩn, đặt miếng dán khắp ngõ ngách…" - một cư dân sống gần bãi rác nhớ về quá khứ.

Ô nhiễm rác ở miền Tây: Dân chặn xe, treo băng rôn, than trời vì núi rác - 2

Khung cảnh bãi rác ở xã Hòa Phú rộng 19ha. Dù nơi đây đã quá tải nhưng mỗi ngày vẫn tiếp nhận 350 tấn từ các huyện tại Vĩnh Long chuyển về.

"Vuông nhà mình đang nằm thấp hơn bãi rác, đương nhiên chịu cảnh rỉ nước bẩn. Bản thân lỡ chân rửa trúng còn ngứa không chịu nổi"  - anh Phan Văn Nhí (39 tuổi, ngụ xã Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) chỉ vào vuông cá, nói.

Bao thế hệ nhà Nhí đều hành nghề đào ao thả cá. Mọi chuyện vẫn bình yên cho đến năm nhà máy Phương Thảo ngừng hoạt động. Toàn bộ rác thải tồn đọng, chất cao đến tận nóc tôn bỗng chốc trở thành hiểm họa đe dọa các hộ nuôi cá dưới bao đê như Nhí.

Tháng 8, mưa lớn cuốn nước, rác ra khỏi nhà máy, chảy qua triền đê rồi đổ dồn vào vuông cá. Ban đầu, Nhí đợi mùa khô sẽ tiếp tục thả cá. Thế nhưng, tháng 4 vừa rắc vài cơn mưa, con cá đặc sản chưa kịp thu hoạch đã chịu cảnh mất trắng.

Ô nhiễm rác ở miền Tây: Dân chặn xe, treo băng rôn, than trời vì núi rác - 3

Anh Phan Văn Nhí dẫn phóng viên đến vuông cá bị ảnh hưởng nhiều năm do nằm gần nhà máy xử lý rác (Ảnh: Hải Long).

Ô nhiễm rác ở miền Tây: Dân chặn xe, treo băng rôn, than trời vì núi rác - 4
Ô nhiễm rác ở miền Tây: Dân chặn xe, treo băng rôn, than trời vì núi rác - 5

Cùng buổi chiều tháng 6, tại huyện Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu), anh Phạm Văn Khải (49 tuổi) đang chuẩn bị cho một cuộc đi săn.

Vợ chồng Khải sở hữu 20 công ruộng (20.000m2) chạy dọc ấp Xẻo Lá. Trước thời điểm bãi rác của tỉnh hoạt động, cây lúa nhà anh uống nước sông Mekong, ăn phù sa Mekong hạt nào hạt nấy chắc mẩn. Vậy mà, khi rác chất cao hơn cột điện, dòng nước mà Khải ví "đen quánh như mật" bắt đầu gây ảnh hưởng, khiến lúa lép hạt. 

Và điều quan trọng hơn, gia đình anh luôn đối mặt với nạn "chuột tặc". "Chuột chạy như gà, như vịt nhốt chuồng, ruộng mép bãi rác, nó cắn trải dài cũng hết 3 công đất" - anh Khải ngán ngẩm.

Từ dạo ấy, vợ chồng anh Khải thêm cái nghề săn chuột. 19h, anh đi dọc bờ ruộng để đặt bẫy, cắm mồi. Cả đêm, vợ chồng thay phiên nhau gỡ chuột. Thương lái đến tận nhà mua lại 20 đến 30kg với giá 50.000 đồng/kg khi trời vừa tờ mờ sáng.

Ô nhiễm rác ở miền Tây: Dân chặn xe, treo băng rôn, than trời vì núi rác - 6

Anh Phạm Văn Khải chia sẻ nạn chuột cắn phá ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng lúa mỗi năm của gia đình (Ảnh: Hải Long).

"Bãi rác như bể nước trên không, ô nhiễm mùi hôi hàng ngày"

Đầu năm 2023, chính quyền tỉnh Vĩnh Long đã ban bố tình trạng khẩn cấp đối với bãi rác xã Hòa Phú.

Theo đó, bãi rác có diện tích 19ha, sức chứa 74.000 tấn. Thế nhưng, hiện nay, nó đã vượt 3 lần công suất và mỗi ngày vẫn tiếp nhận thêm 350 tấn rác trong tình trạng xử lý "thủ công" bằng chôn lấp, phun thuốc, xịt khử mùi.

"Rò rỉ và sạt lở nhiều hơn, bãi rác như bể nước trên không, ô nhiễm mùi hôi hằng ngày, xung quanh là đê bao, bên trong là nước và rác thì rất là nguy hiểm. 25 năm nay chúng ta xử lý bãi rác Hòa Phú theo hình thức tình thế chứ nói về giải pháp căn cơ, khoa học thì chưa áp dụng" - ông Lê Minh Thiện (đại biểu HĐND huyện Long Hồ) từng lên tiếng.

Không chỉ riêng tỉnh Vĩnh Long, Sở Tài Nguyên và Môi trường Cần Thơ vừa qua cũng cho biết, tổng lượng rác thải đã đạt 700 tấn/ngày. Con số này đã vượt khả năng xử lý của thành phố.

Năm 2020, rác thải bắt đầu trở thành vấn đề nhức nhối trong các cuộc họp của tỉnh Bạc Liêu và Trà Vinh. Bãi Vĩnh Hồ (Bạc Liêu) và Sâm Bua (Trà Vinh) dù không còn sức chứa, vẫn phải tiếp nhận hàng trăm tấn rác thải từ các huyện đổ về.

Ô nhiễm rác ở miền Tây: Dân chặn xe, treo băng rôn, than trời vì núi rác - 7

Khung cảnh tại bãi rác Sâm Pua (tỉnh Trà Vinh) đã trở nên quá tải trong thời gian dài (Ảnh: Hải Long).

Theo nghiên cứu của Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) trên báo điện tử Tài nguyên & Môi trường, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt toàn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đang đạt 14.000 tấn/ngày (tương đương 5 triệu tấn/năm). Con số này được dự báo sẽ chạm mức 7 triệu tấn vào năm 2030, với khoảng 300.000 tấn chất thải nguy hại không được xử lý triệt để.

Không chỉ trong đất liền, rác cũng tiến ra các địa phương ven biển, đe dọa đến các địa điểm, đảo du lịch. Trong đó, hơn 10 năm qua, núi rác tại ấp Xóm Rẫy (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) vẫn lộ thiên trên biển. Thậm chí, xung quanh hàng chục nghìn tấn rác bao gồm chai nhựa, nylon vương vãi khắp mặt nước, ảnh hưởng tới sự phát triển du lịch và các hộ nuôi trồng thủy sản.

Ô nhiễm rác ở miền Tây: Dân chặn xe, treo băng rôn, than trời vì núi rác - 8
Ô nhiễm rác ở miền Tây: Dân chặn xe, treo băng rôn, than trời vì núi rác - 9

Tại Phú Quốc - "đảo ngọc" du lịch của Việt Nam, cũng ghi nhận tình trạng rác chất cao. Tháng 12/2022, nhà máy xử lý rác thải Bãi Bổn tạm ngưng chạy thử nghiệm vì không đạt yêu cầu, Phú Quốc ngay lập tức "khủng hoảng" rác. Bãi rác tạm Đồng Cây Sao sau thời gian ngắn đã bốc mùi, sinh ruồi muỗi trên một vùng rộng lớn.

Hiện tại, Phú Quốc đang tiếp nhận 180 tấn chất thải rắn sinh hoạt và 17.500m3 nước thải mỗi ngày. Con số này dự báo sẽ tăng 400-650 tấn/ngày vào năm 2025. Và nếu không xử lý kịp thời, rác sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, kinh tế và xã hội cho toàn bộ "đảo ngọc".

Ô nhiễm rác ở miền Tây: Dân chặn xe, treo băng rôn, than trời vì núi rác - 10

Bãi rác lộ thiên, quá tải, gây ô nhiễm môi trường tại Phú Quốc (Ảnh: Huỳnh Hải).

"Ăn cơm ruồi, uống nước cà phê và ngửi mùi thối rác"

Suốt một tuần khảo sát ở nhiều tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long, có thể thấy các bãi tập kết lớn ở nhiều địa phương gần như quá tải, chưa đảm bảo công nghệ xử lý hoàn chỉnh, khiến nước thải có thể rỉ, bốc mùi hôi thối. Thậm chí, các hộ gia đình sống cách khu vực xử lý rác cả km vẫn ám mùi nồng nặc.

"Cây lúa thì đền cây lúa, con cá thì đền con cá, còn lá phổi của chúng tôi thì như thế nào?" - ông Nguyễn Văn Lợi (76 tuổi, ngụ xã Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) hỏi. Buổi chiều khi chúng tôi ghé nhà, ông chủ nhà máy cung cấp nước tại xã cố giữ chân đến 16h để mọi người có thể tự cảm nhận không khí ám ảnh người dân suốt 20 năm nay.

Ô nhiễm rác ở miền Tây: Dân chặn xe, treo băng rôn, than trời vì núi rác - 11

Ông Nguyễn Văn Lợi đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề mùi hôi, nước thải và ruồi đang ảnh hưởng trực tiếp đến hộ dân sống trong khu vực huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long (Ảnh: Hải Long).

Ông Lợi cho biết: Ngần ấy thời gian, vô số lần ông đã thay mặt dân gửi đơn kiến nghị, lên tiếng trong các cuộc họp hội đồng nhân dân cấp huyện, tỉnh và thành phố. Bởi lẽ, điều ông lo lắng nhất, bãi rác đang ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân thông qua việc sử dụng nước.

Năm 2000, ông Lợi chủ động đứng ra hiến đất, xây dựng nhà máy nước sạch. Thế nhưng, tháng 4 vừa qua, chất lượng nguồn nước nguyên liệu tại xã Hòa Phú đã không đạt tiêu chuẩn an toàn, buộc nhà máy phải đóng cửa.

"Tôi đành chấp nhận phương án dùng nước nguyên liệu từ Phú Đức, Long Hồ kéo mấy chục cây số về cho dân sử dụng. 76 tuổi rồi, tôi chẳng còn sống bao lâu, nhưng chúng tôi còn một thế hệ trẻ…" - ông Lợi trầm ngâm.

Ngoài gây ô nhiễm môi trường, các hộ gia đình sinh sống cạnh bãi rác còn đối diện tình trạng động vật gây hại mà như ông Lợi khẳng định: "Ăn cơm ruồi, uống nước cà phê và ngửi mùi rác thối".

Nhằm chứng minh thực tế, chị Nguyễn Thị Mỹ Linh (47 tuổi, ngụ xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) đã lấy miếng dán ruồi đặt trên bàn ăn. Trong vòng 30 phút, ruồi đã bu kín mặt bàn như đậu đen.

"Dân bãi rác nên chịu" - chị Linh cười.  

Ô nhiễm rác ở miền Tây: Dân chặn xe, treo băng rôn, than trời vì núi rác - 12

Chị Linh sẵn sàng đặt miếng dán để chứng mình nhiều năm nay bản thân phải sống chung với ruồi (Ảnh: Hải Long).

4 năm trước, chị Linh chuyển nhà đến ấp Sâm Bua (xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) để mở tiệm cây cảnh. Chị Linh không bao giờ ngờ, quyết định ấy buộc gia đình chị chấp nhận sống chung với ruồi, muỗi, chuột và mùi hôi.

"Hôm có đoàn khách Bạc Liêu sang thăm, mình biết trước nên đã đặt miếng dán ruồi, thoa dầu gió, mua lá khuynh diệp. Vậy mà, đồ ăn mang ra, ruồi vẫn ken đặc. Khách bảo nhà giống đại hội võ lâm mà mình hổng biết nên vui hay buồn" - chị Linh cười mỉm, chỉ tay về hướng bãi rác đã chất cao gấp 3 lần ngôi nhà của bản thân.

Ô nhiễm rác ở miền Tây: Dân chặn xe, treo băng rôn, than trời vì núi rác - 13

Khung cảnh bên trong nhà máy xử lý rác tại ấp Sâm Bua (xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) (Ảnh: Hải Long).

Người dân treo băng rôn chặn xe chở rác vì không chịu nổi ô nhiễm

Sáng 20/7, ngày thứ 2 liên tiếp người dân gần bãi rác An Hiệp (Ba Tri, Bến Tre) tập trung chặn đường, căng băng rôn không cho xe rác vào bãi. Trên đường dẫn vào bãi rác, hàng chục người thay phiên nhau túc trực ngày đêm, người dân dựng cả lều lán để bám trụ lâu dài.

Trong đoàn chặn xe rác, ông Huỳnh Văn Châu cho biết, 10 năm nay kể từ khi bãi rác hình thành, việc nuôi tôm của gia đình ông cũng như nhiều người trong vùng liên tục thất bát. Rác từ bãi rác bay xuống ao, khiến nước ô nhiễm, tôm liên tục mắc bệnh chết.

"Trước đây còn đỡ, khoảng 1 năm nay tình hình ô nhiễm trở nên kinh khủng. Mỗi ngày có hơn 100 xe chở rác về đây, rác chất cao như núi. Rác bay, rồi khói đốt rác bay vô nhà thường xuyên, mùi thì không tả nổi", ông Châu nói.

Trả lời báo chí, ông Bùi Minh Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre thừa nhận có tình trạng phát tán mùi, nước rỉ rác ra môi trường, gây ô nhiễm quanh bãi rác An Hiệp.

Ông Tuấn cho biết, Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre (huyện Châu Thành) có công suất xử lý 160 tấn rác/ngày, nhưng đang phải tạm đóng cửa vì gây ô nhiễm. Tạm thời bãi rác An Hiệp đang tiếp nhận rác thay cho nhà máy Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre.

Bãi rác An Hiệp hiện đang xử lý rác bằng cách chôn lấp. Ông Tuấn cho biết thêm, ngành chức năng đang thực hiện các giải pháp như xây dựng tường rào bao quanh khu vực bãi rác, phủ bạt che chắn các khu vực bãi rác. Dự kiến trong khoảng 30 ngày tới tình hình sẽ được kiểm soát.

*Mời quý độc giả đọc tuyến bài:

Bài 1: Những bãi rác cao như núi ở miền Tây, trải từ đất liền ra tới biển đảo