DMagazine

Khai thông đường thủy, tìm lời giải cho bài toán kẹt xe ở TPHCM

(Dân trí) - Năm 2023, một trong những mục tiêu TPHCM đặt ra là đẩy mạnh phát triển giao thông đường thủy để giảm tải cho giao thông đường bộ, giúp người dân có thêm lựa chọn đi lại và hạn chế phương tiện cá nhân.

Khai thông đường thủy, tìm lời giải cho bài toán kẹt xe ở TPHCM

(Dân trí) - Năm 2023, một trong những mục tiêu TPHCM đặt ra là đẩy mạnh phát triển giao thông đường thủy để giảm tải cho giao thông đường bộ, giúp người dân có thêm lựa chọn đi lại và hạn chế phương tiện cá nhân.

Những ngày cuối năm 2014, người dân TPHCM hồ hởi với một công trình tầm cỡ quốc tế sẽ khởi công tại khu vực cảng Ba Son (quận Bình Thạnh). Thời điểm đó, tòa Landmark 81 không chỉ lập kỷ lục tòa nhà cao nhất Việt Nam mà còn là cao ốc sang trọng bậc nhất - biểu tượng mới cho sự phát triển năng động và phồn vinh của đô thị sôi động nhất cả nước.

Cách đó không xa, làng chài cuối cùng tại TPHCM, nép mình dưới chân cầu Bình Lợi, chính thức bị xóa sổ sau hơn 40 năm, kể từ khi những cư dân đầu tiên tới đây. Hình ảnh làng chài gợi nhớ những phận đời lênh đênh sông nước, một nét đặc trưng của Sài Gòn xưa đã không còn.

Khai thông đường thủy, tìm lời giải cho bài toán kẹt xe ở TPHCM - 1

Với khoảng 1.000km sông, kênh, rạch chảy qua địa bàn, tiềm năng phát triển giao thông đường thủy của TPHCM không hề thua kém các đô thị lớn trên thế giới (Ảnh: I.T.)

Hai hình ảnh diễn ra cùng thời điểm đó, như phản ánh rõ xu hướng phát triển của TPHCM. Những công trình, dự án vươn mình sát mép sông Sài Gòn qua từng năm tháng nhưng hoài niệm, ký ức về nét đặc trưng của đời sống "trên bến dưới thuyền" dần bị xóa mờ...

Nối lại mạch đường thủy

Một chiều đầu năm mới 2023, Huỳnh Thanh Nhật (24 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) cùng nhóm bạn quyết định dạo quanh thành phố, nhưng theo một cách khác ngày thường. Từ bến Bạch Đằng (quận 1), họ ngồi water bus di chuyển bến Thanh Đa (quận Bình Thạnh).

Trước mắt Nhật, những dãy nhà cao tầng dần hiện ra trọn vẹn như tách bạch với nền trời xanh và dòng nước đang cuồn cuộn xoáy theo động cơ tàu. "Đây là lần thứ hai mình đi water bus", Nhật nói.

Khai thông đường thủy, tìm lời giải cho bài toán kẹt xe ở TPHCM - 2
Khai thông đường thủy, tìm lời giải cho bài toán kẹt xe ở TPHCM - 3

Cuối năm 2017, TPHCM chính thức vận hành thương mại tuyến buýt sông (water bus) đầu tiên với lộ trình 9 bến, trải dài từ ga tàu thủy Bạch Đằng (quận 1) tới bến Linh Đông (TP Thủ Đức). Những ngày đầu tiên khai thác, loại hình giao thông mới mẻ đã đón nhận sự háo hức từ người dân và du khách.

Chia sẻ với phóng viên, anh Ngọc Thâu (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) kể, khi biết thông tin tuyến buýt sông sẽ hình thành, anh kỳ vọng việc rút ngắn thời gian đi làm mỗi ngày từ ngoại ô vào trung tâm thành phố. Với việc nhà gần bến Linh Đông, water bus có thể là lựa chọn tối ưu nhất để anh tránh kẹt xe mỗi giờ cao điểm.

"Thực tế, giờ khởi hành của các chuyến buýt sông là sau 8h30, sẽ không phù hợp với giờ làm của tôi. Tại bến Linh Đông cũng chưa có nhà để xe phục vụ người dân, du khách mà tận dụng bến bãi ngoài trời, số lượng hạn chế. Điểm mạnh duy nhất là phương tiện này giá thành phải chăng, dễ tiếp cận đại đa số người lao động", anh Thâu bày tỏ.

Khai thông đường thủy, tìm lời giải cho bài toán kẹt xe ở TPHCM - 4

Hiện nay, người dân, du khách vẫn lựa chọn water bus đơn thuần là để trải nghiệm (Ảnh: Hải Long).

Water bus được ra đời với mục đích ban đầu là bổ sung thêm một lựa chọn cho người lao động, góp phần giải quyết nạn kẹt xe vốn là điểm yếu cố hữu của thành phố. Thế nhưng, sau 5 năm triển khai, mục tiêu ấy vẫn chưa đạt được chọn vẹn khi người dân, du khách lựa chọn phương tiện này đơn thuần là trải nghiệm.

Một trong những nguyên nhân chính là hạ tầng kỹ thuật phục vụ người dân tại từng bến chưa thể đáp ứng nhu cầu. Ngay cả 2 đầu lộ trình là bến Bạch Đằng và bến Linh Đông, khu vực nhà để xe cho hành khách còn chưa hình thành, hoặc có số lượng phục vụ rất hạn chế. Ngoài ra, việc kết nối các nhà ga với các loại hình phương tiện công cộng khác như xe buýt, xe khách tại từng bến còn chưa được chú trọng.

Một vị khách lần đầu trải nghiệm buýt sông Sài Gòn nêu cảm nhận, những con tàu di chuyển khá nhanh, hành khách được hít thở bầu không khí trong lành. So với việc chạy xe máy trên đường thường xuyên gặp cảnh ùn tắc, nếu có thể dùng water bus để đi làm, đi học thì sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí.

Mặc dù chưa đạt kỳ vọng đề ra nhưng những chuyến buýt sông Sài Gòn đã thể hiện bước đầu quyết tâm của TPHCM trong việc tái tạo lại mạng lưới giao thông đường thủy, vốn là điểm mạnh của địa phương trong thời gian trước đây.

Lời giải cho bài toán kẹt xe

Theo Sở Giao thông vận (GTVT) TPHCM, năm 2022, các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn đã trở lại bình thường như trước khi có dịch Covid-19. Người dân từ các tỉnh tập trung về đây để làm việc, học tập nên số lượng phương tiện tăng 3,94% so với cùng kỳ năm 2021.

Điều đó đã gây áp lực lên hệ thống hạ tầng giao thông, dẫn đến tình hình giao thông trên địa bàn thành phố diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Mặc dù thành phố đã ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhưng nguồn vốn ngân sách còn hạn chế, chưa đáp ứng các chỉ tiêu, định hướng đã đề ra.

Khai thông đường thủy, tìm lời giải cho bài toán kẹt xe ở TPHCM - 5

Phát triển giao thông đường thủy sẽ giúp chia lửa, giảm tải cho giao thông đường bộ (Ảnh: Hải Long).

Với hơn 110 tuyến sông, kênh, rạch, tổng chiều dài gần 1.000km, hệ thống cảng biển, bến thủy nội địa rải đều, giao thông đường thủy hứa hẹn là lời giải mà địa phương đi tìm cho bài toán giải quyết kẹt xe tồn tại nhiều thập kỷ.

Tuy nhiên, lợi thế này cũng không dễ tận dụng đối với TPHCM. Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT thành phố, nhìn nhận, hệ thống giao thông đường thủy và hạ tầng loại hình này tại TPHCM còn nhiều hạn chế. Trong đó, khó khăn lớn nhất là quy hoạch bến thủy nội địa vẫn chưa có.

Đối với hạ tầng các bến thủy hiện hữu, lãnh đạo Sở GTVT cho biết, để đáp ứng nhu cầu hành khách, mỗi bến cần ít nhất một nhà chờ, nhà vệ sinh hay bãi đậu xe để người dân chuyển đổi phương tiện hoặc kết nối các loại hình giao thông khác. Đây là điểm hạn chế tiếp theo khiến vận tải đường thủy chưa thể phát huy tại địa phương.

Tại kỳ họp thứ 8 HĐND TPHCM khóa X vừa diễn ra, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM thông tin, năm 2023, với những lợi thế vốn có, TP sẽ khởi động nghiên cứu mạng lưới giao thông đường thủy, để phát huy tiềm năng và chia lửa, giảm tải cho giao thông đường bộ.

Kết nối các địa phương khác bằng đường thủy

Ngoài tuyến buýt đường thủy số 1 Bạch Đằng - Linh Đông đã đi vào hoạt động và tuyến buýt đường thủy số 2 Bạch Đằng - Lò Gốm đang được thực hiện thủ tục giao thuê đất để triển khai xây dựng các bến, TPHCM đã có và sắp triển khai thêm nhiều tuyến đường thủy kết nối với các địa phương khác.

Trong đó, tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu đã đưa vào hoạt động từ tháng 1/2021, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, khách du lịch, ô tô các loại từ Cần Giờ, TPHCM đi TP Vũng Tàu và ngược lại.

Giữa năm 2022, Sở GTVT đã chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan khảo sát tuyến đường thủy từ bến Bạch Đằng (quận 1) đi các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre. Qua khảo sát, tuyến luồng đường thủy này thông thoáng, đảm bảo cho phương tiện thủy lưu thông thuận lợi, các bến gắn liền các điểm du lịch, giao thông đường bộ kết nối thuận lợi để khai thác hành khách, kết hợp du lịch.

Việc phát triển vận tải hành khách, kết hợp du lịch kết nối liên tỉnh do các doanh nghiệp phối hợp đầu tư, khai thác, Sở GTVT TPHCM sẽ phối hợp Sở Du lịch TPHCM và các đơn vị liên quan để hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động trên tuyến.

Năm 2023, TPHCM dự kiến đưa vào khai thác tuyến TPHCM đi Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và ngược lại. Tuyến này sẽ đưa vào khai thác sau khi hệ thống cầu bến phía huyện Côn Đảo được đầu tư hoàn thành (dự kiến hoàn thành trong năm 2023).

UBND TP cũng đang phối hợp UBND tỉnh Tiền Giang thống nhất phương án khai thác hoạt động tuyến vận tải hành khách, hàng hóa cố định bằng phà biển Cần Giờ - Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang và dự kiến đưa vào khai thác năm 2023.

Theo báo cáo nghiên cứu phát triển loại hình vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy trên địa bàn TPHCM, kết quả khảo sát có đến 80% người dân được hỏi sẽ sử dụng tuyến buýt đường thủy liên tỉnh trong khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ. Có thể thấy, nhu cầu sử dụng các tuyến buýt đường thủy liên tỉnh này rất tiềm năng.

Khai thông đường thủy, tìm lời giải cho bài toán kẹt xe ở TPHCM - 6

Amsterdam (Hà Lan) là một trong những thành phố tận dụng tốt lợi thế về sông nước (Ảnh: Quang Huy).

Với khoảng 1.000km sông, kênh, rạch chảy qua địa bàn, tiềm năng phát triển giao thông đường thủy của TPHCM không hề thua kém các đô thị lớn trên thế giới. Những thành phố tận dụng tốt lợi thế về sông nước có thể kể đến như Amsterdam (Hà Lan) - nơi có phần lớn diện tích thấp hơn mực nước biển.

Khai thông đường thủy, tìm lời giải cho bài toán kẹt xe ở TPHCM - 7

Nước Pháp có hệ thống kênh rạch phong phú, trải rộng trên khắp lãnh thổ quốc gia. Đây là điều kiện thuận lợi để giao thương kinh tế và gắn kết văn hóa các vùng của nước Pháp (Ảnh: Quang Huy).

Ngoài ra, thủ đô Paris (Pháp) phát triển không gian du lịch, văn hóa, kinh tế hai bên bờ sông Seine cũng là mô hình TPHCM có thể tham khảo.

Điểm còn thiếu của TPHCM so với những thành phố trên là sự đồng bộ, kết nối đường thủy với các phương thức đường sắt, xe buýt, xe đạp, xe buýt nhanh… Khi tìm ra lời giải cho bài toán này, giao thông đường thủy sẽ là cơ hội cho TPHCM để quy hoạch một đô thị lý tưởng, phát triển theo hướng bền vững, giải quyết vấn đề giao thông và kích thích kinh tế đô thị phát triển.

Khai thông đường thủy, tìm lời giải cho bài toán kẹt xe ở TPHCM - 8

Thực hiện: Quang Huy - Phương Nhi