PhotoStory

Hiện trạng tuyến Vành đai 4 đi qua TPHCM sau khi "nắn tuyến"

Thực hiện: Hải Long

(Dân trí) - Sau đề xuất "nắn tuyến" Vành đai 4 của Sở GTVT TPHCM, UBND TP đã phê duyệt, từ đó tiết kiệm hơn 4.000 tỷ đồng, hàng trăm hộ dân không phải di dời.

Hiện trạng tuyến Vành đai 4 đi qua TPHCM sau khi nắn tuyến - 1

UBND TPHCM đã chấp thuận phương án điều chỉnh hướng tuyến vành đai 4 đoạn qua TPHCM với chiều dài hơn 17km để tránh nhiều nhà dân, các tuyến đường hiện hữu, tiết kiệm hơn 4.000 tỷ đồng.

Hiện trạng tuyến Vành đai 4 đi qua TPHCM sau khi nắn tuyến - 2

Điểm đầu của đường Vành đai 4 khi nối từ tỉnh Bình Dương vào TPHCM là đoạn cắt qua bờ sông Sài Gòn (khu vực đường Bàu Lách giao với tỉnh lộ 15, huyện Củ Chi).

Khu vực này cũng là điểm kết nối giữa TPHCM và tỉnh Bình Dương thông qua cầu vượt sông Sài Gòn

Hiện trạng tuyến Vành đai 4 đi qua TPHCM sau khi nắn tuyến - 3

Nút giao đường Bàu Lách và tỉnh lộ 15 có khá đông dân cư sinh sống, nằm cách bờ sông Sài Gòn khoảng 200m.

Theo phương án 1 (không được chấp thuận), tuyến đường nếu đi theo quy hoạch sẽ qua đường Bàu Lách dài khoảng 4,7km và đường Nguyễn Thị Rành khoảng 2,1km. Tuy nhiên, nơi đây có nhiều nhà dân, các công trình công cộng. Nếu triển khai phương án 1 phải di dời hơn 600 hộ dân.

Hiện trạng tuyến Vành đai 4 đi qua TPHCM sau khi nắn tuyến - 4

Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh, đoạn này được thực hiện theo phương án 3. Theo đó, tuyến sẽ vượt sông Sài Gòn đi trùng với đường Bàu Lách khoảng 750m, sau đó được "nắn" vào khu vực thưa dân.

Hiện trạng tuyến Vành đai 4 đi qua TPHCM sau khi nắn tuyến - 5

Gia đình ông Trần Văn Minh (đường 450, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi), nhà chỉ nằm cách nút giao Bàu Lách - tỉnh lộ 15 khoảng 50m. 

"Trước đây nghe nói có phương án 1 là đi trùng với đường Bàu Lách, nhưng sau đó hủy phương án. Với phương án mới, gia đình tôi nằm ngay khu vực này cũng chưa nghe thông báo gì. Nhưng nếu tuyến Vành đai 4 có đi qua khu đất nhà tôi, tôi cũng chấp nhận di dời, nếu được đền bù hợp lý. Công trình Nhà nước mình phải ủng hộ", ông Minh nói.

Hiện trạng tuyến Vành đai 4 đi qua TPHCM sau khi nắn tuyến - 6

Sau khi điều chỉnh lại phương án, đường Vành đai 4 TPHCM sẽ đi qua khu du lịch sinh thái Củ Chi. Khu vực này đang khá thưa dân cư, đất được trồng cây, hoa màu là chủ yếu. 

Hiện trạng tuyến Vành đai 4 đi qua TPHCM sau khi nắn tuyến - 7

Tuyến sau khi đi qua khu sinh thái Củ Chi sẽ cắt ngang đường Nhuận Đức, nút giao này cách điểm đầu của Vành đai 4 TPHCM khoảng 6km. 

Trong tương lai, khu vực này sẽ là nút giao lớn giữa tuyến Vành đai 4 TPHCM với cao tốc TPHCM - Mộc Bài.

Hiện trạng tuyến Vành đai 4 đi qua TPHCM sau khi nắn tuyến - 8

Trước đó, theo phương án 1 (không được duyệt) Vành đai 4 TPHCM đoạn giao với quốc lộ 22 sẽ đi trùng với tuyến đường hiện hữu Nguyễn Thị Rành khoảng 2,1km. Khu vực này hiện là khu dân cư đông đúc, hai bên đường các công trình dày đặc. 

Hiện trạng tuyến Vành đai 4 đi qua TPHCM sau khi nắn tuyến - 9

Tuy nhiên, sau khi phương án 1 không được chấp thuận, TPHCM đã đưa ra phương án 2 và 3, "nắn tuyến" đi vào khoảng đồng ruộng, khu vực ít dân cư. 

Phương án 3 sẽ đi cắt ngang Khu công nghiệp Tây Bắc (góc trên phải ảnh). Và phương án 2 đi tương đối trùng với phương án 3 nhưng sẽ né Khu công nghiệp Tây Bắc.

Hiện trạng tuyến Vành đai 4 đi qua TPHCM sau khi nắn tuyến - 10

Cầu Thầy Cai (nối tỉnh lộ 8 về Long An) là điểm cuối của dự án Vành đai 4 đoạn qua TPHCM. 

Hiện trạng tuyến Vành đai 4 đi qua TPHCM sau khi nắn tuyến - 11

Hiện đường tỉnh lộ 8 khá nhỏ, chỉ có 2 làn xe, tuy nhiên lượng phương tiện lưu thông rất lớn, với nhiều xe khách, xe tải qua lại hàng ngày.

Hiện trạng tuyến Vành đai 4 đi qua TPHCM sau khi nắn tuyến - 12

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, dự án Vành đai 4 có tổng chiều dài hơn 206km đi qua 5 tỉnh thành gồm: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100km/giờ, mặt cắt ngang 6-8 làn xe. Đây là tuyến vành đai cao tốc thuộc quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia, có chiều dài khoảng 199km, đầu tư trước năm 2030.

Đây là dự án kết nối với tất cả các tuyến cao tốc, quốc lộ của vùng nên nếu triển khai đoạn nào hoàn thành trước thì có thể đưa vào khai thác ngay, phát huy hiệu quả của các tuyến hướng tâm.

Hiện trạng tuyến Vành đai 4 đi qua TPHCM sau khi nắn tuyến - 13

Sơ đồ mặt bằng 3 phương án tuyến Vành đai 4 TPHCM (Ảnh: Sở GTVT TPHCM).

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, Vành đai 4 là dự án giao thông trọng điểm, có tính cấp thiết và ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng Đông Nam bộ và các địa phương.

Do đó, cần nghiên cứu tăng ca, tăng kíp, rút ngắn thời gian để triển khai dự án, bởi nếu công trình đi vào khai thác sớm sẽ đem lại lợi ích rất lớn.