Chủ tịch TPHCM: Phải xây Vành đai 4 đạt chuẩn cao tốc
(Dân trí) - Ông Phan Văn Mãi lưu ý dự án Vành đai 4 TPHCM phải được xác định thực hiện đạt chuẩn cao tốc ngay từ đầu, không vì kinh phí hạn hẹp dẫn đến làm không đảm bảo an toàn.
Các địa phương cần thống nhất phải thực hiện Vành đai 4 TPHCM đạt chuẩn cao tốc. Thiếu tiền có thể cắt giảm các dự án chưa thật sự cần thiết để ưu tiên Vành đai 4, tránh để xảy ra sự cố.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nói như trên tại buổi làm việc với đoàn công tác của Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn và 4 tỉnh có dự án Vành đai 4 TPHCM đi qua, chiều 22/2.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, Vành đai 4 dài 200km được phân kỳ đầu tư nhưng ngay từ đầu cần xây chuẩn cao tốc để đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Ông Mãi cho biết, Vành đai 4 sẽ được giải phóng mặt bằng một lần với quy mô hoàn chỉnh từ đầu và làm trước 4 làn cao tốc. Tuy nhiên, khác Vành đai 3 đang triển khai giai đoạn một chỉ 4 làn hạn chế (không có làn dừng khẩn cấp mà bố trí điểm dừng), Vành đai 4 cần đầu tư đầy đủ dải dừng khẩn cấp cùng các yêu cầu kỹ thuật liên quan.
Khi đạt chuẩn cao tốc, quá trình khai thác tuyến đường sẽ an toàn hơn và tăng hiệu quả đầu tư, tránh như một số dự án chỉ 2-4 làn xe hạn chế khi mới hoàn thành đã phải tính đến chuyện mở rộng.
Mặt khác, bề rộng tuyến đường giữa các địa phương vẫn chưa được thống nhất. Ông Mãi đề nghị các tỉnh nghiên cứu, cho ý kiến và nghiên cứu làm cầu cạn đoạn vành đai qua TPHCM và Long An.
"Tuy chi phí có thể nhiều hơn so với đi bằng trên mặt đất, nhưng tiến độ có thể đẩy nhanh hơn bởi không phụ thuộc nhiều nguồn cát đắp nền", ông Mãi nêu.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn nhận định việc chậm thực hiện Vành đai 4 sẽ tác động đến hoạt động vận tải và trở thành gánh nặng cho vành đai 3 lẫn các đường nội đô.
Vành đai 4 khi hoàn thành sẽ đóng vai trò kết nối vùng rất quan trọng, tạo ra không gian mới phục vụ hàng chục triệu dân trong tương lai.
Bộ GTVT sẽ sớm lồng ghép Vành đai 4 TPHCM vào quy hoạch vùng chiến lược và cập nhật vào quy hoạch vùng Đông Nam bộ", ông Tuấn cho biết.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ GTVT cũng đề nghị các địa phương sớm có sự thống nhất về ranh giới liền kề (điển hình là khu vực cầu Thủ Biên giữa Đồng Nai - Bình Dương) để Bộ GTVT nghiên cứu, cùng các địa phương xin cơ chế.
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết sẽ cùng các địa phương phấn đấu trình Quốc hội chủ trương đầu tư vào kỳ họp giữa năm nay (chậm nhất 20/3 phải hoàn thành để khai mạc kỳ họp vào 20/5).
Ông Mãi dự liệu khả năng trình hồ sơ lần đầu không kịp vào ngày 20/3, tuy nhiên TP xác định làm ngày làm đêm để kịp hoàn thành hồ sơ.
Chủ tịch UBND TP cũng kiến nghị Bộ GTVT sớm chọn giúp đơn vị giao nhiệm vụ tư vấn tổng thể, nguồn kinh phí sẽ do thành phố đảm bảo.
"Từ đó, TP sẽ cùng các địa phương hoàn thiện phương án hồ sơ trình Quốc hội như kế hoạch", ông Mãi nói và đề xuất Bộ GTVT có ý kiến thống nhất quy mô mặt cắt của các địa phương.
Về phương án thực hiện, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, nhận định trong hai phương án được đề xuất, phương án 1 (gộp chung toàn bộ tuyến đường thành 1 dự án chung) có nhiều ưu điểm.
"Đoạn nào hoàn thành trước có thể đưa vào khai thác luôn, phát huy hiệu quả của tuyến đường. Còn về nhược điểm, các địa phương còn chệch choạc về thông số kỹ thuật, cần có một cơ quan chủ quản", ông Lâm nói.
Đối với phương án 2, gộp dự án chung như Vành đai 4 Hà Nội có thuận lợi là đề ra một cơ quan đầu mối xuyên suốt để có cơ chế thực hiện chung.
Ông Lâm cho hay việc trình dự án tổng thể có mức vốn 107.000 tỷ (cho đến thời điểm này). Nếu thực hiện đúng chuẩn cao tốc, số vốn có thể phải đội lên và chưa có tiền lệ.
"Vành đai 4 Hà Nội chỉ 112km, còn TPHCM hơn 200km, đây là cái rất khó khăn. Nếu làm thế này, các dự án thành phần phải tạm dừng, mất thời gian vài tháng. Trong khi một số địa phương đã cơ bản bắt tay vào thực hiện", ông Lâm nêu ý kiến.
Dự án Vành đai 4 quy hoạch từ năm 2011, đi qua TPHCM và 4 địa phương Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuyến đường hiện được nghiên cứu tổng chiều dài gần 207km, trong đó Long An nhiều nhất với hơn 78km, Bình Dương 47,5km, Đồng Nai 45,6km, Bà Rịa - Vũng Tàu 18,1km, TPHCM 17,3km. Tổng mức đầu tư ước tính 106.000 tỷ đồng.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đường vành đai 4 TPHCM nằm trong danh mục dự án quan trọng quốc gia và ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2030.
Tuyến đường khi hoàn thiện sẽ tiết kiệm thời gian di chuyển, rút ngắn khoảng thời gian lưu thông từ thành phố đến khu vực nội đô Bình Dương, cảng Cát Lái, sân bay Long Thành (Long An) và ngược lại.