(Dân trí) - Những ngày qua, hàng trăm chiến sĩ biên phòng Lạng Sơn đã trực chiến 24/24, "ăn lán, ngủ rừng" để canh gác đường mòn biên giới Việt - Trung, ngăn chặn hoạt động xuất nhập cảnh trái phép.
NHỮNG CHIẾN SĨ BIÊN PHÒNG ĐẮP ĐÁ LÀM GIƯỜNG, RÒNG RÃ NƠI BIÊN GIỚI CHỐNG DỊCH CORONA
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (nCoV) gây ra, từ nhiều ngày nay, dọc tuyến đường biên giới Việt - Trung tại Lạng Sơn dài 253 km, các chiến sĩ bộ đội biên phòng đã kiên trì "ăn lán, ngủ rừng", ngày đêm canh gác, ngăn chặn các hoạt động xuất nhập cảnh trái phép trên biên giới, cũng như chống buôn lậu, vận chuyển gia súc, gia cầm đảm bảo an toàn vùng biên.
Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Lạng Sơn đã thành lập 85 tổ cơ động, lán trại nhằm ngăn chặn các hoạt động xuất nhập cảnh trên biên giới, cũng như chống buôn lậu, vận chuyển gia súc, gia cầm đảm bảo an toàn vùng biên. Đội biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đã triển khai 11 lán dã chiến (10 lán trực và 1 lán cách ly nếu phát hiện người có dấu hiệu bị bệnh) nằm rải rác dọc đường mòn biên giới huyện Cao Lộc, Lạng Sơn. Trong thời điểm dịch corona diễn biến phức tạp, việc ngăn chặn hoạt động xuất nhập cảnh trái phép càng trở nên cần thiết. Các chiến sĩ biên phòng túc trực 24/24, "ăn gió nằm sương" suốt từ trước Tết Nguyên đán đến nay.
Những ngày "ăn gió nằm sương", kê đá làm giường
Những ngày đầu tháng hai, nhiệt độ miền Bắc giảm mạnh.
Ở vùng núi Lạng Sơn, chỉ chớm qua 17h, trời đã tối sầm sì, cái lạnh rét buốt chạm đến tận xương.
"Các anh phóng viên từ Hà Nội chắc chưa quen được vì lạnh ở vùng này khắc nghiệt hơn thủ đô rất nhiều. Chúng tôi ở đây một tháng nay rồi mà nhiều đêm còn sợ cái nhiệt độ ấy", thiếu tá Hoàng Đức Thiện - Đội trưởng Đội vũ trang, đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn vừa rảo bước trên con đường mòn gập ghềnh dẫn lên lán trại vừa chia sẻ.
Những chiếc lán dã chiến - nơi anh Thiện và đồng đội tập kết để thực hiện nhiệm vụ nhiều ngày nay nằm cheo leo ở lưng chừng núi. Con đường dẫn đến khu lán dã chiến "gần nhất, dễ đi nhất" cũng đã đủ ngoằn nghoèo, trơn trượt khiến một phóng viên như tôi ngã lên ngã xuống, chật vật lắm mới theo kịp bước chân người chiến sĩ.
Ở mỗi lán trại tại đây có từ 7- 9 chiến sĩ thay phiên nhau trực 24/24. Bất kể đêm hay ngày, các chiến sĩ đều triển khai tuần tra, kiểm soát hoạt động ở các khu vực đường mòn, lối mở giáp ranh biên giới Việt - Trung.
"Thời tiết ở vùng núi khắc nghiệt, mưa dầm gió bấc, độ ẩm rất cao, đêm về có khi chỉ 5 - 7 độ C. Anh em vừa trực, đi tuần tra vừa động viên nhau cố gắng kiên trì hoàn thành nhiệm vụ", thiếu tá Thiện cho biết.
"Xung quanh lán thì nhóm thêm ít củi lửa để sưởi ấm. Những ngày đầu mới lên chưa lắp được điện, chúng tôi còn thắp sáng bằng nến, rồi đốt hương đuổi muỗi, côn trùng. Với lực lượng bộ đội Cụ Hồ chúng tôi thì việc ăn lán ngủ rừng này không phải điều trở ngại", thiếu tá Thiện nói.
Với nhiều chiến sĩ trẻ, đây là năm đầu tiên, họ được phân công tăng cường túc trực ở khu vực biên giới nên không được về nhà ăn Tết.
"Năm đầu không về ăn Tết nên không tránh khỏi có lúc nhớ cha mẹ và cha mẹ cũng sốt sắng lo nhớ con. Nhưng tôi xác định, mình mang nhiệm vụ cấp trên giao cho thì phải kiên cường, bản lĩnh, cố gắng bảo vệ, ngăn chặn hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, đặc biệt giữa thời điểm dịch bệnh corona phức tạp. Tranh thủ lúc nghỉ ngơi, kết thúc ca trực thì tôi đều gọi về để gia đình yên tâm", thiếu úy Dương Quý Đôn, đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn tâm sự.
Thiếu úy Đôn chia sẻ thêm: "Lần này đi làm nhiệm vụ tôi mới lần đầu được "nếm" cảm giác ngủ trên đá là như thế nào. Mấy ngày trước, mưa lớn kéo dài liên tục, nước chảy xối xả vào lán. Để không bị ướt, lạnh, anh em phải kê đá tai mèo lên cao để đặt giường lên. Chiếc giường nằm vắt vẻo trên các phiến đá sắc nhọn. Chúng tôi phải mặc áo chồng áo mới chợp mắt nổi trong cái lạnh buốt xương".
"Có khi lạnh quá không ngủ được, chúng tôi lại dậy trực cùng anh em luôn".
"Xác định đây là thời gian cao điểm phòng chống lây lan dịch bệnh nên mỗi chiến sĩ đều quyết tâm cao để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không quản ngại khó khăn gian khổ", thiếu tá Hoàng Đức Thiện chia sẻ.
Những cuộc gọi "tiếp sức" từ gia đình
Cuộc nói chuyện của tôi và các chiến sĩ đồn biên phòng cửa khẩu Hữu Nghị bị gián đoạn bởi tiếng chuông điện thoại.
"Điện thoại của con gái tôi gọi đấy. Tối nào vợ và con cũng gọi lên mà nhiều khi sóng chập chờn, rất khó để nghe", thiếu tá Thiện vừa nói vừa rút chiếc điện thoại ra.
"Bố ơi con nhớ bố lắm rồi, bố mau về đi", từ đầu dây bên kia tiếng một bé gái vang lên.
Anh Thiện mỉm cười nhìn con gái qua chiếc màn hình điện thoại.
"Bố đang làm nhiệm vụ ở biên giới với các chú. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, bố sẽ về với hai mẹ con".
Trong cuộc điện thoại chập chờn vì sóng yếu, vợ và con gái anh Thiện cố gắng động viên anh giữ gìn sức khỏe, vững tâm công tác. Vợ anh không quên dặn ông xã phải đeo khẩu trang, chú ý bảo vệ an toàn trong thời điểm dịch bệnh.
"Ở nhà con với mẹ khỏe bố ạ. Bố với các chú mặc ấm vào nhé ạ! Con đợi bố về với con...", tiếng cô bé lảnh lót nhắn nhủ với bố.
Người chiến sĩ biên phòng bao năm công tác ở biên giới, cùng đồng đội kiên cường tham gia nhiều nhiệm vụ trọng yếu cũng chợt đỏ hoe mắt khi nghe lời nhắn gửi của con gái.
"Những lúc khó khăn nhất chỉ cần nghe được tiếng của con, của vợ là tôi cảm thấy an lòng. Đó là nguồn động viên vô giá cho tôi cũng như nhiều anh em khác yên tâm công tác, quyết tâm hoàn thiện nhiệm vụ được giao phó ở vùng biên giới này", anh Thiện chia sẻ.
Cuộc điện thoại kết thúc, anh Thiện lại gác lại nỗi niềm riêng, cùng đồng đội tham gia tuần tra, kiểm soát chặt đường mòn, lối mở dọc biên giới...
Toàn Vũ