Miền Tây ở Nghệ An ngập sâu do ảnh hưởng của bão Wipha
(Dân trí) - Hoàn lưu bão Wipha khiến nước sông, suối ở nhiều địa phương miền Tây Nghệ An dâng cao đột ngột, gây ngập sâu, chia cắt nhiều tuyến đường huyết mạch và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.

Tối 22/7, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Viết Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Mường Xén (Nghệ An), cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Wipha, nước sông Nậm Mộ dâng cao bất thường, nhấn chìm một số đoạn trên quốc lộ 7.

“Các đoạn bị ngập chủ yếu qua khối 1, 4 và 5 của xã Mường Xén. Nước sông dâng lên đột ngột từ chiều do mưa lớn đầu nguồn phía Lào, cộng thêm việc thủy điện Nậm Mộ xả lũ khiến nước dồn về rất nhanh, lòng sông không kịp thoát”, ông Hùng thông tin.

Trước diễn biến phức tạp, chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo tại các điểm ngập sâu, đồng thời bố trí lực lượng túc trực hai đầu tuyến để đảm bảo an toàn cho người dân, phương tiện qua lại.
Mưa lũ dồn dập, miền Tây ở Nghệ An nhiều nơi ngập sâu (Video: Mạc Nguyên).
“Hiện lượng mưa tại chỗ không lớn nhưng nguy cơ lũ ống, lũ quét vẫn rất cao do nước từ thượng nguồn đổ về. Chúng tôi đang chủ động ứng phó và theo dõi sát tình hình”, ông Hùng cho biết thêm.


Trong khi đó, tại xã Nhôn Mai - địa bàn vừa xảy ra lũ quét trong chiều cùng ngày, tình hình mưa lũ vẫn đang diễn biến phức tạp.
Theo ông Mạc Văn Nguyên, Bí thư Đảng ủy xã, mực nước các khe suối trên địa bàn tiếp tục dâng cao, gây ngập lụt nghiêm trọng, chia cắt nhiều khu dân cư.

“Nhiều hộ dân sống ven khe bị sạt lở phải di dời khẩn cấp. Đặc biệt, tuyến đường vào bản Huồi Măn, một trong những bản xa và khó khăn nhất xã, hiện nay bị sạt lở nghiêm trọng, lực lượng chức năng chưa thể tiếp cận.
Trước mắt, anh em đang nỗ lực phân tán lực lượng tới từng điểm nóng để hỗ trợ người dân, tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người”, ông Nguyên cho hay.

Cùng thời điểm, tại xã Tam Quang, mực nước sông Lam lên cao tràn qua quốc lộ 7 có đoạn ngập 40-80cm. Một số điểm thấp trũng ven sông đã bắt đầu xuất hiện ngập úng cục bộ.
Theo người dân địa phương, nước sông Lam dâng nhanh trong vòng vài giờ đồng hồ buổi chiều 22/7, khiến nhiều người không kịp trở tay. “Chúng tôi phải huy động người thân di dời tài sản lên cao. Nếu trời còn mưa nữa thì chỉ vài tiếng nữa nước sẽ tràn lên mặt đường”, một người dân xã Tam Quang cho biết.

Trong khi đó, tại xã Yên Hòa, ảnh hưởng của hoàn lưu bão Wipha khiến nước lũ dâng cao đột ngột, gây thiệt hại nặng về nông nghiệp, hạ tầng và khiến hơn 200 hộ dân bị cô lập.
Tối 22/7, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Đậu Đức Truyền, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa, cho biết, từ đêm 21 đến ngày 22/7, trên địa bàn xảy ra mưa lớn kéo dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và nhiều công trình hạ tầng của xã.

Theo thống kê đến 17h cùng ngày, mưa lũ đã khiến hơn 216 hộ dân ở các bản Xốp Cốc, bản Tạt, bản Cành Khỉn và Xốp Khấu bị cô lập hoàn toàn. Nước từ các khe suối như Khe Ngậu dâng cao làm ngập sâu các cầu tràn, đập tràn, khiến các tuyến đường liên bản bị chia cắt. Trong đó, cầu tràn Xốp Cốc bị ngập sâu nhất, hơn 1 mét nước, gây ách tắc toàn bộ tuyến vào hai bản.
“Ngay sau khi nhận định tình hình mưa lũ phức tạp, xã đã triển khai các tổ công tác đến từng bản, đặc biệt là các khu vực thấp trũng, ven khe suối, vừa tổ chức sơ tán dân, vừa trực gác tại các điểm cầu tràn, không để người dân qua lại vùng nguy hiểm”, ông Truyền nói.

Về thiệt hại, UBND xã cho biết chưa ghi nhận thiệt hại về người. Tuy nhiên, mưa lũ đã làm 2 căn nhà dân bị hư hỏng nặng do sạt lở đất (gồm 1 nhà kiên cố và 1 nhà bán kiên cố), 7 hộ dân khác bị ngập một phần và 3 hộ có nguy cơ sạt lở ta luy dương đã được di dời khẩn cấp đến nơi an toàn.
Toàn xã có 19,9ha lúa và 3,7ha hoa màu bị ngập úng, trong đó 100% diện tích được xác định mất trắng; về giao thông, xã Yên Hòa hiện là điểm nóng về sạt lở và chia cắt do địa hình dốc và nhiều khe suối lớn. Ngoài 2 bản Xốp Cốc và bản Tạt bị cô lập do ngập đập tràn, 9 hộ dân ở bản Cành Khỉn và 11 hộ dân ở khu vực cầu tràn Xốp Khấu cũng đang bị chia cắt tạm thời.
“Xã đã huy động lực lượng công an, dân quân tự vệ, đoàn thanh niên và các tổ cứu hộ trực chiến 24/24. Mọi hoạt động đi lại qua vùng ngập sâu đều bị nghiêm cấm. Chúng tôi đang đề xuất huyện và tỉnh hỗ trợ phương tiện, nhu yếu phẩm và lên phương án sẵn sàng tiếp tế bằng bộ, bởi nếu mưa tiếp tục thì sẽ rất khó tiếp cận các điểm bị cô lập”, Chủ tịch UBND xã Đậu Đức Truyền cho biết.

Cầu treo tại bản Quạnh, xã Mường Quàng bị mưa lũ cuốn đứt.
Ảnh: Bạn đọc cung cấp.